Leh, Ladakh, J & K, Ấn Độ, ngày 06 tháng 7, 2014-Trong những ngày kể từ khi bắt đầu của tiến trình chuẩn bị cho Quán đảnh Thời Luân, các Tăng sĩ của Tu viện Namgyal đã trình diễn Vũ Điệu Địa Cầu và bắt đầu sự tạo dựng một Mạn đà la cát. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia với Tăng chúng trong những lễ cầu nguyện vào buổi sáng và buổi chiều. Hôm qua, Thống đốc Tiểu Bang Jammu & Kashmir - ông NNVohra cũng đã điện thoại đến kính vấn an Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại nơi cư trú của Ngài ở Shiwatsel.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cảm ơn đám đông hơn 100.000 người về việc đã tổ chức lễ kỷ niệm Sinh nhậtlần thứ 79 của Ngài trong thời gian Quán đảnh Thời Luânlần thứ 33 tại Leh, Ladakh, J& K, Ấn Độ vào 06 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Hôm nay là ngày sinh nhật lần thứ 79 của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và khi Ngài bước ra đến Sảnh đường - nơi mà Ngài sẽ thuyết Pháp - nhiều người dân dọc bên đường đã dâng lời chúc mừng Ngài với những lời cầu chúc tốt đẹp. Giữa các nhà Chức sắc đang tập trung cho một sự tổ chức kỷ niệm trang trọng hơn - người đầu tiên là Kalon đã phát biểu về những vấn đề Văn hóa và Tôn giáo, tiếp theo là Pema Chinjor - thay mặt cho nhân dân Tây Tạng - những người đang sống trong lòng đất nước Tây Tạng và ở một số nơi khác - ông nhớ lại lời nói của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng Ngài có thể sống đến 113 tuổi - nên ông đã thỉnh cầu Ngài hãy thực hiện như thế. Ông cũng lưu ý lòng từ mẫn mà Ngài đã quan tâm chăm sóc cho nhân dân Tây Tạng vàsự thành công về những nỗ lực của Ngài để bảo tồn ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa Tây Tạng trong hoàn cảnh lưu vong. Ông nói rằng nhân dân Tây Tạng ở tại Tây Tạng vẫn tiếp tục hiến dâng sự tận tụy với Ngài, như tin tức cho biết rằng có hơn 130 người đã tự thiêu để kêu gọi cho sự trở về của Ngài cũng như cho sự tự do ở Tây Tạng.
Mô tả về Ngài như một nhà vô địch của hòa bình, vị Phát ngôn Viên của Quốc hội Tây Tạng lưu vong – Penpa Tsering - đã nói rằng Ngài đã được sinh ra tại một ngôi làng gần nơi sinh của Ngài Tsongkhapa. Ông cầu nguyện rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ và hoàn thành được những tâm nguyện của Ngài. Ông cũng tận dụng cơ hội này để cảm ơn Chính phủ Ấn Độ và Chính quyền của tiểu bang Jammu & Kashmir, cũng như nhân dân Ladakh, về sự giúp đỡ mà họ đã dành cho nhân dân Tây Tạng.
Những vị lãnh đạo Hồi giáo địa phương Saif-ud-Din và Asharaf Ali cũng đã góp tiếng nói của mình để bày tỏ tình cảm đến với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi dâng lời chúc mừng lên Ngài nhân ngày tốt đẹp này. Họ đã bình luận rằng tất cả dân Ladakh - không chỉ riêng gì các tín đồ Phật giáo – đều tôn kính Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những lời khuyên mà Ngài đã ban cho họ. Rigzin Palbar của Hội đồng Phát triển miền Núi Ladakh đã cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và đã bày tỏ lòng cảm kích đối với sự ban truyền lễ Quán Đảnh Thời Luân lần thứ ba của Ngài ở Ladakh.
Bộ trưởng Phát triển đô thị, Rigzin Jora đã nắm lấy điểm này khi nhớ lại những lễ Quán đảnh Thời Luân vào năm 1976 tại Leh và năm 1988 ở Zanskar; những sự kiện này đã mở ra một thời kỳ phục hưng của Ladakh. Ông cho rằng, như một ngọn hải đăng của hòa bình và hòa hợp, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma của thế kỷ 21 chính là những gì mà Mahatma Gandhi đã là ở thế kỷ 20. Geshe Konchok Namgal đã xem nhân dân Tây Tạng và nhân dân Ladakh là cùng một dân tộc; trong khi đó, Tiến sĩ Tundup Tsewang đã thông báo rằng - cho đến nay đã có 108.000 người đã đăng ký tham dự lễ Quán Đảnh Thời Luân. Ông cảm ơn tất cả các tổ chức và cầu nguyện Ngài được sống lâu và cho người dân Tây Tạng sớm đạt được quyền tự trị mà họ đang tìm kiếm.
