Thành phố Salt Lake, Utah, Hoa Kỳ, ngày 22 tháng 6, 2016 - Hội sở chính trên toàn thế giới của Giáo Hội Kitô Giáo của Thánh Hữu Cận Đại là ở Thành phố Salt Lake. Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một cuộc gọi lịch sự cho Ba Cố Vấn của Giáo Hội trước khi đi xe đến Hội trường Cộng đồng Tây Tạng Utah mới được thành lập. Ở đó, Ngài đã được chào đón bởi các vũ công của Tashi Shölpa, các cháu thiếu nhi đã nâng những biểu tượng truyền thống của Chema Changpu để cung nghinh Ngài và Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Utah - Lobsang Tsering - người đã dâng cúng Ngài khăn 'kata'. Hội trường đã đầy kín với những khuôn mặt tươi cười và những bàn tay vươn ra khi Ngài đi ngang qua để đến Pháp tòa trên khán đài. Một nhóm đông các cháu thiếu nhi đã hát hợp ca để cúng dường Ngài.
Chủ tịch Hiệp hội Tây Tạng Utah - Lobsang Tsering đọc lời báo cáo vào lúc bắt đầu chuyến thăm của Ngài đến Hội trường mới của Cộng đồng Tây Tạng Utah ở TP Salt Lake, Utah, Hoa Kỳ vào 22, tháng 06, 2016. Ảnh / Thom Gourley |
Trong bài báo cáo của mình, Lobsang Tsering đã xử lý với việc mua lại của Hội trường và những khó khăn của Hiệp hội là tiến hành các lớp ngôn ngữ Tây Tạng cho trẻ em - mặc dù họ kiên quyết tiếp tục cố gắng. Ông kết thúc với lời cầu nguyện cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được trường thọ. Thị trưởng Quận Salt Lake - Ben McAdams đã nói rằng ông cảm thấy vô cùng vinh dự khi được mời tham gia tập họp trong sự hiện diện của Ngài. Ông tuyên bố rằng cộng đồng mà ông đại diện đã tuyên bố chính nó là một cộng đồng nhân ái và có kế hoạch giúp đỡ những người vô gia cư, người già và những người khác đang cần sự hỗ trợ. Ông cho biết:
“Tất cả chúng ta có khả năng để chăm sóc lẫn nhau. Kính thưa Ngài! Chính Ngài đã truyền cảm hứng cho chúng tôi để đưa ý thức về lòng từ bi của chúng tôi vào hành động”.
Bắt đầu cuộc nói chuyện của mình dành cho người Tây Tạng ở Utah, Ngài nói, “Hôm nay tôi muốn nói về văn hóa và tôn giáo Tây Tạng, đó là nguồn sống của nhân dân Tây Tạng - cho dù có những thăng trầm mà chúng tôi có thể phải đối mặt. Trong hơn 1000 năm qua, chúng tôi đã giữ gìn ngôn ngữ và chữ viết của chúng tôi được sống còn. Ca hát và nhảy múa, tất nhiên, là một phần của nền văn hóa của chúng tôi, nhưng không chia sẻ nó nhiều với người khác. Tôi đã tặng một bức tranh của 17 bậc Hiền triết Nalanda cho quý vị; và tôi đã làm như vậy là vì những đóng góp của các tác phẩm của họ đã làm cho truyền thống triết học của chúng tôi trở nên phong phú. Tây Tạng là một đất nước cổ đại, nhưng nó là văn hóa của chúng tôi, điều đó là quan trọng. Nó rất bình yên và đầy lòng từ mẫn; đó là điều xứng đáng để được bảo tồn!
“Vì vậy, tôi muốn giải thích về nền tảng của Đức Phật. Ở Ấn Độ có truyền thống Pali và Sanskrit, từ đó nảy sinh truyền thống Nalanda đã được truyền đến Tây Tạng bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ. Bậc học giả mẫu mực này đã được Hoàng đế Tây Tạng -Trisong Detsen thỉnh mời đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8.
