Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Ngay sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ vào sáng nay, các thành viên của trường TCV tại Gopalpur đã bắt đầu sự thực hiện sôi nổi về cuộc tranh luận. Họ thảo luận về những định nghĩa và sự Quy y Tam Bảo. Tiếp theo sau đó là một nhóm học sinh cũng từ cùng một trường đó nhưng tập trung chuyên vào khoa học - đặc biệt là về sinh vật sống.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma mở đầu buổi thuyết giảng của mình bằng sự nhấn mạnh: “Bậc Học giả nổi tiếng của truyền thống Nalanda là Ngài Long Thọ. Các tác phẩm của Ngài đã cho thấy rằng Ngài là một bậc Thầy vĩ đại, chính xác và sâu sắc. Đệ tử của Ngài là Thánh Thiên, và cuối cùng là Tịch Thiên đã nghiên cứu tỉ mỉ về những gì mà Ngài đã trước tác. Bài Kệ đầu tiên trong ‘Trí Tuệ Căn bản của Trung Đạo’ của Ngài đã chứng minh phương pháp mà Ngài đã sử dụng lý luận để thiết lập việc giảng dạy:
Không phải chính nó cũng chẳng từ nơi khác
Cũng không hề xuất phát từ cả hai,
Chẳng có điều gì, ở bất cứ nơi đâu
Có thể phát sinh mà chẳng có nguyên nhân nào.
“Ngài Long Thọ đã ca ngợi Đức Phật, không phải chỉ về sự giác ngộ, mà còn về Giáo lý Duyên khởi của Ngài. Như lời kính lễ cuối cùng ở phần cuối của 'Trí Tuệ Căn Bản' có nói rằng Đức Phật đã giảng dạy Thánh Pháp để giúp chúng ta thoát khỏi mọi quan điểm tà kiến sai lầm của mình.
“Trí thông minh của chúng ta đã bị đánh lừa bởi những quan điểm sai lầm; để nhổ tận gốc rễ của những tà kiến ấy, Đức Phật đầu tiên đã dạy về Tứ Diệu Đế (bốn Chân lý Cao thượng) bắt đầu bằng Khổ đế (sự thật về đau khổ) và Tập đế (sự thật về nguồn gốc của đau khổ). Những sự giải thích chi tiết về Tứ Diệu Đế phải kể đến Thập Nhị Nhân Duyên của Lý Duyên Khởi. Đôi khi chúng được minh họa như vòng ngoài của Bánh xe Sự Sống mà thường có thể nhìn thấy được vẽ trên hàng hiên của những ngôi đền chùa. Người ta nói rằng bức tranh gốc được đưa ra bởi một vị vua Ấn Độ.
“Tất cả chúng ta đều mong muốn hạnh phúc, và không ai muốn đau khổ. Tuy nhiên, do sự vô minh cho nên chúng ta luôn bị bủa vây bởi những vấn đề rắc rối. Trong hình minh họa của Mười Hai Nhân Duyên, yếu tố đầu tiên là "vô minh", được mô tả như một người phụ nữ già mù loà. Yếu tố thứ hai là "hành" (hành động có chủ ý), được hiển thị như một người thợ gốm đang tạo hình chiếc bình trên bánh xe.
“Sự trải nghiệm của chúng ta về nỗi đau và niềm vui đều xuất phát từ kết quả của những hành động xấu ác và thiện lành mạnh của mình. Bức tranh bao gồm một vòng tròn bên trong; trong đó có một nửa màu đen, ám chỉ cho những hành động bất thiện; và một nửa màu trắng thể hiện cho những việc làm thiện lành. Nhiều hành động của chúng ta phát sinh từ sự phiền não - vô minh, tham ái và sân hận - được minh họa ở trung tâm với hình một con lợn, một con gà trống và một con rắn tượng trưng cho tham, sân và si.
“Sự vô minh ám chỉ cho quan niệm sai lầm của chúng ta về thực tại, trong "400 bài Kệ" của Ngài Thánh Thiên có đề cập đến sự phiền não ngập tràn của chúng ta:
Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền
Khéo chế ngự hỗn loạn này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên.
"Để vượt qua được sự vô minh này đòi hỏi phải nỗ lực để hiểu biệt về giáo lý Duyên khởi."
