Thiksey, Ladakh, J & K, Ấn Độ, 11 tháng 8, 2016 - Sáng nay, bầu trời đầy mây khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến sân bãi thuyết Pháp tại Thiksey, nơi hàng ngàn người đã tập hợp lại để nghe thuyết Pháp, nhận quán đảnh Trường thọ và tham gia lễ Cúng Dường và Cầu nguyện Trường thọ cho Ngài. Ngài bắt đầu bằng cách thông báo trong sự hiện diện của họ có một vị Thầy Tỳ Kheo Thái Lan mà Ngài đã gặp ngày hôm trước.
“Thầy theo truyền thống Pali mà được ghi lại đầu tiên về Tứ Diệu Đế và 37 Phẩm Trợ Đạo - nền tảng của tất cả giáo lý Phật giáo. Chúng ta cũng có chung về giới luật và các quy tắc kỷ luật thiền môn. Thật ra, cả hai truyền thống Pali và Sanskrit của Phật giáo đều nêu cao Tam Tạng giáo lý và sự thực hành của Tam Vô Lậu Học: giới, định, và tuệ.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng ngày thứ hai trong Pháp hội hai ngày của Ngài ở Thiksey, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 11, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
“Mặc dù đây cũng là nền tảng đối với truyền thống của chúng ta, nhưng không hiểu sao, chúng ta bỏ qua nó và thích thực hành Du Già Bổn Tôn. Ngay cả việc họ là những nền tảng cần thiết đối với sự thực hành Bổn Tôn Mật Tông, Du Già Bổn Tôn sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng ta trưởng dưỡng sự thực hành Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tánh Không”.
Ngài tiếp tục nói rằng nếu chỉ có đức tin thôi là không đủ, tuân theo lời dạy của Đức Phật đòi hỏi lý do và sự hiểu biết, không có những điều này thì Phật giáo sẽ không tồn tại lâu trên thế giới. Ngài nói thêm rằng Ngài có xu hướng thay đổi thứ tự của các giai đoạn của cách tiếp cận Đạo lộ giải thoát và bắt đầu với Trí tuệ đặc biệt hơn là tầm quan trọng của sự dựa vào Bậc Thầy Tâm Linh. Theo thứ tự của truyền thống và sự gợi ý rằng nếu bạn không làm theo hướng dẫn của Thầy thì bạn sẽ bị đi vào địa ngục; điều này có nguy cơ khiến cho các đệ tử ngập tràn nỗi sợ hãi thay vì đầy sự nhiệt tình. Ngài nói rằng giáo lý của Đức Phật về khổ đau và nguồn gốc của sự đau khổ không có ý định gây ra sự sợ hãi và lo lắng. Sự giải thích của Ngài về Diệt Đế rằng, Diệt Đế chỉ đạt được nhờ thực hành theo Đạo Đế, đó chính là một nguồn vui.
Ngài đã thẳng thắn:
“Tôi đang rất chân thành và thẳng thắn với quý vị. Liên quan đến vấn đề sự nghiệp của Tây Tạng và giữ gìn cho Phật Pháp được sống còn, chúng ta đang ở vào một thời điểm rất quan trọng. Vì quý vị thể hiện sự tận tụy của mình đối với Giáo Pháp của Đức Phật, cho nên tôi khăng khăng yêu cầu quý vị hãy nghiên cứu Phật Pháp!”.
Ngài nhận xét rằng, bằng cách tu tập Bồ đề tâm và trí tuệ hiểu biết tánh Không, chúng ta có thể đối phó với thái độ ái trọng tự thân thái quá của chúng ta, và quan niệm sai lầm về sự tồn tại thực sự. Ngài quan sát rằng, Ngài thấy rất lợi ích khi gắn kết bốn cơ sở của chánh niệm trong mối liên hệ với Tứ Thánh Đế; như sự chánh niệm về thân, thọ, tâm, pháp đưa đến sự nhận thức tỉnh giác về Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế.
Các thành viên khán giả bảo vệ mình khỏi ánh nắng mặt trời trong buổi thuyết pháp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Thiksey, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 11, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Sự liên kết của chánh niệm về pháp với Đạo Đế mang lại một sự nhận biết trực tiếp về Tánh Không mà Ngài Long Thọ đã ám chỉ khi nói “Sự chế tạo ra thì sẽ bị đoạn diệt bởi tánh Không”. Khunnu Lama Tenzin Gyaltsen đã làm rõ điều này là, “Sự chế tạo ra đoạn diệt trong tánh Không”. Je Tsongkhapa cũng viết rằng, khi một hành giả Du Già đạt được sự hòa tan hoàn toàn trong tánh Không, thì tất cả các phiền não trong tâm trí của vị ấy được cho là sẽ hòa tan vào tánh Không của chính tâm thức của vị ấy; chúng không đi bất cứ nơi đâu cả! mà chỉ đơn thuần là biến mất trong lĩnh vực của tánh Không. Ngài kết luận:
“Thiền định về tánh Không của tâm thức chính mình thì có ý nghĩa và mạnh mẽ hơn sự thiền định về tánh Không của một đối tượng bên ngoài như một chiếc bình. Nó đối trị với quan niệm méo mó cơ bản của chính bạn về sự thật. Nếu sự nhận biết của bạn về tính không được kết hợp với Bồ đề tâm, thì bạn có thể đạt được Phật quả. Và chúng ta cần cả Bồ đề tâm và trí tuệ hiểu biết tánh Không để giúp cho sự thực hành của Du Già Bổn Tôn trở nên có hiệu quả”.
