Florence, Tuscany, Italy - Mưa rơi trên bầu trời xám xịt khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến Diễn đàn Mandela sáng nay để tham dự cuộc hội nghị liên tôn giáo về chủ đề "Tự do thông qua các điều luật". Ngài chào mừng những người bạn đồng hành của mình và đi bộ dọc theo khán đài để chào hơn 5800 thành viên của khán giả trước khi an tọa.
Giám đốc của Viện Istituto Lama Tzong Khapa - Filippo Scianna - cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người tham dự khác. Ông đặc biệt cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã quang lâm và thưa với Ngài rằng Istituto Lama Tzong Khapa là để sẵn sàng phụng sự cho Ngài. Francesca Campana Camparini - người tổ chức sự kiện - đã giới thiệu Dario Nardella - Thị trưởng trẻ tuổi của địa phương. Ông hoan nghênh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã quang lâm đến Florence, một thành phố lịch sử đã từng thiết lập các mối liên hệ giữa các dân tộc. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc biết rõ về bản thân mình và người khác để cùng hợp tác làm việc với nhau.
Mô tả Florence như một thành phố của hòa bình và nhân loại, Nardella đã tuyên bố rằng ông rất vui mừng khi được thay mặt cho toàn thể người dân Fiorentini dâng tặng lên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với ‘Ấn Dấu của Hòa bình', huy chương với danh hiệu cao quý nhất và lâu đời nhất của thành phố Florence, để công nhận sự đóng góp của Ngài đối với nền hòa bình trên thế giới. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa cao tấm huy chương cho tất cả mọi người đều nhìn thấy.
Người điều hành Hội nghị - Chủ tịch của đài phát thanh quốc gia Ý Rai - Monica Maggioni - đã mời Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khai mạc cho cuộc thảo luận.
"Xin chào các anh chị em! Thật là một vinh dự lớn lao đối với tôi khi có cơ hội này để chia sẻ một số kinh nghiệm của tôi với quý vị. Tôi cho rằng mình chỉ là một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay, tất cả mọi người đều có quyền sống một cuộc sống hạnh phúc. Vì lợi ích của nhân loại, chúng ta hãy cùng nhau thảo luận về sự hòa hợp, hòa bình và thống nhất.
"Khi chào đời, chúng ta giống như cô bé này ở đây, không hề có ý nghĩ về "chúng ta" và "bọn họ", chỉ sẵn sàng để đáp lại với bất cứ ai mỉm cười và thể hiện tình cảm với mình, bất kể quốc tịch, gia đình hay xã hội của họ. Việc tạo ra sự chia rẽ gây nên một nỗi lo lắng có thể dễ dàng lan sang bạo lực. Và trong sâu thẳm - chúng ta là một. Chúng ta đều giống nhau trong lĩnh vực đều là con người - không có sự khác biệt giữa chúng ta.
"Ngay bây giờ chúng ta đang vui vẻ ở đây, nhưng ở nơi khác người ta đang bị giết hại và trẻ em vô tội đang chết đói. Chúng ta cần phải xem xét cách làm thế nào để chấm dứt những đau khổ do con người gây ra. Một sự khởi đầu cơ bản là nhận ra rằng, mặc dù có những sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta, nhưng ngay tại gốc rễ, chúng ta đều là những con người như nhau.
"Vì ngày nay, thậm chí tôn giáo đang gây ra sự xung đột, thì sự tụ hội của những người có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau như thế này cũng có rất nhiều ý nghĩa. Liệu các thành viên của các truyền thống tôn giáo khác nhau có thể cùng sống với nhau? Câu trả lời là 1000 lần - “Vâng”! Ấn Độ là một ví dụ điển hình sống động. Tất cả các tôn giáo lớn đã phát triển mạnh mẽ bên cạnh nhau qua nhiều thế kỷ.
