Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Sau cơn mưa đêm qua, bầu trời trở nên rực rỡ hơn khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma quang lâm đến gặp gỡ các Đại diện Cộng đồng, Nhân viên và Học sinh của Tong-Len - một tổ chức từ thiện nhỏ làm việc với các cộng đồng Ấn Độ ở khu vực xung quanh Dharamsala. Tong-Len nhằm mục đích giúp các cộng đồng vô gia cư này đạt lại được các quyền cơ bản của con người và phá vỡ cái vòng lẩn quẩn của sự bị mất đi quyền lợi ấy - thông qua hệ thống giáo dục. Để chấm dứt tình trạng này, tổ chức từ thiện đã thành lập trường học riêng của mình và cung cấp chỗ ở ký túc xá cho những trẻ em cần nhất.
Ngài đã chào đón hai chục vị khách khi Ngài bước vào phòng. Ngài nói với họ rằng, cho đến nay Ngài có thể nhớ Tong-Len là sáng kiến của Hoà Thượng Jamyang, một Tăng sĩ Tây Tạng, người lúc ấy đang viếng thăm Dharamsala để tham dự Pháp Hội và thiền định. Ông để ý thấy rằng những đứa trẻ từ khu ổ chuột đã đi xin ăn và lượm rác, mà không được học hành, thế nên Ông đã quyết định là nên làm một điều gì đó.
Ngài giải thích: Con người của chúng ta có một bộ não rất đặc biệt và chúng ta cần phải được giáo dục để cho nó phát triển đúng cách. Tuy nhiên, đôi khi giáo dục được thúc đẩy bởi sự ích kỷ, tức giận và sợ hãi. Điều đó chỉ tạo ra thêm những rắc rối mà thôi. Nếu chúng ta chỉ giáo dục não bộ không thôi, thì chưa hẳn đã có thể mang lại sự an lạc trong tâm hồn. Điều đó thật rõ ràng. Giáo dục cần phải được kết hợp với sự ấm áp của lòng từ ái, với một động lực chân thành, bi mẫn. Khi trí tuệ và từ bi được kết hợp, thì cá nhân ấy sẽ hạnh phúc và an lạc hơn với chính mình. Bất cứ nơi nào vị ấy sống, gia đình của vị ấy sẽ được lợi lạc và kết quả là cộng đồng rộng lớn hơn cũng sẽ được lợi lạc.
Hôm qua, tôi đã được tặng một chiếc bánh sinh nhật thật lớn, và hôm nay tôi muốn chia sẻ nó với quý vị.
Tôi thấy rằng, ngoại trừ một người ủng hộ là người Úc, còn lại hầu hết quý vị là người Ấn Độ. Tôi thường suy ngẫm rằng, trong số ba nền văn minh cổ đại vĩ đại của Ai Cập, Trung Quốc và Thung lũng Indus, chính văn hóa Thung lũng Indus đã phát triển sự hiểu biết thấu đáo về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Việc thực hành bất bạo động và lòng từ bi ‘ahimsa’ và ‘karuna’ đã xảy ra như một hệ quả. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là sự thành tựu của pháp thực hành này và đã tạo ra những sự phát triển của nền triết học trọng đại.
Tuy nhiên, tôi không bao giờ nói rằng Phật giáo là một truyền thống tâm linh hay nền triết học tốt nhất, vì chúng ta không thể nói rằng loại thuốc này hay loại thuốc kia là tốt nhất trong mọi trường hợp. Nó tốt hay không là còn phụ thuộc vào những nhu cầu mà bệnh nhân cần đến. Thế nên, giữa những truyền thống triết học và tâm linh khác nhau của chúng ta, những gì phù hợp với khuynh hướng tâm linh của người này có thể sẽ không phù hợp với người khác. Nó phụ thuộc vào những gì mà họ thấy hữu ích. Tuy nhiên, sự thật là các bậc thầy Phật giáo vĩ đại như các ngài Long Thọ, Vô Trước, Trần Na, Pháp Xứng, Phật Hộ và Nguyệt Xứng đều là người Ấn Độ, cho nên có lẽ có điều gì đó đặc biệt về bộ não Ấn Độ.
Bạn của tôi - nhà vật lý hạt nhân - Raja Ramana, đã chỉ ra rằng, thuyết vật lý lượng tử là tương đối mới ở phương Tây, nhưng nhiều ý tưởng của nó đã được dự đoán ở Ấn Độ từ 2000 năm trước. Chìa khóa cho vấn đề này là Hai Sự Thật (Nhị Đế): sự thật thông thường (Tục Đế) và sự thật tối hậu (Chân Đế) và ý tưởng “sự xuất hiện bề ngoài không phù hợp với thực tế”. Thế nên các bạn trẻ Ấn Độ có rất nhiều điều đáng để tự hào.