Ngài tiếp tục đọc phần “Đèn Soi Nẻo Giác” tại điểm giải thích về sự phát triển khát vọng đối với sự giác ngộ. Để chuẩn bị cho nghi thức phát Bồ Đề Tâm, Ngài hướng dẫn Hội chúng tụng lời cầu nguyện bảy phần với bài Kệ từ “Lời Cầu Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền”:
Nhờ năng lực của chút công đức nào con có được
Bằng sự lễ lạy, cúng dường, sám hối, tùy hỷ,
Thỉnh chuyển Pháp Luân, và cầu Phật trụ thế
Con xin hồi hướng tất cả cho sự chứng đạt Giác ngộ hoàn toàn.
Trước khi thực hiện nghi lễ phát Bồ Đề Tâm Nguyện và Bồ Đề Tâm Hạnh, Ngài đã truyền giới Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cho những người có tâm cầu thọ giới trong số những người Cư sĩ. Ngài truyền giới nguyện Bồ Tát và yêu cầu những người ấy trong Hội chúng lặp lại ba lần theo Ngài:
Con xin quay về nương tựa ngôi Tam Bảo
Xin sám hối mọi lỗi lầm do con tạo
Xin vui theo mọi đức hạnh của chúng sinh
Xin khắc vào tâm sự giác ngộ của Đức Phật.
Ngài khuyến khích khán giả của mình nên xem xét những ý nghĩa vĩ đại của Giới nguyện Bồ tát khi họ lặp lại:
Sau khi phát khởi ý định cho sự giác ngộ tối thượng,
Con xin mời tất cả chúng sinh như những vị khách của mình
Và con sẽ tham gia vào sự thực hành hoan hỷ của chư Bồ Tát .....
Ngài nhắc nhở họ rằng họ nên biết cần phải tránh phạm 18 giới chính và 46 giới phụ tạo nên giới nguyện Bồ Tát, nhưng nhấn mạnh rằng bản chất cốt lõi của tất cả những giới này là để kiềm chế sự ích kỷ. Ngài nói với họ rằng Ngài cảm thấy may mắn như thế nào khi có thể được khuyến khích hàng ngàn người phát Bồ đề tâm nguyện, thọ trì Bồ Tát Giới và dấn thân vào sự thực hành vĩ đại của chư vị Bồ Tát.
Các thành viên của khán giả lắng nghe Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp ở Thiksey, Ladakh, J&K, Ấn độ vào ngày 11, tháng 8, 2016. Ảnh/Tenzin Choejor/VPĐLLM |
Ngài truyền lễ Quán Đảnh Trường Thọ - Bánh Xe hoàn thành điều ước của Bạch Phật Độ Mẫu. Ngài khuyên rằng, trên mức độ thực tế, sống một cuộc sống trường thọ phụ thuộc vào việc duy trì vệ sinh và sức khỏe tốt. Tuy nhiên, từ quan điểm tâm linh, việc thực hành Bồ đề tâm và trí tuệ hiểu biết tánh Không sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những chướng duyên và giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ tâm linh.
Ngài nói, “Nếu quý vị muốn có nhiều bạn bè, quý vị nên trau giồi Bồ đề tâm. Quý vị sẽ thu hút bạn bè mà không cần phải đi tìm kiếm họ. Nếu thích làm kẻ thù của dân, nuôi dưỡng những tư tưởng độc hại đối với họ thì họ sẽ tự nhiên trở thành thù địch đối với quý vị.
"Điều vô cùng quan trọng là cảm thấy quyết tâm để đạt được một sự chuyển hóa tâm thức của quý vị. Đây là ý nghĩa của giáo lý mà tôi đã thuyết giảng trong hai ngày qua”.
Để kết luận sự kiện trong ngày, Thiksey Rinpoche hướng dẫn cộng đồng Tăng Ni và những Cư Sĩ Ladakh thực hiện Lễ Cầu nguyện Trường Thọ cho Ngài dựa trên những nghi thức liên quan đến Mười Sáu vị A la hán.
Ngày mai Ngài sẽ đi thăm viếng một Ni Viện, một nhà thờ Hồi giáo và Trường Lamdon, tất cả đều nằm trong vùng lân cận của Thiksey.