Rotterdam, Hà Lan - Khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gặp sáu Nghị sĩ Hà Lan sáng nay, Ngài nhanh chóng nói với họ rằng Ngài đã ngưỡng mộ như thế nào đối với sự quan tâm mà họ đã dành cho Tây Tạng. Theo thời gian, ngày càng có nhiều người đến để đánh giá cao rằng văn hóa Tây Tạng là tinh vi và hữu ích, trong khi nó đang bị phá hủy đều đặn ở Tây Tạng. Ngài chỉ ra rằng Tây Tạng luôn mang một ý nghĩa chính trị như một vùng đệm giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
“Chúng tôi không tìm kiếm sự độc lập, bởi vì nó có thể sẽ khó đạt được; nhưng nếu chúng tôi làm, thì chúng tôi sẽ vẫn nghèo. Hơn bất cứ ai khác, người Tây Tạng không còn phản đối sự thịnh vượng nữa. Nếu chúng tôi cùng ở lại chung sống với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC), thì chúng tôi có thể hưởng lợi từ nền kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc.
“Hiến pháp Trung Quốc công nhận các khu vực Tây Tạng khác nhau và chúng tôi nên có được sự tự do bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa của chúng tôi ở những vùng đó. Chúng tôi có thể làm việc cùng nhau, người Trung Quốc có thể cung cấp cho chúng tôi lợi ích về vật chất, và chúng tôi có thể cung cấp cho họ sự hỗ trợ về tinh thần. Tôi rất ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu đã mang lại tầm quan trọng hơn cho lợi ích chung so với chủ quyền của quốc gia hẹp hòi. Chúng tôi có thể tham gia vào một liên minh tương tự như thế đối với Trung Quốc.
“Về mặt lịch sử, Tây Tạng là một quốc gia độc lập. Các tài liệu của Trung Quốc đã ghi lại sự tồn tại trong thế kỷ thứ 7, 8 và 9 của ba đế chế độc lập - Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Sau đó, không có hồ sơ nào của Trung Quốc - từ triều đại nhà Đường cho đến triều đại Mãn Châu - gọi Tây Tạng là một phần của Trung Quốc cả. Tuy nhiên, quá khứ đã là quá khứ; và tôi lưu ý rằng các thành viên của Liên minh châu Âu vẫn là các quốc gia có chủ quyền.
“Năm 1951, chúng tôi nêu lên vấn đề Tây Tạng tại LHQ - nhưng vẫn không có gì xảy ra cả! Một lần nữa vào năm 1959 và 1965, chúng tôi kêu gọi thế giới qua sự phản đối của Ấn Độ, nhưng một lần nữa chẳng có gì xảy ra. Pandit Nehru nói với tôi rằng, Hoa Kỳ sẽ không chiến tranh với Trung Quốc để giải phóng Tây Tạng. Ông nói rằng chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với chính quyền Trung Quốc. Vào một dịp, Ông ấy đến gặp tôi, mang theo một bản sao của Thỏa thuận 17 điểm đề cập đến ‘Sự giải phóng hòa bình của Tây Tạng’ và chỉ ra những điểm mà chúng ta có thể thảo luận một cách hữu ích.
“Năm 1956 Nehru cố nài tôi trở về Tây Tạng sau khi viếng thăm Ấn Độ và tôi đã làm như thế. Tôi đã cố gắng đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc cho đến khi tình hình trở nên mất kiểm soát. 6 triệu người dân Tây Tạng đã ở trong tình thế rất khó khăn. Người Trung Quốc đã sử dụng đủ loại phương tiện để nghiền nát tinh thần Tây Tạng nhưng họ đã không thành công. Trong khi đó, 340.000 người đã bị giết, bị chết vì đói hoặc tự sát.
“Lúc bắt đầu, không hề có liên quan đến sự thù địch chủng tộc, nhưng điều đó đã thay đổi sau năm 1959 - khi sự căng thẳng đã phát triển giữa người Tây Tạng và người Hán. Khắp nơi, tinh thần Tây Tạng vẫn mạnh mẽ. Giờ đây, có vẻ như các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể thấy rằng chính sách đàn áp của họ đã bị thất bại, vì vậy họ đang bắt đầu thực hiện một phương pháp thực tế hơn. Thật vậy, sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng sẽ không chỉ biến mất cho đến khi họ giải quyết nó một cách thực tế. Có vẻ như các nhà lãnh đạo hàng đầu đã bắt đầu nhận ra rằng nó không giúp họ đẩy Đạt Lai Lạt Ma đi được - chúng ta để rồi sẽ thấy!”
