Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã gặp 15 nhà giáo dục từ Ấn Độ, Đức, Brazil, Mexico, Phần Lan, Mỹ, Úc, Bangladesh, Anh và Nga, đang tham gia một hội nghị bàn tròn ban đầu về chủ đề, "Giáo dục con người trong thiên niên kỷ thứ 3".
Sau khi Ngài vào phòng và yêu cầu mọi người có mặt thư giãn, Điều phối viên Dự án, Margarita Kozhevnikova giải thích rằng hội nghị hiện tại là để chuẩn bị cho một diễn đàn thế giới về giáo dục. Bà đã vạch ra bốn lĩnh vực của sự quan tâm: chính sách giáo dục, làm người, giáo dục cho dân chủ và giáo dục định hướng con người. Cô giới thiệu Scott Webster - điều phối viên cho chương trình buổi sáng. Ông đã tóm tắt những gì đã được thảo luận cho đến nay.
Ông thưa với Ngài rằng, theo như các nhà giáo dục quan tâm, thì mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn. Các trường học và trường đại học đang ngày càng tập trung vào việc đào tạo sinh viên về các kỹ năng cho công việc. Sự hưng thịnh của con người không được giải quyết. Nếu các giá trị xuất hiện, thì nó chỉ liên quan đến công việc và là một công nhân chứ không phải là một con người. Giáo dục đang bị làm giảm đi những gì có thể được đo lường. Giáo viên cảm thấy họ không thể trở nên sáng tạo, vậy nên cơ hội cống hiến cho nền giáo dục nhân loại đã bị mất. Các chính sách chi phối điều này được viết bởi chính phủ hoặc bởi các doanh nhân, không phải bởi các nhà giáo dục chuyên nghiệp.
Có một sự đồng thuận giữa các nhà giáo dục rằng, có nhiều nhu cầu cần phải trở thành một con người hơn là một thành phần kinh tế như một công nhân hoặc người tiêu dùng. Kiến thức và kỹ năng có vai trò, nhưng cũng cần có các giá trị của nó nữa. Sau các cuộc thảo luận của họ, những người tham gia cuộc hội nghị nói rằng chúng ta cần phải hành động.
Liên quan đến vấ đề dân chủ - nó dường như đại diện cho sự tự do của con người với nhân phẩm, công bằng và hoà nhập. Một lối sống đạo đức đang bị tấn công khi đối mặt với chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy, có xu hướng bị loại trừ. Các Nhà Giáo rất mong muốn được nhìn thấy nền dân chủ được khôi phục và củng cố.
Về phương pháp sư phạm và cách để cho học sinh tiến bộ, những người tham gia đã lưu ý rằng việc đặt câu hỏi có thể giúp chúng ta trở thành con người tốt hơn.
Webster hỏi Đức Ngài về chính sách giáo dục có thể bị thách thức như thế nào, con người nghĩa là gì, liệu Ngài có cho rằng nền dân chủ đại diện cho sự hưng thịnh của con người; và ý nghĩa của việc trở thành một nhà giáo dục.
Ngài trả lời: “Nếu giáo dục được cho là đã tạo ra những cá nhân sống một cuộc sống hạnh phúc, trong những cộng đồng hạnh phúc, trong một thế giới hạnh phúc, thì dường như đã thất bại. Tất cả chúng ta đều muốn sống một cuộc sống hạnh phúc, và mỗi ngày trên tivi chúng ta có thể thấy mọi người phải đối mặt với những vấn đề rắc rối. Không thể tưởng tượng được rằng đã có những sự xung đột nhân danh tôn giáo.
Trước khi bước vào hệ thống giáo dục, bản chất con người cơ bản của các cháu bé là tươi mới vui vẻ. Chúng không quan tâm đến các vấn đề về tôn giáo, chủng tộc hoặc quốc gia của những người bạn chơi của mình. Triển vọng cơ bản của chúng là từ bi. Trẻ em sống sót được là nhờ vào sự quan tâm và lòng tốt của người mẹ, điều này mang lại cho các cháu cảm giác an toàn suốt đời. Bởi vì chúng ta là những động vật xã hội, các cá nhân tồn tại trong sự phụ thuộc vào một nhóm tập thể. Tuy nhiên, một khi trẻ em đã đi học thì không còn chú ý nhiều đến các giá trị cơ bản của con người.