Nam diễn viên Richard Gere phát biểu tại lễ kỷ niệm Sinh nhật lần thứ 79 của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong thời gian Pháp Hội Quán đảnh Thời Luân lần thứ 33 tại Leh, Ladakh,J& K, Ấn Độ vào 06 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Một người phụ nữ địa phương, người đã được Palden Lhamo nhập vào, trong trạng thái xuất thần một cách tự nhiên, cô tiến lên phía trước để đảnh lễ dưới chân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngay sau đó là lời mời dành cho nam diễn viên và cũng là học trò của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma – RichardGere - ông đã phát biểu trong sự cổ vũ nồng nhiệt của mọi người.
Ông nhớ lại rằng ngay sau lần gặp gỡ đầu tiên của ông với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala 33 năm về trước; ông đã đến Ladakh - nơi mà ông mô tả là một trong những nơi đẹp nhất trên hành tinh này. Ông tự cho rằng mình là một người vô cùng may mắn! bởi vì thực tế là ông đã được sống cùng thời với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; không những chỉ được biết đến Ngài mà còn có thể được lắng nghe Ngài thuyết Pháp; đó là điều cực kỳ may mắn! Thay mặt cho hơn 4.000 người nước ngoài trong số khán giả đang hiện diện ở đây, ông xin được kính chúc Ngài một Sinh Nhật vui vẻ!
Khi đến lượt Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị phát biểu thì lại có một người nữa được người khác nhập vào xác. Lần này là một người đàn ông mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng là phương tiện (xác) của Nyanchen Thangla - một vị Thần Bảo hộ của Tây Tạng đã hiện hữu cùng thời với Hoàng đế Trisong Detsen vào thế kỷ thứ 8.
“Hôm nay, ở tại địa điểm Leh này” - Ngài bắt đầu phát biểu - “người dân Ladakh, Tây Tạng và các du khách từ nước ngoài đang thực hiện sự cầu nguyện cho hạnh phúc của tôi. Quý vị đã tham gia cùng với nhiều người khác không phải là người ở đây, đặc biệt là người dân ở Tây Tạng đã có một sự kết nối đặc biệt đối với tôi; nhiều người trong số họ không được phép bày tỏ đức tin và sự ủng hộ của mình; tôi xin chào đón tất cả các quý vị! Tại Mông Cổ, Nga, Đài Loan - và thậm chí - một cách âm thầm lặng lẽ ở Trung Quốc, tôi tin rằng lễ kỷ niệm Sinh nhật cho tôi cũng đang diễn ra. Tôi xin chân thành cảm ơn tất cả mọi người đã tham gia!”
“Năm hệ thống kiến thức (Ngũ Minh) của truyền thống Phật giáo của chúng ta hoàn toàn chịu ơn của Ấn Độ. Một bậc Thầy vĩ đại của Tây Tạng đã từng nói rằng:
Ở Tây Tạng, vùng đất của xứ Tuyết,
Màu sắc tự nhiên chính là màu trắng,
Nhưng trước khi ánh sáng từ Ấn Độ truyền vào,
Tây Tạng vẫn còn trong bóng tối âm u.
Kể từ khi đến Ấn Độ, chúng tôi đã được hưởng sự tự do. Tôi đã có thể đi du lịch và gặp gỡ mọi người trên toàn thế giới - những người mà tôi có thể chia sẻ với họ về cảm xúc của một con người”.
Thánh Đức ĐLLM thuyết Pháp trong ngày đầu tiên của Giáo lý nhập môn về Quán Đánh Thời Luân lần 33 ở Leh, Ladakh, J& K, Ấn Độ vào 06 tháng 7, 2014. Ảnh /ManuelBauer |
Ngài đã phác thảo về ba cam kết của mình là để phát huy giá trị của con người; thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo; và – là một người Tây Tạng - Ngài khát khao được bảo tồn nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ Tây Tạng; và bảo vệ môi trường đang có nguy cơ bị tàn phá của Tây Tạng.
Mặc dù Tây Tạng là một đế chế ngang hàng với những nước như Mông Cổ và Trung Quốc vào những thế kỷ thứ 7, 8 và 9; tuy nhiên, tại thời điểm này Ngài không tìm kiếm sự tách biệt ra khỏi Trung Quốc, mà là một giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận để đảm bảo việc bảo tồn các giá trịcủa Tây Tạng. Ngài kêu gọi các thính giả của mình hãy góp phần làm cho thế kỷ 21 trở thành một kỷ nguyên của hòa bình và hòa hợp; một thời đại mà trong đó vấn đề không phải giải quyết bằng việc sử dụng vũ lực mà là bằng phương pháp bất bạo động.
