Minneapolis, MN, Hoa kỳ, ngày 02, tháng 03, năm 2014 - Sau một ngày u ám hôm qua; hôm nay - ngày đầu tiên của năm Mới của người Tây Tạng, bình minh bắt đầu ló dạng, sáng tỏ và quang đản. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến Trường Đại Học Augsburg để đón mừng Năm Mới được tổ chức bởi Hội Người Mỹ Tây Tạng Minnesota, mặt trời tỏa sáng rực rỡ, phản chiếu lên những đống tuyết dọc theo hai bên đường và đuổi theo những vệt hơi nước - như hơi thở - của những chiếc ô tô. Khi vừa đến nơi, Ngài đã được cung nghinh bằng một nghi thức hoàn toàn mang truyền thống Tây Tạng. Ngài đã tham gia thắp đèn bơ của Tây tạng. Sau đó mọi người đều đứng nghiêm trang tập trung hát những bài quốc ca của cả hai nước Mỹ và Tây Tạng.
Chủ tịch Cộng đồng Tây Tạng đã đọc bản báo cáo ngắn gọn và cúng dường Mạn Đà La cùng với ba phẩm vật cúng dường tượng trưng cho Thân, Khẩu, Ý Giác ngộ dâng lên Đức Đạt Lai Lạt Ma; tiếp theo đó là Lễ Cúng Dường Trường Thọ được dâng lên cho Ngài. Trong bài phát biểu chào mừng, Vị lãnh đạo của những người Tây Tạng ở Minnesota - Namgyal Dorjee - đã giới thiệu các vị khách quý; Đức Đạt Lai Lạt Ma, Sikyong, Nữ Dân Biểu Betty McCollum, Nam Dân biểu Keith Ellison, và Thị Trưởng của Minneapolis - Betsy Hodges. Ông đã lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma đón mừng Năm Mới ở phương Tây; và những người dân Minnesotan và nhân dân Tây Tạng đã xem đó là một điềm lành tốt nhất mà Ngài đã dành cho họ.
Thánh Đức ĐLLM và Sikyong TS. Lobsang Sangay trong lúc đang hát Quốc ca của Tây Tạng và Mỹ trong Lễ đón Tết Tây Tạng được tổ chức tại Trường ĐH Augsburg ở Minneapolis, Minnesota vào 02 tháng 3, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Trong bài phát biểu của mình, Sikyong Tiến sĩ Lobsang Sangay cũng đã quan sát thấy rằng thật là một điềm lành biết bao khi được có Ngài ở đây. Ông chào đón tất cả 2500 người đang có mặt với câu chào Tashi Delek, bày tỏ một lời nguyện cầu cho tất cả những tâm nguyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma đều được thành tựu và ghi nhận rằng thật là thuận lợi khi thời gian gần đây Ngài đã có thể gặp gỡ Tổng Thống Obama. Dân biểu Betty McCollum đã kết thúc bài phát biểu của mình với lời tuyên bố rằng đây là lúc để cho người dân Tây Tạng thoát khỏi sự bạo lực và áp bức. Đến lượt Dân biểu Keith Ellison tuyên bố rằng đã đến lúc Chính phủ Trung Quốc phải tôn trọng những sự khác biệt về tôn giáo và văn hóa. Ông nói rằng nó sẽ mở ra - đặc biệt là mở ra một cuộc đối thoại trực tiếp về vấn đề Tây Tạng tự trị thật sự. Thị trưởng Betsy Hodges đã mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu vang dội “Losar Tashi Delek” (Chúc Mừng Năm Mới). Cô đã đưa ra một tuyên bố là sẽ đặt tên cho ngày hôm nay là Ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma của Hòa Bình ở Minneapolis. Cuối cùng, Tashi Namgyal đọc một thông điệp của Chủ tịch Quốc hội Lưu vong Tây Tạng với đoạn kết là lời cầu nguyện cho mọi ước nguyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma được thành tựu, cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và nhân dân Tây tạng sẽ sớm được đoàn tụ một lần nữa tại đất nước Tây Tạng.
