Washington DC, Hoa Kỳ, ngày 19 tháng Hai, năm 2014 - Sau một thời gian nghỉ ngơi trong cái rét buốt của mùa đông khắc nghiệt, thời tiết trở nên hấp dẫn hơn ở Dharamsala trong những ngày gần đây đã giúp cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma có thể đáp chuyến bay đi Delhi hôm thứ Hai. Dãy núi Dhauladhar rạng rỡ trên nền trời trong xanh quang đãng. Cuộc hành trình của Ngài tiếp tục qua Frankfurt đến Hoa Kỳ. Khu vực cuối cùng nhìn thấy được bờ biển phía Đông đang cuộn trong tuyết; và tuyết ụ thành đống vẫn còn nằm dọc trên những đường phố khi Ngài đi xe vào Washington DC. Tại khách sạn, Ngài đã nhận được sự cung đón theo truyền thống của những người Tây Tạng với gương mặt tươi cười rạng rỡ do Sikyong Lobsang Sangay dẫn đầu, cùng với sự tháp tùng của các Nhạc sĩ truyền thống của Tây Tạng.
Sáng thứ Ba, sau một số cuộc gặp gỡ cá nhân, Ngài đã trả lời phỏng vấn cho Elizabeth Dias của Tờ tạp chí Time (Thời Gian). Đối với câu hỏi về việc liệu Mỹ có quay lưng lại với việc giải quyết các vấn đề nhân quyền trong sự đối phó với Trung Quốc, Ngài tuyên bố rằng dân chủ, tự do và công lý là những nguyên tắc và lĩnh vực của Mỹ, và Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu về những lĩnh vực này. Ngài khuyến cáo rằng thế giới tự do tham gia với Trung Quốc, nhưng vẫn nên giữ vững những nguyên tắc đạo đức của mình. Ngài cho rằng, nếu thả lỏng sự quyết tâm về nguyên tắc đạo đức hay sự ý thức về sự thật thì sẽ là một sự mất mát lớn lao. Ngài nói thêm rằng tất cả các quốc gia đều có nhu cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân. Ngài chỉ ra rằng Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen mới nhất về biến đổi khí hậu đã thất bại vì có quá nhiều nước đã đặt lợi ích quốc gia ngắn hạn của họ trên cả lợi ích toàn cầu. Ngài cảnh báo rằng chúng ta phải tiếp nhận một cách nghiêm túc những dự đoán của các nhà khoa học.
Elizabeth Dias của Tạp chí Time (Thời Gian) phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Washington DC vào 19 tháng 2, 2014 Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Về sự đóng góp của truyền thông xã hội có thể tạo nên sự phát triển chung; Ngài nói rằng điều đó phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng chúng. Liên quan đến đề nghị của Ngài rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kế tiếp có thể là phụ nữ, và tiềm năng cho phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, Ngài nói rằng trong quá khứ, sự lãnh đạo phụ thuộc vào sức mạnh thể lực, do đó dẫn đến sự thống trị của nam giới. Ngày nay, nền giáo dục đã đưa vào một ý thức lớn hơn về sự bình đẳng, tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần là giáo dục thôi thì chưa đủ. Nó đòi hỏi sự giáo dục phải đi cùng với các nguyên tắc đạo đức và quan điểm thực tế.
“Đã đến lúc để người phụ nữ đảm trách một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tình cảm của con người, một lĩnh vực mà họ có nhiều kinh nghiệm hơn nam giới”.
Một câu hỏi về tình trạng tự thiêu đã diễn ra ở Tây Tạng đã khiến cho Ngài phải lặp lại những gì mà Ngài đã nói trước đây; rằng họ đang rất buồn, chúng ta phải quan tâm đến mạng sống của con người; tình trạng này cũng đã từng xảy ra trước đó đối với sự cư xử như vậy trong cuộc Chiến tranh Việt Nam và cuộc Cách mạng Văn hóa. Ngài nhắc lại rằng, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, và bất cứ điều gì Ngài nói có thể sẽ bị bóp méo bởi những người khác, thế nên Ngài không thích nói nhiều về nó. Ngài ca ngợi về sự cải thiện quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc, dẫn đến sự phát triển lớn mạnh hơn, và sẽ có lợi cho dân tộc của họ. Ngài cũng mong đợi sự ủng hộ mạnh mẽ hơn cho sự nghiệp đại nghĩa của Tây Tạng.
“Chúng tôi không đòi hỏi ly khai. Trong những thế kỷ thứ 7, 8 và 9; Tây Tạng là một trong ba đế chế có thế lực lớn bao gồm Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Nhưng đó là trong quá khứ, và quá khứ đã đi qua. Thức ăn ngon của ngày hôm qua đã không thể làm được gì để thỏa mãn cho cơn đói của hôm nay. Ngày nay, Tây Tạng cần phát triển, vì vậy có thể được hưởng lợi từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Hiến pháp Trung Quốc đã quy định về quyền lợi của tộc người thiểu số, và trong những năm 50, Mao Trạch Đông đã nói với tôi nhiều lần rằng, Trung Quốc đã không xem xét Tây Tạng trong cùng một cách như nó đã xem xét đối với những vùng dân tộc thiểu số khác.
