Kargil, Ladakh, J & K, Ấn Độ - Sự khởi hành của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Zanskar đã bị trì hoãn sáng nay do lo ngại về thời tiết trên lộ trình. Cuối cùng bầu trời cũng quang đãng và chiếc trực thăng đã cất cánh, bay bên trên sông Suru, ngang qua Tu viện Rangdum, đến Kargil, hạ cánh sau 1 giờ đồng hồ. Ngài được cung đón bởi Chủ tịch Hội đồng lập pháp J & K - Haji Anayat Ali; Giám đốc cấp cao của Cảnh sát - T Gyalpo; Kargil DC - Vikas Kundal; Kargil MLA - Asgar Ali Karbalaie; Chủ tịch LBA Kargil; cũng như đại diện của Trường học Hồi giáo và IKMT Kargil; các nhà lãnh đạo tôn giáo-xã hội từ Dras; các nhà lãnh đạo từ làng Mulbekh; và dân làng từ Dahanu.
Ngài đi xe thẳng đến Công viên Hussaini, ở Kargil, nơi có khoảng 8000 người, trẻ và già từ tất cả các cộng đồng của thị trấn đang chờ đợi Ngài. Ngài cúi chào họ trước khi an toạ trên pháp toà ở khán đài có mái che; và cùng ngồi xung quanh Ngài là các quan chức địa phương và các giáo sĩ Hồi giáo.
Ngài bắt đầu: “Tất cả 7 tỷ người đang sống hôm nay đều là anh chị em của nhau cả. Về mặt thể chất, tinh thần và tình cảm - tất cả chúng ta đều giống như nhau. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc và tránh xa khổ đau; và tất cả chúng ta đều có quyền được thực hiện điều mong ước đó. Vì tất cả chúng ta đều thuộc về con người, cho nên điều quan trọng là chúng ta nên thừa nhận về sự hợp nhất của nhân loại. Mặc dù trên thực tế rằng chúng ta đều là con người như nhau, nhưng ở cấp độ thứ yếu thì có sự khác biệt giữa chúng ta về quốc tịch, chủng tộc, đức tin tôn giáo và vân vân. Ví dụ ở Ấn Độ, người ta có thể là người Hindu, Hồi giáo, Kitô giáo hay Do Thái, Zoroastrian, Kỳ na giáo, Phật giáo hoặc Sikh. Khi ta nhấn mạnh những sự khác biệt như vậy giữa chúng ta, là chúng ta đã tạo ra vấn đề rắc rối cho chính mình. Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết chúng? Bằng cách nhận ra rằng ở cấp độ cơ bản, chúng ta đều là những con người như nhau; và trên cơ sở đó, ta đã tránh được sự bất hòa.
“Tôi rất vui khi được gặp tất cả quý vị - các anh chị em của tôi, và có thể được chia sẻ một số suy nghĩ của tôi với quý vị. Nếu chúng ta muốn đạt được một thế giới hòa bình, thì chúng ta cần phải xem xét về sự hợp nhất của nhân loại. Như tôi đã nói, đức tin tôn giáo có thể là một trong những cách khác nhau giữa người này và người kia, nhưng tất cả các truyền thống tôn giáo của thế giới đều truyền đạt cùng một thông điệp về tình yêu thương, sự khoan dung, lòng tha thứ và tinh thần tự kỷ luật.“Tất cả các tôn giáo đều có tiềm năng như nhau để tạo ra các cá nhân an lạc và các cộng đồng hạnh phúc. Họ có thể có những quan điểm triết học khác nhau, nhưng điều này là cần thiết trong ánh sáng của nền văn hóa khác nhau, cá tính khác nhau, quan điểm khác nhau của mọi người. Thật ra, họ có những cách tiếp cận khác nhau với một mục tiêu chung là tạo ra nhiều cá nhân từ bi hơn.
