Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Tám mươi người từ ba nhóm khác nhau đã diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hôm nay. Họ bao gồm các sinh viên và giáo viên từ Đại học Emory, Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, cũng như những người tham gia trong quan hệ đối tác Emory-Tây tạng từ Thư viện các tác phẩm và lưu trữ Tây Tạng ở Dharamsala, và các sinh viên tham gia với Chương trình Kurukul của Quỹ trách nhiệm toàn cầu, New Delhi.
Ngài chào đón họ đến với Dharamsala, nơi mà Ngài đã miêu tả là quê nhà thứ hai của mình trong 59 năm qua.
Ngài vạch ra bốn cam kết chính của mình, giải thích rằng điều đầu tiên là thúc đẩy sự hiểu biết về tính hợp nhất liên kết tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay. Ngài đã đề cập không chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau của nền kinh tế toàn cầu, mà còn là cách mà chúng ta bị ảnh hưởng bởi những mối quan tâm chung - chẳng hạn như sự biến đổi về khí hậu.
"Tất cả chúng ta đều giống nhau về phương diện tình cảm, tinh thần và thể chất; vì vậy chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm của mình để cùng nhau đạt được sự bình an trong tâm hồn."
Ngài lưu ý rằng, thông điệp cơ bản của tất cả các truyền thống tôn giáo chính đều bao gồm tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tình bạn bè, lòng yêu thương, sự khoan dung và tự kỷ luật, Ngài cam kết thúc đẩy sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Do đó, Ngài bày tỏ sự lấy làm tiếc cho mức độ xung đột tôn giáo đã xảy ra ngày nay và có thể nhìn thấy được.
Ngài nói: “Hãy nhìn vào Ấn Độ! nơi mà sự hòa hợp tôn giáo đã phát triển mạnh trong hàng ngàn năm qua. Ngoài truyền thống bản địa, còn có những tôn giáo khác từ nơi khác truyền vào. Chẳng hạn như những người theo Zoroastrianism thuộc đạo thờ Lửa - ban đầu đến từ Ba Tư và cộng đồng của họ hiện nay có số lượng ít hơn 100.000 người, chủ yếu ở Mumbai. Nhưng họ đã sống ở đó mà hoàn toàn không hề sợ hãi. Đó chính là truyền thống của Ấn Độ.
“Với tư cách là một người Tây Tạng, một người mà 6 triệu người dân Tây Tạng đã đặt niềm tin của họ vào đó - tôi có trách nhiệm về đạo đức để giúp đỡ họ theo cách tốt nhất có thể. Tôi đã nghỉ hưu một nửa từ vai trò chính trị của mình vào năm 2001; và đã nghỉ hưu hoàn toàn vào năm 2011, tôi đã chuyển giao những trách nhiệm đó cho một Vị lãnh đạo được công chúng bầu chọn. Bây giờ tôi cam kết làm việc để khuyến khích việc bảo vệ môi trường mong manh của Tây Tạng. Điều này còn liên quan hơn cả hạnh phúc của sáu triệu người dân Tây Tạng; vì một nhà sinh thái học Trung Quốc đã quan sát rằng, sự ảnh hưởng của Tây Tạng đối với khí hậu toàn cầu là tương đương với sự ảnh hưởng của Bắc Cực và Nam Cực. Đó là lý do tại sao mà ông ta gọi Cao nguyên Tây Tạng là Cực thứ ba. Gần một tỷ người trên khắp châu Á đều phụ thuộc vào nước từ các con sông như Indus, Sông Hằng, Brahmaputra, Salween và Mekong, tất cả những con sông này đều bắt nguồn ở Tây Tạng. Nếu tuyết trên núi của Tây Tạng biến mất, thì hàng triệu người Ấn Độ sẽ hứng chịu hậu quả đó."
Ngài cũng bày tỏ sự cống hiến của mình để giữ gìn ngôn ngữ, di sản văn hóa và tôn giáo phong phú của Tây tạng được sống còn. Ngài giải thích về cách mà truyền thống Phật giáo Tây Tạng được truyền thừa từ những truyền thống được tôn trọng tại Đại học Nalanda ở Ấn Độ. Nó bao gồm cả nền tảng phụ thuộc mạnh mẽ vào sự nghiên cứu, điều tra và phương pháp lý luận logic, tương ứng với phương pháp tiếp cận của khoa học.
“Thế giới đang đối mặt với sự khủng hoảng về cảm xúc. Các yếu tố của truyền thống Nalanda bắt nguồn từ những sự thực hành lâu đời của Ấn Độ đối với sự phát triển trưởng dưỡng một tâm thức định tĩnh và trí tuệ thấu hiểu sâu sắc (shamatha và vipashyana) giúp chúng ta biết được nhiều điều về cách giải quyết xử lý những cảm xúc tiêu cực; và trưởng dưỡng niềm an lạc lâu dài trong tâm hồn. Đây là lý do tại sao kiến thức này vẫn còn có liên quan cho đến ngày hôm nay, đó là lý do tại sao tôi cũng cam kết để cố gắng làm hồi sinh lại giá trị cao quý của nó. Tôi tin rằng ở đây - tại Ấn Độ này - có thể tích hợp được kiến thức cổ đại với một nền giáo dục hiện đại.”
Ngài đã trả lời một số câu hỏi từ khán giả có liên quan đến việc tạo ra một xã hội từ bi hơn, phương pháp đối phó với nghịch cảnh, cách sử dụng công nghệ tích cực; và những vấn đề liên quan đến cách làm giảm nỗi đau khi mất đi những người thân yêu của mình. Ngài cũng khuyên các Phật tử hãy nên là người Phật tử của thế kỷ 21 với đức tin của mình bằng cách phát triển một sự hiểu biết logic về Đức Phật và Giáo Pháp mà Ngài đã dạy.
Buổi gặp gỡ kết thúc với các thành viên của các nhóm khác nhau tụ họp quanh Ngài để chụp ảnh với Ngài, sau đó mọi người giải tán để dùng cơm trưa.