Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Tác giả và diễn giả cộng đồng người Mỹ gốc Ấn - Deepak Chopra và 45 người bạn thân của ông đã diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay. Ngài hoan nghênh chào đón họ và nói:
Trước đây, chúng ta đã gặp nhau một vài lần, nhưng hiện giờ tôi rất vui khi được chào đón quý vị ở đây, những người anh chị em tâm linh của tôi, đã quang lâm đến nơi này - nơi đã là nhà của tôi trong gần 60 năm qua.
Trong thế giới ngày nay, mặc dù sự phát triển về vật chất rất lớn, nhưng chúng ta phải đối mặt với tất cả các loại vấn đề rắc rối. Vấn đề về thiên tai thì nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng chiến tranh và giết chóc là những điều mà chúng ta có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, chúng ta chú ý tập trung quá nhiều vào các mục tiêu vật chất mà không quan tâm đủ cho các giá trị nhân văn như tình yêu thương. Nhiều vấn đề mà chúng ta gặp phải là do chính chúng ta tạo ra, và các nhà khoa học đã cho chúng ta biết rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Họ cũng nói với chúng ta rằng, nuôi dưỡng một thái độ từ bi là tốt cho sức khỏe thể chất của chúng ta, trong khi đó, sự tức giận và sợ hãi liên tục sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Chúng ta không dành đủ sự quan tâm đúng mức cho các giá trị nội tâm. Chúng ta nhìn những người khác trong mối giao thiệp giữa “chúng tôi” và “bọn họ”. Ngay cả các hành giả tôn giáo cũng có cách nhìn như thế. Chúng ta phân biệt giữa đất nước của chúng tôi và đất nước của họ. Trẻ em không quan tâm đến những sự khác biệt như thế. Nếu những đứa trẻ khác mỉm cười và chơi đùa với chúng thì chúng cũng sẽ rất vui vẻ khi được ở bên bọn trẻ ấy. Chỉ khi chúng ta lớn lên, chúng ta mới bắt đầu nhấn mạnh những sự khác biệt thứ yếu giữa chúng ta. Chúng ta cần phải nhìn sâu hơn và đánh giá cao rằng tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Và tôi tin rằng chúng ta có trách nhiệm chia sẻ tầm quan trọng của sự ấm áp của trái Tim nhân hậu.
Deepak Chopra nói thêm vào: “Kể từ lần cuối chúng ta gặp nhau ở New Jersey, rõ ràng rằng nhiều căn bệnh là kết quả của chứng viêm nhiễm nội tâm; và thiền định là một phương tiện để làm cho nó lắng dịu xuống.
Ngài trả lời: “Tôi rất cảm kích công việc mà quý vị đang làm. Tất cả chúng ta đều thuộc về 7 tỷ con người. Về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất chúng ta đều giống nhau, vì vậy chúng ta nên mỗi người đóng góp một cách tốt nhất có thể để làm cho nhân loại trở nên tốt đẹp hơn và hạnh phúc hơn. Chúng ta nên cố gắng làm cho thế kỷ 21 này khác với thế kỷ 20, thời kỳ bị tàn phá bởi bạo lực, thời kỳ mà các nhà khoa học lỗi lạc chỉ biết cống hiến cho việc cải tiến vũ khí. Sự bùng nổ của chiến tranh và giết chóc mà chúng ta thấy ở đây ngày nay là hậu quả của lối suy nghĩ cổ hũ rằng các vấn đề có thể được giải quyết thông qua việc sử dụng vũ lực. Thay vào đó, chúng ta nên thừa nhận những sự quan tâm và ý tưởng khác nhau của mình và biến thế kỷ này thành một thế kỷ đối thoại.
Khi trả lời các câu hỏi của nhóm, Ngài giải thích rằng, cũng giống như chúng ta không thể khẳng định rằng một loại thuốc là tốt nhất cho tất cả mọi người, bởi vì những gì cần thiết sẽ phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng và bệnh tật của bệnh nhân, chúng ta không thể nói rằng một tôn giáo truyền thống cụ thể nào là tốt nhất. Những người khác nhau có thể tìm thấy những truyền thống và sự thực hành khác nhau hiệu quả hơn đối với họ. Người Tây Tạng theo truyền thống Nalanda, có nghĩa là họ nghiên cứu các tác phẩm của nhiều bậc thầy khác nhau; và Ngài đã chỉ ra những hình vẽ được miêu tả trong các bức tranh treo khắp phòng. Họ đã phân tích và nghiên cứu các quan điểm tương phản, giúp cho sự hiểu biết được sâu sắc hơn. Ngài nói thêm - đối với cá nhân, điều quan trọng là tìm ra một phương pháp thực hành giúp giải quyết được những cảm xúc tiêu cực.