Một trong những nghị sĩ đã hỏi làm thế nào hệ thống giáo dục có thể được thực hiện ít nghiêng về khuynh hướng vật chất; và Ngài đã nói với ông rằng, điều quan trọng hơn là nên khắc sâu các giá trị nội tâm và giải thích làm thế nào để nuôi dưỡng sự an lạc trong tâm hồn. Nếu có thể được thì nên giáo dục để nâng cao chất lượng tích cực của học sinh đã có từ lúc mới sinh ra.
“Hòa bình sẽ chỉ được thiết lập trên cơ sở các cá nhân đạt được sự an lạc nội tâm. Hòa bình sẽ không đạt được thông qua sự tức giận hoặc sử dụng vũ khí. Chúng ta đã chứng kiến quá đủ về sự bạo lực trên thế giới; thế kỷ 21 nên là một kỷ nguyên của hòa bình - một nụ cười chớm nở sẽ làm phát sinh sự đáp trả bằng một nụ cười”.
Trở lại Ahoy Arena trong ngày thứ hai, Paula de Wijs cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, các thành viên của Tăng đoàn và những người khác trong hội trường. Bà nói: “Từ bi được thảo luận trong tất cả các truyền thống tôn giáo, chứ không phải chỉ có ở Phật giáo. Mọi người đều cần đến lòng từ bi, đó sẽ là nguồn cảm hứng; vì thế những giáo lý này sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta.”
Ngài đã đi vào chủ đề. “Hôm nay, tôi sẽ giảng về bản văn nhỏ này,‘Tám bài Kệ luyện Tâm’, chủ yếu là về lòng vị tha. Như Paula vừa nói, mọi người đều có thể thấy được là nó hữu ích, không chỉ riêng có Phật tử. Cho dù bạn là người Do Thái, Kitô giáo hay Hồi giáo, các hành giả chân chính đều xem trọng việc thực hành lòng tử tế. Đôi khi, nếu cuốn sách mà chúng ta đang xem quá dày thì nó có thể trở nên nhàm chán, nhưng cuốn sách này đủ nhỏ để lọt vào túi của quý vị. Tôi đã nhận được giáo lý này khi tôi khoảng 15 hoặc 16 tuổi. Tôi đã học thuộc lòng bản văn, tụng nó hàng ngày và thấy nó thật sự rất hữu ích.
“Trước hết, tôi sẽ lướt qua cấu trúc cơ bản của Pháp. Phật giáo là một trong những truyền thống tâm linh lớn có nguồn gốc ở Ấn Độ. Giống như Kỳ Na giáo và một trong những chi nhánh của Số Luận Phái, không có sự hiện hữu của Đấng Tạo Hoá. Những người sáng lập những truyền thống này, như Mahavira và Đức Phật, là những người đạt được sự chứng ngộ. Họ sử dụng các phương pháp thực hành phổ biến ở Ấn Độ như các phương pháp trau giồi một tâm thức định tĩnh và trí tuệ thấu hiểu đặc biệt (shamatha và vipashyana). Trong trường hợp của Đức Phật, khi Ngài tiến sâu hơn vào bản chất của tâm thức và nghiên cứu về bản chất của “ngã”, Ngài kết luận rằng không hề có cái “ngã” độc lập của sự kết hợp cơ thể / tâm thức.
“Kinh điển nói rằng, nếu bạn tìm kiếm cái “ngã” thì hoá ra nó chỉ là một cái nhìn. Không có gì hơn là sự kết hợp cơ thể / tâm thức. Cũng giống như chúng ta nhìn thấy sự kết hợp của các bộ phận như một chiếc xe đẩy, vì vậy cái “ngã” thông thường dựa trên sự kết hợp cơ thể / tâm thức - không có một cái “ngã” độc lập. Trong “Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận” Ngài Long Thọ đã nói:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
“Và Ngài Thánh Thiên cũng nói trong tác phẩm “400 Bài Kệ”của mình:
Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền
Khéo chế ngự hỗn loạn này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên.
“Để khắc phục sự vô minh này đòi hỏi phải nỗ lực để hiểu được lý Duyên khởi”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, sau khi đạt được chứng ngộ, Đức Phật đã bày tỏ sự miễn cưỡng đối với việc thuyết giảng. Ngài đã trích dẫn:
Giáo Pháp tựa Cam lồ - ta đã khám phá ra
Thâm thúy, an lành, vô tự tính, sáng rỡ chẳng tạp pha -
Nếu ta truyền dạy, người đời không hiểu được,
Nên tại rừng này ta im lặng - chẳng nói ra.
