Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 26 tháng 4 năm 2016 - Hôm nay là một buổi sáng mùa xuân tươi sáng khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe xuống thị trấn Dharamsala và ngang qua các vườn chè nằm bên dưới vùng Chilgari. Những cây Jacaranda đã nở hoa và bầy vẹt đuôi dài màu xanh lá cây rực rỡ lao bổ xuống đường trên con đường Ngài đi đến trường Cao Cấp Tây Tạng Học (CHTS) tại Sarah. Ngài đã được cung nghinh bởi vị Viện trưởng của Viện Biện chứng Phật giáo (IBD) - Thượng tọa Tiến Sĩ Geshe Kalsang Damdul và Hiệu trưởng của Trường Cao Cấp - Thượng Tọa Tiến Sĩ Geshe Jampal Dakpa - người đã hộ tống Ngài vào hội trường.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Trường Cao Cấp Tây Tạng Học (CHTS) tại hội trường của Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Sau phần xưng tán Đức Văn Thù Sư Lợi và Mười Bảy bậc Luận Sư Nalanda, vị Thư Ký Passang Tsering đã cảm ơn Ngài về sự tán thành lời thỉnh cầu của Trường cung thỉnh Ngài làm chủ trì cho buổi Lễ Trao Bằng Tốt nghiệp năm nay. Thầy Tiến Sĩ Geshe Kalsang Damdul chào đón các vị quan khách và những vị chức sắc; và đã bày tỏ lời cám ơn về vai trò lãnh đạo đầy lòng bi mẫn của Ngài đối với nhân dân Tây Tạng. Thầy lưu ý rằng Viện Biện chứng Phật giáo đã được thành lập nhân dịp Sinh Nhật của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày 06 tháng bảy năm 1979; và Thầy tiếp tục đọc bản báo cáo ngắn gọn về những hoạt động của Trường từ đó đến nay.
Khởi đầu với 29 học sinh bắt đầu học về Bát nhã và quan điểm của Trung Đạo trong một khóa học dự định kéo dài 10 năm. Cuối cùng chương trình này đã được mở rộng ra bao gồm các khía cạnh của các truyền thống Nyingma, Sakya và Kagyu. Các vị Giáo Thọ Sư được mời đến giảng dạy từ Tu viện Namdroling ở Bylakuppe. Trong khi đó, các sinh viên cũng tham dự ở các Học Viện Dzongsar ở Chauntra và Palpung Sherabling ở Bir. Ngoài ra để nghiên cứu các bản Kinh về Phật giáo Ấn Độ cổ đại, các học sinh cũng phải học về Mật thừa trong khóa học ấy và cho đến bây giờ thì khóa học này kéo dài đến 16 năm.
Lãnh lấy trách nhiệm của việc thực hiện sự bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Tạng với sự thành lập của Viện, vào năm 1991, vị Viện Trưởng sáng lập - Thầy Lobsang Gyatso đã mua đất ở vùng Sarah này để thành lập trường Cao Cấp Tây Tạng Học. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gia trì ban phước cho khu đất và cũng đã chủ trì lễ khánh thành cho Học Viện khi nó được xây dựng hoàn tất. Sở Giáo dục của Chính quyền Tây Tạng lưu vong (CTA) đã công nhận Học Viện này. Chương trình giáo dục bao gồm khóa học đại học về Tây Tạng Học và các khóa học Hậu đại học về lịch sử Tây Tạng và Văn học Tây Tạng cũng như chương trình đào tạo ngành Sư Phạm vô cùng hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ TG & VH của Chính quyền Tây Tạng Lưu vong - Pema Chinjor cấp bằng Tiến Sĩ Rimey Geshe trong lễ tốt nghiệp tại trường Cao Cấp Tây Tạng Học (CHTS) tại Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Bộ trưởng Bộ Tôn giáo & Văn hóa trong Chính quyền Tây Tạng Lưu Vong, Pema Chinjor được mời lên để trao bằng Tiến Sĩ Rimey. Trong số 14 ứng cử viên thành công chỉ có 11 vị có thể tham dự buổi lễ hôm nay. Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Ngodup Tsering sau đó được yêu cầu lên trao bằng Cử Nhân về Tây Tạng Học cho 28 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 2 Vị đã thi vào khóa học tương ứng, bảy vị tốt nghiệp Thạc Sĩ về Lịch sử Tây Tạng và sáu Vị tốt nghiệp Thạc Sĩ về Văn học Tây Tạng. Những Vị lên bục để nhận bằng thì được mặc áo choàng và đội mũ vuông. Ngài đã được cung thỉnh lên để phát hành một tạp chí và những mục báo được dịch sang tiếng Tây Tạng và một DVD về Khoa học. Cuối cùng, Kalon Pema Chinjor đã trao bằng Danh Dự cho 9 thành viên của những nhân viên được đánh giá cao về sự hoàn thành xuất sắc trong hơn 20 năm phụng sự cho Trường.
