Jammu, J & K, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến Jammu ngày hôm qua bằng đường bộ. Sáng nay, trước khi rời khỏi khách sạn của mình, Ngài đã có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với những người đến từ Ladakh và Zanskar. Ngài chào đón họ như những người bạn cũ, nhắc lại rằng nhiều học giả và dịch giả của Tây Tạng trong quá khứ đã đi qua khu vực này để đến Ấn Độ. Sau đó, trong cuộc đời của Rinchen Zangpo, Dipankara Atisha đã đi ngang qua đây khi Ngài đến Tây Tạng theo lời thỉnh cầu của Đức Vua ở Thöling.
"Mặc dù bạn đã giữ được truyền thống Phật giáo của chúng ta sống còn trong hơn cả 1000 năm, nhưng bây giờ bạn cần phải là người Phật tử của thế kỷ 21. Điều đó có nghĩa là bạn phải hiểu những gì Đức Phật dạy, và điều này có nghĩa là bạn phải học hỏi. Việc chỉ niệm thần chú và những lời cầu nguyện không thôi là chưa đủ. Đức Phật đã bảo những người đệ tử của Ngài không nên chấp nhận bất cứ điều gì - thậm chí những gì Ngài đã nói - mà không nghiên cứu và kiểm tra lại nó.
"Tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta là nguồn cảm hứng nếu như bạn làm theo những gì họ dạy một cách chân thành. Đó là lý do tại sao tôi tôn trọng và ngưỡng mộ họ. Ấn Độ là một ví dụ sống động mà sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta là rất khả thi, thực sự đó là một truyền thống mà các bạn đang giữ gìn một cách thật sống động ở đây - tại Jammu & Kashmir này; và tôi kêu gọi các bạn hãy tiếp tục duy trì nó!”
Đó là một đoạn đường ngắn để lái xe đến Đại học Trung tâm Jammu, nơi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma là vị khách mời chính tại Lễ Trao Bằng đầu tiên của đại học. Ngài được vị Phó Hiệu trưởng - Giáo sư Ashok Aima - tiếp đón tại Thính phòng Gen Zorawar Singh. Sau đó Ngài được hộ tống đến nơi mà các giảng viên và khách mời đang mặc những bộ áo choàng học viện, trước khi tham gia vào cuộc diễu hành của hội viên học viện vào Hội trường Lễ Trao Bằng. Cuộc diễu hành được bắt đầu với bài Quốc ca, Lời cầu nguyện Khẩn Cầu được các em học sinh đồng ca; và lời tuyên bố của vị Hộ Tịch Viên rằng Lễ Trao Bằng được khai mạc. Vị Phó Hiệu trưởng đọc báo cáo về những thành tựu của Trường Đại học kể từ khi nó bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm 2011 cho đến nay.
Các ứng cử viên được trao bằng Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ và Hậu Đại Học đã được lên sân khấu để nhận Bằng, tiếp theo là những người được nhận bằng cấp của các trường khác nhau.
Bằng cấp Honoris Causa (bằng được trao tặng mà không cần qua thi cử - như là dấu hiệu của một sự tôn quý) đầu tiên được trao cho Tiến sĩ Jitendra Singh, một chính trị gia có sự kết nối chặt chẽ với Tiểu Bang Jammu, nơi ông được sinh ra, hiện đang là Bộ trưởng Bộ Phát triển vùng Đông Bắc, Văn phòng Thủ tướng, Nhân sự, Khiếu nại và Cấp dưỡng cộng đồng, Vụ Năng lượng Nguyên tử và Khoa Không gian. Trong bài diễn văn nhận lời nhã nhặn của mình, ông lưu ý rằng khi ông được trao tặng bằng cấp danh dự như thế trong quá khứ ông đã có xu hướng từ chối, nhưng trong dịp này ông đã chấp nhận vì tình cảm của ông dành cho Tiểu Bang Jammu và mối liên hệ mạnh mẽ của ông đối với Trường Đại học. Ông đã đề cập rằng bởi vì nó củng cố một trường đại học để cung cấp các cơ hội chuyên môn, cho nên ông đã đề nghị rằng Đại học Trung ương Jammu nên thành lập một Khoa Không gian.
