Bengaluru, Ấn Độ - Rời Goa vào sáng hôm qua, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thực hiện một chuyến bay ngắn đến Bengaluru. Ngài đi xe vào thành phố và được cung đón tại khách sạn của mình bởi một đội ngũ lớn người Tây Tạng sinh sống ở Karnataka. Các vũ công Tashi Shölpa và Gyal Shay biểu diễn trên sân khấu của khách sạn, trong khi một thanh niên và một thiếu nữ trong trang phục Tây Tạng đã cúng dường “chemar changpu” lên Ngài theo truyền thống. Ganden Tri Rinpoche - và tiếp theo sau là các hệ thống cấp bậc khác - chính thức cung nghinh Đức Ngài. Các Viện Trưởng của các tu viện khác nhau trong khu định cư Tây Tạng xếp hàng ở hành lang đến thang máy. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến phòng của mình vừa kịp giờ để dùng cơm trưa.
Sáng nay, trước khi đi ra ngoài, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một cuộc phỏng vấn với Shoba Narayan, một nhà báo, tác giả và là người Bangalorean. Cô bắt đầu bằng cách thỉnh vấn Ngài về những gì mà Ngài đã học để có một sự lão hóa tốt; và Ngài nói với cô rằng điều này sẽ khác nhau đối với mỗi cá nhân. Trong trường hợp của mình, Ngài được đào tạo trong truyền thống Nalanda, với việc sử dụng triệt để lý trí và logic. Mặc dù, trong thời thơ ấu, Ngài đã học tập một cách miễn cưỡng, nhưng khi thời gian dần trôi qua, Ngài đã bắt đầu nhận thức được giá trị của những gì mà Ngài đã học được.
Khi được hỏi liệu điều này có khác biệt đối với nam giới và phụ nữ hay không, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời khá rõ ràng rằng, việc rèn luyện tâm trí liên quan đến ý thức tinh thần và ở cấp độ đó thì không hề có sự khác biệt giữa giới tính. Chúng ta có thể học cách tập trung tâm trí để nó không duổi theo những sự xao lãng; và sau đó sử dụng nó để phân tích sự khác biệt giữa sự xuất hiện của sự vật và thực tại sâu sắc hơn, và những nhược điểm của việc phát khởi những cảm xúc tiêu cực như giận dữ và ganh tỵ.
Khi Narayan hỏi Ngài về việc có bao giờ Ngài cảm thấy buồn không, và những lúc như thế thì Ngài đã làm gì đối với nỗi buồn đó’. Ngài nói rằng, ngày xưa, vào buổi sáng Ngài đã từng nhìn qua cửa sổ của mình để xem những người trẻ tập thể dục, và đã suy ngẫm rằng mình không thể làm điều đó được nữa. Cô hỏi liệu Ngài có cảm thấy hối tiếc gì hay không; và Ngài nói với cô rằng; khi nhìn lại cuộc đời mình, Ngài cảm thấy hài lòng rằng những quyết định mà Ngài đưa ra trong những vấn đề mấu chốt quan trọng đều là chính xác.
Narayan tiếp tục hỏi Ngài về những quyết định khó khăn, sự sợ hãi, việc thiết lập sự hài hòa trên thế giới; và về món ăn mà Ngài ưa thích. Trong câu trả lời cuối cùng, Ngài nhận xét rằng, các đệ tử của Đức Phật thọ dụng bất cứ thứ gì mà họ được ban cho. Ngài giải thích rằng, Đức Phật không thuộc về một tổ chức cố định nào và không hề có nhà bếp, thậm chí không có bất kỳ đôi giày nào cả, chỉ có một bình bát khất thực và những chiếc y của Ngài.
Ngài đã đi xe đến khách sạn West End, nơi mà một sự kiện 'Cảm ơn Karnataka' được tổ chức như một phần của “Năm Tri Ân” của Chính quyền Trung ương Tây Tạng (CTA) đối với Ấn Độ vào năm thứ 60 lưu vong của người dân Tây Tạng. Ngài đã ra ngoài để đón vị khách chính - Bộ trưởng của tiểu bang Karnataka - HD Kumaraswamy và họ cùng nhau bước vào Hội trường. Mọi người đều đứng lên để hát quốc ca Ấn Độ và Tây Tạng.