Khi Bộ Trưởng Bộ Giáo dục, Ngodup Tsering được mời lên để nói chuyện với Hội chúng, ông đã chúc mừng tất cả các sinh viên tốt nghiệp về những thành tựu của họ. Ông mô tả những thành tựu này chính là bước tiến triển thực hiện được lời khuyên của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma dành cho nhân dân Tây Tạng để phát triển chuyên môn thực sự. Ông cho biết Sở Giáo dục đã hỗ trợ các sinh viên đại học và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho những ai muốn nghiên cứu xa hơn nữa. Ông đã so sánh những gì họ đã làm với Ngài Jetsun Milarepa - người đã nói với Vị Thầy của mình - Marpa - rằng "Con không có tài sản để cúng dường Thầy, nhưng thay vào đó, con sẽ dâng lên cúng dường Thầy sự thực hành của con”. Ông nói thêm, "Chúng ta không nên hài lòng với những gì chúng ta đã đạt được từ đó cho đến giờ, mà cần phải tiến lên phía trước; như có câu nói trong tiếng Anh là 'sự giới hạn của bầu trời’".
Ông nói rằng các trường học Tây Tạng đã đưa truyền thống tranh biện vào chương trình giáo dục kể từ năm 2012 và một cuốn sách giáo khoa để dạy về bộ môn này đã được chuẩn bị. Ông cũng lưu ý rằng các chương trình giảng dạy đạo đức thế tục cũng đã được chuẩn bị gần đây dưới dạng bản thảo tại Đại học Emory đã được thử nghiệm tại Trường Peton. Ông kết thúc bài phát biểu của mình với lời cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ.
Thiết lập những thành tựu của IBD (Viện Biện Chứng Phật Giáo) và CHTS (Trường Cao Cấp Tây Tạng Học) trong bối cảnh của cuộc sống Tây Tạng lưu vong, Ngài bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách nhắc lại sự rời khỏi Lhasa của Ngài vào năm 1959.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường Cao Cấp Tây Tạng Học tại Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Đó là ngày 17 tháng 3 khi chúng tôi chạy trốn khỏi Lhasa. Tôi rời Norbulingka lúc 10:00 giờ. Chúng tôi phải vượt qua đơn vị đồn trú của Trung Quốc và khi chúng tôi rời khỏi chúng tôi không biết liệu chúng tôi có nhìn thấy lại ngày hôm sau hay không. Mãi cho đến khi chúng tôi đến được đỉnh Che-la thì chúng tôi mới bắt đầu cảm thấy thoát khỏi sự nguy hiểm ngay lập tức. Người dân địa phương đã mang đến cho chúng tôi những con ngựa. Chúng tôi cỡi lên lưng ngựa, và quay lại để nhìn Lhasa một lần cuối cùng. Sau đó, chúng tôi rời khỏi đó."
Một thành viên của Nội Các Ấn Độ sau đó cho chúng tôi biết rằng, khi Nội Các nhận được tin rằng tôi đã rời khỏi Lhasa, sau đó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Krishna Menon bày tỏ quan điểm rằng Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma không nên được phép vào Ấn Độ vì sợ những mối quan hệ khó chịu của Trung Quốc. Nehru đã vặn lại rằng điều này là không đúng đắn; và nói rằng, "Chúng ta phải để cho Đạt Lai Lạt Ma vào”.
