Mumbai, Maharashtra, Ấn Độ - Hôm nay Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện chuyến đi xuyên Mumbai để tham dự cuộc hội thảo về Hòa hợp và Hòa bình Thế giới thông qua Đối thoại Liên tôn tại Câu lạc bộ Thể thao Quốc gia Ấn Độ Dome - kể cả việc vượt qua Sealink Bandra-Worli đầy ngoạn mục. Khi đến nơi, Ngài được cung đón bởi tiến sĩ Lokesh Muni cùng với cả dàn trống với tù và vang dậy như sấm.
Khi những người tham gia cuộc đối thoại liên tôn, do Tiến sĩ Lokesh Muni dẫn đầu, cùng với Ngài và Swami Ramdev bước lên khán đài, họ đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt. Họ cùng nhau thắp đèn để khai mạc cuộc hội nghị. Mỗi khách mời đều được hoan nghênh đón chào bằng một chiếc khăn choàng cổ truyền thống và một vật lưu niệm của dịp này.
Bộ trưởng Bộ Chính quyền Liên minh - Piyush Goyal là người đầu tiên phát biểu để ông có thể rời khỏi đó và tham dự tiếp một sự kiện khác tại Viện Ung thư Quốc gia ở Nagpur vào cuối buổi sáng. Ông tôn kính Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma như một "nhà lãnh đạo tinh thần nổi tiếng của thế giới mà tất cả chúng ta đều phải kính trọng". Ông nói thêm rằng, thật đáng tự hào khi Tiến sĩ Lokesh Muni-ji - người đã cống hiến cuộc đời mình cho sự hòa bình và hòa hợp - đã dẫn đầu hội chúng; quan sát rằng ông đã thực hiện một cam kết thực sự để đưa mọi người từ khắp nơi trên đất nước đến tụ hội cùng với nhau.
Goyal lưu ý rằng, sự thay đổi khí hậu và khủng bố là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới hiện nay. Ông nhận xét rằng, Ấn Độ đang tiến hành các biện pháp để chống lại sự ô nhiễm bầu khí quyển, nhưng cũng cần phải nhận thức được tư tưởng cố chấp thiệt hại đối với xã hội. Ông kết thúc với một khát vọng đối với Ấn Độ để đạt được năm “P” - power (quyền lực), prosperity (thịnh vượng), prestige (uy tín), pleasure (an lạc) và position (địa vị). Vivek Oberoi - hiện diện trong vai trò là một sứ giả hòa bình, cũng rời khỏi đó để cùng đi với Bộ trưởng tham dự sự kiện ở Viện Ung thư Quốc gia.
Maulana Kalbe Sadiq - người phát biểu đầu tiên trong số những nhà lãnh đạo tâm linh - đã nói về hòa bình và hòa hợp giữa các tôn giáo, ông đề cập đến trường hợp của Masjid Babri hiện đang được Tòa án Tối cao lắng nghe. Ông nói rằng nếu bản án ủng hộ cộng đồng Hindu, thì cộng đồng của ông sẽ chấp nhận nó; và nếu nó ủng hộ cộng đồng Hồi giáo thì họ nên giao đất cho bên kia vì làm quà tặng là một cách để giải quyết các tranh chấp. Giani Gurbachan Singh, Vị lãnh đạo của Jathedar của Akal Takht tuyên bố rằng mặc dù có sự khác biệt bên ngoài, nhưng luôn có một sự thống nhất giữa tất cả các tôn giáo bởi vì họ cùng truyền đạt một thông điệp chung.
Đức Tổng Giám Mục Felix Anthony Machado nói về sự cần thiết phải có sự bình an trong tâm hồn của chúng ta nếu chúng ta muốn tìm cách tạo ra nền hòa bình trên thế giới. Ông nói rằng điều cần thiết là sự thống nhất và chân thật. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Panchayat Raj chào mừng các nhà lãnh đạo tâm linh. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Môi trường, Rừng và Biến đổi Khí hậu; cũng như Khoa học Trái đất - Tiến sĩ Harsh Vardhan đã nói với khán giả của hơn 4000 người rằng, chính phủ quyết tâm làm những gì có thể để Ấn Độ tiến lên phía trước, nhưng rất cần sự ủng hộ và sự tham gia của người dân.
