Louisville, KY, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 5 năm 2103 - Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày cuối cùng của Ngài tại Louisville là với một nhóm Phật tử Việt Nam hiền lành.
Ngài nói: “Hãy bắt đầu bằng việc tụng Bát nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt. Trong khi quý vị trì tụng đó, hãy quán tưởng Đức Phật đang ngự trong không gian trước mặt quý vị; được bao quanh bởi các vị thầy Ấn Độ như Ngài Long Thọ và Ngài Vô Trước, và những Vị đã truyền Phật giáo đến Việt Nam. Và hãy nhớ rằng Đức Phật cũng đã phải thực hành qua bao nhiêu A tăng kỳ kiếp để cho chúng ta thấy rằng thông qua sự kết hợp giữa Bồ đề Tâm và trí tuệ thấu hiểu Tánh Không, chúng ta cũng có thể đạt được sự giác ngộ.
“Trước hết, như tôi đã đề cập hôm qua, người Tây Tạng chúng tôi về mặt lịch sử là học trò của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong thế giới ngày nay, sự phát triển vật chất đã tiên tiến hơn rất nhiều. Điều đó là hữu ích, không nghi ngờ gì cả; nhưng đồng thời - nó không nhất thiết chắc chắn là sẽ mang lại sự bình yên nội tâm; thay vào đó, nó có xu hướng mang lại lòng tham lam và tính cạnh tranh. Mặt khác, những lời dạy của Đức Phật thì mang lại sự bình an nội tâm mà chúng ta có thể kiểm chứng được, vì Đức Phật đã khuyến khích môn đệ của Ngài không nên tin vào những gì Ngài đã nói mà hãy xem xét và kiểm tra nó.
“Trong truyền thống tiếng Phạn của Phật giáo, người ta giải thích rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, có khả năng trở thành Phật, và chúng ta mở rộng lòng từ bi của mình đến với tất cả họ.”
Đức Phật đã làm rõ rằng, một đặc điểm trong những lời dạy của Đức Phật mà chúng có vẻ như không nhất quán; bởi vì Ngài đã giảng dạy tuỳ theo căn cơ của người nghe vào những thời gian và địa điểm khác nhau. Ngài gợi ý rằng, có thể xem các truyền thống tôn giáo khác cũng tương tự phù hợp với nhu cầu của những người, thời gian và địa điểm cụ thể và do đó - đáng được chúng ta tôn trọng.
Ngài đề cập đến việc gặp gỡ các nhóm người Việt Nam ở các nơi khác trên thế giới; và Ngài rất ấn tượng về cách mà họ giữ gìn ngôn ngữ, truyền thống Phật giáo và y phục tu viện. Ngài nhận xét rằng người Tây Tạng cũng đang cố gắng bảo tồn văn hóa và tôn giáo của họ khi đối mặt với nghịch cảnh. Một câu hỏi được đặt ra về việc làm thế nào Đức Ngài tưởng tượng rằng tự do sắp đến ở Tây Tạng; và Ngài trả lời rằng mặc dù họ không hoàn toàn tìm kiếm độc lập, nhưng người Tây Tạng có ngôn ngữ và văn hóa riêng của họ, cũng như một môi trường mong manh để bảo vệ, điều mà người Tây Tạng đang làm rất tốt. Và vì điều đó, họ cần có quyền tự chủ thực sự.
Tiếp theo, ở những nơi khác trong Trung tâm Kentucky, Đức Ngài đã gặp gỡ các học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông đến từ khu vực Louisville. Ngài bắt đầu bằng cách lưu ý rằng một số người đang hiểu một cách sai lệch rằng tình yêu thương và lòng từ bi là những giá trị thuộc về tôn giáo, trong khi Ngài tin rằng chúng có nguồn gốc sinh học và là một phần tự nhiên của cuộc sống con người. Ngài nêu lên rằng tất cả chúng ta đều được sinh ra từ mẹ và chúng ta phải phụ thuộc vào người khác để tồn tại. Ngài thừa nhận rằng có những trường hợp trẻ em bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng đã đưa đến sự bất an và bất hạnh trong cuộc sống sau này của họ.
“Chúng ta không những không nên nghĩ rằng các giá trị của con người chỉ giới hạn trong việc thực hành tôn giáo, mà còn là sự sai lầm khi nghĩ rằng lòng từ bi chỉ mang lại lợi ích cho người khác mà không mang lại phần thưởng nào cho chúng ta cả. Mẹ tôi luôn luôn tốt bụng và từ bi với người khác, mặc dù không biết chữ và ít học, và bà cũng luôn vui vẻ. Sau này, khi tham gia tu học Phật pháp về lòng từ bi, tôi thấy dễ dàng hơn vì những hạt giống từ bi mà mẹ tôi đã ươm mầm vào trong tôi”.
Đức Ngài khẳng định rằng theo như Ngài quan tâm thì tất cả 7 tỷ con người đều giống như anh chị em. Ngài nói rằng khi gặp ai đó thì Ngài nghĩ rằng, “đây cũng là một con người." Một người thực hành lòng từ bi và sự tha thứ thì người đó có sức mạnh nội tâm vững chãi, trong khi tính cách hung hăng thường là dấu hiệu của sự yếu đuối. Tương tự, khi hai người tranh cãi, người có lý do về phía cô ấy thì sẽ ít có xu hướng tức giận hơn. Chúng ta có thể củng cố lòng từ bi bằng cách sử dụng trí thông minh của mình.