Về Chủ Tịch nước mới của Trung Quốc là Tập Cận Bình, Ngài cho rằng, có nhiều bạn bè Trung Quốc am hiểu đã nói với Ngài rằng, ông ta có vẻ thực tế hơn. Cách can đảm mà ông ta đã giải quyết nạn tham nhũng là phù hợp với điều này. Ngài rất có ấn tượng về cha của Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân - người mà Ngài đã gặp tại Trung Quốc, ông ta là một con người tốt. Ngoài ra còn có những dấu hiệu về sự tôn trọng của Tập Cận Bình dành cho Hồ Diệu Bang - người đã sử dụng phương pháp thực tế, dựa vào các nguồn tin đáng tin cậy cho thông tin của mình; và trong chuyến viếng thăm Lhasa đã thừa nhận rằng có những sai lầm đã phạm phải.
David Rose phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho Tờ Tạp chí Vanity Fair (Hội Chợ Phù Hoa) đã hỏi tại sao Ngài đã ở đây, Ngài trả lời:
David Rose phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho Tờ Tạp chí Vanity Fair (Hội Chợ Phù Hoa) tại Washington DC
vào 19 tháng 2, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Tôi là một con người, một công dân của một thế giới mà trong đó tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau, một thế giới mà chúng ta cần ý thức hơn về mối quan tâm đến phúc lợi của người khác. Chia sẻ ý tưởng này với những người khác là một trong những cam kết của tôi. Một cam kết khác - đó là việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Vì vậy, bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều muốn gặp các thành viên của công chúng. Nếu tôi gặp gỡ với các nhà lãnh đạo, điều đó được thôi! Nhưng được tham gia với công chúng là điều quan trọng nhất”.
Được hỏi làm thế nào mà Ngài đã gặp được Arthur Brooks - Chủ tịch của Viện Doanh nghiệp Mỹ, Ngài nhớ lại rằng, ông ta đã đến Dharamsala để gặp Ngài và mời Ngài đến Viện. Ngài nói:
“Ông ấy đã tạo ấn tượng tốt cho tôi; và tôi chấp nhận lời mời của ông ta. Một số người đã phàn nàn rằng Viện Doanh nghiệp Mỹ là một tổ chức cánh hữu, nhưng trong chừng mực mà tôi quan tâm thì cánh tả và cánh hữu - trước hết - đều là những con người. Để mang lại sự thay đổi trong xã hội, chúng ta cần sự giáo dục, và chúng ta cần phải xem xét về tính hiệp nhất của nhân loại. Vì vậy, là một nước dẫn đầu của thế giới tự do, Mỹ cần phải cân nhắc đến lợi ích của toàn thế giới”.
Rose đã hỏi về vai trò của chính trị trong sự hạnh phúc; và Ngài nói rằng chính trị là để tạo điều kiện cho sự hạnh phúc. Ngài nói rằng không giống như robot, chúng ta có những cảm giác của niềm vui và nỗi đau mà cần phải được thể hiện bằng cách của con người. Ngài nói rằng nếu không có khát vọng thì sẽ không có tiến bộ, nhưng sự tham lam thì lại là khác hẳn. Trong khi chủ nghĩa tư bản tập trung vào việc tạo ra sự giàu có, thì phương thức của Marx lại tập trung vào việc phân phối bình đẳng. Dù bằng cách nào đi nữa thì cũng không ai muốn việc tất cả mọi người vẫn còn nghèo khổ.
Ngài đã được mời tham dự một bữa tiệc trưa riêng với các thành viên và khách mời của Viện Doanh nghiệp Mỹ; tại đó Ngài đã được chào đón một cách nồng nhiệt. Tiếp theo đó là một cuộc thảo luận về “Hạnh phúc, Doanh nghiệp Tự do và sự Phát triển Nhân loại”. Arthur Brooks đã mở đầu bằng cách yêu cầu Ngài định nghĩa về hạnh phúc như thế nào. Ngài trả lời:
“Nếu bạn chỉ nghĩ rằng hạnh phúc là niềm vui, thì điều đó thật là hạn chế. Chẳng hạn như, đôi khi, thậm chí sự đau đớn vẫn có thể mang lại sự toại nguyện. Sự toại nguyện có thể đưa đến sự bình an nội tâm và sự bình an nội tâm sẽ dẫn đến một tâm trí bình tĩnh. Chúng ta trải nghiệm hạnh phúc và sống một cuộc sống hạnh phúc không chỉ ở cấp độ thân xác, mà còn ở cấp độ cảm xúc và tinh thần nữa. Khi bác sĩ khuyên chúng ta thư giãn, ông ta không chỉ muốn nói chúng ta nên thư giãn về mặt thể xác, mà còn muốn nói rằng chúng ta cần phải thư giãn về mặt tinh thần nữa; điều này có nghĩa là chúng ta cần một tâm trí bình tĩnh.
