New Delhi, Ấn Độ, ngày 22 tháng 3 năm 2014 - Vào một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp hôm nay tại thủ đô Ấn Độ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với gần 260 sinh viên cũng như 40 giáo viên và các hiệu trưởng từ 13 trường của Delhi bao gồm Trường Step by Step, Trường Mount Abu, Trường Công Salwan, Trường Springdales ở Daula Kuan, Trường Springdales ở đường Pusa, Trung Tâm học tập Habitat Ấn Độ, Trường Bal Bharati ở Rohini, Trường Bal Bharati ở Pitampura, Viện Aman Biradari, Trường Vasant Valley, Trường G. D. Goenka, Trường Quốc Tế Pathways, và Trường Quốc Tế Bluebells. Chủ đề của cuộc thảo luận là “Đạo đức và Lòng Từ đối với những Tâm Thức Trẻ” và sự kiện được bắt đầu với một phụ nữ trẻ đã ân cần chào đón và giới thiệu Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và một thanh niên dâng tặng Ngài một chiếc khăn biểu tượng màu trắng. Ngài đáp lời:
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào các học sinh và giáo viên đã tập trung khi bắt đầu cuộc thảo luận giao lưu của họ ở New Delhi, Ấn Độ vào 22 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Tôi rất vui khi được gặp các bạn thanh niên, các anh chị em trẻ tuổi ở đây. Thế giới thuộc về nhân loại. Và kết quả của trí tuệ nhân loại là chúng ta đã làm được rất nhiều điều tiến bộ; tuy nhiên, con người cũng có thể là nguồn gốc của những vấn đề rắc rối. Chẳng hạn như chiến tranh, nó không có gì khác hơn là sự hợp pháp hóa bạo lực; đó là điều mà chỉ có loài người mới tham gia vào. Trong suốt những cuộc chiến thừa thải của thế kỷ 20; một số nhà sử học đã nói rằng đã có đến 200 triệu người thiệt mạng, trong số đó có nhiều người dân vô tội, phụ nữ, trẻ em và người già. Những vũ khí hạt nhân đã được sử dụng. Ở Hiroshima, tôi đã được gặp những người sống sót từ những cuộc tấn công đó và đã nghe nói về những điều khủng khiếp mà họ đã phải trải qua; những điều mà không bao giờ nên lặp lại!”
Ngài nói rằng những người trong độ tuổi của mình là thuộc về một thế kỷ đã qua rồi, nhưng sẽ hướng đến những gì thế hệ mới có thể đạt được. Đây là lý do tại sao Ngài rất muốn được gặp gỡ những người trẻ, bởi vì - trong khi quá khứ đã là quá khứ và không thể thay đổi được, nhưng tương lai vẫn rộng mở như không gian; và nơi đó vẫn còn có chỗ để thay đổi. Ngài nói rằng những người trẻ tuổi như những người đang đứng trước mặt Ngài đây - sẽ có cơ hội để tạo ra một thế giới hòa bình hơn, một thế giới được xây dựng trên lòng từ bi chứ không phải trên những nỗi sợ hãi. Ngài khuyên rằng nếu họ hành động một cách trung thực, chân thành và minh bạch thì họ sẽ chiếm được lòng tin và tình bạn.
Ngài lưu ý rằng Ấn Độ là một trong những quốc gia cổ đại của thế giới với hàng ngàn năm đã ấp ủ lý tưởng ahimsa hay “bất đạo động” đã được thể hiện trong sự khoan dung và hòa hợp giữa các tôn giáo.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong cuộc thảo luận về “Đạo đức và Lòng Từ đối với những Tâm Thức Trẻ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 22 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Điều gì có thể giữ cho xã hội có được sự liên kết cùng với nhau - đó chính là sự quan tâm đến những người khác; trong khi sự tức giận và hận thù chỉ có làm cho xã hội bị phân chia tách biệt. Ở mức độ cá nhân, khoa học đã cho thấy rằng một tấm lòng nhân ái sẽ giúp cho cơ thể được khỏe mạnh cường tráng. Phát hiện này cũng cho thấy rằng ngay cả lúc mới bắt đầu rèn luyện một thái độ từ bi cũng đã có thể giúp làm giảm huyết áp và sự căng thẳng; vì vậy mỗi cá nhân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và tận hưởng mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau sẽ tốt hơn. Bây giờ, chúng ta hãy đặt ra một số câu hỏi và có một cuộc thảo luận sôi nổi hơn!”
Một thanh niên đã mở đầu bằng câu hỏi về tình trạng của phụ nữ trong Phật giáo. Trong sự trả lời của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đề cập đến nhu cầu chung của một ý nghĩa trung thành về lĩnh vực đạo đức chứ không phải lĩnh vực đức tin. Ngài giải thích rằng Đức Phật đã đối xử với nam nữ một cách bình đẳng; họ có các quyền lợi và giới luật tương tự. Tuy nhiên, khi Tăng Ni tập hợp lại với nhau thì chư Tăng thường được ưu tiên hơn bởi vì theo môi trường xã hội hiện tại vào thời điểm của Đức Phật. Trong truyền thống Đại Thừa, những người đàn ông và phụ nữ đều bình đẳng; theo truyền thống Kim Cương Thừa thì người phụ nữ luôn được tôn trọng và các hành giả không được phép coi thường họ. Ngài đề cập đến một cuộc họp của các nhà lãnh đạo tôn giáo mà Ngài đã được mời vào tháng Chín tới - và chủ đề thảo luận sẽ là tình trạng của phụ nữ và những quan điểm lỗi thời như của hồi môn và sự phân biệt đẳng cấp.
