Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ, ngày 02 tháng 6 năm 2016 - Sáng nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Tsuglagkhang, chào đón những người ngồi xung quanh Pháp tòa rồi Ngài an tọa. Bát Nhã Tâm Kinh được trì tụng và tiếp theo là bài Kệ “Xưng Tán Đức Phật” của Ngài Long Thọ. Sau đó Ngài trích dẫn một câu tóm tắt lời dạy của Đức Phật:
Không làm những điều ác,
Trưởng dưỡng các hạnh lành,
Điều phục tâm ý mình -
Là lời Chư Phật dạy.
Thật ngẫu nhiên là bài Kệ này được khắc bằng tiếng Tây Tạng, Tiếng Hin-đi và tiếng Anh trên bức tường phía sau Pháp tòa, bên cạnh bức tượng của Đức Phật
Thánh Đức ĐLLM tại Chùa Chính Tây Tạng vào ngày 2 trong đợt thuyết Pháp 3 ngày cho thanh thiếu niên Tây Tạng ở Dharamsala, HP, Ấn Độ vào 02 tháng 6, 2016. Ảnh / Tenzin Choejor |
Các cháu học sinh thiếu niên đến từ trường TCV Thượng đã tham gia vào nhóm tranh luận về màu sắc. Tiếp theo đó là một nhóm lớn tuổi hơn một chút đã tranh luận về nguyên nhân và điều kiện. Khi họ đã hoàn thành phần tranh luận thì một thành viên của nhóm Nghiên cứu Phật giáo Sơ khởi địa phương đã nắm lấy cơ hội để báo cáo về sự ảnh hưởng của việc nghiên cứu Phật pháp đã tác động đến cậu ta. Cậu giải thích rằng nghiên cứu về hai chân lý (Nhị Đế) đã tạo nên một sự khác biệt, và cậu đã rất cảm kích về lòng tốt của chúng sinh. Không những chúng ta đạt được giác ngộ là nhờ vào kết quả của sự tử tế của chúng sinh, mà còn tất cả mọi thứ chúng ta được hưởng trong cuộc sống của mình hiện nay đều phụ thuộc vào nó. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với cậu rằng đạt đến một sự hiểu biết như vậy, là “phục vụ mục đích của Chánh Pháp”.
Một thành viên khác của công chúng đã đứng lên để bày tỏ lòng thành kính tri ân đến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng nhờ kết quả của những nỗ lực của Ngài mà thanh niên Tây Tạng đã học được những giá trị của nền văn hóa riêng của họ. Ông xin thay mặt cho tất cả những học sinh trong quá khứ, hiện tại và tương lai, xin được cám ơn Ngài một lần nữa và dâng lên cúng dường Ngài bức thangka của Đức Phật Dược Sư.
Trở lại với mối quan hệ giữa não và tâm, Ngài báo cáo rằng vào cuối thế kỷ 20, một số nhà khoa học đã bắt đầu hỏi rằng liệu không thể có một tâm thức vi tế nào ngoại trừ não bộ. Ngài lặp lại câu hỏi mà Ngài mới đặt ra cho vài người trong số họ. Nếu tất cả các điều kiện vật chất để thụ thai được đưa ra: tử cung, trứng và tinh trùng trong điều kiện tối ưu, thì liệu sự thụ thai có diễn ra một cách tự nhiên không?. Câu trả lời là: không. Ngài giải thích rằng, có lẽ bởi vì còn thiếu một điều kiện nữa - đó chính là tâm thức.
Lặp lại quan điểm của Trung Quán rằng “ngã” chỉ là sự định danh trên cơ sở của cơ thể và tâm thức, Ngài nhận xét:
“Tại một hội nghị liên tôn giáo ở Amritsar, một Đạo Sư Sufi hàng đầu đến từ Ajmer đã nói rằng tất cả các tôn giáo đều đối phó với ba câu hỏi. "Tôi" hay “Ngã” là gì?”; Liệu nó có sự bắt đầu hay không? Và nó có sự chấm dứt hay không?