"Những ngày này, sẽ là không đúng khi nói đến những người khủng bố Hồi giáo hay những kẻ khủng bố Phật giáo; bởi vì một khi ai đó bắt tay vào thực hiện sự khủng bố, thì hành động của họ đã không còn đúng với tôn giáo của họ nữa. Chẳng hạn như Hồi giáo giảng dạy rằng, một người làm đổ máu thì người đó không còn là một người Hồi giáo đúng nghĩa nữa”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói thêm rằng, nền kinh tế toàn cầu ngày nay làm cho chúng ta tất cả phụ thuộc lẫn nhau, trong khi sự thách thức của biến đổi khí hậu là một mối đe dọa ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Vì vậy, Ngài nói, điều quan trọng là 7 tỷ người trên hành tinh này phải làm việc cùng nhau.
Khi tiếng vỗ tay lắng xuống, Maggioni đã mời cựu chủ tịch Viện Đại học Châu Âu - Joseph Weiler đóng góp theo quan điểm của một người Do thái. Ông giải thích rằng Do thái giáo là một tôn giáo của các quy tắc, một vài trong số đó rất nổi tiếng. Người Do Thái không thể ăn thịt lợn, họ không làm việc một ngày trong tuần, và họ kiêng quan hệ tình dục 12 ngày trong một tháng. Họ tuân thủ các quy tắc này như một cách duy trì cá tính của mình. Weiler đã nhận xét rằng nếu bạn không tôn trọng bản thân và bản sắc của mình, thì bạn sẽ không tôn trọng người khác.
Đức Cha Enzo Bianchi đã chỉ ra rằng, để khẳng định rằng nếu chỉ có một chân lý thôi - thì quả là một nguồn rắc rối. Nó nuôi dưỡng sự không dung thứ. Tuy nhiên, con người có một bộ não và khả năng lý trí mà họ cần phải sử dụng. Ông lưu ý rằng những gì Chúa Giêsu giảng dạy dường như thường xuyên đi ngược lại nguyên tắc được chấp nhận. Bianchi trích dẫn lời thánh Phanxicô Assisi khi nói rằng Phúc âm không phải là về các quy tắc. Ông kết thúc bằng lời tán thán sự tha thứ - "Bất kể những sai lầm tôi đã phạm đã thuộc về quá khứ; hôm nay tôi có thể bắt đầu lại và tạo ra một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Chủ tịch Liên minh các Cộng đồng Hồi giáo Ý và Imam của Florence - Izzedin Elzir, tự giới thiệu mình là người đã được sinh ra tại Palestine nhưng lớn lên ở Florence. Ông nói về tầm quan trọng của việc đọc sách và nghiên cứu. Ông đã làm rõ rằng, ngược lại với tin đồn phổ biến, từ 'jihad' có nghĩa là đưa những gì bạn tin tưởng vào thực hành. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã can thiệp vào để nói rằng những người bạn đã nói với Ngài rằng 'jihad' là nói về cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta để chống lại những cảm xúc phiền não của mình.
Elzir đồng ý rằng chúng ta cần phải cố gắng thay đổi bản thân và điều đó - như Giáo Sư Weiler đã nói - nếu chúng ta không tôn trọng bản thân mình, thì làm sao chúng ta có thể tôn trọng người khác? Ông trích dẫn một câu mà ông cho là nguồn gốc của đức tin của mình: "Chúa đã thể hiện tình yêu của Ngài đối với toàn thể nhân loại".
Trong những nhận xét tóm tắt của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:
"Nếu chúng ta chấp nhận giá trị của tôn giáo, chúng ta nên chân thành tuân thủ nó trong sự thực hành. Tất cả các truyền thống tôn giáo của chúng ta, mặc dù có những quan điểm triết học khác nhau - điều mà tôi đã cảm kích như cách thức tôi chiêm ngưỡng một khu vườn của những bông hoa với nhiều màu sắc khác nhau - có tiềm năng tạo ra con người từ bi hơn".
