Koyasan, Nhật Bản, ngày 15 tháng 4 năm 2014 - Một lần nữa Koyasan được tắm trong ánh nắng mặt trời tươi sáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đến thăm Tháp Daito. Tháp tọa lạc trong Danjo Garan thuộc khu vực của Koyasan được thiết lập bởi Kobo Daishi để đào tạo sự thực hành Phật giáo bí truyền. Ngài đến thăm một trong những hội trường lân cận có chứa những bức tượng khổng lồ liên quan đến Đức Đại Nhựt Như Lai; và chiêm ngưỡng những bức tranh của Ngài Kobo Daishi và Ngài Long Thọ trên các bức tường cao.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chiêm ngưỡng những bức tranh tường bên trong Bảo Tháp Daito ở Koyasan, Nhật Bản vào 15 tháng 4, 2014. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Tại Thính phòng của Đại học Koyasan, có sức chứa khoảng 800 người lại một lần nữa chờ đợi Ngài và Ngài không bị mất thời gian để an tọa và nói chuyện với họ.
“Kính thưa vị Viện Chủ! Các anh chị em tâm linh! Tôi rất vui khi có được cơ hội này để giao lưu với quý vị. Tôi rất biết ơn Tu viện Koyasan đã tổ chức những buổi thuyết giảng và dịp gặp gỡ này. Tôi rất thích thú khi được ở đây. Thật yên tĩnh và thanh bình. Chỉ có một vấn đề rắc rối duy nhất - đó là lạnh, bởi vì các tòa nhà truyền thống Nhật Bản được thiết kế cho thời tiết ấm hơn. Hôm khác sẽ không có thời gian cho bất kỳ câu hỏi nào, vì vậy, bây giờ có lẽ quý vị muốn đặt câu hỏi thì xin mời hãy bắt đầu”.
Câu hỏi đầu tiên đã được chuẩn bị từ các thành viên của Trường Đại học là “Sự cầu nguyện có ý nghĩa gì đối với Ngài?” Và Ngài đã trả lời rằng cầu nguyện là chung cho tất cả các truyền thống tôn giáo. Tuy nhiên, Phật giáo, Kỳ Na Giáo và Samkhyas1 không có khái niệm về một Đấng Tạo Hóa. Đức Phật đã nói với các đệ tử của Ngài: “Các con là Vị Thầy của chính mình; nỗi đớn đau hay niềm hạnh phúc của các con đều nằm trong tay của chính các con”. Và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát chúng sanh bằng cách giảng dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Khi Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng, thì lúc ấy Pháp đang được phát triển trong chính tâm thức của chúng ta và đó chính là sự quy y thật sự. Đức Phật là Vị Thầy và Tăng đoàn chính là những người bạn đồng hành trên con đường tu tập. Chúng ta cần phải học hỏi, nghiên cứu; trong đó bao gồm văn, tư, tu. Đức Phật cũng giống như một vị Bác sĩ; Pháp cũng giống như thuốc men hay phương pháp điều trị, trong khi Tăng đoàn thì giống như các y tá giúp đỡ tận tình. Khi chúng ta bị bệnh, chúng ta cần phải tham khảo ý kiến của một bác sĩ, nhưng nếu ông ta chỉ kê một toa thuốc cho chúng ta thôi thì vẫn chưa đủ; chúng ta phải làm theo lời khuyên của bác sĩ và phải tự mình uống thuốc.
Khán giả xếp hàng để hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại Thính phòng của ĐH Koyasan ở Koyasan, Nhật Bản vào 15 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Câu hỏi thứ hai liên quan đến việc: là một Tu sĩ - Ngài coi điều gì là quan trọng nhất. Ngài không ngần ngại trả lời:
“Ba sự rèn luyện về Tam Vô Lậu Học: Giới, Định, Tuệ được thể hiện trong Luật tạng, Kinh Tạng và Luận Tạng. Giới bao gồm các giới luật biệt giải thoát - chung cho tất cả các Thừa trong Phật giáo; ngoài ra còn có các Bồ tát giới và Mật giới. Sự thực hành Mật tông là kết hợp sự thiền định và trí tuệ.
“Mỗi ngày tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng; cầu nguyện và thực hành thiền phân tích (thiền quán). Là một Tỳ kheo, tôi không ăn quá ngọ (sau bữa trưa) và tôi đi ngủ lúc 8 giờ tối với một giấc ngủ an lành. Khi tôi mơ, tôi mơ về những gì tôi đã suy nghĩ và quán chiếu trong thời gian ban ngày, chủ yếu là sự phản ánh về Bồ đề tâm và tánh Không, do đó sự phân tích quán sát của tôi vẫn tiếp tục ngay cả trong những giấc mơ. Tất nhiên, trong Mật tông, trạng thái giấc mơ cũng là một cơ hội để thiền định về ánh quang minh”.