Thánh Đức ĐLLM phát biểu tại Hội trường mới của Tây Tạng ở Utah, TP Salt Lake, Utah, Hoa kỳ vào 22 tháng 6, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
“Tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới đều dạy về tình yêu thương và lòng từ bi, sự khoan dung, tự kỷ luật và hạnh tri túc. Họ cung cấp những quan điểm triết học khác nhau để hỗ trợ cho việc thực hành những phẩm chất này.
“Đức Phật đã giảng dạy bằng ngôn ngữ bản xứ; và những gì Ngài dạy sau này đã được biên soạn và viết lại trong Tạng Pali và Tạng Sanskrit. Các truyền thống Pali bao gồm những lời dạy về những giáo lý phổ biến của Ngài; và bao gồm ba sự đào tạo về Giới, Định, Tuệ. Truyền thống tiếng Phạn bao gồm những giáo lý được truyền cho những nhóm đệ tử đã được tuyển chọn dựa trên những linh kiến thuần khiết và những tịnh nghiệp của họ. Truyền thống tiếng Phạn này đã được truyền sang Trung Quốc và tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng đã được chuyển tải trực tiếp từ Ấn Độ đến Tây Tạng và từ đó tới Mông Cổ. Nó nhấn mạnh việc áp dụng các phương pháp lý luận và logic”.
Ngài đã nói về các cuộc thảo luận mà Ngài đã có với các nhà sư Thái Lan và các học giả, trong đó Ngài đã hỏi về cách mà họ dạy về Tứ Diệu Đế và 37 Phẩm Trợ Đạo. Họ giải thích rằng họ thiết lập những giáo lý này chủ yếu bằng cách trích dẫn kinh điển.
“Truyền thống tiếng Phạn tuân theo lời khuyên của Đức Phật là không nên chấp nhận giáo lý của Ngài chỉ bằng giá trị bề mặt bên ngoài, mà là phải kiểm tra và nghiên cứu nó qua phương pháp lý luận và logic. Tác phẩm “Trí Tuệ căn bản” của Ngài Long Thọ đã mô tả phương pháp làm thế nào để quan sát sự thật dựa trên cơ sở như thế. Ngài thiết lập những giáo lý có thể được chấp nhận theo nghĩa đen và những giáo lý cần phải được giải thích. Đồng thời, truyền thống Tây Tạng cũng kết hợp với các giới luật thiền môn. Điều này cũng đã được giới thiệu bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - người đã xuất gia cho bảy vị Sư Tây Tạng đầu tiên để xem liệu người Tây Tạng có thể giữ giới được hay không.
Khán giả đang lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện tại Hội trường Cộng đồng Tây Tạng mới ở Utah, TP Salt Lake, Utah, Hoa kỳ vào 22 tháng 6, 2016. Ảnh / Thom Gourley |
“Các kiến thức cao hơn của Vi diệu pháp bao hàm cả giáo lý Bát Nhã Ba La Mật; nội dung rõ ràng của giáo lý này là giải thích về Tánh Không, và nội dung tiềm ẩn của nó là làm thế nào để tiến bộ trên Đạo Lộ. Chỉ có truyền thống Tây Tạng là duy trì được một sự nghiên cứu nghiêm ngặt về phương pháp lý luận và logic mà các giáo lý như thế đã dựa vào nền tảng của nhưng phương pháp ấy.
“Văn học Phật giáo Ấn Độ đã được dịch sang tiếng Tây Tạng theo sự đôn đốc của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ; nhờ sự nỗ lực rất lớn của các dịch giả và học giả trong quá khứ, cho nên ngày nay không cần phải chuyển sang bất kỳ ngôn ngữ nào khác để hiểu giáo lý Phật giáo”.
Ngài đề cập đến Đà-La-Ni hoặc câu thần chú mà thường được sử dụng trong việc gia trì vào các bức tượng, các pháp khí và vv:
Ye dharma hetuprabhava hetum tesham tathagata hyavadat tesham cha yo nirodha evam vadi mahashramana
Các pháp khởi lên từ những nguyên nhân;
Đức Như Lai đã dạy về những nguyên nhân ấy:
Và cũng dạy về sự đoạn diệt của chúng;
Đây chính là Giáo Lý của bậc Đại Ẩn Sĩ.