Ngài giải thích rằng, trong khi Ấn Độ hiện đại có xu hướng đi theo con đường vật chất hóa của phương Tây, thì Ấn Độ cổ đại có kiến thức sâu sắc về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc, và một quan điểm rõ ràng về thực tế bắt nguồn từ logic và lý luận. Theo lời khuyên của Đức Phật: không chấp nhận những lời dạy của Ngài qua giá trị bề mặt, mà phải tìm hiểu, nghiên cứu, kiểm tra kỹ lưỡng như một người thợ kim hoàn thử vàng - các Ngài Long Thọ, Trần Na và Pháp Xứng đã xem xét kỹ các giáo lý của Ngài. Phương pháp của họ rất là khoa học.
Ngài đã đề cập đến các cuộc thảo luận mà Ngài đã tổ chức với các nhà khoa học hiện đại trong hơn 40 năm qua. Ngài nói rằng Ngài cũng đã nghe nói về việc các giáo sư trong các trường đại học Trung Quốc đã bị ấn tượng bởi nội dung của những cuốn sách được chuẩn bị ở Dharamsala liên quan đến khoa học và triết học trong kinh điển Phật giáo. Ngài nhận xét rằng, nền giáo dục được người Anh để lại cho Ấn Độ để hướng dẫn họ về mặt đạo đức, nếu ở bất cứ nơi đâu; nhưng nó không có bất kỳ ý tưởng nào về phương pháp để đạt được sự bình yên trong tâm hồn. Ấn Độ cổ đại rất thành thạo trong sự thực hành để phát triển một tâm thức định tĩnh và trí tuệ sâu sắc về sự thật, ‘shamatha’ (thiền chỉ), và ‘vipashyana’ (thiền quán), nhưng những truyền thống này hầu như đã bị lãng quên trong thời Ấn Độ hiện đại. Đây là lý do tại sao Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cam kết khôi phục lại các truyền thống này - nếu có thể; và Ngài đã khuyến khích người Ấn Độ nên kết hợp các kỹ năng cổ xưa và hiện đại trên cơ sở của phương pháp thế tục. Chúng có thể phù hợp với tất cả mọi người. Sự an lạc nội tâm của mọi người là vấn đề của toàn nhân loại.
Ấn Độ có tiềm năng to lớn trong việc mang lại một thế giới hòa bình hơn. Mahatma Gandhi không phải là một triết gia vĩ đại, nhưng ông đã cho thấy được việc thực hiện tinh thần bất bạo động ‘ahimsa’ là điều có thể thực thi như thế nào. Tôi đã được thuyết phục rằng, sự kết hợp giữa ‘ahimsa’ (bất bạo động) và những kiến thức hiểu biết về vật lý lượng tử có thể đóng góp cho một thế giới hòa bình hơn. Đây là một cơ hội thật tuyệt vời, xin làm ơn hãy suy ngẫm về điều này!
Như quý vị đã có thể biết, ‘tong-len’ được hiểu theo nghĩa đen có nghĩa là ‘cho’ và ‘nhận’; với sự quán tưởng hình dung về sự hoán đổi - dâng hiến cho người tất cả những điều may mắn, hạnh phúc, những phẩm chất tích cực, tốt đẹp mà quý vị đang có; và đón nhận tất cả những nỗi đau thương, tiêu cực, bất hạnh, khốn khổ của tha nhân. Tôi thấy pháp thực hành ấy rất hữu ích.
Vào năm 2008, tin tức đã đến với chúng tôi ở đây về các cuộc biểu tình diễn ra ở Lhasa. Tôi e ngại rằng phong trào nổi dậy bạo lực đã nổ tung vào năm 1959 sẽ bị lặp lại, nhưng tôi cảm thấy bất lực. Tôi không có thể làm được gì. Thế nên tôi đã thực hành ‘tong-len’ (cho và nhận). Tôi quán tưởng đến việc lấy đi những sự căm giận và lòng thúc giục trả thù của người Tây Tạng đối với các quan chức Trung Quốc; và ban cho họ sự kiên nhẫn và lòng từ bi. Sự thực hành này không có tác dụng thực tế trên nền tảng cơ bản, nhưng nó giúp tôi cảm thấy yên tâm hơn.