Thánh Đức ĐLLM và Chủ tịch Viện Doanh nghiệp Mỹ - Arthur Brooks - trong buổi thảo luận về “Hạnh phúc, Doanh nghiệp Tự do và sự Phát triển của Nhân loại” tại Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington DC vào 19 tháng 2, 2014. Ảnh / Patrick Ryan G. |
“Giáo dục hiện đại của chúng ta có xu hướng là một hệ thống vật chất. Điều chúng ta cần là nền Giáo dục hiện đại bao gồm cả sự ý thức về đạo đức. Và như Ấn Độ đã cho thấy bằng ví dụ điển hình về một xã hội đa tôn giáo, đa văn hóa; bởi vì, nếu đạo đức được dựa trên cơ sở tôn giáo này hay tôn giáo khác thì sẽ có xu hướng thiên vị, do đó, đạo đức ngày nay cần phải có một cơ sở thế tục. Và bằng cách sử dụng từ thế tục, tôi không có ý bác bỏ tôn giáo, nhưng để thể hiện sự tôn trọng khách quan đối với tất cả các tôn giáo và thậm chí cả những người không có niềm tin tôn giáo. Một chủ nghĩa thế tục như vậy cũng được hỗ trợ bởi những kết quả nghiên cứu khoa học. Những phát hiện này cho thấy rằng, sự quan trọng hóa bản thân mình thì rất bị hạn chế và giam hãm, không tốt gì cho chúng ta cả; trong khi đó, một tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến những người khác, thì cởi mở và chan hòa, rất có ích cho sự an bình nội tâm và có nhiều hạnh phúc hơn. Chúng ta cần phải xem xét về sự bình đẳng của chúng ta - như những con người”.
Những câu hỏi từ phía hội nghị bao gồm cả những người mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xem như là những vị anh hùng của mình. Ngài đề cập đến Mahatma Gandhi và Martin Luther King về những thành tựu của họ thông qua phương pháp bất bạo động; và giữa những người mà Ngài đã thực sự được gặp gỡ - Vaclav Havel và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Khi được hỏi về những cuốn sách đã khiến cho Ngài xúc động nhất, Ngài giải thích về sự giáo dục Phật giáo của Ngài; và nguồn gốc của nó trong kinh điển Phật giáo và những cuốn luận giải thuộc truyền thống của Đại học Nalanda đã được phát triển mạnh mẽ ở miền Bắc Ấn Độ. Ngài đã nói về việc học thuộc lòng các bản văn gốc, nghiên cứu những cuốn luận giải và tranh luận về những điều đã được học với những người khác. Trả lời câu hỏi của sinh viên và các nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai trong một cuộc họp tiếp theo sau đó, một lần nữa Ngài đề cập đến sự hạnh phúc trong mối tương quan với sự toại nguyện.
“Sự toại nguyện làm phát sinh sức mạnh nội tâm và sự tự tin. Chúng ta là những động vật mang tính xã hội, chúng ta cần bạn bè. Tình bạn phụ thuộc vào sự tin tưởng, và niềm tin xuất phát từ sự tôn trọng chân thành và tình cảm dành cho nhau trong sự cư xử một cách thẳng thắn và trung thực.
Thánh Đức ĐLLM với sinh viên và các nhà lãnh đạo tiềm năng trong tương lai sau cuộc họp của họ tại Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington DC vào 19 tháng 2, 2014. Ảnh / Patrick Ryan G. |
Đối với sự giận dữ và làm thế nào để đối phó với nó, Ngài nói rằng nó phụ thuộc vào mức độ của một tâm trí bình tĩnh mà bạn có. Những cảm xúc tiêu cực như giận dữ có thể đến và đi mà không quấy rầy được cái tâm bình tĩnh cơ bản của bạn. Ngài cũng gợi ý rằng, từ một góc của tâm trí của bạn, có thể quán sát theo dõi sự tức giận của bạn và đánh giá xem liệu nó thực sự có chút giá trị nào không.
Liên quan đến việc - liệu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu có mang lại một ý thức trách nhiệm lớn hơn hay không, Ngài nói rằng thực tế là hiện giờ chúng ta đang có một nền kinh tế toàn cầu. Dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải tiếp cận nó với một ý thức trách nhiệm toàn cầu. Ngài nhắc lại rằng trong một cách tương tự, việc bảo vệ môi trường và đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã đòi hỏi chúng ta phải đặt lợi ích toàn cầu lên trước lợi ích của quốc gia hay địa phương.
Arthur Brooks đã đưa cuộc họp đến phần bế mạc bằng sự phát biểu lời cảm ơn và một bản tóm tắt cho khán giả về những điều mà Ngài đã nói:
“Chúng ta đều bình đẳng như các thành viên của 7 tỷ người đang sống hôm nay. Chúng ta nên giữ một trái tim rộng mở, hãy cởi mở với những người khác với chúng ta. Nguồn gốc của tình huynh đệ toàn cầu đang nằm trong tay của các bạn”.