Bangalore, Karnataka, Ấn Độ, ngày 06 tháng 1 năm 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được chào đón nồng nhiệt khi Ngài đến Đại học Thiên Chúa Giáo - không những chỉ bởi Phó hiệu trưởng Thomas Mathew - người hộ tống Ngài vào tòa nhà từ chiếc xe hơi của Ngài; mà còn có những sinh viên xúm xít quanh những ban công và cầu thang để ngắm nhìn Ngài. Ngài cũng đã có cuộc gặp gỡ để trò chuyện ngắn ngủi với những người bạn cũ Đức Hồng Y Baselios Cleemis Catholicos và Mục sư Tiến sĩ Thomas Aykara - trước khi vị Hiệu Trưởng đưa Ngài vào Giảng đường của Đại học Thiên Chúa Giáo.
Thánh Đức ĐLLM chào mừng các thành viên của Dàn hợp xướng của ĐH Thiên Chúa Giáo sau màn trình diễn của họ vào lúc khai mạc của hội nghị về “Giới hạn của đạo đức trong thế giới toàn cầu hóa” tại ĐH Thiên Chúa Giáo ở Bangalore, Ấn Độ vào 06 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Để bắt đầu, tất cả mọi người hiện diện đều đứng lên; trong khi dàn hợp xướng của Đại học Thiên Chúa Giáo hát Quốc ca. Sau đó Vũ Đoàn của Đại Học Thiên Chúa Giáo đã trình diễn một vũ điệu nhanh nhẹn, tuyệt diệu của điệu múa cổ điển Ấn Độ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những bậc lãnh đạo tinh thần khác đã được mời lên bục để thắp đèn; và những người sẽ lên phát biểu thì an tọa vào vị trí của họ. Khi Ngài được mời lên phát biểu, Ngài đã bắt đầu theo cách thông thường của mình, chào các anh chị em của mình, nói với họ rằng - mình đã hạnh phúc như thế nào khi được nói chuyện với họ.
“Những người trong số chúng tôi ở đây trên 50 tuổi đều thuộc về thế kỷ 20, trong khi những người những người trong số các bạn chưa đến 30 tuổi đều thực sự thuộc về thế kỷ 21. Trong trường hợp của tôi, tôi đã được sinh ra vào năm 1935, cũng vừa lúc cuộc chiến tranh Trung-Nhật sắp xảy ra. Tiếp theo đó là sự căng thẳng ở châu Âu mà cuối cùng đã nổ ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã mang sự bạo lực khủng khiếp đến châu Âu và một số nơi của châu Phi và châu Á. Tiếp theo là chiến tranh Triều Tiên, trong đó các loại vũ khí mạnh mẽ hơn bao giờ hết đã được sử dụng để chống lại làn sóng của các binh sĩ; và sau đó là cuộc chiến tranh tàn nhẫn ở Việt Nam. Một số nhà sử học nói rằng có khoảng 200 triệu người đã chết vì bạo lực trong thế kỷ 20.
“Nếu như sự bạo lực khủng khiếp ấy cuối cùng đã để lại cho thế giới một nơi tốt hơn, thì có lẽ nó có lý do chính đáng; nhưng điều đó dường như không phải như thế! Hiện nay, như hậu quả của sự đánh nhau giữa Syria và Sudan; phụ nữ, trẻ em và người già đang quằn quại trong đau khổ. Đây là một tàn tích từ thế kỷ 20; và là tàn tích của quan điểm cho rằng vấn đề có thể được giải quyết bằng vũ lực, và rằng chiến thắng của bạn là chiến thắng trong việc tiêu diệt kẻ thù của bạn. Khi cộng đồng hay quốc gia chỉ đơn giản là tự cung tự cấp thì điều này có lẽ còn có chút ý nghĩa; nhưng thực tế là chúng ta đang phụ thuộc lẫn nhau về mức độ toàn cầu; cho nên khái niệm về chiến tranh đã trở nên lỗi thời.