Giáo dục hiện đại phát triển ở phương Tây với sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp và nhu cầu lớn hơn của mọi người về việc hiểu biết toán học và khoa học. Mục tiêu của nó có xu hướng mang tính vật chất, ít quan tâm đến sự an lạc nội tâm. Học sinh không được dạy dỗ về cách giải quyết những cảm xúc tức giận, sợ hãi hoặc lo lắng. Trong trường hợp không có bất kỳ giải pháp nào khác, họ chuyển sang tìm đến ma túy và rượu chè để giảm bớt những cảm xúc này. Chúng ta dạy dỗ về vệ sinh thân thể ngay từ khi các cháu còn thơ ấu. Cũng như thế, chúng ta cần giáo dục các cháu có ý thức về vệ sinh cảm xúc. Quý vị có thể thực hiện một sự khởi đầu đơn giản bằng cách hỏi trẻ em xem các cháu thích nhìn thấy những nụ cười hay thích nhìn những sự cau mày nhăn nhó.
Theo đuổi lợi ích cá nhân là điều hợp pháp, nhưng chúng ta cần phải quan tâm thực hiện điều đó một cách thông minh hơn là dại dột. Để có được hạnh phúc, chúng ta cần một thái độ tích cực và phương pháp thực hiện tốt nhất; đó chính là thể hiện sự quan tâm đến những người khác, là chăm sóc các thành viên khác trong cộng đồng. Sự Giáo dục nên giải thích về cách làm thế nào để phát triển sự an lạc trong tâm hồn và duy trì sức mạnh nội tâm.
Ở Ấn Độ, chúng ta có truyền thống ‘ahimsa’ (bất bạo động), và ‘karuna’ (tâm từ bi), và các phương pháp thực hành để nuôi dưỡng một tâm thức định tĩnh và sáng suốt - ‘shamatha’ (thiền chỉ), và ‘vipashyana’ (thiền quán) - tâm thức thì rất quan trọng! Không những chỉ ở cấp độ cảm giác mà còn ở cấp độ ý thức tinh thần. Sự tức giận và sợ hãi phát sinh ở mức độ tinh thần. Nếu chúng ta có một bản đồ tâm thức, một bản đồ của những cảm xúc, thì chúng ta sẽ hiểu được hoạt động của tâm thức tốt hơn nhiều; và chúng ta có thể xử lý được những cảm xúc tiêu cực.
Sự tức giận, sợ hãi và ái trọng tự thân là những điều phá hủy sự an lạc nội tâm của chúng ta. Quan sát vật lý lượng tử cho thấy rằng không có gì tồn tại giống như nó xuất hiện cả, điều này giống với những gì mà Ngài Long Thọ đã dạy, có thể giúp chúng ta nới lỏng sự kìm kẹp của những cảm xúc tiêu cực này. Bây giờ tôi đã 84 tuổi rồi; và tôi đã suy tư về trí tuệ liễu ngộ tánh Không, lòng từ bi, và nuôi dưỡng tình yêu thương vô hạn trong 70 năm qua. Tôi thấy điều này rất hữu ích trong việc đảm bảo sự an lạc nội tâm. Và mặc dù các sự hướng dẫn về những điều này sẽ được tìm thấy trong các bản văn tôn giáo, nhưng chúng có thể được coi là phương tiện để có được sức khỏe tốt hơn và nghiên cứu một cách khách quan theo phương pháp học thuật.
