Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay, 140 học sinh Ấn Độ và giáo viên của họ từ 14 trường trung học ở Ấn Độ và nước ngoài đã đến diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tất cả họ đều tham dự hội nghị Quảng trường Tròn tại Học viện công lập Him, Hamirpur.
Sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào phòng và chào mọi người, “Chào buổi sáng,” một sinh viên nữ hùng hồn giới thiệu nhóm với Ngài. Cô thưa với Ngài rằng thật là một đặc ân tuyệt vời cho Học viện Him được tổ chức hội nghị Quảng trường tròn và việc có thể đến và diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khiến cho nó trở nên tốt đẹp hơn.
Điều phối viên của hội nghị cảm ơn Ngài vì đã gặp gỡ họ. Ông giải thích rằng hội nghị Quảng trường tròn là một mạng lưới quốc tế gồm 200 trường học có cùng chí hướng ở 50 quốc gia theo những ý tưởng của Kurt Hahn - người sáng lập trường Gordonstoun ở Scotland. Các trường hội nghị Quảng trường tròn chia sẻ cam kết về sáu chủ đề: hiểu biết quốc tế, dân chủ, quản lý môi trường, phiêu lưu, lãnh đạo và phục vụ. Những chủ đề này được củng cố bởi những phẩm chất khác bao gồm lòng từ bi, khoan dung và kỷ luật tự giác. Ông giải thích rằng trọng tâm của hội nghị hiện tại là đồng tồn tại.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: “Ngày nay tôi mô tả bản thân mình như là một sứ giả của tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Về mặt thể chất, tôi là người Tây Tạng, nhưng từ nhỏ, tôi đã được học triết học, logic và tâm lý học từ truyền thống Nalanda. Các học giả vĩ đại của Đại học Nalanda là những người Thầy của chúng tôi và các tác phẩm của họ là sách giáo khoa của chúng tôi. Vì vậy, từ quan điểm đó, tôi mang bản chất Ấn Độ nhiều hơn so với những người trong số của quý vị đang theo một hệ thống giáo dục do người Anh đặt ra. Tôi tin rằng kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về hoạt động của tâm thức và cảm xúc vẫn có liên quan trong thế giới đang gặp nhiều khó khăn như ngày nay.
“Tất cả chúng ta đều muốn hạnh phúc hơn là khổ đau, nhưng chúng ta phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như khoảng cách giữa người giàu và người nghèo mà do chính chúng ta tạo ra.
“Các nhà khoa học báo cáo bằng chứng rằng, bản chất cơ bản của con người là từ bi. Thật ra thì chúng ta có thể chất, tinh thần và tình cảm như nhau. Các bà mẹ đã sinh ra chúng ta và đối xử với chúng ta bằng thứ tình cảm tuyệt vời. Tuy nhiên, khi lớn lên, chúng ta đã thờ ơ với các giá trị cơ bản của con người và trở nên ngày càng hướng về mục tiêu tiền bạc, quyền lực và danh tiếng. Chúng ta tìm cách tiêu diệt kẻ thù nếu có thể. Ngay cả tôn giáo - với nghĩa vụ ban cho chúng ta những sự hướng dẫn - vẫn có thể trở thành nguyên nhân của sự chia rẽ.
“Nhưng, nhìn vào Ấn Độ. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều phát triển mạnh ở đây. Nhiều truyền thống của Ấn Độ giáo đã phát triển từ truyền thống ban đầu của trường phái Số Luận phái, sau đó có đạo Kỳ Na Giáo và Phật giáo, tất cả các truyền thống bản địa. Sau đó, Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo và Zoroastrianism đã được truyền vào từ nước ngoài. Tất cả những truyền thống này đều sống ở đây trong sự hòa hợp, điều đó thật tuyệt vời.
