Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Khu vực sân xung quanh Tsuglagkhang đã đầy kín người khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm qua khỏi những cánh cổng Dinh thự của Ngài vào sáng nay. Ước tính khoảng 9000 người bao gồm cả 900 sinh viên đại học, 112 sinh viên từ Men-tsee-khang, 105 sinh viên từ trường Transit Tây Tạng, gần 1400 học sinh từ các trường làng trẻ em Tây Tạng (TCV) — chủ yếu là từ các lớp 9-12, 250 sinh viên từ Nhóm Nghiên cứu Phật học Dharamsala, hơn 2000 người quan tâm đến từ nước ngoài, trong đó có 150 tu sĩ Thái Lan từ Hội Từ thiện Thái Dhama-Sala, và những người Tây Tạng địa phương.
Mỉm cười và vẫy tay chào các thành viên của đám đông, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tiến lên Chánh Điện. Ở đó, Ngài đã kính lễ trước tượng Phật và chào đón những người bạn cũ trước khi an toạ trên Pháp toà.
Các thành viên của Nhóm Nghiên cứu Phật học Dharamsala, bao gồm các Tăng Ni và nam nữ Cư sĩ, người Tây Tạng và những người nước ngoài, đã thể hiện những kỹ năng tranh biện của họ. Nhóm đầu tiên tranh luận về Bồ đề Tâm nguyện và Bồ đề Tâm hạnh như được mô tả trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh'. Nhóm thứ hai khám phá về các phương thức lý luận như đã được tiết lộ trong ‘Bình luận về Nhận thức Luận’ (Pramanavarttika) của Ngài Pháp Xứng.
Để thay thế cho bài tụng dài của những lời cầu nguyện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tụng hai bài Kệ ngắn trước khi bắt đầu nói chuyện với Hội chúng:
Xin kính lễ Đức Phật Gautama
Một Bậc đã có Tâm Từ Bi
Mà thuyết giảng Pháp mầu trân quý,
Giúp từ bỏ mọi cách nhìn ấu trĩ.
Xin kính lễ Trí tuệ Ba La Mật,
Mẹ của tất cả chư Phật trong ba đời,
Vượt trên ngôn từ, bất khả tư nghì, không thể diễn tả,
Không bị tạo ra, không hề cản trở, trong bản thể của hư không,
Lĩnh vực khách quan của trí tuệ tự chứng.
Tatyatha - gateh, gateh, paragateh, parasamgateh, bodhi svaha
“Chúng tôi đã tổ chức Pháp hội dành cho Thanh thiếu niên Tây Tạng vào thời điểm này trong năm khi trẻ em từ các trường học và trường cao đẳng ở xa cũng có thể tham dự trong nhiều năm nay. Vì vậy, sinh viên và học sinh là những đệ tử chính trong dịp này, nhưng tôi cũng vui mừng chào đón các nhà sư đến từ Thái Lan.
“Đức Phật đã đạt được sự chứng ngộ ở Ấn Độ cách đây hơn 2500 năm. Sự giải thích về Tứ Diệu Đế và mười sáu đặc tính mà Ngài đã thuyết giảng ở Sarnath, Varanasi, là giáo lý căn bản của Ngài. Sau đó, Ngài đã giải thích thêm về điều này trong những Pháp hội mà Ngài đã ban trên Đỉnh Linh Thứu Sơn.
“Các nhà sư Thái Lan ở đây là những bậc trưởng thượng đối với chúng tôi với tư cách là đệ tử của Đức Phật. Họ tuân theo truyền thống kỷ luật Thiền môn hoặc Luật tạng được bảo tồn bằng ngôn ngữ Pali. Chúng tôi ở Tây Tạng theo truyền thống được bảo tồn bằng tiếng Phạn. Có một số khác biệt về số lượng vi phạm và giới luật được tổ chức trong những truyền thống này, ví dụ trong truyền thống Nam truyền (Theravada), có một giới được truyền về cách đắp Y một cách đúng đắn; trong khi truyền thống Mulasarvastavadin có đến bảy giới được quy định liên quan đến việc đắp Y. Về tinh thần của Luật tạng, chúng ta chia sẻ về cơ bản những truyền thống giống nhau, tuy nhiên về giáo lý Bát Nhã Ba La Mật thì người Tây Tạng chúng tôi duy trì đặc trưng đối với truyền thống tiếng Phạn.
