Madison, WI, Hoa Kỳ, ngày 09 Tháng 3 năm 2016 - Đó là một buổi sáng đẹp trời với cảm giác của mùa xuân đượm nhuần trong không khí khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe vào Madison trước khi hầu hết các cửa hàng và văn phòng mở cửa. Tòa nhà Capitol đứng chọc trời khi Ngài đến gần thành phố và trở thành một sự hiện hữu cao chót vót hiền lành khi xe của Ngài quẹo vào Trung tâm Nghệ thuật Overture. Richie Davidson đã đón Ngài và cùng đi với Ngài đến Hội Trường Promenade.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được phỏng vấn bởi Julia Fischer Farbman làm việc tại Trung tâm dành cho Tâm Hồn Lành Mạnh ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 09 tháng 3, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Ngài đã có ba cuộc phỏng vấn trước khi đến với sự kiện chính của buổi sáng. Ngài nói với Julia Fischer Farbman của Trung tâm dành cho Tâm Hồn lành mạnh rằng nhờ con người có bộ não tuyệt vời nên họ có một khả năng độc đáo bao gồm cả việc sử dụng ngôn ngữ. Khoa học cũng đã cho thấy rằng bản chất cơ bản của con người là tình cảm. Do đó, có những triển vọng mạnh mẽ để cải thiện thông qua sự giáo dục.
Ngài nói rằng việc tạo ra một thế giới hạnh phúc hơn là vì lợi ích của tất cả mọi người.
Tuy nhiên, giáo dục hiện đại có xu hướng hướng đến sự phát triển vật chất và các giá trị bên ngoài. Hơn nữa, vì nhiều vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là do chính chúng ta gây ra; chúng ta cần làm mới lại ý thức về đạo đức hay giá trị nội tâm. Ngài cũng khuyên rằng trong khi những cảm xúc phiền não phá hủy sự bình an nội tâm của chúng ta, thì sự rèn luyện tâm trí là khôi phục lại sự bình an nội tâm ấy.
Trước khi họ nói chuyện, Gary Nell của Địa lý Quốc gia đã đưa cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một vài bức ảnh gốc của Tây Tạng lấy từ kho lưu trữ của tạp chí. Nell hỏi Ngài làm thế nào để đạt được một sự cân bằng giữa hành vi của con người và sự bảo vệ thế giới tự nhiên. Ngài đã trả lời:
"Điều này rất phức tạp. Vì dân số thế giới vẫn đang phát triển, chỉ cần hạn chế phát triển thôi thì không phải là giải pháp. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên đang giảm dần và biến đổi khí hậu đang cảnh báo chúng ta rằng chúng ta có thể sớm bị thiếu nước. Đôi khi tôi đã tự hỏi về việc thiết lập các tấm năng lượng mặt trời ở sa mạc Sahara. Năng lượng có được sẽ được dành riêng để chạy nhà máy khử muối. Lượng nước sản xuất có thể được sử dụng để phủ xanh sa mạc. Rõ ràng là tiền mà bây giờ chúng ta dành cho vũ khí có thể được sử dụng tốt hơn cho việc xóa đói giảm nghèo”.
Gary Nell của Địa lý Quốc Gia giới thiệu cho Thánh Đức ĐĐLLM những bức ảnh của Tây Tạng từ kho lưu trữ của tạp chí trước khi thực hiện cuộc PV ở Madison, WI, Hoa kỳ, 09 tháng 3, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Trả lời câu hỏi về công nghệ, cho rằng hiện nay có rất nhiều điện thoại di động trên thế giới như người, Ngài nói rằng cho dù tác dụng của nó là tốt hay xấu đều phụ thuộc vào người sử dụng. Điều quan trọng là chúng ta không nên làm nô lệ cho công nghệ; mà là công nghệ nên giúp ích cho chúng ta.