Tiến sĩ Lokesh Muni đã vinh danh Swami Ramdev về việc đã làm nổi bật mối quan tâm rộng rãi đối với yoga. Quan sát sự cần thiết phải trao truyền kiến thức về hòa bình và bất bạo động trong chương trình giảng dạy của trường học - như Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khuyến cáo, ông cũng đề nghị đưa thông điệp của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc chống lại sự thôi thúc sử dụng bạo lực vào các địa điểm xung đột.
Swami Ramdev bắt đầu với một lời giải thích đặc trưng - "Bharat Mata ki Jai". Trong bài thuyết trình sâu rộng, ông gợi ý rằng Trung Quốc nên biết rằng tất cả các tôn giáo lớn đều là hòa bình và bất bạo động. Do đó, Ấn Độ - một quốc gia tôn giáo - sẵn sàng tham gia vào cuộc đối thoại; nhưng nếu đối thủ của nó muốn chiến tranh, thì Ấn độ cũng đã sẵn sàng cho việc đó. Jainacharya Namra Muni nói rằng ông không muốn trì hoãn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vì đã gần đến giờ ăn trưa.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được trợ giúp để đứng dậy và đi đến bục thuyết trình. Ngài mở đầu lời phát biểu của mình theo cách thông thường:
"Các anh chị em tâm linh kính mến!... Ồ… không có các Chị?
"Tôi rất vui khi được tham gia vào cuộc gặp gỡ tuyệt vời này, trong số các nhà lãnh đạo tâm linh, những người không chỉ thực hiện việc thực hành giáo pháp của mình một cách chân thành, mà còn hành động để giải quyết những vấn đề mà họ đang gặp phải - một cách bất bạo động. Thông thường tôi nói với mọi người rằng tôi không coi bản thân mình là bất cứ thứ gì khác ngoài một trong số 7 tỷ người đang sống hôm nay. Tinh thần, tình cảm và thể chất chúng ta đều như nhau. Một số bạn của tôi ở đây có rất nhiều râu trên khuôn mặt của họ, tôi thì không có, nhưng về cơ bản chúng ta đều giống nhau.
"Toàn bộ 7 tỷ người đều muốn có hạnh phúc và niềm vui, nhưng thay vào đó là phải đối mặt với rất nhiều vấn đề - hầu hết là do con người tạo ra. Vì vậy, có một sự mâu thuẫn ở đây; không ai muốn rắc rối cả, nhưng vì lý do nào đó chúng ta lại mang rắc rối đến cho chính mình. Điều này đã xảy ra như thế nào? Là hậu quả của những cảm xúc của chúng ta, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực.
"Sự giận dữ và ghen tỵ luôn có liên quan đến việc xem trọng tự thân của chúng ta và hờ hững đối với người khác. Sự coi trọng chính bản thân mình rất dễ gây nên sự sợ hãi, là yếu tố kích thích sự khích động, khi nó bốc lên thành sự giận dữ, có thể đưa đến bạo lực. Đã đến lúc để chấp nhận rằng nếu chúng ta nói về hòa bình trên thế giới thì chúng ta phải xem lại sự hòa bình trong chính chúng ta.
"Trên đất nước này, tinh thần bất bạo động “ahimsa” đã có cả hàng ngàn năm nay, nó là đặc trưng cho con đường hành động, nhưng nó liên quan đến việc được thôi thúc bởi “karuna” hay lòng từ bi. Một mặt, nếu chúng ta có thái độ coi trọng tự thân - với một nụ cười giả tạo và tìm cách đánh lừa người khác bằng những lời ngọt ngào - đó cũng chính là một loại bạo lực. Mặt khác, khi cha mẹ hoặc thầy giáo - giống như vị Thầy Gia Sư của tôi - dù sử dụng những lời khắc nghiệt nhưng hoàn toàn là do lo lắng cho phúc lợi của đứa trẻ - điều đó không có tính bạo lực.