Bằng cấp Honoris Causa thứ hai được trao cho Gen Nirmal Chander Vij, cựu Tham mưu trưởng Quân đội. Bằng những lời chấp nhận khiêm tốn, vị Tổng Tham Mưu đã cúi chào các sinh viên trong Hội trường - những người nắm giữ tương lai của Ấn Độ trong tay; và tuyên bố rằng ông thuộc về Jammu và rất tự hào về nó.
Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia tặng Huy chương Vàng và Bằng khen, Ngài được mời lên để phát biểu về lễ trao bằng. Ngài bắt đầu bằng cách xin phép được nói chuyện từ chỗ ngồi của mình hơn là từ bục thuyết trình, vì - dù tinh thần nhạy bén và tỉnh táo nhưng Ngài cảm thấy mệt mỏi về mặt thể xác.
"Thưa các anh chị em, các bạn sinh viên trẻ đã nhận được bằng cấp học vị của mình. Các bạn là tương lai của thế giới và tương lai của Ấn Độ. Tôi thường phân ra một sự khác biệt giữa thế hệ của thế kỷ 20 mà tôi thuộc về và thế hệ thế kỷ 21 của các bạn. Thế kỷ 20 đã bị hư hỏng do bạo lực và chiến tranh. Câu hỏi có thể được nêu lên là liệu bạo lực này và thậm chí việc sử dụng vũ khí hạt nhân có mang lại một thế giới tốt đẹp hơn không? và tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ là 'không'. Theo một số báo cáo thì đã có 200 triệu người đã chết vì bạo lực. Những gì chúng ta có thể thấy là - cho dù động lực của bạn tốt, hoặc mục tiêu của bạn chính trực như thế nào đi nữa; nhưng một khi bạn sử dụng bạo lực và sử dụng vũ lực, thì hậu quả là không thể lường trước được.
"Trong thế kỷ 21 này, Ấn Độ phải góp phần tạo ra kỷ nguyên hòa bình, không chỉ thông qua cầu nguyện mà còn bằng cách hành động. Thế kỷ này nên là một kỷ nguyên đối thoại. Chúng ta sẽ luôn gặp phải sự khác biệt giữa chúng ta, nhưng nếu cố gắng giải quyết những vấn đề như vậy thông qua việc sử dụng vũ lực thì chỉ có khởi động phản ứng dây chuyền của bạo lực và chống lại bạo lực. Chúng ta có thể thấy điều này trong cuộc khủng hoảng Iraq. Tôi biết Tổng thống George Bush là một con người nồng nhiệt mà tôi rất quý mến. Sau thảm hoạ ngày 11 tháng 9, tôi đã viết thư cho ông ấy để bày tỏ sự chia buồn của tôi và hy vọng rằng bất kỳ phản ứng nào cũng sẽ nên là bất bạo động. Cuối cùng, với một động cơ tốt, mong muốn mang lại dân chủ cho Iraq, ông đã đi đến chiến tranh với đất nước đó với những hậu quả tiêu cực sâu rộng đối với toàn bộ khu vực Ả rập.
"Cách duy nhất để tạo ra một thế giới hòa bình là giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại dựa trên sự tôn trọng quyền và quan điểm của người khác. Trừ khi chúng ta hạn chế việc sử dụng vũ lực và phát triển vũ khí hạt nhân, nếu không, thế kỷ 21 sẽ trở thành một thế kỷ của thảm họa.
"7 tỷ người đang sống ngày nay - tất cả đều muốn hạnh phúc. Không ai trong số họ muốn khổ đau hoặc đặt cuộc sống của mình vào sự nguy hiểm. Nếu chúng ta hỏi, bản chất con người cơ bản là gì? Các nhà khoa học ngày nay đã nói rằng đó chính là từ bi. Họ chứng minh cho thấy rằng, ngay cả trước khi biết nói, những trẻ sơ sinh cũng đã tỏ ra ưa thích những người giúp ích hơn là những người cản trở. Kinh nghiệm chứng thực của một phát hiện khoa học khác rằng, sự tức giận và sợ hãi liên tục sẽ ăn mòn vào hệ thống miễn dịch của chúng ta, trong khi tâm trí điềm tĩnh và trái tim ấm áp nồng nhiệt là tốt cho sức khỏe của mình. Tất cả con người bắt đầu cuộc sống của mình đều được nuôi dưỡng bởi lòng từ ái của mẹ - ngay cả những người sau này trở thành những kẻ gây rắc rối. Bản chất con người cơ bản của chúng ta là từ bi. Đó là dấu hiệu của niềm hy vọng.
