Bệnh viện chuyên khoa Mayo, Rochester MN, Hoa kỳ, 29 tháng 2, 2016 - Bầu trời quang đãng nhưng gió se lạnh khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ xe của Ngài đến nhà cầu nguyện nhỏ tại Bệnh viện chuyên khoa Mayo sau bữa cơm trưa của ngày năm nhuận này. Nhiều người trong số 500 người đã trúng xổ số được chỗ ngồi có dịp quay lại để nhìn khi Ngài bước đi mỉm cười trên lối đi giữa các dãy ghế; hai tay chắp lại để chào đón mọi người.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma chào thính chúng khi Ngài đến tại nhà nguyện của BV Mayo ở Rochester, Minnesota, Hoa kỳ vào 29 tháng 2, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Bệnh viện Mayo, John Noseworthy, đã có mặt để giới thiệu Ngài và thỉnh cầu Ngài nói chuyện về “Lòng Từ Bi trong Y học”. Khi ông giới thiệu xong, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu ông ngồi bên cạnh Ngài.
Buổi nói chuyện đã được phát sóng trên mạng nội bộ của Bệnh viện và mạng thông tin trên toàn thế giới.
“Anh chị em thân mến! Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi có được cơ hội này để nói chuyện với tất cả các bạn - những vị đã có sự đóng góp tích cực như thế vào công việc của bệnh viện”, Ngài bắt đầu. "Các bạn đã điều trị cho hàng trăm ngàn người đã đến đây với tất cả niềm hy vọng và các bạn đã đáp ứng được những hy vọng ấy của họ. Chăm sóc cho những người đang đau đớn về thể xác lẫn tinh thần là một sự thách thức. Tôi là một bệnh nhân cũ và lần này tôi đã trải qua hơn một tháng ở đây, trong thời gian đó các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên đều rất tử tế. Bên cạnh việc thực hiện các kỹ năng chuyên nghiệp của mình, các bạn đã chăm sóc, quan tâm và rất thân thiện. Đây là một vinh dự đối với tôi khi được nói chuyện với các bạn hôm nay”.
Ngài nhận xét rằng đức tin tôn giáo từ lâu đã là nguồn gốc của sự an ủi và hỗ trợ cho những người đang đối diện với những khó khăn. Đức tin mang lại hy vọng và lạc quan ngay cả với những người đang hấp hối. Ngài nói thêm rằng Ngài không có nhiều thời gian dành cho nghi lễ; và vì tất cả chúng ta đều là con người như nhau cho nên chúng ta cần phải suy nghĩ về nhau như những người anh chị em của nhau.
"Sự khác biệt giữa chúng ta về chủng tộc, quốc tịch, đức tin, hoặc cho dù chúng ta giàu hay nghèo, có học hay vô học… là những sự khác biệt thứ yếu so với điểm giống nhau cơ bản của chúng ta đó là tất cả chúng ta đều là những con người. Khi chúng ta nhấn mạnh sự khác biệt như vậy nó chỉ gây ra sự phức tạp rắc rối giữa chúng ta mà thôi. Ở mức độ cơ bản chúng ta đều như nhau. Nếu chúng ta nhấn mạnh sự giống nhau cơ bản này trong tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay, thì nó sẽ giúp làm giảm đi rất nhiều các vấn đề rắc rối giữa chúng ta. Đây là lý do tại sao khi tôi chào mọi người tôi đã nói là "các anh chị em".
"Nếu tôi nghĩ đến sự tôi khác biệt đối với bạn như thế nào; rằng tôi là người châu Á, tôi là một tu sĩ Phật giáo, một người Tây Tạng, hoặc thậm chí rằng tôi là Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma…; điều đó chỉ tạo ra một rào cản giữa chúng ta; và đằng sau rào cản đó, tôi sẽ cảm thấy chỉ có một mình trơ trọi. Khi tôi nghĩ mình là một con người như tất cả các bạn trong số thính giả thì không hề có rào cản nào giữa chúng ta cả. Luôn nhớ rằng tất cả 7 tỷ người trong chúng ta đều thuộc về một gia đình nhân loại là điều rất quan trọng trong thế giới ngày nay. Đó là cách mà chúng ta có thể đảm bảo được sự hài hòa giữa con người với nhau. Nhưng chúng ta cần phải thực hiện một nỗ lực để giáo dục mọi người về chân lý này.
"Đối mặt với một bệnh nhân cần sự giúp đỡ, những người trong số các bạn có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện này; trước tiên sẽ không bao giờ hỏi các bệnh nhân rằng họ đến từ đâu, họ theo tôn giáo nào v.v mà các bạn trước tiên cần phải khám xem họ bị bệnh gì và làm thế nào bạn có thể giúp đỡ và điều trị bệnh cho họ. Nếu chúng ta có thể áp dụng một thái độ cởi mở như vậy trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta, thì tất cả mọi người sẽ được lợi lạc. Từ bi là thể hiện sự quan tâm và săn sóc đối với người khác. Khi bạn làm điều đó thì bạn cũng đã làm lợi lạc cho gia đình và bạn bè của bệnh nhân nữa.