Nell muốn biết những câu chuyện của ai có thể truyền cảm hứng cho Ngài và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về sự ngưỡng mộ của mình đối với Mahatma Gandhi, Nelson Mandela và Martin Luther King, bên cạnh đó còn có tình bạn mà Ngài đã dành cho vị Giám mục Desmond Tutu. Ngài nhận xét rằng chúng ta có xu hướng bỏ qua những giá trị sâu sắc hơn mà mỗi cá nhân trong số họ đáng được tán dương - bởi vì hệ thống giáo dục của chúng ta còn hướng về chủ nghĩa vật chất.
Dan Harris, phóng viên cho tin tức của ABC, người đã viết một cuốn sách về kinh nghiệm của mình trong thiền định có tên là “10% hạnh phúc hơn”', đã hỏi rằng làm thế nào mà một nhà lãnh đạo tôn giáo như Ngài lại quan tâm đến khoa học. Ngài giải thích rằng Ngài đã tò mò từ khi còn nhỏ và đã quan sát về những lợi ích mà khoa học đã mang lại cho nhân loại. Tuy nhiên, Ngài cũng lưu ý rằng sự chú ý của chúng ta dành cho tâm thức vẫn chưa đủ.
Ngài nói: “Điều này là rất quan trọng, bởi vì tiện nghi vật chất không mang lại sự bình an trong tâm hồn. Chúng ta tạo ra sự an bình nội ngay trong tâm trí của mình. Khi chúng ta trải nghiệm sự căng thẳng và lo lắng, chúng ta phải đối phó với nó bằng cách rèn luyện tâm trí. Có nhiều loại thiền định khác nhau, thiền quán và thiền chỉ. Nó không phải chỉ là vấn đề nhắm mắt lại và nuôi dưỡng sự vô niệm. Không những chúng ta không thể sống như thế, mà còn một trong những quà tặng vĩ đại nhất của chúng ta là sự thông minh của chúng ta, vì vậy chúng ta nên sử dụng nó”.
Hiệu trưởng của ĐH Wisconsin - Rebecca Blank giới thiệu về buổi thảo luận "Thế giới Chúng ta Tạo nên" tại TT Nghệ thuật Overture ở Madison, WI, Hoa kỳ vào 09 tháng 3, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Tập trung tại Hội trường Promenade một lần nữa, Hiệu trưởng của Đại học Wisconsin - Rebecca Blank - cựu Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ trong chính quyền Obama đã giới thiệu về buổi hội thảo. Cô bày tỏ niềm tự hào rằng Trung tâm Tâm Hồn Lành Mạnh là một bộ phận của trường Đại học, lưu ý rằng trường thích nghi với phương pháp của hội nghị chuyên đề gồm nhiều nghành học thuật. Cô mong đợi được nhìn thấy những nghiên cứu khoa học được thực hiện trong đời sống thực tế. Richie Davidson giải thích rằng, năm nhà khoa học làm việc tại Trung tâm sẽ thuyết trình về những công trình nghiên cứu của họ.
Regina Lapate giải thích rằng cô đã đánh giá cao về vai trò của sự chánh niệm tỉnh giác trong việc xử lý cảm xúc. Cô phát hiện ra rằng nhận thức giúp cho sự tăng cường mạch điều tiết cảm xúc. Khi được hỏi về sự tỉnh giác, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma công nhận tầm quan trọng của nó, Ngài nhấn mạnh rằng nếu không có nó - chúng ta thậm chí không thể đi lại được. Cortland Dahl đã trình bày về công trình mà ông đang thực hiện về Sự Hưng Thịnh của Con người và hỏi về loại thiền phân tích nào là phù hợp nhất với bối cảnh thế tục. Ngài nhắc lại rằng có hai loại thiền, thiền tập trung và thiền phân tích thì không khác nhau bởi đối tượng của nó, mà khác nhau bởi phương pháp áp dụng để thiền định. Ngài so sánh và ví sự nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt như là thiền phân tích vậy.
