New Delhi, Ấn Độ, ngày 08 Tháng 4, 2016 - Trước khi đến Trường Đại sứ quán Mỹ sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời phỏng vấn cho Sanjoy Majumder của BBC. Majumder bắt đầu bằng câu hỏi làm thế nào chúng ta có thể đánh bại bạo lực nhân danh tôn giáo. Ngài đã nói với ông rằng trong khi có thể có một nhu cầu cần phải có các biện pháp ngắn hạn, chúng ta cũng phải suy nghĩ đến cách làm thế nào để ngăn chặn điều này về lâu dài. Một cách là gia tăng sự tiếp xúc giữa những người thuộc các tín ngưỡng khác nhau để cải thiện sự hiểu biết giữa họ, nên lưu tâm rằng tất cả các tôn giáo đều mang cùng một thông điệp về tình yêu thương, và hãy tôn trọng sự khoan dung và tha thứ để bảo vệ bức thông điệp yêu thương ấy.
Sanjoy Majumder của BBC phỏng vấn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 08 Tháng Tư, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Đối với việc cho dù sự ủng hộ đối với sự nghiệp chính nghĩa của Tây Tạng đang giảm dần, trong khi đó - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng những nguyên nhân mới có thể thu hút sự chú ý, vẫn còn có sự ủng hộ và quan tâm lớn lao dành cho Tây Tạng. Đồng thời tinh thần của người Tây Tạng vẫn còn rất mạnh mẽ. Khi ngày càng có nhiều người Trung Quốc tiếp tục quan tâm đến Phật giáo thì họ sẽ có sự đánh giá cao về giá trị của truyền thống Tây Tạng. Tuy nhiên, sự thật vẫn còn bị che giấu bưng bít đối với nhiều người dân ở Trung Quốc vì sự kiểm duyệt hàng loạt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khẳng định rằng 1,3 tỷ người Trung Quốc có quyền được biết những thông tin xác thực và có khả năng phán xét đúng sai trên cơ sở của những thông tin đó. Cuối cùng sức mạnh của sự thật vẫn sẽ mạnh hơn sức mạnh của súng đạn.
Trả lời cho câu hỏi về sự tái sinh của mình, Ngài lặp lại rằng quyết định của mình là cho dù một người có được tìm kiếm hay không thì cũng sẽ tùy thuộc về người dân Tây Tạng.
"Tôi cam kết dân chủ," Ngài nói, "trong khi nhiều thể chế tôn giáo của chúng tôi, chẳng hạn như sự tái sinh, là tàn dư của chế độ phong kiến. Hôm nay chúng ta cần phải hành động một cách phù hợp với thực tế mới để chúng ta tìm thấy chính mình. Tương lai của Phật giáo Tây Tạng không phụ thuộc vào thể chế của Đạt Lai Lạt Ma. Đó là 10.000 tăng ni hiện đang học tại các trung tâm học tập Tây Tạng, chủ yếu ở miền Nam Ấn Độ, họ là những người sẽ đảm bảo việc bảo tồn truyền thống Nalanda”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giao lưu với trẻ em khi Ngài quang lâm bên ngoài phòng thể dục của Trường Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 08 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Đến tại Trường Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Chanakyapuri, vùng đất ngoại giao của New Delhi, Ngài đã được giám đốc Paul Chmelik cung nghinh. Sau đó Ngài đã dành vài phút giao lưu đùa nghịch với một số trong số 300 thiếu nhi đang chờ đợi bên ngoài để cung nghinh Ngài. Bên trong phòng tập thể dục, Giám đốc đã giới thiệu Ngài với 1500 khán giả nồng nhiệt của học sinh và giáo viên mong muốn được lắng nghe Ngài nói chuyện. Nhưng trước đó, ca đoàn của trường đã hát một bài hát dựa trên lời chào bằng Tiếng Hin-di là "Namaste" và tiếng Tây Tạng là “Tashi Delek”. Sau đó, Ngài bắt đầu:
