Shillong, Meghalaya, Ấn Độ - 04 Tháng 2 năm 2014 - Nép mình trong ngôi làng Lumparing trên các ngọn đồi phía trên Shillong là Tu viện Tây Tạng nhỏ Ganden Choling. Ban đầu nó được thành lập vào năm 1957 bởi một người nào đó đến từ Bhutan, nhưng kể từ đó đã thuộc sự quản lý của Gelug Magon, một Hội đồng chung bao gồm các Tu Viện Sera, Drepung và Ganden. Drepung Loseling là quản lý hiện hành ở đây. Với hàng chục vị Tăng Sĩ thường trú, Tu viện là nơi chiêm bái chính đối hàng nghìn người Tây Tạng sống ở Shillong. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Tu viện một thời gian ngắn sáng nay. Người Tây Tạng và những cư dân địa phương tò mò khác đã xếp hàng bên đường khi Ngài đi ngang qua. Trẻ em Tây Tạng đã dành một sự chào đón truyền thống để cung nghinh khi Ngài quang lâm.
Thánh Đức ĐLLM chia sẻ những khoảnh khắc cười vui với chư Tăng tại Ganden Choling ở Lamparing, Meghalaya, Ấn Độ vào 04 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Bên trong ngôi chùa nhỏ, đầu tiên Ngài đã đảnh lễ trước hình tượng của Đức Phật. Sau đó, Ngài tụng những lời cầu nguyện Cát Tường; tung các hạt ngũ cốc vào trong không gian bằng một cách cúng dường như Ngài đã từng làm. Ngài xem xét những bức tượng khác nhau được an trí tôn nghiêm trên các bức tường và bắt đầu an tọa trên chiếc ngai của mình. Chú ý đến những bộ Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng) được đặt trong hốc tường ở phía trên của bức tường, ngay dưới trần nhà, Ngài đưa ra lời khuyên mạnh mẽ rằng sẽ tốt hơn nếu đặt hai Tạng này ở một nơi dễ nhìn thấy hơn và dễ tiếp cận hơn trên những ngăn kệ thấp hơn ở phía dưới. Trà và cơm nghi lễ đã được phục vụ cho những người khách tháp tùng với Ngài, các Tăng sĩ và những người bạn Ấn Độ ở địa phương đến để hỗ trợ.
Ngài nói với những người đang tập hợp ở đó rằng, Ngài thường hay khuyên người Tây Tạng và những người khác về sự cần thiết phải là Phật tử của thế kỷ 21. Ngài giải thích rằng có nghĩa là họ không nên chỉ đơn thuần bằng lòng với việc đọc thần chú và cầu nguyện. Họ phải hiểu được Phật giáo nghĩa là gì, điều này đòi hỏi phải học tập và nghiên cứu. Ngài khuyến cáo mạnh mẽ rằng các Tu viện nên trở thành một trung tâm học tập, một nơi mà Phật tử và những người khác có thể nghiên cứu và thảo luận về những gì mà họ đã học hỏi; và trao đổi những quan điểm của mình. Đây là cách để noi gương theo truyền thống Nalanda.
Khi Ngài đến Sân bãi Polo ở Shillong, nhiều người trong số 5000 người tham dự buổi thuyết giảng của Ngài đã tìm thấy nơi. Trong khi khán giả tụng Om mani padme hung và một nhóm các Tăng Sĩ tham gia vào cuộc tranh luận sôi nổi; thì Ngài bắt đầu những nghi thức chuẩn bị cho lễ Quán đảnh Quán Thế Âm. Ngài giải thích rằng, cũng như sự giới thiệu về Phật giáo, Ngài sẽ đọc “37 Pháp Hành của một vị Bồ Tát”. Những sự sắp xếp đã được thực hiện để cho những lời thuyết giảng của Ngài sẽ được dịch sang ngôn ngữ Mönpa, Bhutan và tiếng Anh.