Khi Matt Hirschberg trình bày công trình của ông về trường phái định hướng, ông nhận xét rằng hạnh phúc là một chất lượng cơ bản của tâm thức. Melissa Rosenkranz đã mô tả sự nghiên cứu của cô ta về tình trạng viêm nhiễm và căng thẳng; và vai trò của chánh niệm trong việc điều chỉnh nó. Cô nói rằng hiện tượng viêm nhiễm đóng một vai trò trong cả bệnh hen suyễn và hội chứng Alzheimer. Khả năng có thể điều chỉnh được tình trạng viêm nhiễm thì sẽ có hiệu quả y tế cho công cộng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các thuyết trình viên của CT buổi sáng của cuộc thảo luận "Thế giới Chúng ta Tạo nên" ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 09 tháng 3, 2016. Ảnh / Jeremy Russell / VPĐLLM |
Cuối cùng, Pelin Kesebir báo cáo về sự kiểm tra Đạo đức Xuất sắc trong thế kỷ 20 của Văn hóa Mỹ. Bằng cách sử dụng Google Books Ngram Viewer cô đã có thể theo dõi sự giảm tần suất sử dụng các từ ngữ với một thành phần đạo đức. Cô đề cập rằng có sự gia tăng trong việc sử dụng cụm từ “Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma”. Cô cũng nêu lên sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng từ “từ bi”, tương ứng với sự tăng trưởng của việc quan tâm đến Phật giáo vào một thời điểm khi những lời đạo đức tương tự dường như đã suy giảm.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng khi người ta gặp quá nhiều căng thẳng, giận dữ và thất vọng; họ cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra sự căng thẳng của họ, và suy nghĩ về những biện pháp đưa đến một tâm trí bình tĩnh. Với sự rèn luyện đúng đắn thích hợp, thì ngay cả một người giận dữ cũng có thể trở thành một người điềm đạm và từ bi. Ngài bày tỏ niềm cảm kích lớn lao và tán thành công trình đang được diễn tiến để hỗ trợ cho sự rèn luyện như thế.
Trong bữa cơm trưa được tổ chức bởi Trung tâm Tâm Hồn Lành Mạnh, Barbara Mathison đã cảm tạ sự đóng góp của Ngài đối với công việc của Trung tâm và mô tả những phẩm tính đặc biệt của Richie Davidson như một người đang hoạt động tại giao điểm của khoa học nhân văn và khoa học. Cô lưu ý về một sức mạnh tổng hợp có giá trị giữa khoa học nhân văn và khoa học.
Tác giả Dan Goleman đã nhớ lại khi ông và Richie Davidson còn là những sinh viên khoa tâm lý, cùng nhau tốt nghiệp tại Cambridge trong những năm 1970. Sau đó, một lần cuộc hội thảo về “Tâm thức và Cuộc sống” được bắt đầu, Ngài đã nói với họ, “Chúng tôi có rất nhiều phương pháp truyền thống để đối phó với những cảm xúc tiêu cực của mình. Tại sao các bạn không thử nghiệm chúng trong phòng thí nghiệm của các bạn và nếu nó chứng minh được hiệu quả thì hãy chia sẻ những phương pháp ấy. Hãy khiến cho chúng trở nên có thể sử dụng được đối với người khác”. Mặc dù điều đó có nghĩa là đi ngược lại với hiện tại của sự nghiên cứu tâm lý học hiện đại, Richie Davidson đã hưởng ứng lời đề nghị của Ngài và bây giờ anh và Trung tâm Tâm Hồn Lành mạnh đang tìm cách để làm cho các phương pháp này được phổ biến rộng rãi hơn.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Richard Davidson vào đầu phiên chiều của cuộc hội thảo về "Thế giới Chúng ta Tạo nên" ở Madison, WI, Hoa kỳ, ngày 9 tháng 3, 2016. Ảnh / Darren Hauck |
Vào phiên hội thảo buổi chiều, “Thế giới Chúng ta Tạo nên” đã bắt đầu với sự đóng góp của một số người ủng hộ, PwC, Gary Nell của Địa Lý Quốc Gia và Susan Bauer-Wu of Tâm Thức và Cuộc Sống. Tiếp sau đó là một sự giải lao âm nhạc ngắn do Aaron Stern trình diễn với Học viện dành cho tình yêu học tập. Richie Davidson cúng dường cho Ngài chiếc mũ lưỡi trai có ghi dòng chữ: “Thay đổi tâm bạn, thay đổi thế giới” để Ngài che đôi mắt cho đỡ chói; ông mời người điều hành Dan Harris của ABC để khai mạc cho buổi hội thảo. Ông nói là đã đưa đề tài thiền định ra bởi vì ông bị ấn tượng bởi những bằng chứng khoa học về hiệu quả của thiền định trong việc “tạo sự đổi khác trong cuộc đời của bạn”.