"Khi chúng tôi đến Lhuntse Dzong, chúng tôi đã thoát khỏi nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn không biết liệu mình có thể nhập vào Ấn Độ được không. Chúng tôi quyết định cho một nhóm người trong chúng tôi sẽ tiếp cận biên giới Bhutan và nhóm người kia đến biên giới Ấn Độ. Khi chúng tôi đến gần biên giới Ấn Độ hơn thì mới biết là các quan chức Ấn Độ đang chờ đợi chúng tôi. Chúng tôi cũng nghe nói rằng Lhasa đã bị thất thủ. Chúng tôi không hề biết rằng mình sẽ ở lại Ấn Độ trong nhiều thập kỷ; chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ sớm được quay trở về. Chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ, chỉ biết chắc chắn là có bầu trời ở phía trên và mặt đất ở bên dưới mà thôi. Chúng tôi yêu cầu chính phủ Ấn Độ giúp đỡ nhân dân chúng tôi.
"Tôi đến Mussoorie vào cuối tháng tư năm 1959. Một thời gian ngắn sau đó Nehru đến gặp tôi. Chúng tôi quen biết nhau từ năm đầu tiên chúng tôi gặp nhau tại Bắc Kinh vào năm 1955. Tuy nhiên, khi tôi chỉ ra những mâu thuẫn trong những gì ông nói, ông đã đập bàn trong sự kích động. Chúng tôi đã thảo luận không chỉ về những vấn đề làm thế nào để người dân Tây Tạng có thể sinh sống, mà còn về việc thành lập các khu định cư riêng biệt và trường học riêng cho người dân Tây Tạng. Nehru đã nhận trách nhiệm cá nhân để cho thấy rằng điều này đã được thực hiện. Kể từ đó nhân dân Tây Tạng chúng tôi đã giữ gìn thật sống động tinh thần của nhu cầu cần phải tồn tại”.
Khán giả lắng nghe Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường Cao Cấp Tây Tạng Học tại Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng, ngay từ đầu những người lưu vong Tây Tạng đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ và hỗ trợ. Họ đã có một ngôn ngữ độc đáo và một truyền thống Phật giáo xuất phát từ Nalanda, nhờ những nỗ lực của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và ngài Liên Hoa Giới, đã giữ gìn cho nó được tiếp tục sống còn. Các bản văn Ấn Độ cổ đại của các bậc thầy Phật giáo Nalanda đã có sẵn bằng tiếng Tây Tạng, lại một lần nữa là nhờ lòng bi mẫn của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã khởi xướng lên công trình dịch thuật ấy.
Ngài nhớ lại rằng khi Ngài sắp khởi hành chuyến viếng thăm đầu tiên của mình tới châu Âu vào năm 1973, phóng viên BBC Mark Tully đã hỏi Ngài tại sao Ngài lại đi, và Ngài đã trả lời rằng Ngài coi mình là một công dân của thế giới. Ngài cho biết là mình rất quan tâm đến việc được biết thêm về những con người khác nhau và những nơi chốn khác nhau. Cuối cùng, người dân Tây Tạng cầu nguyện cho hạnh phúc của tất cả chúng sinh. Ngài nói rằng Ngài đã có rất nhiều bạn bè và đã nhìn thấy rất nhiều sự phát triển vật chất; mặc dù vậy, không phải ai cũng được hạnh phúc.
Ngài tiếp tục “Khi còn bé tôi rất quan tâm đến khoa học. Tôi có một chiếc kính thiên văn thuộc về Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13. Nhìn qua đó tôi thấy những bóng râm do các ngọn núi trên mặt trăng, từ đó tôi đã kết luận rằng mặt trăng là không thể tự nó chiếu sáng. Đầu tiên tôi nói chuyện về khoa học với Heinrich Harrer, nhưng tôi đã duy trì được các cuộc thảo luận với các nhà khoa học trong hơn 30 năm qua. Tôi đã rất quan tâm để biết được các nhà khoa học đã phải nói gì về thế giới. Tôi có thể để nó lại ở mức độ thỏa mãn sự tò mò của riêng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng những gì họ nói ra có thể giúp đỡ người khác. Mặc dù các nhà khoa học chủ yếu quan tâm đến thế giới vật chất, họ biết rất ít về tâm thức hoặc hệ thống của những cảm xúc - một lĩnh vực mà tâm lý học Ấn Độ cổ đại đã có một sự liên quan rất tuyệt vời.
