Bồ Đề Đạo Tràng, Bihar, Ấn Độ - những con đường đông đúc thường ngày của Bồ Đề Đạo Tràng hầu như hoàn toàn trống vắng và sân bãi của Pháp hội chỉ bắt đầu có người vào khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến đó lúc chỉ mới 7 giờ sáng. Ngài chào đón những người đến sớm và an tọa trước rèm mandala để bắt đầu chuẩn bị cho Lễ Quán Đảnh Mười Ba vị Bổn Tôn Kim Cang Đại Phẫn Nộ. Hai vị Tăng Sĩ từ Tu viện Namgyal cùng an tọa và trì tụng các nghi lễ cùng với Ngài.
Một tiếng rưỡi đồng hồ sau, Ngài nói với đại chúng rằng Ngài hơi bị nhiễm lạnh một chút.
"Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi tôi rời Dharamsala. Tôi đã ở Mumbai, thuyết Pháp và có những buổi nói chuyện với công chúng tại Drepung, Ganden và Sera, vì thế nên tôi cảm thấy hơi mệt mỏi. Ngày mai tôi sẽ nghỉ giải lao và một ngày sau đó, vì thời gian ít nên tôi sẽ chỉ truyền Quán đảnh Kim Cang Đại Phẫn Nộ Dạng Đơn, và tôi sẽ hoãn Quán đảnh Luân Giới vào một thời điểm khác.
"Cuộc sống con người này là cơ hội tốt nhất để thực hiện con đường giải thoát. Từ góc độ của thể xác, chúng ta đang bị đe doạ bởi cái chết và tinh thần chúng ta bị bức bách bởi sự thiếu hiểu biết của vô minh. Đại Oai Đức Minh Vương (Yamantaka) là đối thủ của cả hai tình trạng đó. Ngài Long Thọ đã nói rằng tam độc - tham, sân, si - đã phát sinh từ thực tế sai lầm của chúng ta. Các pháp xuất hiện đối với chúng ta như sự tồn tại một cách độc lập và chúng ta bám víu vào ý tưởng này. Chỉ có Đức Phật mới dạy về sự thật của lý Duyên khởi. Và trên cơ sở đó, chúng ta phát triển lòng từ bi tập trung vào chúng sinh và trí tuệ tập trung vào sự Giác ngộ. Hai yếu tố này như đôi cánh giúp cho một bậc Bồ tát có thể bay sang bờ bên kia của sự giải thoát”.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận xét rằng, các giáo lý chung của Đức Phật đã được thuyết giảng công khai, nhưng giáo lý Mật tông thì được thuyết giảng trong bí mật. Điều này không phải vì Đức Phật không muốn chia sẻ những giáo lý đặc biệt này, nhưng vì nó liên quan đến kinh mạch, năng lượng và các giọt minh điểm và có thể nguy hiểm khi thực hiện liên quan đến chúng mà thiếu sự đào tạo và hướng dẫn.
Nhiều năm về trước, một giáo sư người Ấn Độ - LM Joshi - đã nói với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng, một trong những lý do khiến cho Phật giáo bị suy tàn ở Ấn Độ là vì các nhà sư đã trở nên giàu có và công chúng đã chê bai và mất lòng tin nơi họ. Lý do thứ hai là việc lạm dụng Mật tông - nhận một người phối ngẫu không tương thích với việc tuân thủ giới luật thuần khiết. Cuối cùng, các vị vua và những quan chức chính quyền địa phương khác đã dần dần chuyển sự ủng hộ của họ sang những người thuộc truyền thống phi Phật giáo. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma gợi ý rằng thực hành Mật tông trong bí mật cũng là một vấn đề của sự thận trọng.
Sau đó Ngài bắt đầu truyền Quán đảnh và hoàn tất nó một cách nhanh chóng không mất nhiều năng lượng.