“Các em thanh niên, thiếu nữ và các anh chị tiền bối kính mến! Tôi rất vui khi được ở đây một lần nữa. Thời gian trôi đi; không gì có thể ngăn chặn nó được. Thế kỷ 20 đã đi qua và chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 đã hơn 15 năm rồi. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng chúng tôi có cơ hội để định dạng cho tương lai và tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn. Và ai sẽ thực hiện điều đó? Là những người trong số các bạn trẻ hiện nay. Từ bây giờ cho đến một hoặc hai thập niên nữa thì tôi cũng sẽ ra đi. Nhưng ngay cả khi tôi có kết thúc trong địa ngục đi nữa, tôi cũng sẽ nghỉ ngơi để trở lại và xem thử các bạn như thế nào rồi. Nếu các bạn đang làm việc cho hòa bình và một thế giới công bằng hơn, thì khi tôi quay trở lại nơi đó, tôi sẽ nói với những vị cai ngục rằng họ có thể giảm kích thước của địa ngục. Nhưng nếu tôi tìm thấy bạn vẫn đang còn tham gia vào bạo lực và đối xử phân biệt về chủng tộc, quốc gia, đức tin hay địa vị xã hội, tôi sẽ báo cáo rằng địa ngục nên được mở rộng để chứa tất cả những người mà đích đến của họ sẽ là ở đây. Vì những sự thay đổi mà các bạn có thể thực hiện được cho nên các bạn là cơ sở cho niềm hy vọng của chúng tôi.
"Lý do thứ hai, tôi rất vui khi được ở đây, đó chính là tôi là một người già - và khi tôi gặp gỡ những người cùng trang lứa với mình, tôi tự hỏi “người nào trong số chúng tôi sẽ ra đi trước?" Trong khi đó, khi tôi gặp những người trẻ như các bạn, nó khiến cho tôi cũng cảm thấy trẻ trung và tươi tắn. Trong 30 năm qua hoặc hơn nữa, tôi đã có những cuộc thảo luận thường xuyên với các nhà khoa học, và họ đã nói với tôi về những khám phá của họ rằng có tính chất cơ bản của con người là từ bi và tích cực. Tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều chia sẻ một kinh nghiệm chung rằng các bà mẹ đã sinh ra chúng ta. Điều đó bao gồm luôn cả những người được gọi là khủng bố. Tất cả chúng ta đều được sưởi mình trong tình thương yêu của mẹ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại phòng tập thể dục của Trường Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 08 tháng 4, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
"Chúng ta vẫn còn đang ở đầu của thế kỷ 21 và tôi tin rằng nếu chúng ta thực hiện các nỗ lực, bắt đầu từ bây giờ, chúng ta có thể làm cho thế giới thành một nơi yên bình hơn vào phần cuối của thế kỷ. Chúng ta phải cố gắng thử.
Dân số của con người đang gia tăng và sự biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng. Trên cả những điều đó là chúng ta đã tạo ra nhiều vấn đề rắc rối hơn. Bạo lực đã nổ ra vì những cảm xúc tiêu cực của chúng ta đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Chẳng hạn như - sự vi phạm nhân quyền - đã phát sinh như là kết quả của những nguyên nhân và chúng ta phải suy nghĩ xem những nguyên nhân đó là gì. Chúng có liên quan đến sự sân giận và thiếu lòng tôn trọng. Chúng ta có thể ngăn chặn được những điều này nếu chúng ta trưởng dưỡng lòng nhân ái và quan tâm đến người khác. Sau đó, sẽ không còn có chỗ cho sự bóc lột hoặc bắt nạt những người khác”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng con người là một loài động vật xã hội, họ không thể tồn tại một mình mà không cần sự hỗ trợ của cộng đồng. Do đó, Ngài cho biết, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình thì đó là một đàu óc hết sức hẹp hòi, trong khi chăm sóc những người khác - cũng giống như một người nông dân cày bừa đất ruộng của mình để đảm bảo cho một vụ mùa tốt. Ngài chỉ ra rằng, trong quá khứ, các cộng đồng nhỏ đã sống chủ yếu là tự cung tự cấp; cuộc sống của chúng ta ngày nay đang rất phụ thuộc lẫn nhau. Chúng ta cần có nhau. Trong khi đó, sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta ở bất cứ nơi nào chúng ta có mặt, và nền kinh tế toàn cầu của chúng ta là phụ thuộc lẫn nhau. Đây là lý do tại sao chúng ta cần một ý thức về việc quan tâm cho tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay.