Mọi thứ thay đổi theo nguyên nhân và điều kiện và trong bối cảnh của dòng luân hồi sinh tử, những nguyên nhân và điều kiện này đều bị ảnh hưởng bởi nghiệp báo và những cảm xúc phiền não của chúng ta. Sự đoạn diệt (Diệt Đế) hay giải thoát nghĩa là tâm chúng ta đã được tịnh hóa mọi sự phiền não; và điều này chỉ đạt được bằng cách thực hành theo con đường Đạo lộ (Đạo Đế). Ngài trích lời của Đức Phật:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại Hội trường Cộng đồng Tây Tạng mới ở Utah tại TP Salt Lake, Utah, Hoa kỳ vào 22 tháng 6, 2016. Ảnh / Thom Gourley |
“Bởi vì vô minh khiến chúng ta bị mù đối với sự thật, thế nên chúng ta cần một trí tuệ như thế. Chúng ta quy y Phật - bậc Đạo Sư; Giáo pháp mà Ngài dạy chính là nơi nương tựa đúng đắn; và Tăng đoàn - cộng đồng những người trợ giúp chúng ta trên con đường tu tập. Tuy nhiên, chúng ta thường cầu nguyện với Đức Phật như thể Ngài là một Đấng Tạo Hóa - người chỉ có thể mang đến bất cứ điều gì chúng ta muốn. Chỉ đọc lời cầu nguyện suông thôi là không đủ. Chúng ta cần phải áp dụng những điều mà Chư Phật đã dạy. Chúng ta cần phải hiểu rằng các pháp đều không có sự tồn tại cố hữu của nó. Tôi đã suy ngẫm về điều này suốt 60 năm qua, và tôi đã nếm được hương vị của nó; và thực tế là, nếu chúng ta càng hiểu về tánh Không, thì chúng ta càng có thể giảm bớt được những cảm xúc phiền não của mình một cách tốt đẹp hơn.
“Chúng ta thường nghĩ rằng nghiên cứu giáo lý của Đức Phật là công việc của các Tăng sĩ thôi. Điều này đã thay đổi.
Bốn mươi năm trước, tôi đã kêu gọi các Tu viện chỉ biết lo việc nghi lễ nên giới thiệu các chương trình học tập nghiên cứu; và bắt đầu với tu viện Namgyal Tratsang của tôi. Tôi cũng kêu gọi chư Ni nên nghiên cứu học hành, và cuối năm nay chúng tôi sẽ trao bằng tiến sĩ cao nhất cho các Ni Cô có đầy đủ phẩm chất thực lực. Tuy nhiên, ngay cả học hành thôi thì cũng không đủ. Chúng ta phải giống như Ngài Milarepa và phải biết đưa giáo pháp vào thực hành. Ngài đã áp dụng những lời dạy một cách nghiêm ngặt và đã đạt được giác ngộ. Chúng ta cũng cần phải thực hiện những lời dạy như một phần của tâm thức chúng ta.
“Xét về sự nghiệp đại nghĩa của Tây Tạng, quý vị nên biết rằng, con số của người dân thường Trung Quốc ủng hộ chúng tôi đang ngày càng gia tăng. Và vì số Phật tử Trung Quốc phát triển, do đó, hiện số những người cảm kích truyền thống Phật giáo Tây Tạng của chúng tôi cũng đang ngày càng gia tăng”.
Sau đó Ngài hướng dẫn toàn thể hội chúng - trẻ em và người lớn - tham gia lễ Quy y và Phát Bồ Đề Tâm.
Sau bữa trưa, Ngài đã bay đến Denver, Colorado, và đi xe đến Boulder - nơi cộng đồng Tây Tạng địa phương đã dành cho Ngài một sự cung đón nồng nhiệt.