Các thanh thiếu niên Tây Tạng trình diễn những ca khúc và vũ điệu đặc trưng của ba Tỉnh Tây Tạng với sự sôi nổi và vui nhộn. Đến lượt Ngài phát biểu:
“Thưa vị Lãnh đạo đã được bầu chọn một cách dân chủ Lobsang Sangay, các Lãnh đạo Khu vực Tây Tạng, các Vị Đại Diện Quốc Hội, Nữ Thị Trưởng; các Tăng Sĩ và đồng bào Phật Tử, và các vị khách mời đặc biệt danh dự của chúng tôi đã đến đây và nói thẳng ý kiến của mình cho chúng tôi - xin cám ơn quý vị! Tôi muốn được bắt đầu bằng lời chào đến tất cả nhân dân Tây Tạng; không chỉ là những người đang có mặt ở đây mà là tất cả những người đang sống bên ngoài và bên trong đất nước Tây Tạng. Nhân dân Tây Tạng không nhiều nhưng chúng tôi có văn học và ngôn ngữ riêng của mình; đó là thứ ngôn ngữ thích hợp nhất hiện nay trong vấn đề thảo luận về Phật Giáo. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu thương, lòng từ bi, sự khoan dung, tha thứ và tinh thần tri túc. Nhưng điểm trọng tâm đặc biệt của Phật giáo đó là việc sử dụng lý trí. Đức Phật đã dạy về con đường đưa đến sự tái sinh vào những cảnh giới cao và sự giải thoát. Sự giải thích thấu đáo về những giáo lý này được tồn tại trong tiếng Tây Tạng; một sự giải thích bao hàm toàn diện hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác, đó là một điều rất đáng được tự hào!
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong buổi Lễ đón Tết Tây Tạng được tổ chức tại Trường ĐH Augsburg ở Minneapolis, Minnesota vào 02 tháng 3, 2014. Ảnh / Stephen Geffre |
Khi chúng tôi lần đầu tiên đến sống lưu vong, điều duy nhất mà chúng tôi biết chắc chắn đó là trái đất và bầu trời. Khi đến Musoorie chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra với chúng tôi. Thời gian trôi qua, chúng tôi đã sống sót bằng cách dựa vào tinh thần bất bạo động và sức mạnh của sự thật. Lúc ấy tôi 24 tuổi và bây giờ thì đã gần 79 tuổi rồi. Ngoài sức mạnh của sự thật, chúng tôi đã trải nghiệm qua sức mạnh của lòng từ bi. Chúng tôi đã làm hết sức mình và giữ cho tâm trí được yên bình”.
Ngài nói rằng điều quan trọng nhất là sự chuyển hóa tâm thức. Ngài cám ơn các Vũ Công đã được đào tạo tốt và biểu diễn rất hay. Ngài nói đùa rằng trong khi khán giả cảm thấy lạnh buốt thì các vũ công chắc chắn là rất ấm áp. Ngài nói rằng các thế hệ đã thay đổi nhưng tinh thần của nhân dân Tây Tạng vẫn duy trì rất mạnh mẽ. Ngài nói với những người tập hợp ở đó rằng Ngài đã suy nghĩ đến việc làm Lễ Phát Bồ Đề Tâm như một món quà của mình dành cho tất cả những người đang hiện diện. Ngài nói rằng nếu chỉ đơn thuần trì tụng những vần Kệ về Quy y và phát Bồ Đề Tâm thì chưa đủ; mà bạn phải hiểu rằng chúng ta quy y với mục đích tối hậu là đạt được sự Toàn Tri, đó chính là Phật quả. Để trở thành một vị Phật cần phải dựa trên sự liễu ngộ về Tánh Không. Chúng ta phải trải nghiệm qua sự đau khổ bởi vì do Vô minh; và Đức Phật đã chỉ ra con đường để vượt qua sự vô minh đó.
Ngài bắt đầu truyền đọc về “Xưng Tán Duyên Khởi” của Ngài Tsongkhapa. Ngài nói rằng Ngài Tsongkhapa đã quan tâm đến Tánh Không từ thời thơ ấu và bản văn này đã tán dương Đức Phật về việc giảng dạy Giáo lý Duyên Khởi rất có giá trị. Ngài cũng nhận xét thêm:
“Chúng ta ở đây đang cử hành Lễ Tết, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu như Tết có một sự tồn tại độc lập thì chúng ta không biết phải nói như thế nào về những người Tây Tạng và Ấn Độ đã tổ chức Tết ngày hôm qua rồi, mặc dù dường như chúng ta đang làm điều đó vào ngày hôm nay. Tương tự như vậy, chúng ta có những mảnh giấy màu xanh lá cây mang sự thiết kế nhất định được gọi là “đô la”. Chúng phục vụ như đã được đặt tên. Chúng ta cũng có thể hỏi, ai đã tuyên bố về giá trị của vàng? Con người đã định danh (đặt tên) cho nó bằng cách này và chúng ta phải chấp nhận nó. Khi các bạn nhìn vào thân thể của tôi các bạn có lẽ sẽ nói rằng các bạn có thể thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma, tuy nhiên, nếu các bạn nhìn một cách phân tích hơn, các bạn sẽ không tìm thấy được ông ta. Vì những thứ này không có sự tồn tại cố hữu cho nên những tên gọi của chúng cũng không có sự tồn tại cố hữu.