“Các phương pháp triết học của các tôn giáo khác nhau cũng giống như thuốc men vậy. Chúng ta không thể nói rằng một loại thuốc là tốt nhất cho tất cả mọi người. Chúng ta phải tính đến căn bệnh, tuổi tác và tình trạng của bệnh nhân và chọn thuốc cho phù hợp. Tương tự như thế, những người khác nhau cần phải áp dụng những phương pháp khác nhau để thực hành tôn giáo. Do đó, ý tưởng cho rằng ở những nơi khác như Syria và Afghanistan, người ta không những chỉ đánh nhau, mà còn giết hại lẫn nhau dưới danh nghĩa của tôn giáo là một điều hết sức mâu thuẫn. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải nỗ lực để nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
"Điều đó có thể khả thi không? Một ví dụ điển hình về Ấn Độ - nơi mà hơn một nghìn năm qua - người của các tôn giáo khác nhau đã sống cùng nhau trong hòa bình và hòa hợp đã cho thấy nó là như thế. Thỉnh thoảng vẫn có những vấn đề có thể phát sinh, thường thì được các chính trị gia xúi giục, nhưng trong mối quan hệ tốt đẹp của Ấn Độ hiện đại giữa các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta - và theo như tôi được biết - thì không có báo cáo nào về các cuộc cãi vã giữa các nhánh Hồi giáo Sunni và Shia.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi đám đông, “Xin hãy lưu tâm rằng, con người chúng ta đều giống nhau và chúng ta phải sống với nhau trong hòa bình và tình bằng hữu! Thứ hai, sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều mà mỗi người chúng ta đều có thể đóng góp trong cuộc sống của chính mình.”
Ngài nói thêm rằng, một điều khác của mối quan tâm hiện tại của Ngài là sự biến đổi khí hậu và sự nóng lên của toàn cầu mà từ thập niên này qua thập niên khác đang trở nên tồi tệ hơn. Ngài chỉ ra rằng, khi quý vị bay qua Afghanistan và một phần của Trung Á, quý vị có thể thấy nơi mà trước đây đã từng là hồ thì bây giờ chỉ còn có sa mạc.
“Ngay cả ở những nơi như thế này, sự biến đổi về khí hậu cũng đang có ảnh hưởng; vì vậy chúng ta cần phải chăm sóc đến môi trường nhiều hơn. Khi các con sông cạn kiệt thì nguồn cung cấp nước sẽ bị giảm sút. Tôi không phải là chuyên gia, nhưng trong 60 năm qua tôi đã sống ở Thung lũng Kangra ở Himachal Pradesh, chúng tôi đã thấy tuyết rơi ít hơn. Có thể ở đây cũng giống như vậy. Mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta phải thực hiện các bước để giải quyết sự thay đổi này và bảo vệ môi trường.
“Nhìn thấy các cháu học sinh trẻ ở đây cũng nhắc tôi về tầm quan trọng của sự giáo dục. Kể từ khi độc lập, nền giáo dục ở Ấn Độ đã được cải thiện rất nhiều, nhưng sự giáo dục hiện đại dường như không đủ để tạo nên các cá nhân hạnh phúc và biết hài lòng (biết đủ). Tôi biết có những người rất thành công, nhưng luôn căng thẳng, giận dữ, ganh tỵ và không có hạnh phúc; và có những người kém may mắn hơn nhưng họ hạnh phúc và hài lòng.
“Chỉ mỗi bản thân của sự phát triển vật chất thôi, thì vẫn không đủ để làm cho chúng ta được hạnh phúc. Chúng ta cũng cần phải hiểu biết về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc của mình, đó là điều mà chúng ta có thể học hỏi từ các nguồn của Ấn Độ cổ đại. Tại một cuộc họp gần đây của Phó Thủ tướng Ấn Độ, chúng tôi đã nói về cơ hội mà Ấn Độ phải kết hợp giáo dục hiện đại với kiến thức cổ xưa của Ấn Độ về cách xử lý những cảm xúc của mình. Đây là một đóng góp quan trọng mà Ấn Độ có thể cống hiến cho nền hòa bình thế giới bằng cách cho thấy được làm thế nào để đạt được sự an lạc trong tâm hồn.
“Tôi muốn khuyến khích các cháu học sinh trẻ và thầy cô giáo của các cháu hãy chú ý hơn nữa về cách xử lý những cảm xúc tiêu cực của chúng ta trong bối cảnh của ahimsa hay bất bạo động.”
Ngài nhận xét rằng trong chuyến viếng thăm gần đây đến một trường đại học ở Jammu, Ngài đã được mời đến Kargil. Sự trì hoãn do thời tiết xấu hôm nay đã khiến Ngài đến trễ, nhưng Ngài cảm thấy rằng, sự xuất hiện của khuôn mặt của mình, gặp gỡ mọi người và chia sẻ một số suy nghĩ của mình với họ là rất quan trọng, vì vậy Ngài đã đến ngay lập tức sau khi trực thăng hạ cánh.
Ngài vẫy tay chào đám đông khi rời khỏi khán đài, tiến về phía khách sạn - nơi mà Ngài được thưởng thức bữa cơm trưa muộn màng cùng với các giáo sĩ địa phương và chư khách mời. Ngày mai, Ngài sẽ đến thăm một ngôi trường ở làng Mulbekh.