Trưởng đại diện địa phương của cộng đồng Tây Tạng - Chophel Thupten chào đón Ngài, Bộ trưởng - Giáo sư S Nijalingappa, Tổng thống Chính Quyền Trung Ương Tây Tạng - Tiến sĩ Lobsang Sangay, Xướng ngôn Viên - Khenpo Sonam Tenphel và những người hiện diện khác. Ông lưu ý các mối liên hệ cũ giữa Ấn Độ và Tây Tạng qua nhiều thế kỷ, nhận xét rằng Phật giáo đã trở thành một phần của bản sắc Tây Tạng. Ông nhớ lại rằng những gì được cấu hình lần đầu tiên vào năm 1956 ở tiểu bang Mysore đã trở thành Karnataka vào năm 1973 và kỷ niệm sự ủng hộ mà người Tây Tạng đã nhận được từ chính phủ và nhân dân của tiểu bang.
Khenpo Sonam Tenphel, nói bằng tiếng Tây Tạng, đã đề cập rằng Ấn Độ và Tây Tạng đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ trong hơn 1000 năm qua. Ông trích lời cựu Thủ tướng Ấn Độ Moraji Desai nói rằng Ấn Độ và Tây Tạng là hai nhánh của một cây bồ đề.
Tiến sĩ Lobsang Sangay nói bằng tiếng Anh, “Như Ngài đã khuyên, chúng ta duy trì, giữ gìn mối quan hệ với những người bạn cũ và kết bạn với những người mới. Chúng tôi luôn nhớ và biết ơn tất cả những người đã giúp đỡ chúng tôi. Năm nay, Chính quyền Trung ương Tây tạng cần nói lời ‘cảm ơn’ với Ấn Độ và Karnataka xinh đẹp vì lòng tốt và sự rộng lượng mà các bạn đã thể hiện đối với chúng tôi. Bộ trưởng HD Kumaraswamy đã mở rộng cơ sở vật chất cho người Tây Tạng tương đương với những gì đã sẵn có đối với người dân Karnataka. Tiểu bang này có dân số Tây Tạng nhiều nhất ở Ấn Độ, số lượng Tăng Ni Tây Tạng đông nhất và số lượng trường học Tây Tạng cũng nhiều nhất.
“Trong khi đó ở Tây Tạng sự áp bức đang chiếm ưu thế đến nỗi mà 152 người đã tự thiêu để phản đối. Người dân Tây Tạng đã trở thành công dân hạng hai ngay trên chính đất nước của họ. Họ bị thiệt thòi về mặt kinh tế. Ngược lại, ở Ấn Độ, và đặc biệt là ở Karnataka, người Tây Tạng đã có được cơ hội - vì điều này, chúng tôi sẽ mãi mãi biết ơn và nói lời “tri ân” là phản ứng tự nhiên của chúng tôi.”
Tiến sĩ Sangay đã làm cho khán giả cười với một câu chuyện về một người Tây Tạng ở Canada bị kéo lên về tội vi phạm giao thông, chỉ vì phát hiện ra rằng vị cảnh sát ấy đến từ Karnataka. Khi họ thích thú giao lưu trao đổi với nhau về những kinh nghiệm bằng tiếng Kannada (ngôn ngữ của Karnataka), thì tất cả những suy nghĩ về vé phạt giao thông đã bị lãng quên.
Như một tấm lòng biết ơn đối với gia đình của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng một Bánh Xe Pháp Luân cho Giáo sư S Nijalingappa - con trai út của cựu Bộ trưởng Nijalingappa - người bạn đầu tiên của nhân dân Tây Tạng trong tiểu bang. Tenzin Choeden đã ca một bản nhạc bằng tiếng Kannada.
Bộ trưởng HD Kumaraswamy nói với hội nghị rằng, thật là một đặc ân và vinh dự khi được hiện diện cùng với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông nhớ lại rằng Nijalingappa đã cung cấp đất cho người Tây Tạng thiết lập năm khu định cư. Ông cũng thừa nhận về sự đóng góp mà người Tây Tạng đã làm cho Karnataka và ông chúc họ luôn được tốt lành.
Tiếp theo sau đó là vũ điệu đại diện cho người dân của ba tỉnh Tây Tạng.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng một Bánh Xe Pháp Luân cho Bộ Trưởng để tri ân công chúng Karnatakan, cũng như tặng quà cho các MLA của các quận bao gồm các khu định cư Tây Tạng.
Sau đó, Ngài bắt đầu lời phát biểu của mình bằng cách chào mừng các anh chị em kính quý của Ngài. “Thật là vinh dự khi tôi có cơ hội được cảm ơn tiểu bang Karnataka và người dân ở đây về tình bằng hữu và sự ủng hộ của họ. Người Tây Tạng chúng tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt của quý vị! Chúng tôi đã đối mặt với vấn đề ở Tây Tạng kể từ năm 1956 trở đi - khi chính quyền Trung Quốc áp đặt những cải cách tương tự cho chúng tôi mà họ đã thực hiện ở Trung Quốc đại lục. Những cải cách này không phù hợp với Tây Tạng và người Tây Tạng đã phản đối. Đến năm 1959 đã có sự đàn áp trên khắp đất nước, điều này đã gây thêm sự phản đối nhiều hơn.