"Bây giờ tôi muốn được giao lưu với các bạn và trả lời một số câu hỏi của các bạn. Tôi luôn hoan nghênh ý kiến của các bạn và kể cả sự chỉ trích vì tôi tin rằng nhờ vào sự trả lời những thách thức như thế mà chúng ta học hỏi được nhiều điều”.
Cathy Wurzer hỏi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma những câu hỏi từ các thành viên của thính giả trong buổi nói chuyện tại nhà cầu nguyện của BV Mayo ở Rochester, Minnesota, Hoa kỳ vào 29 tháng 2, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Cathy Wurzer, người dẫn chương trình truyền hình địa phương Twin Cities - đã đặt chiếc ghế ngồi bên cạnh Ngài để đưa ra những câu hỏi mà thính giả đã dành cho Ngài. Cô bắt đầu bằng câu hỏi làm thế nào để tăng trưởng lòng tôn trọng đối với người khác. Ngài trả lời rằng tất cả chúng ta được hình thành cùng một cách trong bụng mẹ. Một đứa bé mới sinh và người mẹ có sức thu hút lẫn nhau một cách tự nhiên. Hiện tượng này đều giống nhau đối với tất cả chúng ta. Chúng ta cũng đều giống nhau trong sự mong muốn một cuộc sống hạnh phúc. Dựa trên cơ sở đó mà chúng ta có thể đối xử với nhau bằng tấm lòng tôn trọng của mình.
Ngài cho biết rằng, thỉnh thoảng khi bạn tức giận với ai đó thì bạn chỉ cảm thấy thù địch đối với họ. Nhưng có thể có nhiều nguyên nhân gây ra sự tức giận của bạn và có lẽ bạn đã góp phần vào một số trong số những nguyên nhân đó. Ngài đề cập đến những lời khuyên của Aaron Beck - chuyên gia trị liệu dựa trên kinh nghiệm - rằng khi bạn đang tức giận thì người mà bạn đang tức giận trông có vẻ như hoàn toàn tiêu cực đối với bạn; nhưng bạn cần phải nhớ lại rằng 90% của cảm giác đó là do sự phóng chiếu của chính tâm bạn. Sự tức giận thì không hề cố định hoặc tuyệt đối. Nó luôn thay đổi.
Ngài nói rằng nhiều cảm xúc tiêu cực của chúng ta đã kết hợp với sự phóng đại của tâm. Là con người, chúng ta có một bộ não tuyệt vời cho phép chúng ta xem xét mọi thứ từ các góc độ khác nhau và đó có thể là một phương pháp để đối phó với những cảm xúc như sự giận dữ.
Khi được hỏi làm thế nào để đáp ứng cho những người gặp khó khăn trong việc chấp nhận bệnh tật của mình, Ngài đã khuyên là nên để cho họ bình tĩnh lại, bày tỏ mối quan tâm đối với họ và thể hiện một khuôn mặt tươi cười, để cho họ cảm thấy tự tin rằng bạn sẽ làm những gì bạn có thể để chăm sóc cho họ. Ngài đề nghị nên cho họ biết sự thật về tình trạng của họ, và rằng họ đang bị ốm nặng như thế nào.
Cô Wurzer nhận xét rằng có một số người dường như có thể xem căn bệnh ung thư hay bệnh tật ở giai đoạn cuối như một sự gia trì. Ngài trả lời bằng cách kể cho Cô nghe về câu chuyện của một người Tây Tạng mà Ngài quen biết, ông ta đã yêu cầu bác sĩ của mình hãy nói cho ông ta biết sự thật về tình trạng của mình, để cảnh báo ông như vậy đó - nếu cần thiết - ông có thể chuẩn bị cho cái chết; ông nói rằng bất cứ điều gì khác đều chỉ là sự tự lừa dối mà thôi.
Trả lời câu hỏi rằng người chăm sóc phải đối phó như thế nào đối với sự bất lực khi không thể làm được gì nhiều hơn cho bệnh nhân của họ, Ngài nói:
"Hãy tử tế đối với họ trong khả năng của bạn. Thể hiện lòng từ bi là một cách hết sức quan trọng để giữ cho người sắp chết được ở trong trạng thái tinh thần tốt. Nhiều người trong chúng ta tin rằng có một trạng thái tích cực của tâm trí, cảm thấy lạc quan tại thời điểm lâm chung là rất quan trọng đối với cuộc sống tiếp theo của chúng ta. Những con chiên Thiên Chúa Giáo thì phải nhớ đến Chúa và cảm thấy tự tin là sẽ đi đến thiên đàng. Rơi vào trạng thái tuyệt vọng và trầm cảm là không ích lợi gì cả.