"Cũng giống như chúng tôi, Phật tử Trung Quốc cũng theo truyền thống Nalanda, nhưng họ không học logic và nhận thức luận. Họ không nghiên cứu các tác phẩm của Ngài Trần-na, Pháp Xứng và Sakya Pandita như người dân Tây Tạng chúng tôi đã làm. Chúng tôi nghiên cứu triết học Phật giáo với logic và lý luận. Chúng tôi cũng biết về tâm thức và cảm xúc. Đây là điều mà chúng tôi có thể chia sẻ với người khác. Các nhà khoa học rất quan tâm đến điều này và tôi đã khám phá ra rằng sự rèn luyện của tôi đã trang bị cho tôi có đủ tri thức để tham gia vào các cuộc thảo luận như vậy".
Thánh Đức ĐLLM phát biểu trong lễ trao bằng tốt nghiệp tại trường Cao Cấp Tây Tạng Học tại Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng Tư, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Một điểm quan trọng mà Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn làm rõ là để đạt được sự bình an trong tâm thức thì chúng ta phải sử dụng chính tâm thức của mình để thực hiện điều đó chứ không phải dựa vào ma túy hoặc rượu chè. Ngài nói rằng các truyền thống Tây Tạng đã được duy trì một cách sống động cả hàng 1000 năm nay hoặc có thể là lâu hơn nữa; điều này không phải chỉ có lợi cho người dân Tây Tạng, mà còn là nguồn phúc lợi của nhiều người khác. Ngài đề cập rằng văn học Phật giáo có thể được phân loại ra thành khoa học, triết học và tôn giáo. Phần tôn giáo là vấn đề quan tâm mang tính cá nhân, nhưng khoa học và triết học có thể được xem xét như là các môn học. Chúng có thể được nghiên cứu bởi bất cứ ai - không phân biệt tín ngưỡng cá nhân của họ. Ngài nhận xét rằng các chương quyển đã được chuẩn bị có chứa những nội dung về khoa học và triết học như vậy từ các nguồn tài liệu Phật giáo đang được dịch sang tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Đức và các ngôn ngữ khác.
Ngài nói rằng những người đã nghiên cứu các bản văn cổ điển có thể chia sẻ những gì họ biết với những người khác mà không cần phải quan tâm xem xét đến cuộc sống trong quá khứ hay tương lai, mà chỉ xem xét một cách nghiêm túc trong bối cảnh của cuộc sống này.
"Tôi đã yêu cầu những vị Tu viện trưởng hãy chuyển tải bức thông điệp này đến những người khác và khi tôi đến Nam Ấn vào tháng bảy, chúng ta sẽ thảo luận thêm về vấn đề này. Bằng cách chia sẻ kiến thức này chúng ta có thể phụng sự cho người khác. Hình như các Tăng Sĩ tại Sera Jey đã học được các ngôn ngữ khác. Chúng ta cũng có các Ni Cô là những người sắp trở thành Geshe-mas (Nữ Tiến Sĩ). Khoảng 50 năm trước, tôi đã kêu gọi chư Tăng của Tu viện Namgyal hãy mở rộng sự nghiên cứu của họ vượt lên trên các hình thức nghi lễ bao gồm các sự nghiên cứu về triết học Phật giáo thông qua logic và lý luận. Đó chính là thực hành theo lời khuyên của chính Đức Phật dành cho các đệ tử của Ngài là không chấp nhận những lời giáo huấn của Ngài ở giá trị bề mặt mà là phải kiểm tra và thử nghiệm nó giống như là một thợ kim hoàn kiểm tra vàng vậy.