Khi hệ thống giáo dục tập trung vào các mục tiêu vật chất, và vì giáo dục hiện đại thì quá thường xuyên về điều này, cho nên những người được nuôi dưỡng theo nó đều có xu hướng đi theo lối sống duy vật. Ở Ấn Độ, tôi đang cố gắng làm hồi sinh lại sự quan tâm đến sự kiến thức cổ xưa về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Tôi hy vọng rằng về lâu dài Ấn Độ sẽ có thể kết hợp kiến thức cổ xưa này với nền giáo dục hiện đại. Nếu chúng ta có thể đào tạo giáo viên để thúc đẩy ‘ahimsa’, và‘ karuna’, chúng ta có thể có một sự đóng góp đáng kể cho một thế giới hòa bình hơn. Họ cũng có thể biết rằng, có thể nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi thông qua việc áp dụng trí thông minh dựa trên những phát hiện khoa học và cảm giác thông thường.
Cuộc hội nghị như thế này xác nhận rằng nền giáo dục hiện đại là chưa đủ. Và vì lý do đó, tôi hy vọng các cuộc thảo luận sẽ được tiếp tục trong tương lai.
Trả lời cho các câu hỏi, Đức Ngài đã chỉ ra rằng, nền dân chủ bắt nguồn từ việc có ý thức quan tâm đến người khác và tôn trọng quan điểm của họ, tương tự như mối quan tâm của một giáo viên dành cho học sinh của mình. Ngài khẳng định rằng, vì con người cần phải sống với nhau như anh chị em, cho nên cách giải quyết xung đột thích hợp nhất là tham gia đối thoại và tránh sự bạo lực và sử dụng vũ lực.
Thừa nhận rằng sự nóng lên toàn cầu và khủng hoảng khí hậu là điều nghiêm trọng như thế nào, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã báo cáo rằng một nhà sinh thái học Trung Quốc đã gợi ý với Ngài rằng sau 80 năm nữa thế giới sẽ giống như một sa mạc. Ngài lưu ý rằng tài nguyên nước đã bị giảm đi một cách đáng báo động. Ngài khẳng định rằng các giải pháp sẽ liên quan đến việc mọi người sửa đổi lối sống của họ, từ bỏ các nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngài tuyên bố: “Nhân loại là một cộng đồng, và chúng ta phải sử dụng trí thông minh của mình để quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Để cho nền dân chủ được thành công thì sẽ phải phụ thuộc vào động lực của chúng ta và việc sử dụng trí thông minh tuyệt vời và tấm lòng từ ái nhiệt thành của chúng ta.
Vào lúc kết thúc hội nghị, Margarita Kozhevnikova đã đề cập rằng, nhiều nhà giáo dục muốn truyền đạt giá trị con người cho học trò của mình, nhưng họ tìm thấy những điều như thế rất ít trong hệ thống chương trình giảng dạy. Thay vào đó, chúng được áp dụng để cung cấp những kết quả thành công dưới dạng kết quả thi và kiểm tra cao.
Hoà Thượng Samdhong Rinpoche vui mừng chia sẻ với mọi người rằng, giấy phép đã được công bố cho việc khai giảng khóa đào tạo giáo viên sáu tháng về kiến thức Ấn Độ cổ đại kết hợp với Đại học Dharamsala. Cũng sẽ có 2-3 ngày hội thảo đào tạo để giúp cho họ quen thuộc hơn với đạo đức thế tục. Hy vọng rằng 2000 giáo viên sẽ có được sự lợi ích. Các kế hoạch đang được tiến hành để giới thiệu các phạm vi hoạt động của kiến thức Ấn Độ cổ đại trong các trường học từ tiểu học đến lớp 8.
Margarita Kozhevnikova cảm ơn Ngài đã dành thời gian để nói chuyện với những người tham gia hội nghị. Trong lời cảm ơn lại cô về việc đã tổ chức cuộc hội nghị này, Ngài nói với cô rằng, Ngài coi Nga là chiếc cầu nối giữa Đông và Tây. Ngài kết luận rằng, để xây dựng một thế giới hòa bình tốt đẹp hơn - hơn bao giờ hết - chúng ta cần sử dụng trí thông minh của mình cho các mục tiêu hòa bình hơn là để sản xuất các loại vũ khí tinh vi.
Ngài đã mời tất cả những người tham dự và quan sát viên cùng tham gia bữa cơm trưa chung với Ngài.