“Trong hơn 3000 năm qua đã có sự nghiên cứu điều tra về tâm thức và cảm xúc ở Ấn Độ. Kỹ thuật làm điềm tĩnh và tập trung tâm trí cũng như phát triển trí tuệ sâu sắc (shamatha - thiền chỉ và vipashyana - thiền quán) đã được sử dụng để xử lý những cảm xúc. Đức Phật là một kết quả thành tựu của những truyền thống như vậy. Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi đều nói về sự an lạc nội tâm. Để đạt được điều đó; lời cầu nguyện có thể hữu ích, nhưng sự phân tích sẽ hiệu quả hơn nhiều. “Cơ thể này đã được nuôi dưỡng bởi dal Ấn Độ (một loại súp nấu bằng đậu của Ấn độ) và roti (một loại bánh thường dùng trong bữa cơm của Ấn độ), trong khi tâm trí của tôi đã hấp thụ tư tưởng Ấn Độ cổ đại. Đây là lý do tại sao tôi tự gọi mình là đứa con trai của Ấn Độ. ”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục giải thích rằng, là một con người, một trong 7 tỷ người đang sống hôm nay, Ngài cam kết chia sẻ với những người khác về cách làm thế nào để đạt được sự bình an trong tâm hồn. Ngài nói rằng Ngài cũng cam kết về vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên. Ngài đề cập rằng, sau khi nhận được tị nạn chính trị ở Ấn Độ vào năm 1959 và dành một năm tại Birla House ở Mussoorie, Ngài đã chuyển đến Swarag Ashram ở Dharamsala. Đó là mùa đông đầu tiên, Ngài nhớ lại, có tuyết rơi rất nặng, nhưng kể từ đó, mỗi năm tuyết đã rơi ít dần đi. Ngài khẳng định, điều này là bằng chứng rõ ràng về sự nóng lên của toàn cầu.
Điều này là rất nghiêm trọng, bởi vì Tây Tạng, nguồn của những con sông như Brahmaputra, sông Hằng và sông Indus, là nguồn cung cấp nước cho Bắc Ấn Độ; và tuyết rơi đã giảm dần ở đó. Ngài cảnh báo rằng điều này có khả năng dẫn tình trạng khan hiếm nước thực sự trong tương lai.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ý rằng Ngài cũng cam kết về việc trưởng dưỡng sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Ngài nói thêm rằng, là một người Tây Tạng và là Đạt Lai Lạt Ma, nhân dân Tây Tạng đã đặt niềm tin và hy vọng vào Ngài; vì vậy, Ngài có trách nhiệm phải làm những gì trong khả năng có thể để chăm sóc họ. Sau khi nghỉ hưu từ trách nhiệm chính trị vào năm 2001, Ngài đã cống hiến hết sức mình để cảnh báo mọi người về sự cần thiết phải bảo vệ sinh thái Tây Tạng và bảo tồn văn hóa Tây Tạng.
"Chúng tôi đã giữ gìn những kiến thức cổ xưa mà chúng tôi đã nhận được từ Ấn Độ; và đã duy trì cho nó được sống còn trong hơn một nghìn năm qua”, Ngài tuyên bố. “Chúng tôi đã thực hiện điều này thông qua sự nghiên cứu nghiêm ngặt, ghi nhớ học thuộc lòng các bản văn, giúp họ giải thích từng từ một và thực hành sự hiểu biết của chúng tôi thông qua các cuộc tranh luận. Vị học giả vĩ đại của Đại Học Nalanda - Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - người đã thiết lập Phật giáo ở Tây Tạng, đã khuyên Hoàng đế Tây Tạng về việc cho dịch hầu hết các tác phẩm văn học Phật giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Do đó, hiện nay bộ sưu tập Tam tạng kinh điển của chúng tôi đã bao gồm hơn 300 tập.
“Trong một thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng về tình cảm, tôi tin rằng có rất nhiều kiến thức Ấn Độ cổ đại vẫn còn có liên quan đến ngày hôm nay. Sự phân tích cho thấy rằng những cảm xúc phá hoại không có cơ sở nhiều, trong khi những cảm xúc mang tính xây dựng như tâm từ bi - thì lại có cơ sở vững chắc. Một bác sĩ người Mỹ thuộc khoa tâm thần học, đã chữa trị cho những người bị tràn ngập bởi sự tức giận, đã nói với tôi rằng, những bệnh nhân ấy đã xem đối tượng của cơn thịnh nộ của họ là hoàn toàn tiêu cực, nhưng thật ra 90% điều này là do sự phóng chiếu từ tâm thức của họ mà ra. Tôi tin rằng nếu người Ấn Độ có thể làm hồi sinh kiến thức cổ xưa có nguồn gốc ở đây về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc; và kết hợp nó với nền giáo dục hiện đại, thì họ sẽ có cơ hội để tận hưởng sự phát triển về vật chất và sự an lạc trong tâm hồn.