"Hệ thống giáo dục hiện đại ngày nay của chúng ta chủ yếu là mục tiêu vật chất - với rất ít thời gian dành cho các giá trị của con người. Trong quá khứ, tiêu chuẩn là phạm vi của các tổ chức tôn giáo. Bây giờ đã đến lúc các cơ sở giáo dục không chỉ phát triển trí não mà còn khuyến khích sự nhiệt tâm ấm áp. Ấn Độ có truyền thống lâu đời về chủ nghĩa thế tục, tôn trọng mọi tôn giáo; quả thực Ấn Độ có một hiến pháp thế tục. Chúng ta có thể thấy điều này ngay cả ở đây - ở Jammu & Kashmir này, nơi người Hindu, Hồi giáo, Kitô giáo và Phật giáo sống cùng bên cạnh nhau. Truyền thống ahimsa (bất bạo động) nghìn năm tuổi của Ấn Độ, được thúc đẩy bởi karuna (lòng từ bi), được hỗ trợ bởi phương pháp thế tục - đây là điều độc nhất vô nhị của Ấn Độ. Trong một thế giới mà đã có 1 tỷ trong số 7 tỷ người không có đức tin, thì sự hiểu biết thế tục của Ấn Độ vô cùng có ý nghĩa trong thời đại ngày nay.
"Tôi tự coi mình là một học trò của tư tưởng Ấn Độ cổ đại, bởi vì vào thế kỷ 8, Hoàng đế Tây Tạng đã mời Luận Sư của Đại học Nalanda, Thiện Hải Tịch Hộ, đến Tây Tạng để thiết lập Phật giáo ở đó. Việc phân tích tỉ mỉ và sử dụng logic mà Ngài đã dạy cho chúng tôi đã có ý nghĩa vô cùng lớn lao rằng thông qua sự nghiên cứu nghiêm ngặt, chúng tôi phát triển được trí tuệ sắc bén. Ngay cả Đức Phật cũng khuyến khích thái độ hoài nghi. Tôi đã không nhận được sự giáo dục hiện đại và tiếng Anh vỡ vụn của tôi phần lớn là tự học, nhưng trong các cuộc trò chuyện và thảo luận với các nhà khoa học hiện đại, tôi thấy mình có thể giữ được chính mình và tìm ra những mâu thuẫn trong những điều họ nói.
"Giáo dục hiện đại phát triển rất cao, nhưng nó không đủ để làm giảm thiểu bạo lực và mang lại hòa bình. Mục tiêu vật chất của nó là không đủ. Cạnh tranh và sân hận không mang lại hòa bình; và chúng ta cần sự hòa bình trong nội tâm của mình. Những gì tôi tin có thể giúp được là, nếu chúng ta kết hợp sự hiểu biết của Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức và cảm xúc vào giáo dục hiện đại. Cũng như chúng ta học cách áp dụng vệ sinh thân thể để bảo vệ sức khoẻ của mình, chúng ta cũng cần nhận thức về vệ sinh tình cảm. Các hành giả cổ đại về thiền chỉ (shamatha) và thiền quán (vipashyana), sự định tĩnh tập trung và trí tuệ hiểu biết sâu sắc, đã học cách làm thế nào để giải quyết những cảm xúc của mình.
"Nếu các bạn - những người thuộc vào thế kỷ 21 - có thể nỗ lực và có thể kết hợp các yếu tố của kiến thức Ấn Độ cổ đại với nền giáo dục hiện đại, thì quý vị có thể đóng góp thực sự để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.
"Lời chúc mừng sâu sắc của tôi xin được gởi đến cho các bạn đã tốt nghiệp và hoàn thành công trình nghiên cứu của mình. Bây giờ các bạn sẽ bắt đầu cuộc sống thực sự của mình. Nó sẽ chẳng dễ dàng; cuộc sống thì phức tạp. Nhưng nếu bạn có thể chân thành và trung thực, bạn sẽ trong sáng minh bạch, có thể sử dụng trí thông minh của mình với tất cả sự hoàn hảo trọn vẹn; và như vậy có thể đóng góp tích cực cho thế giới."
Nhiều người muốn liên lạc với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài rời thính đường. Từ trường đại học, Ngài đi xe đến sân bay; và từ nơi ấy Ngài sẽ bay đến Delhi. Sáng sớm mai Ngài sẽ bay đến Varanasi.