“Bạo lực chỉ mang lại sự thống khổ và đau đớn! Lại còn có các nhà máy được chuyên sử dụng cho việc sản xuất các loại vũ khí! Chẳng lẽ việc sản xuất các loại vũ khí này để tiêu diệt mạng sống của những người khác là một cách có trách nhiệm trong vấn đề kinh doanh hay sao? Sao chúng ta không nghĩ đến việc làm cho thế kỷ này trở thành một thế kỷ hòa bình? Dù là nếu chúng ta làm, điều đó không có nghĩa là sẽ không có bất kỳ vấn đề rắc rối gì xảy ra; sẽ có đấy! Vấn đề tăng dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, và sự biến đổi khí hậu sẽ khiến cho chúng ta gặp rắc rối. Để đối phó với những vấn đề này, chúng ta phải áp dụng phương pháp bất bạo động. Một số người nghĩ rằng, bất bạo động là một dấu hiệu của sự yếu đuối; nhưng Mahatma Gandhi, Nelson Mandela và Martin Luther King đã sử dụng nó và mang lại hiệu quả rất tốt đấy thôi!”
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại buổi khai mạc của hội nghị về “Giới hạn của đạo đức trong một thế giới toàn cầu hóa” tại ĐH Thiên Chúa Giáo ở Bangalore, Ấn Độ, ngày 06 tháng 1, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói rằng sau thời kỳ bạo lực của thế kỷ 20; thế kỷ 21 phải là một kỷ nguyên của đối thoại. Ngài nói rằng đạo đức là yếu tố rất quan trọng; nó có thể áp dụng cho bất kỳ hoạt động nào của con người. Quan trọng hơn, Ngài nhấn mạnh rằng đạo đức không phải là thứ gì đó sang trọng, mà là vấn đề về sự tồn tại sống còn của loài người.
Khoa học đã có những thành tựu tuyệt vời, nhưng chúng có khả năng hủy hoại khủng khiếp của vũ khí hạt nhân và hóa học. Đây là một dấu hiệu cho thấy rằng các nhà khoa học cần phải được hướng dẫn bằng đạo đức. Ngài cho rằng đạo đức có liên quan đến động lực; bởi vì một hành động mang tính tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào động lực cho nó. Nó phụ thuộc vào động cơ là lòng từ bi và quan tâm đến phúc lợi của người khác; hay chỉ bị kích động bởi sự coi trọng bản thân mình. Khi bạn chỉ quan tâm đến bản thân mình, thì điều gì sẽ kiềm chế bạn trong việc bóc lột, đàn áp, ngược đãi, lừa gạt, và đến mức tột cùng là giết chết người khác? Vấn đề này liên quan đến tâm trí và cảm xúc của chúng ta.
Một điều gì đó có giúp ích cho nhân loại hay không, đều phụ thuộc vào yếu tố đạo đức. Ngay cả tôn giáo, được coi là nguồn gốc của hòa bình, cũng có thể là nguyên nhân gây ra xung đột; như những cuộc xung đột giữa người Công Giáo và Tin Lành, người Sunni và người Shia, Phật giáo và người Hồi giáo đã cho thấy điều đó.
Ngài tinh nghịch hỏi “Tôi có thể chỉ ra được không? - về tình trạng ngày nay, dường như ngay cả tôn giáo cũng có thể trở nên tham nhũng? Hãy nhìn vào câu chuyện của giám mục người Đức đã bị Đức Giáo Hoàng khiển trách về lối sống buông thả của ông ta. Dường như đôi khi, ngay cả những người tôn giáo cũng không có bất kỳ sự hướng dẫn nào về đạo đức. Gần đây, tại Đại học Giáo Hoàng ở Mexico, tôi tự hỏi liệu chúng ta chỉ là người tôn giáo khi chúng tôi đang mặc chiếc áo của mình, nhưng khi chúng ta treo nó lên thì chúng ta không phải là người có tôn giáo nữa. Chấp nhận đức tin là một sự lựa chọn cá nhân; nhưng nếu một khi bạn đã chọn nó rồi thì bạn cần phải chân thành. Triển vọng của những người tôn giáo không có đạo đức là thảm họa và có khả năng gây tổn hại cho truyền thống tôn giáo.