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận xét rằng, mọi thứ xuất hiện như thể nó tồn tại một cách độc lập và khách quan. Ngài nói rằng khi Ngài nhìn vào đám đông trước mặt; Ngài nhìn thấy các học sinh và các nhà sư Thái Lan, những người trông như thể họ tồn tại từ phía của chính họ. Đó là cách mà họ xuất hiện, nhưng theo quan điểm của Phật giáo thì đó không phải là cách mà họ thực sự tồn tại.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nhớ lại ngày hôm qua đã nói rằng các nhà vật lí lượng tử không đề cập đến sự tồn tại khách quan nào. Hôm nay, Ngài đã đề cập đến một bác sĩ chuyên về khoa tâm thần người Mỹ, Aaron Beck, người đã có kinh nghiệm làm việc lâu năm với những người gặp khó khăn cực kỳ do sự sân giận. Beck nói với Ngài rằng, ông đã quan sát thấy rằng khi mọi người tức giận thì họ luôn thấy đối tượng của sự tức giận của mình - thường là một người khác - trong một cách hoàn toàn tiêu cực, nhưng thật ra 90% cảm giác này chỉ là sự phóng chiếu từ tâm thức của chính bản thân người tức giận ấy. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma coi đây là một kiến thức sâu sắc có giá trị.
“Tất cả các truyền thống tôn giáo đều xem sự bình yên trong tâm hồn là điều quan trọng. Để phát triển được điều đó đòi hỏi chúng ta phải làm việc với thế giới nội tâm của mình. Theo một số truyền thống, điều này liên quan đến việc hiến dâng cho Đức Chúa tình yêu thương vô tận - một phương pháp để đạt được sự an lạc nội tâm mà phụ thuộc vào đức tin. Tuy nhiên, nhiều truyền thống Ấn Độ, sử dụng các kỹ thuật trưởng dưỡng một tâm thức định tĩnh và sáng suốt qua phương pháp thiền chỉ và thiền quán (shamatha và vipashyana) để đạt được sự an lạc nội tâm.
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Đức Phật lịch sử đã quan sát thấy rằng mỗi chúng ta đều là chủ nhân của chính mình, ngụ ý rằng chúng ta có thể vượt qua đau khổ bằng cách đoạn trừ sự thiếu hiểu biết từ tâm thức của chính chúng ta. Không ai khác có thể làm điều đó cho chúng ta cả.
“Đức Phật là bậc Thầy của sự nương tựa (Quy y), nhưng nơi mà chúng ta nương tựa thực sự lại là Pháp Bảo - Đạo đế (con đường tu tập thực sự) và Diệt đế (sự chấm dứt thực sự). Những người có kinh nghiệm về những điều này chính là Tăng Bảo. Cuối cùng, ý định của Đức Phật là dẫn dắt những người khác đến trạng thái mà Ngài đã đạt được.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục đọc Chương 5 của 'Nhập Bồ Tát Hạnh' từ đoạn mà Ngài đã dừng lại ngày hôm qua. Ngài đã dạy đến phẩm chất của một vị Thầy, trích dẫn lời của Ngài Je Tsongkhapa - người đã nói rằng, một người muốn huấn luyện người khác thì tự bản thân mình phải được huấn luyện thuần thục.
Khi Ngài bắt đầu đọc Chương Sáu về Hạnh Nhẫn Nhục; Ngài nhận xét rằng để bảo tồn sự an lạc nội tâm; chúng ta cần phải thực hành hạnh nhẫn nhục và xem xét những khiếm khuyết của sự sân giận. Ngài trêu đùa rằng "Không ai nói rằng, Oh! hôm nay tôi thật hạnh phúc, bởi vì tôi vừa đấu nhau thật tốt với ai đó."
Trong giờ giải lao, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời các câu hỏi của học sinh, sau đó Ngài đã đọc xong Chương Sáu, Bảy và Tám của ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’. Khi buổi giảng kết thúc, Ngài đã đề cập rằng Ngài đang nghĩ đến việc sẽ ban lễ Gia trì Đức Bạch Văn Thù như là một phần của sự thuyết giảng vào ngày mai.