Thánh Đức ĐLLM chào đám đông hơn 5.000 người tụ tập để tham dự buổi thuyết Pháp của Ngài tại Sân Bãi Polo ở Shillong, Meghalaya, Ấn Độ vào 04 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài bắt đầu “Trong thế giới này có rất nhiều tôn giáo, và Phật giáo là một trong số đó. Tất cả họ đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương và lòng từ bi, sự tha thứ, hạnh tri túc và tinh thần tự kỷ luật. Điều này được hỗ trợ bởi sự đa dạng của các quan điểm triết học. Đối với một số người, Đức Chúa - Đấng Tạo Hóa - là hiện thân của lòng từ bi và tình yêu vô hạn. Đối với những người khác, như Phật giáo, Kỳ Na Giáo và một chi nhánh của phái Số Luận thì không có Đấng Sáng Tạo nhưng có Luật Nhân quả. Đặc biệt, Phật giáo có dạy về Giáo Lý Duyên Khởi. Nếu bạn làm hại người khác thì sự đau khổ sẽ xảy đến với bạn; nếu giúp ích cho họ thì sẽ dẫn đến sự hạnh phúc. Kết quả cuối cùng cũng là sự trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi. Vì họ có những điểm chung như thế, cho nên chúng ta nên đối với tất cả các truyền thống tôn giáo bằng sự tôn trọng của mình.
“Tôi thường lặp lại những điều mà tôi nghe một Sufi nói, rằng các truyền thống tôn giáo với quan điểm triết học - nói chung - thường trả lời ba câu hỏi - Ngã là gì? Nó có sự bắt đầu không? Và nó có đi đến một kết thúc không? Phật giáo cho rằng Ngã chỉ là một sự đặt tên dựa trên các uẩn thuộc về tinh thần và thể chất. Không hề có một cái Ngã riêng biệt tách rời khỏi cơ thể và tâm thức của chúng ta. Các truyền thống khác khẳng định cái Ngã tách biệt với họ. Đối với câu hỏi thứ hai về một sự khởi đầu, những người tin vào Đấng Sáng Tạo nói rằng Chúa đã tạo ra Ngã, vì vậy đó là sự khởi đầu. Những người khác nói rằng Chúa đã tạo ra Ngã và nó được tiếp tục từ đời này sang đời khác. Quan điểm của Phật giáo là Ngã chỉ là sự định danh trên cơ sở của cơ thể và tâm thức, nhưng cuối cùng, cả cơ thể vật lý lẫn ý thức đều không có sự khởi đầu; và Ngã cũng không hề có.
“Những người tin vào Chúa cho rằng Ngã sẽ đi vào thiên đường hoặc địa ngục, và tôi đã hỏi nhưng không nhận được một câu trả lời rõ ràng về những gì sẽ xảy ra sau đó. Vì Chúa được mô tả như một tình yêu vô biên, cho nên sự sáng tạo của Chúa cũng có mang một tia lửa của tình yêu đó. Điều này không phải là không giống như lời giải thích về Phật tính. Khi đến sự chấm dứt của Ngã, Ấn Độ giáo cho rằng nó hòa tan trở lại vào atman (Ngã) lớn hơn; Kỳ Na Giáo và Số Luận Phái khẳng định rằng Ngã vẫn tồn tại và tiếp tục cho đến khi giải thoát. Trong Phật giáo, chúng ta nói rằng những cảm xúc tiêu cực có thể được loại bỏ khỏi tâm trí của chúng ta cũng giống như bóng tối được loại bỏ bởi sự hiện diện của ánh sáng. Sự vô minh và cảm xúc phiền não có thể được khắc phục và loại bỏ khi chúng ta áp dụng các yếu tố đối trị, đó chính là sự hiểu biết và tâm tỉnh thức”.
Các thành viên của khán giả tham dự lễ Quán đảnh Quán Thế Âm do Thánh Đức ĐLLM ban truyền tại Sân Bãi Polo ở Shillong, Meghalaya, Ấn Độ vào 04 tháng 2, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nhắc lại rằng Đức Phật đầu tiên giảng dạy về Tứ Diệu Đế cho năm vị đệ tử đầu tiên thuộc loài người ở Varanasi. Lúc đầu, Ngài khuyên họ nên đắp y như thế nào; đó là một khía cạnh của quy luật thiền môn. Kinh điển cũng có ghi chép rằng Ngài cũng dạy về thiền định và trí tuệ. Đối với tín đồ của cả hai truyền thống Pali và Sanskrit, các giới nguyện thiền môn là cơ bản giống nhau. Sự giải thích về thiền định cũng như nhau. Nhưng cách Ngài dạy về Trí tuệ trên đỉnh Linh Thứu - Giáo lý về Trí Tuệ Ba La Mật - là độc nhất vô nhị cho truyền thống tiếng Phạn. Những giáo lý này đã được chuyển đến Trung Quốc và từ đó sang Tây Tạng, mà cuối cùng Hoàng đế Tây Tạng, Trisong Deutsan đã thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ từ Ấn Độ sang, đánh dấu sự khởi đầu thực sự của sự truyền bá Phật giáo ở Tây Tạng.