Richie Davidson khẳng định rằng hạnh phúc là điều có thể được học hỏi và nhắc đến bốn thành phần mà ông đã xác định rằng có đóng góp vào quá trình này. Đầu tiên là khả năng phục hồi, trong đó đề cập đến tốc độ nhanh chóng mà bạn khôi phục lại từ nghịch cảnh. Thứ hai là triển vọng tích cực. Quay sang Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, ông nói rằng ông đã học được điều này từ Ngài, nêu lên rằng bất cứ ai Ngài gặp thì Ngài đều nhìn thấy được những đặc điểm tốt đẹp cơ bản của họ. Ông lưu ý rằng thành phần thứ ba là sự chú ý, ông nhận xét rằng một tâm trí lang thang là một cái tâm không hạnh phúc. Thứ tư là sự rộng lượng. Davidson kết luận rằng, trên cơ sở của bốn thành phần ấy, ông hy vọng sẽ khuyến khích mọi người hiểu được rằng hạnh phúc là một kỹ năng có thể học được.
Nhà tâm lý học Sona Dimidjian cũng khẳng định rằng, nếu chúng ta muốn có hòa bình trên thế giới, đòi hỏi chúng ta phải có sự an bình của nội tâm, một ý thức về sự bình an nội tâm. Cô nói rằng công trình nghiên cứu của cô là kiểm nghiệm xem làm thế nào để rèn luyện và đào tạo con người phát triển được hạnh phúc. Cô làm việc để ngăn ngừa và điều trị chứng trầm cảm ở phụ nữ trong và sau khi mang thai, sử dụng tỉnh thức và liệu pháp nhận thức. Soma Stout của “100 Triệu Đời Sống Khỏe Mạnh Hơn” tại Trường Y học Harvard đã thảo luận về phương pháp làm thế nào để cải thiện cuộc sống trên toàn thế giới qua thấu kính của hạnh phúc và bình đẳng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hưởng ứng những chủ đề này:
“Chúng ta là những động vật xã hội; vì vậy, chúng ta làm việc cùng với nhau là điều tự nhiên. Sự tồn tại của mỗi cá nhân đều phụ thuộc vào phần còn lại của cộng đồng. Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau rất nhiều. Đồng thời khẩu hiệu “Thay đổi tâm bạn, thay đổi thế giới” nhắc nhở chúng ta rằng sự thay đổi phải bắt đầu với các cá nhân. Xây dựng trên sức mạnh nội tâm và sự tự tin, chúng ta có thể phát triển sự nhân ái, trưởng dưỡng mối quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Tất nhiên chúng ta có lợi ích cá nhân, nhưng chúng ta nên theo đuổi lợi ích cá nhân của chúng ta một cách thông minh bằng cách suy nghĩ về tha nhân, không nên khờ khạo mà chỉ quan tâm một cách hẹp hòi cho chính mình.