Sau giờ giải lao để dùng cơm trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp gỡ 150 người Tây Tạng và nói với họ về những cam kết của Ngài trong việc thúc đẩy hòa bình và hạnh phúc giữa con người, cũng như sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Thứ ba, là một người Tây Tạng, được sinh ra và lớn lên ở Tây Tạng, và một người mà đa số người dân Tây Tạng đã đặt niềm hy vọng của họ nơi mình, Ngài quan tâm đến việc giữ gìn cho tôn giáo, văn hoá và ngôn ngữ Tây Tạng luôn được sống động. Ngài giải thích cách thức Phật giáo Tây Tạng phản ánh hoàn toàn truyền thống Nalanda Ấn Độ. Ngài kết luận:
"Chúng ta đang tìm kiếm sự tự trị thật sự cho cả ba tỉnh của Tây Tạng, những vùng này được miêu tả là những khu vực Tây Tạng trong hiến pháp Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng tìm kiếm quyền bảo vệ tôn giáo, văn hoá và lối sống của chính mình, bao gồm cả quyền bảo vệ môi trường mong manh của Tây Tạng. Khi họ hiểu được điều này, nhiều người Trung Quốc biết suy nghĩ sẽ ủng hộ con đường Trung đạo của chúng ta”.
Trong bài giới thiệu vào buổi chiều về đề tài “Hoà bình qua Giáo dục”, Thống đốc Tuscany Enrico Rossi đã đề cập rằng, theo điều 8 của Hiến pháp Ý, tất cả các tôn giáo đều được tự do trong khuôn khổ pháp luật và theo điều 11 thì Ý đã từ bỏ việc sử dụng chiến tranh vì chúng ta cần hòa bình. Ông nói rằng ông đang thúc giục Ý phê chuẩn một hiệp ước đề xuất tại Liên Hiệp Quốc để loại bỏ vũ khí hạt nhân.
"Chiến tranh có nghĩa là bạo lực có tổ chức", Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói khi đề cập đến chủ đề hòa bình. "Chiến tranh chỉ tồn tại giữa con người. Các động vật khác có thể đánh nhau, nhưng chúng không đi đến chiến tranh. Chúng đã không phát minh ra vũ khí hủy diệt hàng loạt - điều đó chỉ được tìm thấy ở con người. Một lý do cho điều này là trí thông minh của con người bị lạm dụng khiến cho con người tức giận tàn phá tận cùng. Đây là lý do rõ ràng rằng sẽ không có hòa bình trên thế giới nếu không có sự bình yên trong tâm hồn.
"Bản tính con người là từ bi và kết hợp với lòng nhiệt tâm nhân hậu thì có thể đảm bảo được rằng cá nhân, gia đình, cộng đồng và các quốc gia đều được sống trong hòa bình”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời những câu hỏi của khán giả về vấn đề giáo dục, vai trò tiềm ẩn của thiền phân tích và sự ghi nhớ thuộc lòng. Ngài đã khen ngợi đặc biệt về giá trị so sánh các quan điểm khác nhau để đạt được một kết luận đúng đắn hợp lý.
Ngài kết thúc với lời khuyên này:
"Bao lâu mà tương lai của nhân loại còn liên quan đến, thì chúng ta phải bắt đầu thực hiện để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Có thể mất từ hai mươi đến ba mươi năm để đạt được những thay đổi mà chúng ta đang tìm kiếm, tuy nhiên chúng ta không thể trì hoãn - chúng ta phải bắt đầu ngay lập tức!”.
Diễn đàn tràn ngập tiếng vỗ tay nồng nhiệt và thân thiện khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi khán đài. Từ Florence, Ngài đi xe đến Pisa, từ ngày mai Ngài sẽ tham dự "Hội nghị chuyên đề về Khoa học Tâm thức Thực tiễn". Khi Ngài trở về nghỉ ngơi sau một ngày, một tiếng sấm sét lớn đã nổ vang trên bầu trời.