Một số trong hơn 2.500 người tham dự Lễ đón Tết Tây Tạng được tổ chức tại Trường ĐH Augsburg ở Minneapolis, Minnesota vào 02 tháng 3, 2014. Ảnh / Sonam Zoksang |
“Je Rinpoche (Ngài Tsongkhapa) tự nhận mình là một tu sĩ Phật giáo, một người không nghèo nàn về sự học vấn. Ngài và tôi đều được sinh ra cùng một nơi sinh”.
Ngài đã hướng dẫn đại chúng đọc những vần kệ phát Bồ Đề Tâm. Ngài truyền một số thần chủ phổ biến và sau đó yêu cầu mọi người cùng nhau tụng câu thần chú OM MANI PADME HUNG vì sự lợi ích của anh chị em của họ ở Tây Tạng. Cuối cùng, Ngài nói: “Đó là tất cả, xin cám ơn quý vị! Hãy vui vẻ lên!”
Vào buổi chiều, Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến Trưởng Đại Học Macalester, đầu tiên Ngài gặp gỡ nhóm sinh viên đến từ phân khoa Khoa Học Thần Kinh, những người đã bày tỏ niềm cảm kích đối với sự quan tâm và đóng góp của Ngài cho đời sống kỷ luật của họ.
Trong hội trường, trước 3500 khán giả, Thị trưởng Kathleen Murray và Hiệu trưởng của Trường đại học - Brian Rosenberg - đã trao tặng cho Ngài Bằng Tiến Sĩ Danh Dự về sự nghiệp của Ngài cho nền Hòa bình Thế giới và đại diện cho dân tộc của mình. Sau đó Ngài nói chuyện với khán giả.
“Các anh chị kính mến và các em thân yêu! Tôi vô cùng hạnh phúc được gặp gỡ với nhóm sinh viên trẻ trung này! Khi tôi gặp những người trẻ tuổi, tôi cảm nhận được họ chính là những người hình thành nên một thế giới mới trong một thế kỷ mới. Thời gian luôn trôi qua và không có nguồn lực nào có thể ngăn cản nó được. Quá khứ đã là quá khứ, chúng ta chỉ có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của mình, nhưng chúng ta không thể thay đổi chúng được. Tuy nhiên, tương lai thì có thể được định hình lại.
“Một số Sử gia nói rằng trong thế kỷ 20, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đã có khoảng 200 triệu người đã chết vì bạo lực. Máu đã đổ quá nhiều! Bạo lực và khổ đau! Nếu nó dẫn đến một trật tự mới thì có lẽ nó sẽ được biện hộ; nhưng nó đã không như thế! Nó chỉ mang lại khổ đau! Trong số các khía cạnh tiêu cực nhất của bạo lực chính là hậu quả không thể lường trước được của nó. Trong bối cảnh này, sau thảm kịch 11/9, tôi đã viết cho bạn của tôi là Tổng Thống Bush để bày tỏ nỗi đau lòng của tôi và gởi lời chia buồn, nhưng cũng để bày tỏ niềm hy vọng rằng bất cứ phản ứng nào được dự tính thì cũng sẽ là sự bất bạo động.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Trường ĐH Macalester St Paul, Minnesota vào 02, tháng 3, 2014. Ảnh / David Turner |
“Thật không may! Thế kỷ 20 không những chỉ là bạo lực thôi đâu, mà sau đó còn tiếp tục có những tác động cho đến bây giờ. Để làm cho thế kỷ này trở nên hòa bình hơn, chúng ta phải khiến cho nó trở thành một thế kỷ của sự đối thoại. Mặc dù chúng ta mong đợi một kỷ nguyên hòa bình, điều đó không có nghĩa là nó sẽ không có những vấn đề rắc rối. Sự khác biệt ở chỗ là chúng ta phải đối phó với những vấn đề này thông qua sự đối thoại; không dựa trên vũ khí mà là dựa vào sự thật. Tìm kiếm sự thất bại của đối thủ của mình thì bạn sẽ không thành công; bạn cần phải để cho anh ta tôn trọng”.
Ngài cho rằng trong số nhiều vấn đề mà chúng ta phải đương đầu, sự cách biệt quá lớn giữa giàu và nghèo là một sự sai trái về mặt đạo đức và là một lỗi lầm về thực tế. Cần phải có một phương pháp sáng tạo để đối phó với nó. Ở nhiều nơi trên thế giới cũng vậy, sự tham nhũng lan tràn, nó giống như một căn bệnh ung thư đối với xã hội. Thiên tai và sự biến đổi của khí hậu, nền kinh tế toàn cầu … là những điều đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn, do đó, những người trẻ hôm nay, thế hệ của thế kỷ 21 sẽ phải quyết tâm hơn. Họ chính là nguồn hy vọng của chúng tôi.