Khi được hỏi về nền kinh tế, Ngài nói rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo cần phải được giảm bớt. Ngài cũng nhận xét rằng trong khi Ấn Độ đã đặt lợi ích riêng của mình lên hàng đầu, thì họ cũng phải chiếu cố đến những nhu cầu của thế giới. Bất cứ khi nào các vấn đề hay mâu thuẫn phát sinh trong lĩnh vực này, thì họ cần phải giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải dựa vào quyền lực hay vũ khí. Đối với một câu hỏi về việc Ngài đã bao giờ cảm thấy buồn và cô đơn không, Ngài nhớ lại lúc ngồi nhập thất trong cung điện Potala tối om cùng với vị gia sư nghiêm khắc của mình. Ngài đã tìm thấy sự khuây khỏa bằng cách ngồi nhìn những con chuột đến uống những bát nước; và lắng nghe các chàng trai và cô gái bên ngoài đang lùa những đàn gia súc của họ về nhà. Ngài bỗng khao khát có được sự tự do như họ! Nhưng nói rằng cuối cùng Ngài đã nhận ra rằng Ngài có thể sử dụng tên tuổi và vị trí của mình để đem lại lợi ích cho người khác.
Một số của hơn 300 học sinh và giáo viên tham gia cuộc thảo luận giao lưu với Thánh Đức ĐLLM về “Đạo đức và Lòng Từ đối với những Tâm Thức Trẻ” tại New Delhi, Ấn Độ vào 22 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Liên quan đến nền công nghệ mà rất nhiều người đang bị phân tâm; Ngài nói rằng điều quan trọng là phải nhớ rằng công nghệ nên được sử dụng để phục vụ nhân loại chứ không phải dùng theo đường hướng quanh co khác. Nếu chúng ta để cho mình trở thành nô lệ của nó, thì chúng ta sẽ không bao giờ được thanh thản.
Một phụ nữ trẻ hỏi rằng liệu lòng từ bi không thường hay liên quan đến sự luyến ái hay không? Ngài khen ngợi câu hỏi ấy và nói rằng - nếu lòng từ bi phát sinh như một bản năng sinh học thì thường là như thế. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có thể sử dụng trí thông minh của mình để mở rộng phạm vi của nó; hãy suy ngẫm rằng nếu những người khác hạnh phúc thì chúng ta cũng sẽ được hạnh phúc. Ngài lưu ý một điều về sự tăng cường chống lại việc sử dụng bạo lực và phát triển niềm khát khao cho hòa bình trên thế giới. Ngài nhận xét rằng hành động sẽ có hiệu quả hơn sự cầu nguyện. Bởi vì loài người chịu trách nhiệm về bạo lực, cho nên chính họ phải chấm dứt nó và tạo ra sự hòa bình.
Phần buổi chiều bắt đầu sớm hơn dự định khi Ngài, trước tiên, phát một cuốn sách – là tập thứ hai trong một loạt nhiều tập của tiểu thuyết “Gaise Jampa đến Tây Tạng” của tác giả Neerja Madhav.
“Tôi sẽ đọc “37 Pháp Hành của Bồ Tát” đã được viết bởi một bậc thầy Tây Tạng tên là Thogmey Zangpo (1285-1369)”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích. “Vị ấy là một bậc đại hành giả của Bồ đề tâm và cũng một học giả rất giỏi. Chủ đề của nó là Lòng Từ bi và vị tha vô hạn. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và muốn tránh khổ đau. Và trong khi chúng ta đã phát triển một nền công nghệ đầy ấn tượng, nhưng chúng ta vẫn chưa phát triển tâm thức của mình cho phù hợp với nền công nghệ ấy. Sự thỏa mãn các giác quan chỉ mang tính tạm thời ngắn ngủi; trong khi đó, sự an lạc bình yên xuất phát từ sự phát triển tâm linh thì bền lâu và mạnh mẽ hơn. Nó cũng có thể giúp chúng ta chống lại được những vấn đề có liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể.