Khi được hỏi về những ấn tượng của Koyasan, Ngài bày tỏ niềm cảm kích đối với sự hòa bình và yên tĩnh của nó, Ngài ca ngợi đó như là một nơi để thiền định. Sau đó Ngài chọn để nói chuyện chung và cho biết là Ngài sẽ mời thêm câu hỏi vào cuối buổi nếu còn thời gian.
“Bất cứ nơi nào tôi đến, những người tổ chức các cuộc hội nghị của tôi thường sắp xếp một cuộc nói chuyện với công chúng, bởi vì tôi rất thích được gặp gỡ công chúng. Tại sao? Bởi vì mọi người đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, ngay cả loài động vật và các loài chim. Không ai muốn khổ sở và đớn đau. Chúng ta không cần phải chứng minh điều này. Tuy nhiên, loài người của chúng ta thì khác hơn so với những chúng sinh khác; bởi vì chúng ta có trí thông minh tuyệt vời; chúng ta có tiềm năng lớn hơn. Tất cả chúng ta chỉ là những con người; và chúng ta đều giống nhau về mặt tinh thần, thể chất và tình cảm. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc.
“Ngày nay có nhiều sự phát triển hiện đại và người Nhật Bản cũng quá chú ý đến giá trị của những thứ vật chất hơn là giá trị nội tâm bên trong. Kết quả là chúng ta phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, và nhiều trong số những vấn đề ấy là do chính chúng ta đã tạo ra. Con người hiện đại quan tâm hơn đến sự thỏa mãn về mức độ cảm giác. Chúng ta thích nhìn những thứ trông có vẻ tốt đẹp. Chúng ta tìm thấy niềm thỏa mãn từ sự nhìn ngắm và lắng nghe những gì dễ chịu, những thứ đẹp đẽ bảnh bao. Cũng như vậy, chúng ta tìm thấy niềm vui từ những thứ mà chúng ta ngửi, nếm và cảm thấy ngon, bao gồm cả quan hệ tình dục. Các loài động vật cũng có những kinh nghiệm cảm giác như thế, nhưng vì chúng ta còn có bộ não và trí thông minh tuyệt vời này, nên chúng ta có nhiều kinh nghiệm hơn về mức độ tinh thần”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi nói chuyện tại Thính phòng của ĐH Koyasan ở Koyasan, Nhật Bản vào 15 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Ngài giải thích rằng kinh nghiệm tinh thần của chúng ta cũng đa dạng hơn; chúng ta bị căng thẳng, lo lắng và đau đớn. Kinh nghiệm cảm giác không bù đắp được nỗi đau dữ dội hoặc niềm vui lớn lao mà chúng ta cảm nhận được về cấp độ tinh thần. Nó có thể khiến chúng ta xao lãng bớt, nhưng nó không thể vượt qua được. Mặt khác, nếu chúng ta có một cảm giác ổn định của sự an tâm, thì ngay cả những kinh nghiệm tiêu cực cũng sẽ không khiến cho chúng ta cảm thấy khó chịu lắm. Ngài nói thêm rằng sự bình yên trong tâm hồn cũng rất có lợi cho sức khỏe thể chất của chúng ta; và các chuyên gia y tế đã phát hiện ra rằng sự tức giận, hận thù và sợ hãi sẽ ăn mòn vào hệ thống miễn dịch của chúng ta. Bình tĩnh và thoải mái sẽ tốt cho cơ thể khỏe khắn của chúng ta hơn. Cười …, Ngài nói rằng Ngài thường trêu đùa những người trẻ về việc họ thường đặt sự nhấn mạnh về mặt ngoại hình - trong khi đó - vẻ đẹp bên trong như lòng từ bi, tình cảm và sự tôn trọng thì quan trọng hơn nhiều. Ngài nói rằng một cuộc hôn nhân dựa trên vẻ đẹp nội tâm thì sẽ hạnh phúc hơn và lâu bền hơn là cuộc hôn nhân chỉ dựa trên vẻ đẹp ngoại hình.
“Cuộc sống hiện đại, thậm chí ngay cả hệ thống giáo dục, đều dựa trên giá trị của vật chất và văn hóa vật chất. Các cuộc thảo luận với các nhà tư tưởng và các nhà giáo dục cho rằng hệ thống giáo dục của chúng ta cần tham gia nhiều hơn về vấn đề đạo đức, bất kể là có đức tin hay không có đức tin. Là con người, chúng ta cần những giá trị đạo đức. Cụ thể là tại Hoa Kỳ, chúng tôi đang phát triển một dự án để giới thiệu nền đạo đức thế tục vào hệ thống giáo dục. Kết quả cho đến nay đã rất được khích lệ. Chúng ta phải nghĩ đến lợi ích của 7 tỷ người bởi vì chúng ta là một phần của họ. Một ví dụ về sự phụ thuộc lẫn nhau này là mối quan hệ của nền kinh tế Nhật Bản với phần còn lại của cả thế giới.