Ngài tiếp tục nói rằng cảm xúc phiền não của chúng ta thường liên quan đến sự vô minh, sự thiếu hiểu biết về sự thật chân lý. Để giải quyết vấn đề này, sẽ rất hữu ích nếu như chúng ta nghiên cứu để hiểu biết về sự vận hành của tâm thức và cảm xúc của chúng ta, và nhờ đó mà chúng ta có thể giải quyết những tình huống khó khăn sẽ được dễ dàng hơn.
Các thành viên của thính giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ban Pháp thoại tại BV Mayo ở Rochester, Minnesota, Hoa kỳ vào 29 tháng 2, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Khi được hỏi rằng liệu lòng từ bi là cần thiết để tin vào một Vị Chúa cá nhân, Ngài đã trả lời là Ngài hiểu rằng đối với các tín hữu thì mỗi một cuộc sống đều được tạo ra bởi Đức Chúa, Đức Chúa là tình thương vô hạn; và - là con cái của Đức Chúa - mỗi chúng ta đều mang trong mình một tia lửa từ bi. Người không có đức tin tôn giáo có thể không quan tâm đến tình yêu thương và lòng từ bi vì cho rằng đó chỉ đơn thuần là những phẩm chất của tôn giáo; trong khi trên thực tế - đó là những giá trị cơ bản của con người.
"Nếu không có tình yêu giữa chúng ta thì làm sao trong gia đình và cộng đồng có thể có được hạnh phúc? Chúng ta là những động vật xã hội; và yếu tố đưa chúng ta đến với nhau đó chính là tình yêu thương. Không ai có thể hoàn toàn tồn tại một mình cả, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau. Cho dù bạn có niềm tin vào tôn giáo hay không, là một con người, hạnh phúc có liên quan đến tâm trạng của bạn chứ không phải chỉ liên quan đến những kinh nghiệm cảm giác khác nhau của bạn - những gì bạn thấy, nghe, nếm, chạm”.
Cần lưu ý rằng ngay cả trong bối cảnh mọi thứ đều tiện nghi thoải mái, có thể những mong muốn của bạn khiến cho nó trở thành bất hạnh, tuy nhiên, trong khi đó - nhiều người trong số những người nghèo khổ thì lại đang hạnh phúc và bằng lòng với những gì mình có, Ngài kể về câu chuyện của một tu sĩ mà Ngài đã gặp ở Barcelona. Vị này đã trải qua năm năm sống như một ẩn sĩ ở vùng núi rừng, sống với chút bánh mì và trà. Khi họ gặp nhau, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hỏi về sự thực hành của vị ấy và nhà sư đã nói với Ngài rằng ông đã thiền định về lòng yêu thương. Và khi ông trả lời như thế, đôi mắt ông đã ánh lên tia sáng lấp lánh của niềm hạnh phúc và sự hài lòng thật sự. Ngài kết luận rằng, điều chúng ta thực sự cần phải làm là sử dụng trí thông minh của mình để phát triển sự an lạc nội tâm.
Khi được hỏi về sự liên quan giữa điều này và khoa học công nghệ; Ngài tuyên bố rằng công nghệ thì hết sức tuyệt vời, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào cách mà chúng ta sử dụng nó như thế nào. Ngài ám chỉ đến những điều mà cũng có thể học được từ khoa học và triết học thì đã được tìm thấy trong tư tưởng Ấn Độ cổ đại.
Khi được hỏi về cách làm thế nào để giữ vững tinh thần của mình khi phải đối mặt với nỗi đau đớn và thống khổ; Ngài nhận xét rằng những cảm xúc góp phần mang lại sự an lạc nội tâm đó chính là sự xây dựng. Ngài cho biết là có hai loại từ bi. Một là mối quan tâm thiên vị dành cho những người mà chúng ta quen biết; nhưng một loại khác có phạm vi rộng hơn về sự nhận thức rằng mỗi chúng ta là một con người và có cùng mục tiêu rằng tất cả mọi người đều cần được hạnh phúc. Trên cơ sở của tấm lòng từ ái như thế - chúng ta có thể đóng góp cho sự hạnh phúc và lợi lạc của người khác. Để tạo ra một thế giới từ bi hơn, tâm thức.chúng ta cần phải có một sự thay đổi như thế.
Ngài trích dẫn bằng chứng khoa học cho thấy rằng trẻ sơ sinh, thậm chí trước khi các bé biết nói, đã biết tỏ ra thích đối với những tấm gương về những hành vi hữu ích và quay lưng lại với những minh họa mang tính tác hại. Điều đó dẫn đến kết luận rằng tính chất cơ bản của con người là tích cực và tốt bụng. Do đó trưởng dưỡng lòng từ bi và nhân ái là điều mà tất cả chúng ta đều có thể thực hiện được.
Khi thính giả đứng dậy và vỗ tay, ngài bày tỏ lòng biết ơn của mình và bước ra ngoài bầu trời quang đãng se lạnh để đi xe trở về trú xứ mà Ngài đang cư ngụ.