“Khẳng định rằng không có một cái “Ngã” tồn tại một cách cố hữu, Phật giáo nói rằng “Ngã” là phụ thuộc vào sự kết hợp của cơ thể và tâm thức. Vì nó là như thế; và vì tâm thức không có sự bắt đầu, cho nên “Ngã” cũng không có sự bắt đầu. Còn về việc nó có sự kết thúc hay không thì phần lớn theo quan điểm Phật giáo là không, mặc dù một số người theo trường phái Thuyết Phân Biệt Bộ thì cho rằng khi một Vị A La Hán viên tịch thì “Ngã” không còn tồn tại nữa.
Trong thời gian nghỉ giải lao ngắn, các sinh viên đã đặt những câu hỏi cho Ngài. Người đầu tiên muốn biết rằng có phải sự quy y Tam Bảo là tiêu chí duy nhất để trở thành một Phật tử hay không; Ngài trả lời rằng việc chấp nhận Tứ Pháp Ấn sau đây cũng là một tiêu chí khác để trở thành Phật tử về mặt quan điểm: Tất cả các pháp hiện tượng đều là: VÔ THƯỜNG, KHỔ, KHÔNG, VÔ NGÃ; Niết Bàn là sự an lạc chân thật.
Ngài trả lời cho một sinh viên khác đã hỏi về tư tưởng của bốn trường phái Phật giáo rằng, khi Đức Phật giải thích về Tứ Diệu Đế - Ngài đã đề cập đến tánh Không; nhưng điều này đã được làm sáng tỏ một cách rõ ràng hơn trong Giáo Lý Bát Nhã Ba La Mật trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai. Các bậc Luận Sư Nalanda sau này đã giảng giải về điều này một cách chi tiết hơn nữa.
Ngài biểu dương một em học sinh đã cảm ơn lời khuyên của Ngài năm ngoái, nói với em rằng em thiền định hàng ngày về cái chết và sự vô thường và sự quyết tâm để được giải thoát, Ngài khen ngợi sự trưởng dưỡng những phẩm chất về sự học hỏi, khiêm tốn và dịu dàng. Khi một học sinh khác muốn biết làm thế nào mà những điều chúng ta học được trong cuộc sống này sẽ có lợi ích cho kiếp sau, Ngài đã nói với cậu ta rằng sự hiểu biết ban đầu phụ thuộc vào những lời chúng ta đọc hay nghe, nhưng khi chúng ta suy ngẫm về nó và phát triển niềm tin, thì sự tác động và ý nghĩa của những gì chúng ta đã hiểu vẫn còn lưu lại trong tâm trí, ngay cả khi chúng ta không còn nhớ những lời ban đầu.
Tiếp tục đọc về “Cây Niềm Tin” của Dromtonpa, Ngài đề cập rằng những tiêu chuẩn đức hạnh của một bậc Thầy được nêu trong Luật tạng, trong khi đó trong Kinh tạng thì nêu lên mười phẩm hạnh. Ngài trích dẫn Je Tsongkhapa nói rằng những người muốn chinh phục tâm trí của những người khác thì trước tiên phải hàng phục được tâm thức của chính mình. Khi Bồ Đề Tâm được đề cập đến, Ngài nhận xét rằng một trong những phẩm chất của nó là lòng can đảm và sự tự tin.
Ngài thông báo rằng ngày mai Ngài sẽ hướng dẫn một buổi lễ về phát Bồ Đề Tâm, và vì đối tượng chính thọ nhận Giáo lý này là học sinh, cho nên Ngài cũng sẽ truyền quán đảnh về Đức Văn Thù Sư Lợi - Vị Bồ Tát hiện thân của Trí Tuệ.
Ngài kết luận: “Tôi có kinh nghiệm cá nhân rằng, nếu bạn dựa vào Đức Văn Thù và thêm vào đó là tham gia vào thiền định phân tích (Thiền Quán), thì bạn có thể tăng trưởng trí tuệ và sự thông minh của mình”.