"Chúng ta cần phải là người Phật tử của thế kỷ 21. Chúng ta cần phải nghiên cứu và hiểu biết. Nếu chúng ta thực hiện được như thế thì Phật giáo sẽ diễn tiến tiếp tục trong nhiều thế kỷ nữa. Chúng tôi có thể làm điều này bằng ngôn ngữ riêng của chúng tôi, đó là điều mà chúng tôi có thể tự hào. Bên cạnh đó, người dân Tây Tạng thường được biết đến là sống trung thực, đạo đức tốt và lịch sự. Vì Viện Biện chứng Phật Giáo (IBD) và Trường Cao Cấp Tây Tạng Học (CHTS) góp phần vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa Tây Tạng, cho nên sẽ không có sự giới hạn đối với tiến trình mà chúng ta có thể thực hiện. Tôi xin chúc mừng những người trong số các bạn đã tốt nghiệp ngày hôm nay.
"Chúng ta nói về 3000 hệ thống thế giới, nhưng 7 tỷ con người trên thế giới này là người anh chị em của chúng ta. Là con người, chúng ta có một trí thông minh tuyệt vời, nhưng chúng ta phải sử dụng nó một cách biết xây dựng. Tất cả chúng ta cùng sống trong hòa bình ở tại đây, nhưng ở nơi khác, ngay bây giờ, con người đang bị giết hại và có những người khác đang bị chết đói”.
Thánh Đức ĐLLM cùng với các SV tốt nghiệp sau lễ trao tặng bằng tốt nghiệp tại Trường Cao Cấp Tây Tạng Học Sarah ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 26 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Ngài nói rằng đôi khi cách chúng ta sử dụng trí thông minh của con người càng làm tăng thêm cảm xúc tiêu cực của chúng ta. Không giống như hổ và sư tử với những chiếc răng nanh sắc nhọn và móng vuốt, con người chúng ta có những ngón tay tròn trơn, nhưng chúng ta lại có thể gây ra thiệt hại rất lớn cho những người khác. Ngài nói rằng nếu chúng ta muốn có sự hòa bình trên thế giới, chúng ta cần phải đạt được sự hòa bình bên trong nội tâm. Nếu chúng ta đang tràn đầy sự sân giận và sợ hãi thì chúng ta sẽ không đạt được sự hòa bình thế giới. Ngài tuyên bố rằng nếu chúng ta muốn nhìn thấy phi quân sự hóa toàn cầu, trước tiên chúng ta cần phải giải trừ vũ khí bên trong của chính mình.
"Tri kiến về tâm thức và cảm xúc cần phải được giảng dạy trong các trường học thế tục. Hiểu biết được những cách vận hành của tâm thức và hệ thống của chúng ta về những cảm xúc, chúng ta có thể xây dựng được sức khỏe, hạnh phúc cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội. Mới đây, Đại học Emory đã giúp chuẩn bị một dự thảo chương trình giảng dạy cho việc giảng dạy đạo đức thế tục. Chúng tôi đang cố gắng để phát triển các hoạt động trên cơ sở dự thảo đó.
"Như tôi đã nói, tôi xin chúc mừng những người đã tốt nghiệp ngày hôm nay, nhưng nếu tâm thức của các bạn không có kỷ luật, chỉ có kiến thức thôi, thì sẽ không giúp ích được gì nhiều. Chúng ta cần phải sử dụng trí thông minh của mình để mở rộng tính chất từ bi cơ bản của chúng ta. Trẻ em luôn tốt bụng và cởi mở với người khác, nhưng khi lớn lên, họ chú ý hơn đến những điểm khác biệt thứ yếu giữa mình và những người khác và sự xem trọng ái ngã tự thân của họ sẽ phát triển. Mặt khác, với sự huấn luyện về mặt tinh thần, chúng ta có thể giúp đỡ người khác một cách chân thành và hiệu quả. Điều này làm nảy sinh lòng tin tưởng, và tin tưởng chính là cơ sở của tình bạn, đó là tất cả những gì mà loài người như chúng ta phải cần đến".
Tiến Sĩ Geshe Jampal Dakpa đã phát biểu lời cảm tạ, lời tụng "Cầu nguyện cho sự hưng thịnh của Phật pháp” được tụng lên để kết thúc sự kiện này và Ngài lại trở về nơi cư trú của mình.