Ở đây, “thâm thuý và an bình” có thể đề cập đến nguyên nhân và kết quả của đau khổ (Khổ) và nguồn gốc của nó trong vòng sinh tử luân hồi (Tập), cũng như nguyên nhân và kết quả của sự chấm dứt (Diệt) và con đường là nhân tố giải thoát (Đạo) - nói cách khác là Tứ Diệu Đế của lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên. “Vô tự tính” có thể được xem như ám chỉ tánh Không và Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật mà Ngài đã giảng dạy trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; “sáng rỡ, chẳng tạp pha” có thể đề cập đến ánh quang minh chủ thể được giải thích trong lần Chuyển Pháp Luân thứ ba. Tâm chủ quan của ánh quang minh này là điều cần thiết đối với Mật thừa Du già Tối thượng.
“Trong lời tuyên bố đầu tiên này sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật đề cập đến những gì Ngài sẽ dạy trong tương lai. Sau đó - theo lời thỉnh cầu của đệ tử của Ngài là Kaundinya và của các Thiên sứ của chư Thiên - Ngài đã giảng dạy. Việc giảng dạy đầu tiên diễn ra tại Vườn Nai, bên ngoài Varanasi, kèm theo sự giải thích về Tứ Diệu Đế. Nguyên nhân và kết quả của “Khổ” và “Tập” được mô tả như là nguyên nhân và kết quả của phiền não, trong khi nguyên nhân và kết quả của “Diệt” và “Đạo” là nguyên nhân và kết quả của vô phiền não.
“Mỗi phần của Tứ Diệu Đế có thể được hiểu trong mối liên hệ của bốn đặc điểm hành tướng. Chẳng hạn như “Khổ Đế”, có thể được hiểu qua bốn hành tướng là “vô thường”, “khổ”, “không” và “vô ngã”. Các đặc điểm hành tướng của sự thật về nguyên nhân của đau khổ (Tập) là “nhân”, “tập”, “sinh”, “duyên”. Diệt Đế được hiểu qua các hành tướng của “diệt”, “tĩnh”, “diệu”, “ly”; trong khi đó - Đạo Đế được hiểu qua các hành tướng của “đạo”, “như”, “hành”, “xuất”. Tư duy về các hành tướng này là một sự thực hành rất mạnh mẽ.
Ngài nhận xét: “Cho dù những cảm xúc phiền não có thể mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa cũng không thành vấn đề, miễn là bao lâu nó còn cắm rễ vào quan điểm tà kiến sai lầm thì nó không có sự hỗ trợ vững chắc và có thể bị đoạn trừ.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quan sát rằng vô minh và trí tuệ là những trạng thái của tâm đối lập với nhau. Cũng giống như khi có ánh sáng thì bóng tối sẽ biến mất, cho nên trí tuệ về vô ngã và tánh không sẽ nhổ được hoàn toàn gốc rễ của vô minh. Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật giải thích được một cách triệt để về Tứ Diệu Đế, đặc biệt là Diệt đế và Đạo đế. Ngài Long Thọ đã nói rằng, bằng cách hiểu được lý Duyên khởi, chúng ta thực sự hiểu thấu về Tứ Diệu Đế.
Khi Bát Nhã Tâm Kinh nói rằng: “Sắc tức là Không, Không tức là Sắc; Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc” - điều này không hề khẳng định rằng không có gì tồn tại; mà đúng hơn là chỉ ngụ ý rằng mọi thứ không tồn tại như cách mà chúng xuất hiện. Sắc có tồn tại, nhưng chỉ là một sự giả danh. Các khía cạnh của tâm thức cũng chỉ tồn tại bằng sự giả danh mà thôi. Ngài Long Thọ khẳng định rằng Đức Phật đã dạy:
“Các nhân duyên sanh pháp
Ta nói tức là không
Đó cũng là giả danh
Cũng là nghĩa Trung đạo
Chưa từng có một pháp
Chẳng từ nhân duyên sanh
Cho nên tất cả pháp
Không phải chẳng là không”
Nếu hiểu được điều này, thì quý vị sẽ hiểu được tầm quan trọng của hai Sự Thật (Nhị Đế), sự thật thông thường mà mọi sự tồn tại (Tục đế), và sự thật tối thượng của chúng trong tánh Không (Chơn đế).
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục thảo luận nội dung rõ ràng và nội dung tiềm ẩn của giáo lý Bát Nhã Ba La Mật như được nêu trong “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” của Ngài Di Lặc / Vô Trước. Nội dung rõ ràng là giải thích về tánh Không, nhưng những gì tiềm ẩn là các giai trình của Đạo Lộ. Theo nội dung tiềm ẩn, Đạo lộ bắt đầu với hai Chân lý (Nhị đế), tiếp tục khám phá Tứ Diệu Đế, đưa đến sự hiểu biết đúng đắn về Tam Bảo, Đức Phật là ai; Ngài đã dạy những gì; và vai trò của Tăng đoàn.
Ngài giải thích rằng, phong cách và trật tự của “Đèn Soi Nẻo Giác” mà Ngài Atisha đã dạy, đó là khuôn mẫu cho các giai đoạn tiếp theo của Thể loại Đạo Lộ, giả định rằng độc giả đã có một số hiểu biết về Pháp.
