Bengaluru, Ấn Độ - Sự tham gia cuối cùng của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến thăm Ấn Độ hiện tại của Ngài là viếng thăm Viện Giáo dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma (DLIHE). Sáng sớm hôm nay, dưới bầu trời quang đãng hơn so với một vài ngày trước, Ngài đi xe ra khỏi thành phố Bengaluru để đến Viện được toạ lạc ở Sheshagrihalli trên đường Mysore.
Ngài được cung đón bởi những người phụ nữ đang hát những ca khúc; và được dâng cúng "chema changphu" theo truyền thống của Tây Tạng khi Ngài quang lâm. Được hộ tống đến khu Ký Túc Xá mới dành cho Nam, Ngài được mời vén màn để cho ra mắt một tấm bảng kỷ niệm đánh dấu lễ khánh thành của Ký Túc Xá. Ngài chào mừng các thành viên của hội đồng quản trị của Hội Staub Kaiser và Hội Giuseppe Kaiser của Thụy Sĩ đã hỗ trợ cho việc xây dựng.
Trong Văn phòng của Viện, Ngài đã gặp 23 Vị Geshes (Tiến Sĩ), những người đã học tiếng Anh và tiếng Hoa một cách đầy nhiệt huyết với sự hỗ trợ của Hội Đạt Lai Lạt Ma. Ngồi xuống cùng với họ, đầu tiên Ngài hỏi họ thuộc về những tu viện nào; bao nhiêu người trong số họ đã được sinh ra ở Tây Tạng và ở tại đâu.
Ngài nói với họ, trong 60 năm qua chúng ta đã có những trải nghiệm mới. Ở Tây Tạng, chúng ta nghiên cứu theo những hướng dẫn đầu tiên được thiết lập bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - người mà Hoàng đế Trisong Detsen đã thỉnh đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Những người theo truyền thống của Pali dựa vào thẩm quyền trích dẫn của Kinh điển khi họ giải thích về Tứ Diệu Đế và các thuộc tính của chúng. Đây là những điều mà một nhóm các học giả Thái mà tôi đã được gặp gần đây đã nói với tôi. Trái ngược với điều này, truyền thống của chúng ta, có nguồn gốc từ Đại học Nalanda, theo con đường của những người có căn cơ nhạy bén - bằng cách dựa vào lý luận. Chúng ta đã được thừa hưởng truyền thống tuyệt vời này nhờ vào lòng tốt của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và công việc khó khăn vất vả của các vị Hoàng Đế tôn giáo.
“Ngày nay chúng ta đã tổ chức các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hiện đại. Khi chúng ta nói về vật lý lượng tử, họ đã đánh giá cao sự giải thích của chúng ta về duyên khởi. Chúng ta cũng đã học hỏi được từ họ. Chẳng hạn như - quan điểm khoa học về vũ trụ học đã cho thấy không có chỗ cho Núi Tu Di. Chúng ta cũng đã theo các bậc thầy Nalanda trong việc kiểm tra xem giáo lý của Đức Phật có nên được hiểu theo nghĩa đen hay nên được phân thành loại có thể giải thích được hay không.
“Khi lần đầu tiên tôi suy nghĩ về việc tham gia với các nhà khoa học trong các cuộc thảo luận, một người bạn phương Tây đã cảnh báo tôi rằng phải cẩn thận, ông ấy nói, 'Khoa học là sát thủ của tôn giáo'. Sau đó tôi đã xem xét lời khuyên của Đức Phật rằng, không nên chấp nhận những gì mà Ngài đã dạy theo giá trị bề mặt, mà phải kiểm tra nó như một người thợ kim hoàn thử vàng vậy! và tôi đã quả quyết rằng không có nhiều rủi ro lắm đâu! Tuy nhiên, khi tôi đề nghị Chư Tăng nên học môn tiếng Anh và môn Khoa học như là một phần của chương trình giáo dục của họ, thì có những bậc Tăng trưởng thượng trong các tu viện lúc đầu lo ngại rằng nó sẽ khiến cho họ bị mất tập trung.
“Việc học các ngôn ngữ khác như quý vị đang thực hiện là điều rất quan trọng. Đó là cách để quý vị phụng sự cho người khác. Trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta thường nói, “Con xin phát khởi Bồ Đề tâm, và thỉnh mời tất cả chúng sinh là khách quý của con ...", nhưng chúng ta cần phải làm một cái gì đó thiết thực như quý vị đang làm vậy!”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước ra ngoài giảng đường nằm giữa các tòa nhà của Viện, nơi có khoảng 6000 người đã tụ họp. Ngài dừng lại để chào mừng một số người và an ủi những người đang khóc nức nở, ngập tràn cảm xúc bởi cơ hội được ở rất gần Ngài. Như thường lệ, Ngài dành thời gian để chào mừng đám đông từ phía trước khán đài trước khi Ngài an toạ.