“Năm 1954, tôi đến Trung Quốc và gặp Chủ tịch Mao nhiều lần. Tôi bị thu hút bởi những gì tôi đã học về chủ nghĩa xã hội. Khi tôi trở về nhà vào năm 1955, tôi đã gặp Tướng Zhang Guohua và nói với ông rằng, khi tôi bắt đầu vào năm trước, tôi cảm thấy sợ hãi, nhưng bây giờ tôi đang trở lại đầy tự tin. Tuy nhiên, từ năm 1956 trở đi mọi thứ đã trở nên khác đi rồi.
Khi chúng tôi đến Ấn Độ vào năm 1959, Pandit Nehru đã cho tôi lời khuyên quan trọng là, nếu chúng tôi muốn giữ gìn cho vấn đề Tây Tạng được sống còn, thì chúng tôi cần phải giáo dục cho con cháu của mình. Để làm điều đó, và để bảo tồn ngôn ngữ Tây Tạng, chúng tôi sẽ cần các trường học riêng biệt. Ông ấy bắt đầu giúp chúng tôi thiết lập trường học. Ông cũng ủng hộ mong muốn của chúng tôi để thiết lập các khu định cư Tây Tạng và đã viết thư cho các tiểu bang khác nhau để hỏi xem có thể cung cấp đất đai mà chúng tôi cần hay không. Nijalingappa - người tôi đã gặp lần đầu tiên khi tôi đến Ấn Độ năm 1956, đã đưa ra sự đáp ứng rộng lượng nhất.
“Di sản văn hóa mà chúng tôi vẫn giữ gìn cho được sống còn ở Tây Tạng - ban đầu đã đến từ Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ 7, Hoàng đế Tây Tạng đã khởi xướng việc tạo ra một ngôn ngữ chữ viết Tây Tạng, dựa trên bảng chữ cái Devanagari và ngữ pháp tiếng Phạn. Vào thế kỷ thứ 8, Hoàng đế thỉnh các học giả hàng đầu của Đại học Nalanda đến và thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng. Từ thời điểm đó, chúng tôi đã giữ gìn truyền thống Nalanda được sống còn. Kiến thức mà nó chứa đựng vẫn còn có liên quan cho đến tận ngày nay.
“Ngày nay, khi thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tình cảm, thì giải pháp không chỉ được tìm thấy trong lời cầu nguyện mà còn trong việc rèn luyện tâm thức, học cách làm giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực và tăng cường những cảm xúc tích cực. Chính trong bối cảnh này, tôi đã tự cam kết sẽ cố gắng làm sống lại giá trị của kiến thức Ấn Độ cổ đại ở Ấn Độ. Tôi tin rằng Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể kết hợp tâm lý học cổ xưa của sự hiểu biết về tâm thức với nền giáo dục hiện đại.
“Khi chúng tôi lần đầu tiên đến với tư cách là người tị nạn, chúng tôi đã bị mất tinh thần, nhưng 60 năm sau, chúng tôi đã xây dựng lại sự tự tin và đã đến để xem cách làm thế nào chúng tôi có thể đóng góp được vào sự lợi ích rộng lớn hơn. Điều này là nhờ có sự hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ, bắt nguồn từ lòng tốt tử tế của Pandit Nehru.
“So với 40 năm trước, Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Tây Tạng cũng có một tương lai tốt đẹp ở phía trước. Không có cơ sở nào để cảm thấy chán nản cả, chúng ta phải giữ vững tinh thần của mình và cảm ơn bạn bè của chúng ta vì sự rộng lượng của họ.”
Jigme Tsultrim đã phát biểu lời cảm ơn đến tất cả những người đã góp phần làm cho sự kiện ngày hôm nay được thành công, cũng như cám ơn nhiều cá nhân và tổ chức đã thể hiện tình hữu nghị đối với người Tây Tạng trong nhiều năm qua.
Nhiều thành viên của đám đông đã cố gắng để tiến đến phía Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài rời khỏi hội trường; và Ngài quay lại vẫy tay chào mọi người khi Ngài bước lên xe của mình. Ngài trở về khách sạn dùng cơm trưa và nghỉ ngơi trong ngày. Ngày mai, Ngài sẽ nói chuyện với các thành viên của Vidyaloke trong khách sạn.