Trong bối cảnh thực hành, Ngài đề cập đến sự cần thiết đối với các cảnh giới cao hay sự tái sinh tốt để có thể theo kịp được nó. “Tràng Hoa Báu” của Ngài long Thọ đã liệt kê 16 nguyên nhân dẫn đến các cảnh giới cao. Mười ba hành động cần phải chấm dứt; trong đó có mười hành động bất thiện cần phải tránh; ba hành động thuộc về thân là: giết chóc (sát), trộm cắp (đạo) và ngoại tình (dâm); bốn hành động thuộc về khẩu là: nói dối, nói lưỡi hai chiều, nói lời ác độc, nói điều vô nghĩa; và ba hành động thuộc về ý là tham, sân, si. Ba hành động bổ sung cần được hạn chế bao gồm uống rượu, sinh kế bằng nghề ác, và làm điều tổn hại. Có ba hoạt động nữa cần được tiếp nhận là cung kính cúng dường, tôn kính những bậc đáng kính, và yêu thương. Ngài Thánh Thiên đã khuyên:
Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí.
Cầm lấy bản văn của “Tám Bài Kệ”, Ngài bắt đầu đọc. Ngài giải thích rằng bài Kệ đầu tiên nêu bật lên cách mà tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào người khác; và chỉ ra phương pháp trau giồi Bồ Đề Tâm. Có hai phương pháp chính: Nhân Quả Bảy điểm; và Bình đẳng và Hoán đổi Ngã - Tha.
Bài Kệ thứ hai khuyên rằng, hãy xem người khác là vượt trội hơn chính mình. Bài Kệ thứ ba khuyến cáo hãy cảnh giác với những cảm xúc tiêu cực, trong khi bài Kệ thứ tư nói về giá trị của việc nâng niu quý trọng những người gây rắc rối cho mình như những người thân yêu. Bài Kệ thứ năm khuyên hãy dâng hiến những chiến thắng thành công cho người khác, và bài thứ sáu khuyên hãy xem kẻ thù như những người bạn tâm linh. Bài thứ bảy giải thích rõ ràng về việc thực hành pháp môn “cho và nhận”; trong đó tưởng tượng rằng mình đón nhận tất cả những khổ đau của người khác với lòng từ bi vĩ đại, trong khi đem lại hạnh phúc đáp lại cho người với lòng từ ái. Đề cập đến pháp hành này là bí mật cho thấy rằng nó có thể không thích hợp đối với tất cả mọi người.
Cuối cùng, hai dòng đầu tiên của bài Kệ thứ tám cảnh báo chống lại tám mối bận tâm thế gian đối với sự khen - chê và vân vân. Lưu ý rằng hai dòng cuối cùng đề cập đến việc xem tất cả các pháp như ảo ảnh, Ngài đã đề cập rằng quý vị không cần phải là một Phật tử mới có thể hiểu được tánh Không.
“Rèn luyện tâm thức sẽ tạo ra một sự khác biệt,” Ngài tuyên bố. “Cho đến khi tôi được khoảng 13 tuổi, tôi không có hứng thú với những gì tôi đang học. Dần dần tôi phát triển một sự đánh giá cao rằng nó có thể sẽ hữu ích. Sau khi đến Ấn Độ, tôi đã xem xét lại những gì tôi đã học được, nhưng mục tiêu của tôi bây giờ là đạt được chứng ngộ chứ không phải chỉ để vượt qua một kỳ thi. Tôi đã thấy rằng, cố gắng để hiểu được tánh Không và mở rộng ý thức vị tha sẽ có tác dụng nới lỏng được sự kìm kẹp của lòng ái trọng tự thân. Tôi tin rằng, nếu tôi đã được hưởng lợi ích từ sự thực hành này, thì - nếu quý vị học hỏi và thực hành - quý vị cũng có thể hưởng được sự lợi ích từ nó.”
Đối với Hội Đạt Lai Lạt Ma, Reinier Tilanus thông báo rằng, có 21.000 người đã tham gia vào pháp hội và các buổi nói chuyện công cộng, 400.000 người đã xem chương trình phát sóng trực tiếp và 250 tình nguyện viên đã giúp đỡ rất nhiều. Tài khoản dành cho các sự kiện kéo dài ba ngày ở Hà Lan đã tạo ra thặng dư được 70.000 Euro. Ngài yêu cầu 20.000 Euro nên tặng để hỗ trợ việc dạy ngôn ngữ Tây Tạng cho trẻ em Tây Tạng ở Hà Lan. Số dư còn lại sẽ tặng cho công trình đang được phát triển tại Đại học Emory để thúc đẩy sự phát triển tình cảm, đạo đức và xã hội.