Nagpur, Maharasthtra, Ấn Độ, ngày 09 tháng 1, 2014 - dân bên đường vẫy cờ Phật giáo và cờ Tây Tạng, và tung những cánh hoa hồng lên chiếc xe của Ngài để chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm Nagpur ngày hôm qua. Sau khi đến sân bay quốc tế Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar, Ngài đã đi xe trực tiếp đến Trung tâm hội nghị và đào tạo Phật giáo Nagaloka.
Khoác chiếc Y màu vàng nghệ của mình, Ngài đã đảnh lễ bức tượng cao 36 feet của Đức Phật Đi Bộ - một hình ảnh mà Tiến sĩ Ambedkar rất ưa chuộng như sự hiện thân của những biểu hiện về hoạt động từ bi vì lợi ích của tất cả chúng sanh. Ngài rải hoa dưới chân bức tượng trước khi đi nhiễu quanh đó. Ngài khuyến cáo rằng sẽ rất lợi ích nếu như trưng bày xung quanh bức tượng sự trích dẫn từ những lời dạy của Đức Phật. Tiếp theo, Ngài trân trọng xá chào trước bức tượng của Tiến sĩ Ambedkar Babasaheb, người đã lập ra hiến pháp thế tục của Ấn Độ độc lập, điều mà Ngài thường xuyên ca ngợi và ngưỡng mộ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với đại diện của các cộng đồng Phật giáo và sinh viên nghiên cứu Phật giáo tại Nagaloka ở Nagpur, Maharashtra, Ấn Độ vào 08 tháng 1, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trong suốt buổi sáng và đầu giờ chiều ngày hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ với đại diện của các cộng đồng Phật giáo Ấn Độ từ nhiều tiểu bang và các sinh viên Phật tử đang theo học tại Nagaloka.
Ngài nói, “Tôi chỉ là một con người, bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói chuyện về việc làm thế nào để tạo ra một con người hạnh phúc hơn. Nếu chúng ta giáo dục con người sống cuộc sống từ bi hơn, thì sẽ không có chỗ cho sự bóc lột, bắt nạt và lừa dối. Phương pháp của chúng ta nên được dựa trên những kinh nghiệm thông thường của mình, tất cả chúng ta đều nhận được tình cảm từ các bà mẹ của mình khi chúng ta sinh ra, và nếu không có những tình cảm ấy thì ta sẽ không thể tồn tại được. Kinh nghiệm về tình cảm này đã cho phép chúng ta thể hiện tình cảm với người khác, đó là cơ sở của nền đạo đức thế gian; và nó có thể làm lợi lạc cho tất cả nhân loại”.
Ngài cho rằng, ngoài việc bồi dưỡng các giá trị con người như vậy, chúng ta còn cần phải phát triển sự tự tin. Ngài kể một câu chuyện về sự viếng thăm một gia đình người châu Phi da đen ở Soweto, Nam Phi; và nói chuyện với họ về những triển vọng lớn đối với sự cải thiện mà họ đã có trong một đất nước dân chủ mới của họ. Ngài nói rằng Ngài đã sửng sốt khi người giáo viên đang nói chuyện với Ngài đã lắc đầu và nói: “Chúng tôi không thể cạnh tranh với những người da trắng, bộ não của chúng tôi không tốt như đầu óc của họ”. Ngài nói với ông ta là Ngài đã buồn như thế nào khi nghe điều đó; và khẳng định rằng không hề có sự khác biệt như vậy về chất lượng của bộ não trong nhóm này hay nhóm khác của con người. Ngài nói, điều quan trọng là phát triển sự tự tin và hãy ghi nhớ trong tâm rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau - như một con người!
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện với đại diện của các cộng đồng Phật giáo và sinh viên nghiên cứu Phật giáo tại Nagaloka ở Nagpur, Maharashtra, Ấn Độ vào 08 tháng 1, 2014 Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói rằng ngoài sự cam kết của mình đối với việc thúc đẩy các giá trị cơ bản của con người; là một Tu sĩ Phật giáo, Ngài quan tâm đến việc thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài lưu ý rằng ngay cả vào thời điểm của Đức Phật không phải ai cũng trở thành Phật tử. Đức Phật đã tham gia vào cuộc đối thoại tôn trọng và thảo luận với những người theo các truyền thống khác. Ngài nhắc lại rằng đạo đức thế tục thể hiện các giá trị của tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung và kỷ luật tự giác mà tất cả các tôn giáo lớn đều có những điểm chung này.
Ngài đã chỉ ra rằng, một khía cạnh độc đáo của truyền thống Phật giáo đó, là lời khuyên của Đức Phật dành cho các môn đệ của Ngài, rằng không nên chấp nhận giáo lý của Ngài theo giá trị bề mặt hoặc trên cơ sở của đức tin; mà là phải phân tích, điều tra và thử nghiệm chúng; giống như cách của một người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng vậy. Ngài nói, Đức Phật đã giảng dạy trên cơ sở những gì mà Ngài đã học được từ kinh nghiệm riêng của chính bản thân mình; và đã nói với các đệ tử rằng: “Con là người Thầy của chính con”. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần đề cập đến giá trị của sự giáo dục và nghiên cứu, nhấn mạnh rằng là Phật tử của thế kỷ 21, việc thực hành sẽ hiệu quả hơn nếu dựa trên kiến thức và sự hiểu biết chứ không phải chỉ đơn thuần là dựa trên đức tin.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trước công chúng tại Hội trường Nagaloka ở Nagpur, Maharashtra, Ấn Độ
vào 08 tháng 1, 2014. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
“Điều quan trọng là phải nhìn lại cách Phật giáo đã được nghiên cứu và thực hành ở những nơi như Nalanda, là sự hiện thân của truyền thống ban đầu của Ấn Độ. Đức Phật đã nói rõ rằng chúng ta nên “y Pháp - bất y nhân; y nghĩa - bất y ngữ; y liễu nghĩa - bất y bất liễu nghĩa”.
Vào buổi chiều, Ngài đã có cuộc nói chuyện với một hội chúng - mặc dù vội vàng triệu tập - nhưng hội trường Nagaloka đã tràn ngập cả biển người. Từ đó Ngài đã đi đến Diksha Bhumi tại thành phố Nagpur - nơi mà vào ngày 14 tháng 10 năm 1956 Tiến sĩ Ambedkar và 500.000 người đã quy y theo Phật giáo - để tỏ lòng kính trọng của mình.
Ngày mai, ngài sẽ đi thăm khu định cư Tây Tạng ở Bhandara, Madhya Pradesh.