Trong bản báo cáo tóm tắt của mình, Hiệu trưởng - Tiến Sĩ B Tsering đã cung đón Ngài và vị cựu Phó Hiệu trưởng Đại học Mysore - Giáo sư R Rangappa và Phó Hiệu trưởng Đại học Bangalore - Giáo sư KR Venugopal, và các nhà tài trợ đến từ Thụy Sĩ. Cô báo cáo rằng cho đến nay sinh viên đã có thể đạt được bằng BA, (Cử nhân) nhưng kế hoạch đang bắt đầu cho một chương trình MA (Thạc sĩ), và kèm theo chương trình này thì có BA, B Com, BCA và vv; và ngoài ra còn có triển vọng cung cấp chương trình tiến sĩ và các chuyên ngành khác. Cho đến nay đã có 275 sinh viên đã tốt nghiệp từ Viện Giáo Dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma (DLIHE).
Hiệu trưởng cũng đề cập rằng các học sinh có cơ hội được tìm hiểu về đạo đức thế tục. Trong khi đó thanh niên Tây Tạng từ nước ngoài đã đến Viện để tham gia đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng. Cô kết thúc bằng sự cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và thành tựu viên mãn tất cả những nguyện vọng của Ngài. Chủ tịch của TCV, nhận xét của Thupten Dorjee đã đề cập đến sự hỗ trợ mà Viện Giáo Dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được về mặt tài trợ. Tiếp theo là Giáo sư R Rangappa - nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Mysore. Ông đã quan sát thấy rằng sự khác biệt giữa Viện Giáo Dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma với các viện nghiên cứu cao cấp khác là, việc kiếm tiền không phải là điều mà nó quan tâm đầu tiên và quan trọng nhất. Ông nói, ở đây, học sinh được học về nghệ thuật và khoa học của cuộc sống. Ông bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những nỗ lực để giữ một mức độ cao của việc sử dụng ngôn ngữ Tây Tạng; bởi vì một khi ngôn ngữ của văn hóa bị mất, thì mọi thứ đều sẽ mất đi. Ông đã gửi lời chúc mừng đến Viện về những gì mà Viện đã đạt được cho đến nay.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bangalore, Giáo sư KR Venugopal cũng lần lượt đề cập đến sự vinh dự mà ông cảm thấy được có mặt trong sự hiện diện của Ngài. Ông đảm bảo với sinh viên và nhân viên rằng các khóa học BA, BCA và B Com sẽ hiện hữu vào cuối năm nay. Ông hứa với học sinh rằng bất kỳ vấn đề nào mang đến cho ông tại Đại học Bangalore sẽ được giải quyết ở đó và sau đó.
Ngài nhận xét: “Học viện này bắt đầu từ đầu, nhưng đã tăng trưởng đều đặn. Bây giờ nó đã trở thành một điều để tự hào. Hai Vị Phó hiệu trưởng này đã đảm bảo với chúng ta về sự ủng hộ của họ; và thay mặt cho 6 triệu người dân Tây Tạng tôi muốn cảm ơn họ.
“Ấn Độ và Tây Tạng có mối quan hệ độc đáo và lâu đời. Người Ấn Độ thông thường đã nhận thức được Tây Tạng vì núi Kailash thiêng liêng, đó là nơi cư ngụ của Thần Shiva. Đó là nơi hành hương dành cho họ. Đối với người Tây Tạng, Ấn Độ là nơi mà Đức Phật đã từng sống và thuyết Pháp.
“Chúng tôi đã nghe về các chương trình đang được phát triển và tôi cung cấp cho họ sự hỗ trợ tận tình của tôi.
“Chúng tôi không chỉ là những người tị nạn; chúng tôi lưu vong bởi sự đàn áp đã xảy ra ở Tây Tạng. Chúng tôi không bao giờ quên người dân Tây Tạng, bởi vì họ không có tự do và chúng tôi là đại diện của họ.
“Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng về một nền văn hóa Tây Tạng có niên đại 35.000 năm. Du khách từ Kyrgyzstan cho tôi xem một bức ảnh về một viên đá Mani của Tây Tạng đã được tìm thấy trên một quan tài được chôn cất ở đất nước của họ, cho thấy ảnh hưởng của Tây Tạng được mở rộng đến mức nào trong cùng một thời gian.
“Khi Hoàng Đế Songtsen Gampo kết hôn với một công chúa Trung Quốc, bà đã mang bức tượng Jowo của Đức Phật đến Tây Tạng. Tôi đã nhìn thấy hốc tường trong một ngôi đền ở thủ đô cũ của Trung Quốc ở Tây An, nơi mà bức tượng đã từng được an trí ở đó. Khi tôi ở đó, người ta cũng đã chỉ ra với tôi rằng, trong quá khứ, quân đội Tây Tạng cũng đã bao vây ngay bên ngoài bức tường của thành phố.