“Tôi rất cảm kích sự hiện diện của các nhà sư Thái Lan và những đệ tử khác. Trong quá khứ đã có rất ít sự tiếp xúc giữa các thành viên của truyền thống Pali và tiếng Phạn - bất chấp những nỗ lực để khuyến khích về điều đó. Vào những năm 1960, tôi đã gửi một số tu sĩ Tây Tạng đến Thái Lan, nơi mà họ được ở trong các tu viện và quan sát những giới nguyện của hệ thống Nam truyền (Theravada), nhưng sự sắp xếp đã không thể được duy trì. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục điều đó; và bước đầu tiên sẽ được thực hiện là cho các tu sĩ từ mỗi bên được tìm hiểu ngôn ngữ của nhau.
"Ngoài những người từ các quốc gia có truyền thống Phật giáo, còn có những người đã quan tâm đến Phật giáo mặc dù họ đến từ những nơi không có lịch sử liên kết với Phật giáo."
Ngài đã đề cập đến một loạt các truyền thống tôn giáo đã được bảo tồn ở Ấn Độ, một số tôn giáo bản địa như truyền thống Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật giáo; và các truyền thống của Áp-ra-ham như Do-Thái-Giáo, Kitô giáo và Hồi giáo thì đến từ nơi khác. Tất cả những truyền thống này đều nhấn mạnh về lòng vị tha. Họ dạy về tình thương yêu và lòng từ bi. Ngài quan sát thấy rằng, vì tất cả các tôn giáo đã từng phục vụ cho nhân loại trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai, cho nên sẽ cố gắng để đặt chúng tránh tình trạng không phục vụ cho mục đích nào cả. Ngài đề nghị mọi người nên cố gắng trau dồi sự tôn trọng và hòa hợp lẫn nhau trong khi vẫn duy trì đức tin của chính mình; và tuyên bố rằng Ấn Độ đã thể hiện được điều này trong một thời gian dài, và rằng đây là điều khả thi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận rằng có những sự khác biệt triết học giữa những truyền thống khác nhau này - một số được phân loại là theo chủ nghĩa thần học, tin vào Đấng Chúa sáng tạo, trong khi một số người khác thì không tin. Một nhánh của Số Luận Phái, Kỳ Na Giáo và Phật tử thì không tin vào Đấng sáng tạo, nhưng trong số đó chỉ có Phật tử là phủ nhận sự tồn tại của một cái "Ngã" độc lập với sự kết hợp của các yếu tố tâm lý và vật lý. Ngài nhận xét rằng, giữa các trường phái tư tưởng Phật giáo khác nhau, tất cả đều khẳng định về "Nhân vô ngã", rằng không có cái "ngã" độc lập duy nhất hoạt động giống như một tác nhân điều khiển các uẩn. Tuy nhiên, chỉ có một số truyền thống như trường phái Duy Thức và Trung Quán là có đề cập đến "Pháp vô ngã".
Tuyên bố rằng quan điểm tối thượng về tánh Không được giải thích bởi Ngài Long Thọ, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi về mục đích của những ý tưởng triết học đó có thể là gì. Trong câu trả lời, Ngài trích dẫn lời của Ngài Long Thọ:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Vấn đề ở đây là loại bỏ những quan điểm méo mó sai lầm làm nảy sinh những cảm xúc tiêu cực.
Ngài nói rằng, "trong thế giới ngày nay, mọi người lạm dụng và giết hại lẫn nhau; cho dù các nhà khoa học quan sát rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài quan sát rằng, “một lý do dường như là giáo dục hiện đại tập trung nhiều vào việc đạt được sự phát triển vật chất hơn là việc trưởng dưỡng khuynh hướng cơ bản của con người chúng ta đối với lòng từ bi.