Khi giới thiệu về Giáo lý của Đức Phật và để chuẩn bị cho Quán Đảnh Thời Luân, Ngài nói rằng Ngài sẽ giải thích về “Bảo Hành Vương Chánh Luận” và ‘Thư gửi một người bạn” của Ngài Long Thọ. Ngài cho biết là Ngài đã thọ “Bảo Hành Vương Chánh Luận” từ Ngài Tsenshab Serkong Rinpoche và ‘Thư gửi một người bạn” từ Khunu Lama Rinpoche. Tuy nhiên, trước tiên Ngài sẽ ôn lại bản “Soi sáng Niềm Tin Tam Bảo” - Lời Khẩn cầu Mười bảy vị Hiền Triết Thông Tuệ của Nalanda. Ngài trích dẫn từ lời kết của cuốn sách để giải thích lý do tại sao Ngài đã viết tác phẩm này.
“Vào thời điểm hiện tại, trong khi thế giới bình thường có được sự tiến bộ lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nhưng chúng ta cũng đang bị phân tâm bởi sự hối hả và nhộn nhịp của cuộc sống bận rộn của mình. Điều vô cùng quan trọng là những người trong số chúng ta đã noi theo Đức Phật thì cần phải có đức tin dựa trên kiến thức về Giáo Lý của Ngài. Vì vậy, chúng ta nên tìm hiểu những lý lẽ về nó với một cái tâm học hỏi tìm tòi và không thiên vị; và cần phải phân tích nó một cách tỉ mỉ”.
Các thành viên của khán giả - một số có ô dù để bảo vệ chống lại ánh nắng mặt trời - đang lắng nghe Giáo lý nhập môn về Quán Thời Luân lần 33 của Thánh Đức ĐLLM vào ngày đầu tiên tại Leh, Ladakh, J& K, Ấn Độ vào 06 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Ngài đề cập rằng những bậc Thầy Nalanda đã nghiên cứu và phân tích Giáo lý của Đức Phật để thiết lập cho sự diễn giải một cách cởi mở và đáng tin cậy chứ không phải chỉ thực hiện theo những giá trị bề ngoài.Ngài đề nghị các thính giả của mình nên chọn phương pháp tiếp cận Giáo lý với cái tâm tìm tòi và không thiên vị tương tự như thế.Ngài nêu ra rằng - trong Tam Vô Lậu Học - tính chất quan trọng của Tuệ đã hỗ trợ rất nhiều cho Giới và Định.
Nhắc lại một cách tóm tắt những phẩm hạnh của Ngài Long Thọ và những người môn đệ của Ngài; ngài Vô Trước và đệ tử của Ngài; các nhà logic học Trần Na và Pháp Xứng; những bậc Thầy về Giới Luật - Ngài Đức Quang, Thích Ca Quang và Atisha - người mà cũng giống như những vị trước Ngài là Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Liên Hoa Giới - đã đến và giảng Pháp ở Tây Tạng. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lặp lại một trong những vần kệ cuối của Lời Khẩn Cầu:
“Bằng cách hiểu được ý nghĩa của Nhị Đế - phương thức tồn tại của các pháp,
Thông qua Tứ Đế, chúng ta biết được chắc chắn về cách mà chúng ta đến -
và phương pháp mà chúng ta từ bỏ vòng sinh tử luân hồi này”.
Được sinh ra bởi sự nhận thức hợp lý, đức tin của chúng ta nơi Tam Bảo sẽ trở nên kiên cố,
Nguyện cho con được gia trì để thiết lập được cội rễ của Đạo lộ Giải thoát”.
Thánh Đức ĐLLM công bố ra mắt cuốn sách mới “Tinh Yếu của Khoa Học” trong ngày đầu tiên của Giáo lý nhập môn về Quán Đảnh Thời Luân tại Leh, Ladakh, J& K, Ấn Độ vào 06 tháng 7, 2014. Ảnh /Manuel Bauer |
Vào phần cuối của sự thuyết Pháp trong ngày, Ngài đã rất hài lòng để tuyên bố ra mắt một cuốn sách mới “Tinh Yếu của Khoa Học Phật Giáo”. Với ba năm cho sự chuẩn bị, nó đã chứa đựng những sự giải thích về khoa học Phật giáo, đặc biệt là khoa học về tâm thức - được trích chiết từ Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng)- những Kinh Điển Phật Giáo đã được chuyển dịch. Ngài khen ngợi nó có giá trị sâu sắc đối với các nhà tư tưởng, các nhà khoa học và các độc giả có sự quan tâm và không thiên vị. Nó liên quan đến sự hiểu biết sâu sắc về tâm thức, những cảm xúc và phương pháp làm thế nào để đối phó với chúng. Ngài cho thấy rằng những tài liệu mà cuốn sách này chứa đựng sẽ là đối tượng của lĩnh vực nghiên cứu học tập chứ không chỉ giới hạn với sự lợi ích tôn giáo. Hôm nay, phiên bản Tây Tạng đã được phát hành, nhưng công việc đã được tiến hành để chuẩn bị cho những bản dịch sang tiếng Anh, Tiếng Hin-đi và Trung Quốc; và hy vọng rằng bản dịch tiếng Anh ít nhất sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
Sự giải thích về tác phẩm của Ngài Long Thọ sẽ được tiếp tục vào ngày mai.