"Vì vậy, sự phân chia ranh giới giữa bạo lực và phi bạo lực không chỉ là về bản chất của hành động mà nó là về mặt động lực. Đó là lý do tại sao chúng ta cần chú ý đến karuna hay tâm từ bi - mà các nhà khoa học đã nói là bản chất cơ bản của con người chúng ta. Họ cũng nói rằng sự sợ hãi, giận dữ và nghi ngờ triền miên sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta, trong khi lòng bi mẫn có tác dụng tăng cường sức khoẻ của chúng ta”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về sự trải nghiệm chung của con người về việc được sinh ra và nuôi dưỡng bởi các bà mẹ của chúng ta. Ngài nhận xét rằng một số nhà khoa học đã gợi ý rằng sự tiếp xúc âu yếm cơ thể mà người mẹ dành cho ta là rất quan trọng đối với việc phát triển trí não của chúng ta. Tất cả chúng ta đều lớn lên, đều cảm kích lòng yêu thương và tình cảm. Chúng ta biết rằng sự ghen tỵ không làm cho chúng ta hạnh phúc, trong khi nếu chúng ta đối xử với nhau một cách trung thực, chân thành và minh bạch, chúng ta sẽ được hài lòng.
Ngài tiếp tục quan sát thấy rằng, cảm giác thông thường cho chúng ta biết rằng, gia đình bên cạnh có thể giàu có, nhưng nếu họ không tin tưởng lẫn nhau, họ sẽ không có hạnh phúc. Trong khi đó, một gia đình nghèo ở dưới đường - tuy tài sản có rất ít, nhưng vì họ có lòng tin và tình cảm dành cho nhau, nên họ tràn đầy niềm vui. Ngài gợi ý rằng hệ thống giáo dục - bị định hướng như là mục tiêu vật chất thay vì giá trị nội tâm - điều đó đã góp phần làm cho chúng ta lo lắng.
"Nếu sự giáo dục chú ý hơn đến kiến thức cổ đại của Ấn Độ về hoạt động của tâm thức và cảm xúc, thì chúng ta sẽ học cách đạt được sự an tâm. Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia giáo dục và các nhà khoa học để lập ra một chương trình giảng dạy để thực hiện điều này từ mẫu giáo đến đại học. Chúng tôi đề xuất thực hiện điều này trên nền tảng thế tục. Thế tục - không chỉ là tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo không thiên vị, mà còn là tôn trọng quan điểm của những người không có đức tin. Nếu Ấn Độ có thể kết hợp giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại thì nó có thể đóng góp đáng kể vào phúc lợi của tất cả 7 tỷ người”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến việc Ngài cam kết nâng cao nhận thức về việc làm thế nào để mang lại một thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn thông qua sự giáo dục và ý thức thông thường. Đã trải qua 58 năm ở đất nước này, Ngài đã quan sát bằng sự ngưỡng mộ đối với những truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ đây - đã sống hoà hợp bên cạnh những tôn giáo đến từ bên ngoài như thế nào. Về lĩnh vực này thì Ấn Độ chính là một ví dụ điển hình cho thế giới. Ngài nói rằng, không thể tưởng tượng được rằng đức tin tôn giáo lại trở thành nguồn gốc gây ra sự mâu thuẫn. Tuy nhiên, hiện nay, có những nơi mà xung đột lại diễn ra trong cùng một niềm tin tôn giáo - chẳng hạn, giữa truyền thống Sunni và Shia - điều đó không thấy ở Ấn Độ.
"Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói với mọi người rằng, liên quan đến sự hòa hợp tôn giáo, Ấn Độ là một ví dụ điển hình sống động về việc mà các truyền thống tôn giáo có thể sống cùng nhau trong hòa bình và tôn trọng.
"Là một người Tây Tạng, tôi cũng quan tâm đến việc giữ gìn kiến thức mà bậc Đạo Sư Thiện Hải Tịch Hộ đã mang đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Nó phản ánh truyền thống của Đại học Nalanda mà chúng tôi đã bảo tồn; và những người theo Phật giáo ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày càng trở nên cảm kích truyền thống ấy hơn. Ấn Độ là bậc thầy của chúng tôi, và chúng tôi đã chứng tỏ được rằng mình là những người học trò nhỏ đáng tin cậy, bởi vì chúng tôi đã giữ gìn được cho sự sống còn của những truyền thống về triết học, logic và kiến thức về tâm. Hiên nay, tôi đã cam kết cố gắng khôi phục kiến thức cổ đại này ở Ấn Độ - quốc gia duy nhất mà tôi cho là có thể kết hợp được nó với phương pháp giáo dục hiện đại”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và các nhà lãnh đạo tâm linh đã dùng cơm trưa cùng nhau trong sự thể hiện thân mật của tình hữu nghị chân thành trước khi khởi hành và đi theo con đường riêng của họ.