Thông dịch viên tiếng Anh của Thánh Đức ĐLLM - Tenzin Tsepak - đang dịch lời bình luận của Ngài trong đợt thuyết Pháp tại New Delhi, Ấn Độ vào 22 Tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tán thành với nhu cầu rằng chúng ta cần phải suy nghĩ về Đức Phật như một vị Thầy chứ không phải là một vị Thần bảo hộ; Ngài đã nói rằng: “Bạn là người thầy của chính mình; Đức Phật chỉ là người chỉ cho ta con đường. Đức Phật không nói rằng tương lai của con nằm trong tay ta; mà Ngài nói rằng tương lai của con phụ thuộc vào sự thực hành của chính con. Vì bạn là thầy của chính mình, vậy thì còn ai khác nữa sẽ là thầy của bạn?” Ngài đã chỉ ra rằng những giáo lý Kinh điển bao gồm các bản Kinh trong Tam Tạng (Kinh tạng, Luật tạng, Luận tạng), trong khi giáo lý cần được chứng ngộ thì bao gồm trong Ba sự Đào tạo (Giới, Định, Tuệ). Đây là điểm chung cho một số truyền thống tâm linh của Ấn Độ; và chỉ khi nào nó được thực hiện theo bối cảnh của Vô Ngã thì nó mới trở thành Ba sự Đào Tạo Cao Hơn (Tam Vô Lậu học). Giáo lý Kinh điển thì giống như một toa thuốc, còn Giáo lý cần phải được chứng ngộ thì giống như thuốc vậy.
Sau khi đã khẳng định lời tuyên bố của Đức Phật rằng hạnh phúc và đau khổ là không phải không có nguyên nhân, nhưng cũng không phải là kết quả của một số nguyên nhân vĩnh cửu, Ngài bắt đầu sự nghiên cứu tỉ mỉ phức tạp về mối quan hệ giữa nguyên nhân và hậu quả. Ngài đã nói về cách một nguyên nhân không phải là một nguyên nhân cho đến khi nó cho ra một kết quả; nhưng nguyên nhân cũng triệt tiêu ngay khi kết quả được phát sinh. Một người đàn ông không phải là một người cha cho đến khi con mình được thụ thai. Có những mối quan hệ tương tự như thế giữa hành động, tác nhân và đối tượng của hành động. Những mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau này cho thấy rằng không có gì tồn tại một cách độc lập.
Ngài nhận xét về sự đóng góp của “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” và “Nhập Trung Quán Luận” đã tạo ra những cuộc thảo luận này; và thật khó khăn như thế nào khi các Tu sĩ học thuộc lòng hai bộ Luận này. Những quan điểm triết học mà những bộ luận này mô tả là một sự đối trị trực tiếp đối với những nhận thức sai lầm về sự tồn tại thực sự. Chúng là một phần của những phương tiện khác nhau mà Đức Phật đã dạy để dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Rốt cục thì các pháp đều sinh ra thông qua duyên khởi; chúng tồn tại như một sự định danh. Kinh Bát Nhã Ba La Mật nói rằng tất cả các pháp đều chỉ là sự đặt tên, sự định danh hoặc chỉ định.
Một số trong số hơn 320 khán giả vào ngày 2 của đợt thuyết Pháp ba ngày của Ngài ở New Delhi, Ấn Độ
vào 22 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Khi đọc phần kính lễ trong phần đầu của “37 Pháp Hành”, Ngài nói rằng Ngài đã đọc vần kệ kính lễ Đức Phật mỗi ngày vào lúc thức dậy. Nó thể hiện lòng biết ơn đối với Giáo lý Duyên khởi của Ngài. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng mục đích của giáo lý Phật giáo là sự giải thoát và giác ngộ; và để đạt được nó, chúng ta cần phải hiểu được tánh Không - đó là điều mà chỉ có con người mới có thể làm được.
Khi đọc qua những vần kệ của bản Luận, Ngài đã chỉ ra sự vô thường; những nguy hiểm của mối bận tâm với kiếp sau; năng lực của việc thực hành phương pháp hoán đổi hoàn cảnh của mình với người khác; tâm tỉnh thức tối hậu cùng với không gian của nó như sự miên mật; và ảo hóa như sự xuất hiện bề ngoài. Sau đó là đến các vần kệ về Sáu Ba La Mật. Cuối cùng, Ngài nhấn mạnh lời khuyên trong vần kệ áp chót là: “Bất cứ điều gì bạn đang làm hãy tự hỏi mình “trạng thái tâm của tôi là gì?”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và họa sĩ Ashok Chopra cùng với bức chân dung của Ngài đã được tặng vào cuối ngày 2 của đợt thuyết Pháp ba ngày của Ngài ở New Delhi, Ấn Độ vào 22 tháng 3, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / PVĐLLM |
Đọc lướt qua “Tám Bài Kệ Luyện Tâm”, Ngài nói rằng Ngài đã học thuộc lòng nó từ lâu lắm rồi; và Ngài nhận ra rằng khi tự mình trì tụng nó thì sẽ lợi ích hơn nhiều so với sự cầu nguyện; bởi vì nó chứa đựng những lời khuyên về cách làm thế nào để tự kiểm soát chính mình.
Khi phần buổi chiều kết thúc, một họa sĩ, Ashok Chopra, đã tiến lên phía trước để dâng tặng Ngài một bức chân dung mà ông đã vẽ về Ngài; Ngài giơ cao bức ảnh lên và hỏi khán giả:
“Cái nào trông đẹp hơn, bức họa hay là gương mặt thật của tôi?”
Sáng mai Ngài sẽ truyền Quán đảnh liên quan đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và sẽ củng cố ba điều cam kết.