Ngài tiến hành truyền Quán đảnh Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, suốt quá trình đó Ngài đã hướng dẫn cho các thính giả của mình về Phát Bồ Đề Tâm và thọ Bồ Tát Giới.
Sau giờ cơm trưa, Ngài lại nhắc đến Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, là một đại học giả từ Đại học Nalanda. Đệ tử của Ngài là Liên Hoa Giới cũng tương tự, là một học giả, nhà triết học và logic học. Họ đã thiết lập Phật giáo Tây Tạng như một truyền thống dựa trên nghiên cứu, sự uyên bác và thực hành. Sau đó, các học giả vĩ đại của Tây Tạng như Rongzom Chojey, và bậc Thầy Sakya, Buton Rinpoche đã xuất hiện. Ngoài ra còn có ba khía cạnh nổi tiếng của Ngài Văn Thù Sư Lợi là Sakya Pandita, Longchen Rabjampa và Je Tsongkhapa.
“Tác giả của bản văn này là Ngài Thogme Sangpo, là một phần của truyền thống này và cũng đã nổi tiếng là một vị Bồ Tát. Tôi đã nhận được sự khẩu truyền và sự giải thích về bản văn này từ Khunu Lama Rinpoche. Tác giả đã mở đầu tác phẩm của mình bằng những lời kính lễ Đức Lokeshvara.
Trong khi đọc, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng sự vô minh chính là tiếp nhận một quan điểm sai lầm. Nó dẫn đến khổ đau. Thay vì tồn tại một cách độc lập, các pháp xảy ra trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác. Ngài nói rõ rằng, chỉ một mình sự cầu nguyện thôi, thì sẽ không khắc phục được sự vô minh này. Chúng ta thường xem bất tinh là thuần tịnh; khổ đau là hạnh phúc. Bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ sống mãi, cho nên chúng ta bám víu vào các pháp; buông bỏ cuộc đời này là một Pháp Hành của Chư Bồ Tát.
Một cảnh của Sân bãi Polo với hơn 5000 người tham dự buổi thuyết Pháp của Thánh Đức ĐLLM ở Shillong, Meghalaya, Ấn Độ vào 04 tháng 2, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor /VPĐLLM |
Một phần của bản văn đề cập đến những phẩm chất của một bậc Thầy tâm linh. Luật tạng và Kinh điển có sự ghi chép khác nhau về những điều này; nhưng chúng có thể được tóm tắt bằng những phẩm hạnh của vị ấy về sự uyên bác, lòng từ bi, khiêm tốn và có kỷ luật. Ngài khuyên rằng trước khi thực hiện cam kết với Bậc Thầy tâm linh; điều quan trọng trước tiên là phải kiểm tra xem xét vị ấy thật cặn kẽ.
“Đức Phật giải thích về Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Ngài đã mô tả sự đau khổ trên ba cấp độ, sự đau khổ rõ ràng của những nỗi đau thông thường (khổ khổ); đau khổ về sự thay đổi của những kinh nghiệm mà chúng ta được hưởng (hoại khổ); và sự đau khổ bởi những điều kiện mà nó tràn ngập cả cõi luân hồi (hành khổ). Chúng ta phải kiểm tra xem có phải sự khổ đau có thể được khắc phục hay không. Chúng tôi phát hiện ra rằng, bằng cách áp dụng những nguồn lực đối trị thì đau khổ có thể được khắc phục. Trong khi những truyền thống khác có các đối tượng khác nhau của họ về sự an ủi và nơi nương tựa, thì người Phật tử quy y nương tựa vào Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.
“Điều quan trọng là phải nghiên cứu Giáo pháp. Trong Kangyur (Kinh tạng) và Tengyur (Luận tạng) chúng ta có 300 Bộ của Kinh điển; đó không có nghĩa chỉ đơn giản là những đối tượng của sự lễ lạy và cúng dường, mà là để đọc. Tôi đã viết về những điểm này trong lời xưng tán của tôi đối với 17 vị Đạo Sư Nalanda:
“Hiểu được ý nghĩa của Nhị Đế - phương thức tồn tại của các pháp,
Thông qua Tứ Đế, ta biết được chắc chắn về cách mà chúng ta đến -
và cách mà chúng ta từ bỏ vòng sinh tử luân hồi này”.
Được sinh ra bởi sự nhận thức hợp lý,
Đức tin của ta nơi Tam Bảo sẽ trở nên kiên cố,
Nguyện cho con được gia trì để thiết lập được
Cội rễ của Đạo lộ Giải thoát”.