“Nếu ai đó cư xử tiêu cực với quý vị, có thể rất hữu ích khi nhớ rằng họ cũng là con người như quý vị. Cũng sẽ hữu ích khi nhớ để phân biệt giữa một hành động và người thực hiện hành động đó. Nếu quý vị cần thực hiện các biện pháp đối phó để ngăn chặn ai đó làm hại, thì tốt hơn hết là quý vị nên làm điều đó với một sự bình tĩnh hơn là một tâm trí bị kích động. Nếu chúng ta hành động vì tức giận, phần tốt nhất của bộ não của chúng ta sẽ không hoạt động bình thường. Hãy nhớ rằng, lòng từ bi không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối”.
Các sinh viên đã chuẩn bị các câu hỏi; và người đầu tiên hỏi rằng, nhìn lui lại thì Ngài sẽ cho lời khuyên gì cho chính mình khi Ngài 13 tuổi, trong khi người thứ hai tự hỏi điều Ngài thích làm có thể khiến cho một số người ngạc nhiên. Đức Ngài trả lời:
“Tôi có một số tiếc nuối rằng ở độ tuổi là thời điểm lý tưởng để học tập, thì thay vào đó tôi đã ham chơi. Khoảng thời gian đó không còn nữa và tôi tiếc nuối khi đã đánh mất nó. Khi tôi còn trẻ, tôi thích làm vườn. Tôi cũng đã từng thích những món đồ chơi có khả năng di chuyển. Tôi sẽ chơi với chúng một lúc và sau đó sẽ mở chúng ra để xem chúng hoạt động như thế nào. Với tinh thần tương tự, tôi nhìn vào mặt trăng qua kính viễn vọng của mình và nhìn thấy bóng của những ngọn núi và nhận ra rằng chúng là do ánh sáng mặt trời tạo ra; và mặt trăng không có ánh sáng của chính nó. Đây là sự khởi đầu của mối quan tâm của tôi đối với khoa học, mà tôi đã khuyến khích người Tây Tạng chia sẻ. Năm ngoái, các tu viện Tây Tạng của chúng tôi ở Ấn Độ đã chính thức quyết định đưa khoa học vào chương trình học tập của họ”.
Khi được hỏi những kỹ thuật nào mà thanh niên Mỹ có thể áp dụng để bình tĩnh và tránh tức giận, Đức Ngài nói rằng những gì họ cần làm là giải quyết những cảm xúc phiền não của mình, đồng thời nói thêm rằng nếu trạng thái tinh thần cơ bản của họ bình tĩnh thì sẽ dễ dàng đối phó với những cơn giận dữ bùng phát hơn. Ngài khuyến nghị rằng tương ứng với vệ sinh thân thể, chúng ta nên khuyến khích áp dụng vệ sinh tinh thần hoặc cảm xúc. Khi chúng ta có một tâm trí bình tĩnh, chúng ta sẽ ít sợ hãi, ít tức giận và nghi ngờ. Một cách để đạt được điều này là chú ý đến hơi thở của chúng ta, bằng cách đếm 20 lần hít vào và thở ra. Điều đó sẽ làm giảm xu hướng tức giận của chúng ta.
Đối với câu hỏi về cách đối phó với bạo lực đang phổ biến, Đức Ngài nhận xét rằng đây không chỉ là vấn đề ở đây mà còn ở nhiều nơi khác nữa. Ngài nói rằng đó là một triệu chứng khác cho thấy rằng chúng ta cần phải giới thiệu lại ý thức về các giá trị nhân văn - mà Ngài thích gọi là đạo đức thế tục - vào hệ thống giáo dục hiện đại của chúng ta.
Một sinh viên khác muốn biết liệu Đức Ngài có cảm giác sợ hãi hay không; và Ngài đã kể lại việc bị một con chó cắn và sau đó được cho biết rằng đó là một con chó điên. Ngài cũng đề cập đến việc đến thăm các địa điểm của trại tập trung Holocaust ở Ba Lan, nhìn thấy lò nướng và các khối nhà tắm và có cảm giác sợ hãi mạnh mẽ ở đó. Điều này tương tự như phản ứng của Ngài đối với hai địa điểm ở Nhật Bản - Hiroshima và Nagasaki - nơi vũ khí hạt nhân đã được sử dụng.
“Mặt khác, thông tin rằng lượng khí thải CO2 hiện đã vượt qua ngưỡng nguy hiểm 400ppm là nguyên nhân cho một loại sợ hãi khác.”
Các sinh viên và giáo viên bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Ngài đã quang lâm, một trong số họ đã thưa với Ngài rằng, "Ngài đã nhắc nhở chúng con thấy được những điều tốt đẹp đang ở bên trong chính chúng con.”
Gặp gỡ Thị trưởng Gary Fischer và nhóm của ông, Đức Ngài nhấn mạnh rằng, bất cứ điều gì quý vị làm thì động lực của quý vị là yếu tố thực sự quan trọng. Ngài khen ngợi Thị trưởng về những sáng kiến hướng tới lòng nhân ái đối với thành phố và gợi ý rằng dưới sự lãnh đạo của ông, có thể thúc đẩy các giá trị con người dưới ngọn cờ của đạo đức thế tục.
Cuối cùng, những người tổ chức và tình nguyện viên đã làm việc chăm chỉ để làm cho các sự kiện ở Louisville thành công tốt đẹp - họ muốn có một bức ảnh được chụp chung với Đức Ngài. Ngài đã chụp ảnh chung với họ, cảm ơn họ vì tất cả những gì họ đã làm, và ca ngợi công đức to lớn mà họ đã tạo ra trong quá trình làm việc của mình. Ngài nói với họ rằng Ngài luôn hồi hướng công đức của mình cho sự thức tỉnh của tất cả chúng sinh và khuyến khích họ cũng làm như vậy.
Rời Louisville đến Chicago, hôm nay Đức Ngài sẽ bay qua Đại Tây Dương, và với một chặng dừng ngắn ở Châu Âu, để đi tiếp về Ấn Độ.