“Ở Tây Tạng, truyền thống Nalanda về sự nghiên cứu và thực hành Phật giáo đã được truyền vào nhờ vào các Hoàng đế Tôn giáo. Vị học giả vĩ đại Thiện Hải Tịch Hộ đã thiết lập giáo lý Phật giáo trong khi Ngài Liên Hoa Sanh (Padmasambhava) đã khắc phục được những trở ngại chướng duyên. Ngài Thiện Hải Tịch Hộ khuyến khích việc dịch lại các tài liệu Phật giáo Ấn Độ từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng như chúng ta đã thấy nó được thể hiện trong sách “Nhập Bồ Tát Hạnh”, cho thấy ba nhóm học giả và dịch giả khác nhau, vào những thời điểm khác nhau, đã làm việc để tinh chỉnh ấn bản để chúng tôi có được phiên bản ngày hôm nay.
"Mặc dù tôi tôn trọng tất cả các truyền thống tôn giáo về thông điệp của tình thương yêu và lòng từ bi mà họ truyền đạt, tuy nhiên, chỉ có được dựa trên những kiến thức hiểu biết triết học và các công cụ nhận thức lý luận và logic được cung cấp bởi các học giả như Thiện Hải Tịch Hộ và Liên Hoa Giới thì chúng ta mới có thể tham gia đối thoại để cùng mang lại sự lợi ích cho nhau với các nhà khoa học hiện đại.
“Năm nay tôi đề nghị chúng ta nên xem đọc ‘Nhập Bồ tát Hạnh’. Nếu quý vị cảm thấy bồn chồn và chán nản, thì hãy đọc Chương 6, nó có thể giúp cho quý vị trở nên bình tĩnh lại. Tương tự như vậy, do thái độ ái trọng tự thân, tâm thức của chúng ta dễ bị xáo trộn và phiền não. Các biện pháp khắc phục có thể được tìm thấy trong Chương 8 với sự tập trung vào thiền định và trưởng dưỡng Bồ Đề tâm.
“Vào năm 1967, khi tôi bắt gặp 'Ngọn Đèn Quý báu' của Khunu Lama Rinpoche, tôi thỉnh cầu ông dạy nó cho tôi. Sau khi đã dạy cho tôi về 'Nhập Bồ Tát Hạnh', ông ấy yêu cầu tôi giải thích cho người khác bất cứ khi nào tôi có thể. Ông nói với tôi rằng Shantideva đã trước tác cuốn sách này vào thế kỷ thứ 8; và rằng từ đó đến nay không có cuốn sách nào tuyệt vời hơn liên quan đến Bồ Đề Tâm bằng tác phẩm này cả - đây là bản chất tinh tuý của giáo lý Đức Phật.
“Ngày nay, nhiều người bị chi phối bởi những cảm xúc phiền não. Những cuốn sách này giải thích phương pháp làm thế nào để giải quyết những cảm xúc tiêu cực như tham luyến và sân hận, bắt nguồn từ vô minh - quan điểm méo mó sai lầm về thực tại. Bằng cách phát triển sự hiểu biết về trí tuệ tánh không, chúng ta có thể khắc phục và vượt qua được những cảm xúc tiêu cực này và chuyển hoá tâm thức của chúng ta.”
Trong giờ giải lao, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời một số câu hỏi của các học sinh trong số khán giả. Khi sự thuyết giảng tiếp tục, Ngài bắt đầu đọc 'Nhập Bồ tát Hạnh' một cách đều đặn ngay từ đầu. Thỉnh thoảng tạm dừng lại để giải thích một số đoạn, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hoàn thành bốn chương đầu tiên và cũng đã hoàn thành Chương Năm vào lúc kết thúc. Ngài sẽ tiếp tục đọc vào sáng mai.
Bước xuống từ Chánh Điện, Ngài đã chào đón những người bạn cũ và mới, mỉm cười, vẫy tay và bắt tay một số người, trước khi lên xe để trở về Dinh thự của mình.