Ngài nói rằng điều quan trọng là phải nhận ra được rằng mọi người đều có quyền được hạnh phúc. Không hề có chỗ cho sự phân chia thành “chúng tôi” và “họ”. Chúng ta cần phải suy nghĩ về sự hợp nhất của nhân loại. Sự khác biệt về quốc gia, chủng tộc, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ học vấn… tất cả đều là thứ yếu. Chúng ta cần phải suy nghĩ rằng các vấn đề của người khác cũng chính là những vấn đề của mình.
Nỗi đau về thể xác có thể được thuyên giảm thông qua những nỗ lực tinh thần; nhưng sự khó chịu về tinh thần sẽ không được vơi đi nhờ vào những tiện nghi vật chất. Chúng ta cần quan tâm cho lợi ích của người khác. Khởi lòng từ tâm sẽ làm giảm bớt căng thẳng và mang lại sự thanh thản cho tâm hồn. Những phụ nữ trẻ thường chú ý đến ngoại hình của mình bằng việc sử dụng mỹ phẩm, điều đó là tốt. Tuy nhiên, quan trọng hơn nhiều so với vẻ đẹp bên ngoài đó là sự nuôi dưỡng vẻ đẹp nội tâm. Lòng tốt sẽ làm phát sinh sự tin tưởng; và lòng tin tưởng sẽ đưa đến tình bạn”.
Trong số những câu hỏi mà Brian Rosenberg đã đặt ra cho Ngài, câu đầu tiên là Ngài đã từng nổi giận chưa. Ngài trả lời rằng Ngài có nổi giận và nếu như cần biết chi tiết thì có thể hỏi những nhân viên của Ngài. Tuy nhiên sự giận dữ của Ngài không kéo dài. Ngài nói thỉnh thoảng Ngài ngắm nhìn sự giận dữ của mình phát triển. Bằng cách quán sát những cảm xúc của mình như thế, chúng ta có thể biết được cách chúng hoạt động và phát triển như thế nào. Cho phép sự thông minh của mình tiến triển, chúng ta có thể thu hẹp được khoảng cách giữa sự xuất hiện bề ngoài và sự thật. Đối với câu hỏi về sự mâu thuẫn giữa tôn giáo và khoa học; Ngài giải thích rằng đức tin liên quan đến giá trị nội tâm của chúng ta; trong khi đó khoa học liên quan chủ yếu đến thế giới vật chất, vì vậy, chúng thật sự không có mâu thuẫn.
Một số trong số hơn 3.500 sinh viên tham dự buổi nói chuyện của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Trường ĐH Macalester St Paul, Minnesota vào 02, tháng 3, 2014. Ảnh / David Turner |
Về cách để đưa ra những quyết định hợp lý, Ngài dựa vào những kinh nghiệm của bản thân. Ở Tây Tạng, một khi Ngài đã đảm nhận trách nhiệm về chính trị và về tâm linh cho đất nước; Ngài thường suy nghĩ mọi việc thông suốt cho chính mình, sau đó Ngài sẽ tham khảo ý kiến của người khác - bao gồm cả những người hầu cũng như các viên chức có liên quan. Dựa trên cơ sở đó Ngài sẽ đưa ra một quyết định. Ngài nói rằng trong những trường hợp như vậy, nếu động cơ của bạn là tốt, thì ngay cả khi mọi thứ có bị đi sai thì cũng không có cơ sở để phải hối tiếc.
Câu hỏi cuối cùng là về môn thể thao lớn nhất là gì; Ngài cười và nói rằng ông đã hỏi sai người rồi bởi vì Ngài không quan tâm đến thể thao. Khi bị ép phải thừa nhận rằng Ngài đã chơi bóng bàn tại Bắc Kinh vào năm 1954 để có thể đánh bại Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và sau đó chơi cầu lông một ít ở Ấn Độ. Nhưng Ngài nói rằng, khi mới gần đây Ngài đã được mời tham dự trong một trận đấu cricket ở Dharamsala, Ngài đã phải hỏi ai là người chiến thắng bởi vì bản thân Ngài không biết một chút gì về điều đó.
Chủ tịch Rosenberg đã cám ơn Ngài rất nhiều về sự quang lâm của Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma có vài lời sau cùng để nói với thính giả của mình.
“Các bạn trẻ thân mến! Xin hãy vui lòng suy nghĩ về những gì tôi đã nói. Chúng ta không thể nào cho đó là điều dĩ nhiên rằng cuộc sống của chúng ta là có thể chịu đựng được. Chúng ta cần phải đánh giá và điều chỉnh nó cho phù hợp với thực tế mới. Xin cám ơn!”