Mundgod, Ấn Độ, ngày 25 tháng 1 năm 2013 (bởi Saskia De Rothschild, Diễn đàn Công bố Quốc tế) - Tôn giáo và khoa học không phải lúc nào cũng dễ dàng là bạn của nhau, như Galileo có thể chứng thực.
Nhưng trong tuần qua, các nhà khoa học và học giả Phật giáo đã làm việc tại vùng đất nhỏ Tây Tạng ở miền nam Ấn Độ này để chứng minh rằng hai thế giới này không những có thể cùng nhau tồn tại - mà còn có lợi cho nhau nữa.
Đây là phiên bản lần thứ 26 của Hội nghị Tâm thức & Đời sống và là lần đầu tiên được tổ chức tại một tu viện, dành cho hàng ngàn Tăng Sĩ Phật giáo tập trung tại đây. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma - nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, đã chào mừng các nhà khoa học vào thứ Sáu tuần trước và giới thiệu cuộc đối thoại kéo dài một tuần về khoa học và tôn giáo.
Cuộc kiểm tra bắt nguồn từ câu chuyện cá nhân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong thời gian huấn luyện ẩn dật khi còn nhỏ ở Tây Tạng, Ngài đã nhìn lên bầu trời đêm qua kính viễn vọng trên mái của Cung điện Potala. Ngài nhìn vào mặt trăng với cường độ cao đến nỗi Ngài nhận ra bóng tối và những vân sáng trên bề mặt của mặt trăng; điều đó mâu thuẫn với niềm tin của người Tây Tạng rằng mặt trăng được sáng lên từ phía bên trong. Ngài đã nêu lên những phát hiện của mình cho các thầy giáo thọ của Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói trong bài phát biểu chào mừng hội nghị rằng: “Khi tôi nói với các Thầy giáo thọ của mình về mối quan tâm của tôi đối với khoa học, họ trả lời rằng điều đó rất hợp lý. Tuy nhiên, mặc dù chúng tôi có niềm yêu thích đối với khoa học, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải dành hết tâm sức cho nó. Tôi dành phần lớn thời gian để thiền định về tình yêu thương, lòng từ bi và trí tuệ, đó là nguồn gốc khiến tôi quan tâm đến khoa học”.
Đó là sự quan tâm mà Ngài đang cố gắng khơi dậy trong tất cả các Tăng Sĩ Tây Tạng bằng cách thêm lĩnh vực khoa học vào chương trình giáo dục của họ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Trong sự nghiên cứu của Phật giáo về thực tại, chúng tôi sử dụng bốn nguyên tắc lý luận: sự phụ thuộc, chức năng, bản chất và bằng chứng. Không xa lắm so với cách mà các nhà khoa học tìm kiếm bằng chứng. “Cả hai phương pháp dường như hoạt động song song,” Ngài nói.
Hàng nghìn Tăng Sĩ của các tu viện Mundgod đã được yêu cầu theo dõi các cuộc thảo luận - có chủ đề từ vật lý lượng tử đến khoa học thần kinh - tại hội trường của Tu viện Drepung Loseling ở đây. Chư Tăng không thể vào hội trường xem các cuộc thảo luận, đã tràn ra các màn hình bên ngoài tu viện.
Với trọng tâm là rèn luyện tâm thức thông qua thiền định, nhìn vào bên trong nội tâm và liên tục đặt câu hỏi; việc giảng dạy lâu dài và gian khổ của các Tăng Sĩ trẻ phải tuân theo trong các tu viện đòi hỏi sự chú ý phân tích và logic giống như bất kỳ chương trình giảng dạy khoa học nào. Chỉ có một sự khác biệt? Sống ẩn dật. Ở Tây Tạng, trước khi Trung Quốc xâm lược, Chư Tăng phải cách ly với thế giới bên ngoài để thực hành theo đức tin của mình trong cuộc sống ẩn dật.
Theo Rato Khen Rinpoche, Trù trì của Rato Drepung - một tu viện khác ở Mundgod, “Xu hướng của những chốn thiền môn thường bị cách biệt bởi sự cô lập về mặt địa lý”.
Ngày nay, mọi thứ đã thay đổi. “Duy trì truyền thống đó không phải là cách để hình thành nên vị Tăng Sĩ của thế kỷ 21,” ông giải thích trong một cuộc phỏng vấn tại tu viện.
Rato Khen Rinpoche, người phương Tây đầu tiên được bổ nhiệm làm trụ trì một tu viện Tây Tạng (tên ông là Nicholas Vreeland), đã trở thành một Tăng Sĩ ở tuổi ba mươi. Trước khi đến với Phật giáo, ông đã học và làm nghề nhiếp ảnh.
Đời sống thế tục của ông ta không ngăn cản ông ấy trở thành một geshe - tương đương với bằng Tiến sĩ trong Phật giáo, đòi hỏi đến hai mươi năm nghiên cứu - và bây giờ là một vị trụ trì.
“Đưa khoa học đến với Tăng Sĩ Phật giáo không có nghĩa là bẻ cong hệ thống tín ngưỡng,” ông nhấn mạnh, “chúng song song với nhau, không hề có sự nỗ lực nào để hài hòa cả hai.”