Quan sát rằng, là con người - tất cả chúng ta - về thể chất, tinh thần và tình cảm đều tương tự như nhau, Ngài chỉ ra rằng, chúng ta không những có cùng niềm khát khao mong muốn được hạnh phúc và thoát khỏi những vấn đề rắc rối, mà chúng ta còn có quyền được sống một cuộc sống hạnh phúc nữa. Là loài động vật xã hội, chúng ta cần những người bạn. Tình bạn phụ thuộc vào niềm tin, và sự tin cậy chỉ phát triển khi chúng ta sống một cách trung thực và chân thành, nuôi dưỡng sự tôn trọng và quan tâm đến người khác. Sự giàu có, quyền lực và danh tiếng sẽ không thu hút được những người bạn chân thành và đáng tin cậy.
"Việc mang lại sự thay đổi cho thế giới sẽ phụ thuộc vào các bạn - những người trẻ hiện nay đang thực hiện những nỗ lực trên cơ sở tầm nhìn của quý vị. Tôi kêu gọi các bạn hãy suy nghĩ về những gì tôi đã nói và làm thế nào các bạn có thể làm cho nó trở nên thực thi”.
Một số trong số hơn 1.500 học sinh viên và nhân viên đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Trường Đại sứ quán Hoa Kỳ ở New Delhi, Ấn Độ vào ngày 08 tháng tư năm 2016. Ảnh / Tenzin Choejor / VPĐLLM |
Trả lời câu hỏi của học sinh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng Ngài vẫn lạc quan khi đối mặt với rất nhiều khó khăn trên thế giới, bởi vì Ngài tin tưởng rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi và tích cực. Khi được hỏi rằng Ngài có nuôi những con vật nuôi hay không; Ngài đã đề cập đến việc có nuôi một con chó mà cuối cùng nó đã chết. Có một thời gian, Ngài đã có một cặp vẹt đuôi dài vì khi ấy chúng bị thương nên Ngài đã săn sóc chúng. Và trong suốt 50 năm qua, Ngài đã nuôi một con mèo.
Một học sinh khác muốn biết rằng khi Ngài cần sự can đảm thì Ngài có thể tìm nó ở đâu. Ngài nói rằng Ngài tìm thấy sự can đảm trong việc cố gắng sống một cách chân thật và trung thành, đó là một lý do mà tại sao Ngài thích sự ấm áp của con người hơn là sự lễ nghi rỗng tuếch. Đối với câu hỏi về nơi yêu thích của mình, Ngài đã trả lời rằng Ngài vui khi ở bất cứ nơi đâu, nhưng Ngài thích Mỹ và Ý, ở đó mọi người đều rất thẳng thắn, cởi mở và nhiệt tình. Khi được hỏi liệu Ngài vẫn còn học hỏi về lòng từ, Ngài đã đồng ý rằng Ngài vẫn còn đang học về điều đó, và giới thiệu rằng thiền phân tích là một trong những phương pháp làm tăng trưởng từ tâm.
Ngài nói rằng Ngài không tin rằng có sự mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo, đặc biệt là hãy kể đến lời giới thiệu của Đức Giáo Hoàng Benedict về nhu cầu cho cả đức tin và lý trí. Ngài đồng ý rằng một Đạt Lai Lạt Ma tương lai có thể là một người phụ nữ. Cuối cùng, Ngài khẳng định rằng sự thay đổi của thế giới sẽ bắt đầu bằng sự chuyển hóa của mỗi cá nhân.
Sự kiện kết thúc với lời cám ơn của Giám đốc Paul Chmelik thay mặt cho nhà trường, thành kính tri ân Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dành thời gian quan lâm và có lời pháp thoại với họ. Họ đã trao đổi quà tặng cho nhau và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trở về khách sạn của mình để dùng cơm trưa.