Dharamsala, Ấn Độ, 31 tháng 3 2014 - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến đúng giờ tại Chùa Theckchen Choling vào sáng nay để bắt đầu các thủ tục chuẩn bị cho việc truyền Lễ Quán Đảnh Đức Phật Dược Sư. Một đám đông háo hức của người Tây Tạng và những người nước ngoài đã tập trung tại khuôn viên Chùa và khu vườn bên dưới.
“Hôm nay, Hiệp hội các bác sĩ Tây Tạng đã thỉnh cầu tôi ban truyền Quán Đảnh Đức Phật Dược Sư, có lẽ họ nghĩ rằng nó sẽ nâng cao kỹ năng tay nghề của họ. Tuy nhiên, trì tụng thần chú Phật Dược Sư không phải là những gì sẽ làm cho quý vị tốt hơn trong nghề nghiệp của quý vị; việc nghiên cứu và thực hành mới là phương pháp thích hợp nhất”, Ngài bắt đầu. “Người Tây Tạng chúng ta có một hệ thống y tế đã được nghiên cứu rất uyên thâm. Trong thế kỷ thứ 8, Hoàng đế Trisong Detsen đã triệu tập một hội nghị quốc tế về y học mà ông là người chủ trì; và kết quả là y học Tây Tạng đã trở thành một sự tổng hợp của nhiều truyền thống. Bây giờ, trong thế kỷ 21 này, chúng ta cần phải tận dụng những cơ hội để cải thiện hơn nữa”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết Pháp tại Chùa Theckchen Choling ở Dharamsala, Ấn Độ vào 31 tháng 3, 2014. Ảnh / Lobsang Tsering / VPĐLLM |
Ngài nói rằng cho dù sự thuyết giảng diễn ra trong thời gian dài hay ngắn; và cho dù bạn là người truyền giảng hay là người lắng nghe; thì điều quan trọng vẫn là phải có một động lực thanh tịnh. Ngài đề cập đến một vị Lạt Ma tên là Tseley Rangdol đã thực hiện ba cam kết liên quan đến việc giảng dạy của mình: không cỡi ngựa từ nơi này đến nơi khác, phải ăn chay, và không nhận bất cứ sự trả công nào. Ngài nói rằng điều này thực sự gây ấn tượng đối với Ngài.
Ngài nói về sự quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn; nói rằng Pháp mới chính là nơi nương tựa thực sự. Ngài nói thêm rằng trong truyền thống tiếng Phạn, sự thực hành chủ yếu chính là phát khởi tâm tỉnh thức của Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh Không; và mục tiêu chính là sự Giác ngộ viên mãn. Cần lưu ý rằng các bác sĩ Tây Tạng là những đệ tử chính của ngày hôm nay; Ngài cũng đã đề cập đến số lượng lớn các học sinh trung học cũng đang tham dự.
“Mặc dù chúng ta mong muốn hạnh phúc, nhưng chúng ta lại cứ mãi đuổi theo những nguyên nhân của khổ đau”, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét; Ngài nhắc lại rằng khi mà Ngài được đăng quang là Đạt Lai Lạt Ma, Ngài đã có cơ hội để nghiên cứu Phật pháp. Tuy nhiên, bị giới hạn trong Cung điện Potala và Norbulingka, Ngài rất ít được tiếp xúc với những người dân bình thường và cuộc sống của họ. Điều đó chỉ xảy ra một khi Ngài bắt đầu đi du lịch; đầu tiên là ở Dromo thuộc miền Nam Tây Tạng; sau đó đến Trung Quốc, nơi Ngài đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo Cộng sản và sau đó đến Ấn Độ, nơi mà Ngài đã gặp những người chiến sĩ đấu tranh vì tự do và là những người đệ tử của Mahatma Gandhi. Khi những chuyến công du của Ngài mở rộng đến Thái Lan và Singapore trong những năm 1960 và sang châu Âu và Mỹ trong những năm 1970, Ngài đã được gặp gỡ những người từ tất cả các tầng lớp của xã hội. Những gì Ngài quan sát được là - tất cả mọi người đều trông cậy vào sự phát triển vật chất để mong rằng hạnh phúc sẽ theo sau. Mặc dù vậy, dần dần, người dân đã bắt đầu nhận ra rằng chỉ với một mình sự phát triển vật chất không thôi là chưa đủ. Ngày nay, ngay cả các nhà khoa học cũng đã quan sát thấy rằng sự bình yên của tâm hồn là điều rất quan trọng, nó đưa đến một cơ thể cường tráng và khỏe mạnh.
“Con người đều được sinh ra từ các bà mẹ của mình; và đối với mẹ hầu như tất cả chúng ta đều phát triển một mối quan hệ tình cảm rất mãnh liệt. Tình cảm trở thành một phần của chúng ta. Bạn càng có nhiều tình yêu thương và lòng từ bi trong cuộc đời thì bạn càng hạnh phúc hơn. Là một loài động vật mang tính xã hội - như những chú ong - chúng ta có một ý thức về cộng đồng và trong bối cảnh đó tình yêu thương và lòng từ bi chính là nguồn gốc của hạnh phúc chân thật.