“Khi tôi còn ở Tây Tạng, tôi thường hay cho rằng Phật giáo là tốt nhất; nhưng kể từ khi tôi đã có thể đi du lịch và gặp gỡ những vị hành giả của các tôn giáo khác và học hỏi kinh nghiệm của họ; sự ngưỡng mộ của tôi đã mở rộng ra. Tôi đã nhận thức được rằng đã có nhiều triệu người được hưởng sự lợi lạc từ truyền thống Thiên Chúa Giáo giáo qua các thế kỷ. Tôi đã biết được sự đóng góp to lớn mà anh chị em Thiên Chúa Giáo giáo đã làm cho nền giáo dục trên toàn thế giới, những sự cống hiến ấy đã được lấy cảm hứng từ đức tin của họ.
Khán giả đang lắng nghe Thánh Đức ĐLLM nói chuyện trong buổi khai mạc của hội nghị về "Giới hạn của đạo đức trong một thế giới toàn cầu hóa" tại ĐH Thiên Chúa Giáo ở Bangalore, Ấn Độ vào 6 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tuy nhiên, khi chúng ta đã từng có một lần cảm thấy tự tin rằng có một sự thật và một đức tin, trong khi điều đó vẫn đúng trên một mức độ cá nhân; thì - ở một mức độ cộng đồng - thực tế là chúng ta vẫn có một số sự thật và một số tôn giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta đều truyền đạt một bức thông điệp chung của tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung, tha thứ và tự kỷ luật. Tuy nhiên, chính vì sự đa dạng này của các tôn giáo, cho nên không hề có vấn đề tôn giáo này tốt hay tôn giáo kia tốt; cũng không bao giờ có vấn đề tôn giáo này hay tôn giáo kia sẽ được áp dụng phổ biến cho toàn cầu. Tôi đã được biết rằng trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay, 1 tỷ người đã tuyên bố rằng mình không có niềm tin tôn giáo. Thẳng thắn mà nói, rất nhiều trong số 6 tỷ người có tôn giáo dường như không phải là thực sự chân thành. Đối với rất nhiều người vượt ra ngoài tầm với của tôn giáo, cần có một nhu cầu ngày càng tăng về vấn đề đạo đức thế tục. Trong bối cảnh của Ấn Độ, từ “thế tục” ở đây không có nghĩa là khinh thường đối với tôn giáo; mà là chấp nhận và tôn trọng tất cả các tôn giáo, và kể cả những người không có tôn giáo, không hề có sự thiên vị”.
Ngài nói rằng Ngài đã nói chuyện với các nhà khoa học; họ là những người không tin vào tôn giáo nhưng tin vào sự cần thiết của đạo đức. Một số nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của thái độ đạo đức đối với sức khỏe tổng quát của chúng ta. Thái độ tự coi trong bản thân mình sẽ dẫn đến sợ hãi, không tin cậy, nghi ngờ và cô đơn. Mặt khác, một thái độ từ bi, một tấm lòng nhân hậu sẽ làm tăng sự tự tin của chúng ta và nâng cao sức khỏe toàn diện. Đây không phải là một vấn đề của kiếp sau, của thiên đàng hay cảnh giới Niết bàn; mà là về cuộc sống ở tại đây và ngay bây giờ.
“Nền kinh tế toàn cầu đã làm cho thế giới của chúng ta trở thành một. Chúng ta cần một cảm giác tương ứng về sự hiệp nhất của nhân loại. Nếu chúng ta thực tế, trung thực, và chân thành; chúng ta có thể giao tiếp với bất cứ ai và tất cả mọi người. Đạo đức thế tục không trái ngược với tôn giáo mà còn bao gồm cả những người có đức tin và những người không có đức tin. Chúng ta phải nhận ra những người khác là những con người như chúng ta. Mọi người đều muốn được hạnh phúc và mọi người đều có quyền thực hiện các mục tiêu đó. Đây là lý do - trong bối cảnh của 7 tỷ người - nhu cầu của chúng ta là giới thiệu nền đạo đức thế tục”.