“Các tài liệu Trung Quốc cho thấy rằng vào thế kỷ thứ 7, 8 và 9, ba đế chế khác nhau của Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng đã phát triển mạnh mẽ. Các học giả cũng nói với tôi rằng các hồ sơ lịch sử từ triều đại nhà Đường đến triều đại Mãn Châu đều không đề cập gì đến việc Tây Tạng là một phần của Trung Quốc cả. Nếu có bất kỳ tài liệu tham khảo nào như thế, thì có vẻ như chúng đã được thực hiện bởi các Lamas Tây Tạng tìm cách để chiếm được lòng tin cậy của Hoàng đế Trung Quốc.
“Tu viện Samye được thành lập bởi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ và Đức Liên Hoa Sanh. Chính ở đó, dưới sự chỉ đạo của Ngài Thiện Hải Tịch Hộ, sự dịch thuật văn học Phật giáo tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng đã được bắt đầu. Điều này đã cho ra đời Kangyur (Kinh Tạng) và Tengyur (Luận Tạng) mà chúng ta có được ngày hôm nay. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ không chỉ là một nhà triết học sâu sắc; mà Ngài còn là một nhà lý luận học tài ba. Ngài đã giới thiệu việc nghiên cứu về cả triết học và logic cho người Tây Tạng. Một số học giả Trung Quốc đã gợi ý rằng việc sử dụng lý luận và logic là điều đã giúp cho Phật tử có thể tương tác tốt với các nhà khoa học.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, trong gần 70 năm qua, người Tây Tạng đã trải qua những đau khổ không lường trước được. Kể từ khi Quân đội Giải phóng Nhân dân vào Tây Tạng và tấn công Lithang trước khi hành quân đến Lhasa, hồ sơ của họ cho thấy đã có 300.000 người Tây Tạng đã thiệt mạng. Sau khi đã nuốt chửng Tây Tạng và bị thất bại trong việc tiêu hóa nó, có vẻ như những người bảo thủ đang ngày càng lo ngại về việc phải nôn nó ra.
Mặc dù người dân Tây Tạng ở trong đất nước Tây Tạng bị áp bức như vậy, nhưng tinh thần và sự quyết tâm của họ vẫn rất mạnh mẽ. Cho dù họ là Phật tử hay không, thì họ cũng không bao giờ quên rằng họ là người Tây Tạng. Cho đến nay, đã có 152 người tự thiêu để phản đối tình hình tại quê hương của họ. Họ có thể tấn công và làm hại người khác, nhưng họ đã không làm thế - mà chỉ tiến hành tận tâm gánh lấy việc làm tổn hại chính bản thân mình (bằng cách tự thiêu).
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với khán giả rằng, Ngài nghe mọi người nói rằng trong khi Ngài còn sống, thì họ sẽ duy trì sự bất bạo động, nhưng sau đó, ai biết được. Ngài đã kêu gọi họ hãy duy trì tinh thần bất bạo động cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ngài nói rằng Ngài vẫn hy vọng sẽ thấy được sự thay đổi tích cực ở Tây Tạng.
“Chúng ta là một dân tộc độc đáo với một nền văn hóa độc đáo mà chúng ta có mọi lý do để tự hào. Đừng bao giờ quên rằng mình là người Tây Tạng. Trong những ngày đầu tiên, mọi người đã làm việc rất chăm chỉ để dọn dẹp khu rừng nhiệt đới ở Karnataka để cho phép các trường học và vv được xây dựng. Thế hệ của những Vị tái thiết lập các trường Đại học Thiền Môn hầu như đã ra đi, nhưng thành quả của các hành động của họ vẫn còn tồn tại. Trong những ngày đầu tiên đó, họ đến với tôi để phàn nàn rằng trời nóng đến mức mà họ phải tin rằng chắc chắn là họ sẽ chết mất! Khi tôi trở lại một lần nữa, tôi đã có thể trêu chọc họ rằng, họ vẫn còn sống sau khi tất cả những gì đã xảy ra. Tôi đã nói với họ rằng - "Đừng bao giờ bỏ cuộc!” Ngày nay, quý vị có nhiều cơ sở tốt hơn, mà quý vị cũng có được nhiều cơ hội hơn.
“Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến cam kết mới nhất của tôi là nhằm cố gắng hồi sinh sự quan tâm đến kiến thức Ấn Độ cổ đại về các hoạt động của tâm thức và cảm xúc ở trên đất nước này. Tôi hy vọng Viện này có thể đảm trách được một phần của vai trò này!”
Dawa Tsering - Phó Hiệu trưởng của Viện Giáo dục Cao cấp Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu lời cảm ơn, kết thúc bằng những lời cầu nguyện cho Ngài được trường thọ. Sau đó, Ngài đi xe từ Viện đến thẳng sân bay Bangalore, từ đó Ngài bay đến Delhi. Ngày mai, Ngài sẽ trở về Dharamsala.