“Trước tiên, tôi là một con người; là một người Tây Tạng và là Phật tử chỉ là điều thứ hai. Là một con người, điều tôi quan tâm là làm thế nào để mang lại hạnh phúc cho phần còn lại của cả nhân loại. Những gì tôi đã học được là - nếu bạn có một trái tim ấm áp thì bạn sẽ hạnh phúc hơn. Đây là lý do tại sao tôi đã nỗ lực để thúc đẩy nền đạo đức thế tục. Tôi tin rằng nếu Đức Phật xuất hiện ngày hôm nay thì những gì Ngài muốn dạy sẽ là đạo đức thế tục; đây sẽ là điều giúp ích rất lớn đối với 7 tỉ người đang sống hôm nay. Một điều rất rõ ràng là nếu chúng ta chỉ biết coi trọng bản thân mình thì điều đó sẽ là nguồn gốc của mọi sự rắc rối; trong khi quan tâm đến người khác lại chính là nền tảng của mọi hạnh phúc”.
Các thành viên của khán giả lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Chùa Theckchen Choling ở Dharamsala, Ấn Độ vào 31 tháng 3, 2014. Ảnh / Lobsang Tsering / VPĐLLM |
Ngài tiếp tục làm sáng tỏ rằng, trong khi sự nghi ngờ sẽ dẫn đến sự thiếu tin cậy và không có khả năng để hòa thuận với người khác; thì sự trung thực, chân thành, tình yêu thương và lòng từ bi sẽ thu hút được bạn bè. Những phẩm chất nội tâm thuộc về đạo đức thế tục này không thể mua được, cũng không có thể được sản xuất tại bất cứ nhà máy nào; mà chúng chỉ có thể được tìm thấy bằng cách chuyển hóa tâm thức của chúng ta. Những tín đồ của các tôn giáo hữu thần có xu hướng tin vào một Đấng Sáng Tạo. Xem những chúng sinh khác như là một sự sáng tạo của Chúa sẽ khuyến khích một ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi đối với họ. Thay vì những tôn giáo vô thần như một chi nhánh của Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và các Phật tử đã tin vào Luật Nhân Quả, rằng những hành động tốt sẽ có kết quả tốt và sẽ đưa đến sự hạnh phúc; và những hành động xấu sẽ có hậu quả tồi tệ. Điều này cũng khuyến khích một ý thức về tình yêu thương và lòng từ bi đối với người khác. Điều làm cho Phật giáo nổi bật đó chính là Giáo lý Duyên Khởi. Ngài nhận xét rằng trí thông minh của con người cho phép chúng ta đánh giá cao sự hữu ích như thế nào của tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau.
Ám chỉ đến sự nghiên cứu nghiêm ngặt và sâu rộng; và cách đào tạo đặc trưng của Phật giáo Tây Tạng; Ngài đề cập đến vai trò quan trọng của ngôn ngữ Tây Tạng là một ngôn ngữ tốt nhất để thể hiện chính xác truyền thống Nalanda. Ngài bày tỏ lòng biết ơn đến Hoàng đế Tây Tạng đầu tiên đã chọn óc sáng kiến của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ để dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng, một thành tích mà mỗi người dân Tây Tạng đều có thể tự hào về nó.
Trong quá trình truyền Quán Đảnh Đức Phật Dược Sư, Ngài hướng dẫn Hội chúng thông qua các nghi lễ phát khởi Bồ Đề Tâm.
Trong những lời cuối cùng của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về Baba Phuntsog Wangyal - người đã qua đời ngày hôm qua. Ngài nói rằng Ngài đã biết cá nhân ông kể từ năm 1951 và coi ông như một vị anh hùng của Tây Tạng. Một mặt, ông là một nhà cách mạng cộng sản, nhưng mặt khác, ông là một người Tây Tạng đầy lòng tự hào và kiên quyết. Chính vì điều này mà ông đã bị giam giữ trong tù từ năm 1957. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì sự cống hiến cho hạnh phúc của nhân dân Tây Tạng trong suốt cuộc đời của mình. Ngài trìu mến nhớ lại rằng, năm ngoái, Phuntsog Wangyal đã gửi cho Ngài một bức ảnh của ông đang cầm một chiếc khăn khatag trong đôi bàn tay đang chắp lại; cho thấy rằng Cộng sản cuối cùng đã trở thành một người Phật Tử. Đức Đạt Lai Lạt đã mời tất cả mọi người đang có mặt hãy cùng nhau trì tụng Thần chú Mani cho Phuntsog Wangyal, cho những người đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh của nhân dân Tây Tạng, kể cả những người đã cam kết tự thiêu.