Được yêu cầu nêu tên một nhà lãnh đạo thế giới mà Ngài ngưỡng mộ, Ngài đã đề cập đến Mahatma Gandhi - người - mặc dù được tiếp nhận một nền giáo dục hiện đại cao thâm; đã trở về Ấn Độ - nơi ông ăn mặc như một người Ấn Độ bình thường và gây dựng tinh thần “ahimsa” hay còn gọi là “bất bạo động” trong cuộc đấu tranh vì tự do. Ngài cũng thừa nhận Rajendra Prasad, Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ và Willy Brandt, người đã duy trì liên lạc với Liên Xô ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Được thỉnh cầu để giải thích làm thế nào để trở nên từ bi trong khi bị sai lầm, Ngài khuyên rằng, bạn nên nhận ra rằng tất cả chúng ta chỉ là con người. Ngài tuyên bố rằng Ngài đã tìm thấy một phương pháp hữu ích lớn lao như vậy trong cuộc sống của mình. Bất cứ ai Ngài gặp gỡ Ngài cũng cảm thấy giống như mình, một người mà Ngài có thể coi là anh chị em. Khi nghĩ về các quan chức Trung Quốc ở Tây Tạng, những người đã áp đặt bao nhiêu nỗi khó khăn lên nhân dân Tây Tạng, Ngài đều tự nhắc nhở mình rằng, họ cũng là con người. Là động vật xã hội, con người phụ thuộc vào cộng đồng nơi họ sinh sống, đó là lý do tại sao Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ghi nhớ sự đồng nhất của nhân loại.
Ngài tiếp tục thảo luận về bất bạo động; và thật lãng phí khi dành tài năng và nguồn lực để phát triển, sản xuất và buôn bán vũ khí. Ngài kể lại một cuộc họp của những người đoạt giải Nobel Hòa bình ở Rome và bị sốc bởi một sự mô tả về hậu quả của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ngay lập tức, Ngài đề nghị rằng, một thời gian biểu nên được thiết lập để loại bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tuy nhiên, Ngài nói, điều cần thiết là không từ bỏ sự nỗ lực, không chỉ ở cấp độ của các nhà lãnh đạo và các tổ chức như Liên Hợp Quốc, mà còn ở cấp độ công cộng thông thường.
Ngài nói, là anh chị em, chúng ta phải hành động! hãy cố gắng từng bước, từng bước mang lại một thế giới hòa bình.
Đối mặt với nền giáo dục hiện đại, chủ yếu là mục tiêu vật chất, Ngài khuyên nên bổ sung thêm vào các hướng dẫn về lời khuyên vệ sinh thân thể, về vệ sinh cảm xúc và cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Trẻ em có thể được dạy dỗ để nhận ra rằng sự tức giận và sợ hãi sẽ phá hỏng sự bình yên trong tâm hồn của chúng ta; trong khi những cảm xúc tiêu cực khác phá vỡ sự hòa hợp trong gia đình. Ngài lưu ý rằng sự hiểu biết của người Ấn Độ cổ đại về hoạt động của tâm thức và cảm xúc vẫn có liên quan và hữu ích ở mức độ thực tế ngày nay.
Ngài bổ sung thêm: “vào đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học chỉ thể hiện sự quan tâm đến việc tìm hiểu về việc bộ não khác biệt với tâm thức. Dần dần, một số người trong số họ đã nhận ra rằng có những cấp độ khác nhau của tâm thức - ý thức giác quan tỉnh thức, ý thức lúc trạng thái đang mơ, ý thức tỉnh giác tinh tế hơn trong trạng thái giấc ngủ sâu và vân vân. Một số thiền giả đã trải nghiệm những cấp độ tâm thức khác nhau trong thiền định, trong khi các nhà khoa học đã bắt đầu thấy được những tâm thức ấy ảnh hưởng đến não như thế nào.
Ở trường học, chúng ta không chỉ cần dạy về năng lực thể xác mà còn cả về năng lực tinh thần. Nói chung, Ấn Độ hiện đại chú ý quá ít đến loại hiểu biết này, nhưng tôi cam kết khuyến khích sự hồi sinh của kiến thức Ấn Độ cổ đại ở đất nước này. Tôi tin rằng Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể kết hợp được nền giáo dục hiện đại với kiến thức Ấn Độ cổ đại về tâm thức và cảm xúc; và chia sẻ nó với thế giới rộng lớn hơn.