“Trong quá khứ, người Ấn Độ đã là bậc thầy của chúng tôi, bây giờ đã đến lúc Ấn Độ dạy cho cả phần còn lại của thế giới. Việc trình bày kiến thức Ấn Độ cổ đại qua phương pháp học thuật của thế tục là rất cần thiết, mà áp dụng một phương pháp thế tục và đối đãi với tất cả các truyền thống tâm linh bằng sự tôn trọng cũng là một truyền thống Ấn Độ lâu đời. Tôi có hy vọng rất lớn đối với những người Ấn Độ trẻ tuổi như quý vị.”
Trong sự trả lời cho câu hỏi của học sinh, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, người ta thường coi sự thể hiện một sức mạnh thì như những vị anh hùng; còn việc tham gia vào đối thoại như là một sự yếu kém nào đó - cách nhìn này cần phải được thay đổi. Tương tự như vậy, chúng ta cần phải loại bỏ xu hướng xem những người khác qua khái niệm phân biệt của ‘chúng tôi’ và ‘bọn họ’. Ngài lưu ý rằng, các vấn đề rắc rối như tình trạng thất nghiệp phổ biến và khoảng cách giữa người giàu và người nghèo xảy ra đều do thiếu nguyên tắc đạo đức. Ngài nhận xét rằng sự phân biệt đối xử trên cơ sở đẳng cấp thì đã lỗi thời; và Ngài mong muốn được nghe các nhà lãnh đạo tinh thần khác nói lên điều đó. Ngài đề nghị rằng một phương pháp để giải quyết các sự chia rẽ trong xã hội là nên có một tầm nhìn rộng thoáng hơn.
Đối với việc bảo vệ môi trường, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh về sự cần thiết phải có hành động kiên định, trích dẫn ví dụ về các con sông trong đó sự hiện diện của cá được phục hồi bằng những nỗ lực kiên định để loại bỏ sự ô nhiễm. Khi được hỏi về sự ham muốn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, ham muốn thực tế có thể là tích cực và là nguồn gốc của sự tiến triển. Nhưng những sự mong muốn thiếu thực tế sẽ dẫn đến những vấn đề rắc rối. Ngài khuyên rằng, bất cứ điều gì chúng ta làm thì chúng ta cần phải kết hợp lòng từ bi và mối quan tâm dành cho những người khác bằng trí thông minh của mình. Ngài nói, đó là cách khôn ngoan để hoàn thành sự quan tâm đối với chính bạn.
Ngài nhắc lại rằng, chỉ vì kiến thức về tâm thức và cảm xúc được tìm thấy trong các bản văn về bản chất tâm linh, không có nghĩa là kiến thức đó không thể được kiểm tra và sử dụng bằng phương pháp học thuật và khoa học. Trả lời câu hỏi về cách giảm bớt sự giận dữ, Ngài đề nghị hãy tự hỏi bản thân mình xem sự giận dữ có chút lợi ích nào đối với mình hay không. Nói chung sự sân hận chỉ có tính cách phá hoại, gây ra sự bất hạnh và khiến lu mờ đi khả năng sử dụng trí thông minh của chúng ta một cách đúng đắn.
Khi được hỏi về sự đồng tồn tại, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận rằng, nền kinh tế toàn cầu đã làm cho chúng ta trở nên phụ thuộc lẫn nhau hơn, trong khi nền công nghệ đã đặt chúng ta vào mối liên lạc chặt chẽ với nhau hơn. Đồng thời, sự biến đổi khí hậu và những thiệt hại đối với môi trường đang trình bày các vấn đề mà chúng ta chỉ có thể giải quyết với nhau như là thành viên của một cộng đồng nhân loại. Do đó, tìm kiếm sự đồng tồn tại là một phản ứng tự nhiên đối với tình huống mà trong đó chúng ta tìm thấy được chính mình, nhưng Ngài thừa nhận rằng sự ái trọng tự thân là tiếp tục gây trở ngại.
Đối với sự thay đổi tích cực, giáo dục là yếu tố then chốt. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh lại một lần nữa về tầm quan trọng của việc xem xét cách huấn luyện đào tạo các thế hệ tương lai trở nên từ bi hơn và sử dụng trí thông minh của họ một cách đúng đắn.
Một đại diện của hội nghị Quảng Trường Tròn bày tỏ lòng tri ân đối với Ngài vì đã dành thời gian để tương tác với các học sinh. Ngài trả lời rằng Ngài rất vui vì đã có thể làm được như vậy, bởi vì gặp gỡ những người trẻ tuổi như thế này khiến Ngài cảm thấy mình như cũng trở nên trẻ hơn.