Đối với hội nghị khoa học, Tu viện Rato đã chuyển phòng cầu nguyện của mình thành một hội trường, nơi mà 40 Tăng Sĩ đang cùng nhau chỉnh sửa một bản tóm tắt khoa học và triết học Phật giáo Tây Tạng.
Chư Tăng là các học giả Tây Tạng từ tất cả các tu viện, những người đã theo một khóa học khoa học kéo dài nhiều năm và hiện được Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma yêu cầu biên soạn những gì mà họ học được thành một cuốn sách cho các Vị Tăng đồng nghiệp của họ. “Đây là những Tăng Sĩ đã dành từ sáng sớm đến đêm khuya để ghi nhớ học thuộc lòng các bản văn cổ điển, nhờ chư Tôn túc trưởng lão thông thái giải thích và tranh luận về chúng suốt đêm,” trụ trì của Rato nói. “Họ đã phải bỏ lại phía sau các tín ngưỡng Tây Tạng tồn tại trong nhiều thế kỷ và áp dụng cùng một kỷ luật nghiêm ngặt mà họ có trong nghiên cứu Phật giáo của mình cho khoa học hiện đại.”
Theo ông, đây là sức mạnh tâm thức cần có ở một Tăng Sĩ hiện đại: khả năng hiểu biết, tư duy cởi mở và tranh luận, cùng với niềm tin tuyệt đối vào lời dạy của Đức Phật.
Cuốn sách sẽ bao gồm triết học Phật giáo, lịch sử Khoa học - từ khám phá của Galileo về chuyển động của các hành tinh đến thuyết tiến hóa của Darwin - đề cập đến các chủ đề vật lý, sinh học và hóa học cơ bản. Sau khi quá trình chỉnh sửa kết thúc, Chư Tăng sẽ quay trở lại tu viện của họ và trở thành những giảng viên khoa học Tăng Sĩ Tây Tạng đầu tiên đối với các tăng ni đồng nghiệp của họ.
Nhưng sự tò mò đi theo cả hai cách. Các nhà khoa học từ lâu đã bị mê hoặc bởi tác dụng của việc thiền định của Phật giáo đối với não bộ. Richard Davidson, giám đốc phòng thí nghiệm về Khoa học thần kinh thuộc Đại học Wisconsin-Madison đã tiến hành thí nghiệm trên hàng chục bộ não của các Tăng Sĩ Phật giáo Tây Tạng.
Phát hiện của ông đã tạo ra một sự chấn động trong giới khoa học não bộ khi cho thấy rằng sau khi thiền định hàng nghìn giờ, các Tăng Sĩ đã thay đổi chức năng và cấu trúc của bộ não của họ.
Là một phần của sự nghiên cứu đang diễn ra, Tiến sĩ Davidson năm ngoái đã kết nối Vị Tăng Sĩ người Pháp - Matthieu Ricard với 256 cảm biến và yêu cầu ông ta thiền định về lòng từ bi. Các bức ảnh quét não của ông ta cho thấy một mức độ bất thường của sóng gamma (hoạt động liên quan đến ý thức, học tập và trí nhớ), "mức độ chưa từng được báo cáo trước đây trong các tài liệu khoa học thần kinh", nhà khoa học cho biết.
Vỏ não trước bên trái cũng tăng cường hoạt động, bằng chứng về khả năng “hạnh phúc” lớn hơn.
Vào ngày Chủ nhật, chủ đề thảo luận giữa các nhà khoa học và các học giả Phật giáo là bản chất của tâm thức. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi các nhà khoa học rằng cơ sở của ý thức nằm ở đâu.
Phản hồi từ các nhà khoa học rất khác nhau.
Christof Koch, một nhà khoa học thần kinh của Đại học California biết rõ nhất về công trình nghiên cứu ý thức của mình, cho biết chúng ta có thể suy đoán nhưng cuối cùng chúng ta không biết nó nằm ở đâu ngoài bộ não - cơ sở vật chất của nó. Ông nói thêm rằng tất cả các loài động vật có vú đều có ý thức nhưng không thể biết nó nằm ở đâu (ví dụ, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể hoạt động mà không có nó).
Matthieu Ricard, một nhà sư người Pháp, một nhà khoa học về di truyền học trước khi đi tu, đã hướng tới việc giảng dạy Phật giáo hơn là quá khứ khoa học của mình.
Ông nói: “Bằng cách nhìn vào nội tâm trung thực, bằng cách theo dõi một dòng điều tra vốn là trải nghiệm thuần túy,” người ta có thể đạt được sự hiểu biết về ý thức.
Sau đó, Ricard đề cập đến chủ đề luân hồi và khả năng ghi nhớ tiền kiếp của một số cá nhân.
Arthur Zajonc, giáo sư vật lý danh dự tại Harvard, không coi mình là một Phật tử như ông nói. Tuy nhiên, ông ấy nói thêm, "Tôi thiền định và qua đó, tôi tin vào khả năng có thể của luân hồi."
Ông Zajonc nói thêm, những lợi ích của thiền định và thiền quán không nên chỉ dành riêng cho Chư Tăng. Ông giải thích rằng chúng có thể đóng góp vào sự giáo dục của bất kỳ sinh viên đại học nào trước khi ông trích dẫn câu nói của Albert Einstein: "Người không còn có thể dừng lại để tự hỏi và đứng lên vì sợ hãi, thì như người đã chết rồi.”