Dan Harris báo cáo rằng đã có những lời chỉ trích nói về chánh niệm và thiền định liên quan đến việc giới thiệu Phật giáo một cách lén lút và thỉnh cầu Ngài bình luận. Ngài trả lời rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều thuộc về con người. Trong sự nhấn mạnh việc thực hành về tình yêu thương và lòng từ bi, tất cả họ đều khuyên mọi người nên khoan dung, tha thứ và tự kỷ luật. Họ chia sẻ một mục tiêu chung, ngay cả khi họ áp dụng những phương pháp khác nhau để đạt được mục tiêu ấy.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu trong phiên hội thảo vào buổi chiều về đề tài “Thế giới Chúng ta tạo nên” ở Madison, WI, Hoa kỳ vào 09 tháng 3, 2016. Ảnh / Darren Hauck |
Ngài đã kể về cuộc gặp gỡ với một nhà sư Thiên chúa giáo ở Montserrat, Tây Ban Nha, người đã trải qua năm năm như một ẩn sĩ ở vùng núi rừng. Khi Ngài hỏi về sự thực hành của ông; ông đã nói với Ngài rằng ông đã thiền định về tình yêu thương. Khi ông nói điều này, Ngài nhận thấy đôi mắt ông lóe lên những tia sáng lấp lánh của niềm hạnh phúc thật sự. Một nhà sư Tây Tạng đã từng trải qua 18 năm trong nhà tù Trung Quốc ở Tây Tạng đã nói với Ngài rằng ông đã có nguy cơ phải đối mặt nhiều lần với sự nguy hiểm. Ngài nghĩ rằng mối nguy hiểm mà ông đề cập đến có lẽ là sự nguy hiểm đối với tính mạng của ông; nhưng khi Ngài hỏi ông về điều đó thì Ngài vô cùng ngạc nhiên khi nghe ông nói đó là mối nguy cơ mất lòng từ bi đối với kẻ đã giam cầm mình. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kết luận rằng bất cứ Pháp hành nào mà chúng ta hành theo, giống như hai Vị sư này, chúng ta cần phải hết sức nghiêm túc đối với sự thực hành đó.
Khi cuộc hội thảo đến lúc bế mạc, Dan Harris đã đặt một câu hỏi cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, liệu trong bối cảnh tàn bạo của ISIS, việc sử dụng bạo lực có thể được biện minh hay không. Ngài trả lời:
“Rất khó mà nói được! Đưa ra những phản ứng thô bạo với ý thức của sự quan tâm có thể đôi khi cũng hữu ích; nhưng nói chung, nếu chúng ta cố gắng tránh sử dụng bạo lực thì sẽ tốt hơn. Dù ý định ban đầu của bạn là gì đi nữa, nhưng vẫn luôn có sự mạo hiểm của việc vượt quá sự kiểm soát. Tìm kiếm hòa bình không có nghĩa là sẽ có sự mâu thuẫn thêm nữa, chúng ta sẽ luôn đối mặt với những vấn đề rắc rối, nhưng chúng ta phải học cách giải quyết chúng thông qua phương pháp đàm thoại. Điều này vô cùng quan trọng nếu như thế kỷ này tránh được sự đổ máu của thế kỷ 20. Chúng ta dường như đã cầu nguyện cho hòa bình trong cả hàng trăm năm mà không có hiệu quả mấy. Chúng ta phải hành động để đạt được sự hòa bình ấy!
"Đôi khi tôi đề nghị đùa rằng, nếu ngày nay chúng ta gặp Đức Chúa Giêsu hay Đức Phật và cầu xin các Ngài giúp đỡ để tạo ra hòa bình trên thế giới; các Ngài có thể hỏi rằng ai là người đã gây ra các vấn đề mà chúng ta phải đối mặt? Câu trả lời là chúng ta đã làm; và đó là trách nhiệm của chúng ta phải giải quyết chúng. Với một động cơ chân thành, trí thông minh và lòng từ bi, đã có tính đến những hậu quả ngắn hạn và dài lâu, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đàm thoại. Tôi nghĩ rằng điều đó là một phương pháp rất thực tế.
Richie Davidson bày tỏ lòng biết ơn đến bạn bè và các nhà tài trợ của Trung tâm. Ông cám ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặc biệt quang lâm; và ông thỉnh cầu Ngài hãy tiếp tục trở lại nữa! Cuộc hội thảo đã bế mạc; và Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi xe đến sân bay Madison để bắt đầu cuộc hành trình trở về Ấn Độ. của mình.