“Về vấn đề của môi trường và sự biến đổi khí hậu của toàn cầu cũng vậy, nó không phải chỉ liên quan đến châu Âu, châu Á, châu Phi hay châu Mỹ. Chúng ta nên suy nghĩ về tất cả mọi người chứ không phải chỉ riêng cho “tôi” hay “chúng tôi”. Những gì xảy ra trên hành tinh xanh này là nơi chúng ta đang sống và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chúng ta cần phải quan tâm đến lợi ích của toàn thể nhân loại, thay vì chỉ nghĩ đến “chúng ta” và “họ”, điều mà sẽ trở thành cơ sở cho sự phân chia loài người ra thành bằng hữu và kẻ thù; và viễn cảnh của chiến tranh. Chúng ta cần phải đối phó với sự bất công trên thế giới; với khoảng cách giữa giàu và nghèo; với việc xem những người bần cùng như những thành phần bị gạt bỏ ra và hầu như không quan trọng. Và trách nhiệm thuộc về 7 tỷ người của chúng ta chứ không phải trên vai của Đức Phật, Chúa Giê-su, Mohammed hay Krishna. Khi tôi tham dự một cuộc tụ họp để cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình thế giới ở Hiroshima cách đây vài năm, tôi đã nói rằng hòa bình thế giới sẽ không xảy ra chỉ nhờ vào sự cầu nguyện, chúng ta phải hành động! Và tôi tin rằng “hành động” là một điều gì đó mà người Nhật Bản hiểu. Vì vậy, đó là những điều mà tôi cần phải nói, xin cảm ơn quý vị!”.
Một cảnh của khán đài tại Thính phòng của ĐH Koyasan, địa điểm tổ chức buổi nói chuyện của Thánh Đức ĐLLM ở Koyasan, Nhật Bản vào 15 tháng 4, 2014. Ảnh / VP Tây Tạng, Nhật Bản |
Sau đó Ngài đã trả lời một số câu hỏi từ phía khán giả. Được hỏi tại sao người ta nói dối, Ngài nói rằng nói dối là do cái tâm hẹp hòi và thiển cận. Tất cả chúng ta đều cần tình bạn, nó được xây dựng trên sự tin tưởng, lòng chân thành và tính trung thực, là cơ sở của một cộng đồng hạnh phúc.
Khi một người phụ nữ hỏi về việc sử dụng năng lượng tình dục trong Mật Tông, Ngài cảnh báo rằng chúng ta không nên hiểu lầm về những bức tranh của các vị thần trong sự hợp nhất với các vị phối ngẫu. Ngài nói rằng Ngài cũng đã nghe nói về các vị Lạt Ma sử dụng sự hiểu lầm như một cái cớ để quan hệ tình dục, điều đó là hoàn toàn sai lầm.
Một người hỏi phải làm gì khi bạn đang cố gắng để đạt được một điều gì đó nhưng những người khác gây cản trở cho bạn. Đức Đạt Lai Lạt khuyên ông ta nên có một cái nhìn thực tế; nên kiểm tra những gì có thể khả thi. Sự mơ tưởng sẽ dẫn đến thất vọng. Ngài cũng chỉ ra rằng tha thứ cho một ai đó cản trở bạn không có nghĩa là bạn không thể thực hiện được các bước khác để bù đắp lại những hành động của họ.
Khi một người phụ nữ hỏi Ngài về Phật tánh, rằng nếu chúng ta đã là Phật rồi thì tại sao chúng ta còn bị chi phối bởi những cảm xúc phiền não; Ngài trả lời rằng điều này cho thấy một sự hiểu lầm về Phật tính. Nó không có nghĩa là chúng ta đã giác ngộ mà là tất cả chúng ta đều có tiềm năng để đạt được Phật quả.
Cuối cùng, khi được hỏi rằng cuốn sách nào là quan trọng nhất đối với Ngài, Ngài đã trả lời rằng:
“Những bản Kinh như “Bát Nhã Tâm Kinh”; nó không phải là đối tượng của sự sùng kính, mà là một đối tượng để nghiên cứu. Các bạn là những người trẻ tuổi nên nỗ lực vào sự nghiên cứu. Đã có sẵn những bản copy về những gì mà chúng ta đã thảo luận ở đây. Hãy nghiên cứu chúng! Có thể tôi sẽ trở lại, và nếu tôi trở lại thì tôi sẽ kiểm tra các bạn! Xin cám ơn! Tôi thật sự rất thích nói chuyện với các bạn”.
Hội trường ngập tràn tiếng vỗ tay và những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ khi Ngài dời gót. Ngài sẽ đi xe từ Koyasan đến Osaka để bay tới Tokyo.