kỷ niệm lần thứ 47 Ngày Tây Tạng Khởi Nghĩa
Hôm nay, nhân dịp tưởng niệm lần thứ 47 Ngày Tây Tạng Khởi Nghĩa, tôi xin gửi lời chào nồng ấm đến các vị đồng hương Tây Tạng ở trong nước và lưu vong, cũng như các bạn bè của chúng ta trên khắp thế giới. Đồng thời, tôi cũng bày tỏ lòng kính trọng những người con can đảm của Tây Tạng, đã cống hiến cuộc đời và tiếp tục chịu đựng bao gian khổ vì sự nghiệp của dân tộc Tây Tạng.
Kể từ khoảng 1949, Tây Tạng đã chứng kiến những biến cố chưa từng có, đánh dấu khởi đầu cho một thời đại mới trong lịch sử đất nước này. Như đã công bố trong các tài liệu, vấn đề của Tây Tạng đã được quyết định với mục đích qua hợp ước giữa chính quyền trung ương và địa phương vào năm 1951, về việc lưu ý đến địa vị đặc biệt của Tây Tạng và hiện trạng phổ biến đương thời. Từ đó, tôi đã cố gắng hết sức để bảo đảm việc thực thi chính sách này, nhằm thực hiện việc tự trị đích thực cho nhân dân Tây Tạng trong khuôn khổ của Cộng Hòa Nhân Dân (CHND)Trung Hoa, để từ đó, tạo điều kiện cho đồng bào chúng ta sống hòa hợp và đoàn kết như một thành phần trong đại gia đình Trung Quốc.
Năm 1954-55, tôi đã viếng thăm Bắc Kinh với tư cách là một đại diện cho nhân dân Tây Tạng. Nhân dịp này, tôi đã đến thăm và thảo luận về tương lai của dân tộc Tây Tạng với Chủ tịch Mao Trạch Đông và các vị lãnh đạo cao cấp trong đảng, trong chính phủ và giới quân sự. Các buổi thảo luận này đã đem lại cho tôi nhiều hy vọng và yên tâm. Tôi trở về Tây Tạng với tinh thần lạc quan và tin tưởng. Tuy vậy, từ cuối năm 1955, phe cực tả quá khích đã bắt đầu tấn công liên tiếp các vùng đất của Tây Tạng. Vào năm 1959, toàn thể Tây Tạng rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Kết quả là tôi và hơn một trăm ngàn người Tây Tạng buộc phải đi lưu vong. Cho đến ngày nay, chúng tôi đã trải qua cuộc sống lưu vong đã bốn mươi sáu năm rồi.
Vào khoảng thời gian 1974, chúng tôi đã đề ra những nguyên tắc căn bản của Giải Pháp Trung Đạo, nhằm giải quyết vấn đề Tây Tạng, tin chắc rằng đến lúc nào đó, chúng tôi sẽ có cơ hội đàm phán với lãnh đạo Trung Quốc. Năm 1979, chúng tôi đã có cơ hội tương tác trực tiếp với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình đã phát biểu rằng ‘ngoại trừ chuyện độc lập, tất cả các vấn đề khác đều có thể được giải quyết qua thương lượng’. Từ đó, tôi đã theo đuổi Giải Pháp Trung Đạo với lòng kiên trì và chân thành.
Đương nhiên, tôi cũng đã đưa ra những lời phê bình, mỗi khi thấy các biến chuyển cực kỳ đau buồn ở Trung Quốc, Tây Tạng và trên thế giới. Nhưng việc phê bình này chỉ giới hạn trong việc tiếp cận thực tế của mỗi trường hợp cá biệt. Tôi không bao giờ rời xa lời cam kết với Giải Pháp Trung Đạo trong bất cứ lúc nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thế giới đều biết rõ điều đó. Đáng tiếc là Bắc Kinh dường như vẫn không có khả năng vượt qua nỗi nghi ngờ và ngờ vực về chủ ý của tôi; họ tiếp tục phê bình là tôi ngấm ngầm phát triển một chương trình nghị sự về việc ly khai và tham dự vào âm mưu để đạt mục tiêu đó.
Kể từ khi có sự tái thiết liên lạc trực tiếp giữa chúng tôi và CHND Trung Hoa vào năm 2002, các phái viên của tôi cùng với các đối tác Trung Hoa đã tham dự nhiều đợt hội thảo thẳng thắn và rộng rãi mà mỗi bên có thể giải thích cho vị trí của mình. Tôi hy vọng lối thảo luận này sẽ làm sáng tỏ những nghi ngại của CHND Trung Hoa; để từ đó, chúng ta có thể tiến tới việc dàn xếp những khác biệt trong quan điểm và vị trí, ngõ hầu tìm ra một giải pháp đồng thuận cho vấn đề Tây Tạng.
Đặc biệt hơn, trong vòng thảo luận thứ năm diễn ra vài tuần trước, hai phía đã có khả năng xác định rõ ràng những dị biệt chính và nguyên nhân của chúng. Họ cũng nhận thức giá trị của các điều kiện cần thiết để giải quyết vấn đề. Thêm vào đó, các phái viên của tôi cũng lập lại ước vọng muốn thăm viếng Trung Hoa trong một chuyến hành hương của tôi. Là một quốc gia có lịch sử Phật giáo lâu đời, Trung Quốc có nhiều địa điểm hành hương thiêng liêng. Song song với việc viếng thăm các Thánh Địa, tôi hy vọng có thể nhìn tận mắt những thay đổi và phát triển của CHND Trung Hoa.
Trong vài thập niên qua, Trung Quốc đã có những phát triển kinh tế và xã hội ngoạn mục. Điều này thật đáng ca ngợi. Vùng đất Tây Tạng cũng có những phát triển về cơ sở hạ tầng mà tôi luôn luôn xem như là điểm tích cực.
Nhìn lại năm thập niên qua của lịch sử Trung Quốc, người ta thấy những biến động vĩ đại dựa vào chủ thuyết Mác-Lê. Đó là dưới thời đại của Mao. Đặng Tiểu Bình, vì muốn tìm kiếm sự thật từ các dữ kiện, đã đề ra kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và đưa đến những tiến bộ kinh tế khổng lồ. Tiếp theo đó, Giang Trạch Dân với lý thuyết “Tam Đại Diện” của ông đã mở rộng phạm vi của Đảng Cộng Sản Trung Hoa bằng cách không chỉ bao gồm hai giới công, nông mà còn thêm ba nhân tố khác: lực lượng sản xuất tiên tiến, tiến trình tăng trưởng tiến bộ của văn hóa Trung Hoa và quyền lợi cốt lõi của số đông.
Ngày nay, lý thuyết “Tam Hòa hợp” của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào dự kiến một cuộc sống chung hòa bình và thuận thảo ngay tại Trung Quốc, cũng như với các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế. Tất cả những sáng kiến này được đảm trách tương ứng với thay đổi của thời đại. Kết quả là sự chuyển dịch của quyền lực chính trị và việc phát triển quốc gia vẫn tiếp tục không giảm sút. Và ngày nay, Trung Quốc đã nổi bật như một trong những cường quốc của thế giới, xứng đáng với lịch sử lâu dài và dân số vĩ đại.
Tuy vậy, vấn đề cốt lõi mà Trung Quốc cần phải xử trí song song với quyền lực chính trị và tăng trưởng kinh tế là thuận theo các trào lưu hiện đại như phát triển một xã hội cởi mở, tự do báo chí và chính sách minh bạch. Đó là nền móng của hòa bình đích thực, hòa hợp và ổn định như mọi người mẫn cảm đều đồng ý.
Người Dân Tây Tạng