Tương tự, trong một dịp khác, khi tôi bị bệnh ở Bồ Đề Đạo Tràng và phải đi xe đến Patna để điều trị. Khi đi đến ngoại ô thành phố, tôi thấy một ông già ốm yếu, bệnh tật nằm trên một chiếc giường đơn sơ, không có bạn bè và không được chăm sóc. Một lần nữa, tôi không thể giúp đỡ trực tiếp được gì; nhưng sau đó, trong cơn đau ở trong phòng, tôi đã hình dung quán tưởng về việc mình nhận lấy sự đau khổ và nỗi cô đơn của Ông cụ ấy và dâng hiến cho ông sự khoẻ mạnh, thoải mái; cách thực hành đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
Các học sinh của Tong-Len đã cung đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với lời chào “Namaste” (Xin chào - tiếng Ấn Độ), “Tashi Delek” (Xin chào - tiếng Tây tạng) và “Happy Birthday” (Chúc mừng sinh nhật). Họ tụng vang lời cầu nguyện của Ấn Độ dâng lên Ngài bằng tiếng Hindi, sau đó là lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Tạng được dịch sang tiếng Anh, dòng cuối cùng là, “Nguyện cầu Ngài có thể trụ ở đời cho đến khi cõi luân hồi này chấm dứt!”
Ngài đã trả lời, “Kể từ khi tôi được sinh ra ở Tây Tạng, tôi là người Tây Tạng, nhưng mỗi tế bào trong não của tôi được chứa đầy tư tưởng của người Ấn Độ, vì vậy về mặt tinh thần tôi thực sự là người Ấn Độ. Tôi đã cố gắng thúc đẩy tinh thần bất bạo động và lòng từ bi, điều mà tôi bị thuyết phục đã có liên quan đến thế giới ngày nay. Duy trì sự an lạc nội tâm có nghĩa là bạn sẽ điềm tĩnh và không bị phiền não quấy rầy. Trên cơ sở này, tôi đã cam kết khôi phục lại kiến thức Ấn Độ cổ đại và quý vị có thể giúp tôi thực hiện điều này.
Bây giờ tôi đã 84 tuổi rồi và tôi có thể sống cho đến khi tôi 94 hoặc thậm chí đến 100 tuổi. Nhưng tôi đã già, trong khi quý vị vẫn còn trẻ. Khi giới thiệu những ý tưởng này, tôi đã nói về thế hệ tiếp theo và các thế hệ sau đó, để những người thuộc thế kỷ 21 có thể truyền đạt lại cho thế kỷ 22 và 23. Đã hơn 2000 năm kể từ khi Đức Phật còn tại thế ở Ấn Độ, nhưng giáo lý của Ngài vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Người Tây Tạng chúng tôi đã giữ gìn cho truyền thống Nalanda vẫn được sống còn. Thông qua sự nghiên cứu và thực hành mà những tư tưởng của Đức Phật vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay.
Nếu như thế giới được trở nên từ bi hơn, thì nó cũng có thể trở nên phi quân sự. Điều đó phụ thuộc vào các cá nhân phát triển sự giải trừ vũ khí trong nội tâm của họ, điều này làm phát khởi lòng nhân ái, tâm từ bi, và giải trừ vũ khí bên ngoài. Đây mới thật sự là ‘ahimsa’ (bất bạo động). Xin cảm ơn quý vị!”
Sau đó, một đại diện của sinh viên cao cấp đã đọc một bản tri ân trước khi dâng lên cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma một bản sao đã được đóng khung.
“Kính bạch Đức Ngài! chúng con là những sinh viên cao cấp và nhân viên của Tong-len và đại diện của các cộng đồng khu ổ chuột. Chúng con ở đây xin bày tỏ lòng thành kính tri ân đối với triết lý và sự hỗ trợ của Ngài! Và nhân dịp ngày sinh nhật của Ngài, chúng con xin kính chúc trên Ngài luôn được trường thọ!
Chúng con được sinh ra trong khu ổ chuột. Chúng con không có tài nguyên cơ bản, không có quyền lợi, không được tôn trọng. Chúng con không có thức ăn, hoặc có được rất ít ỏi. Một số người trong chúng con đã sắp chết. Một số người bạn của chúng con đã qua đời vì những căn bệnh đơn giản, thiếu sự chăm sóc y tế, và vì tiếp xúc với các yếu tố độc hại. Bạn bè và gia đình của chúng con vẫn đang sống với những khó khăn này.
Triết lý của Ngài về lòng tử tế và tâm từ bi đã truyền cảm hứng cho một vị Tăng Sĩ đã thành lập nên tổ chức “Tong-len” này, đã được Ngài và Hội Đạt Lai Lạt Ma hỗ trợ, Tong-len đã giải cứu chúng con. Chúng con đã được chăm sóc sức khỏe, có được thực phẩm, có nơi ăn chốn ở và được học hành. Nhờ vào sự hỗ trợ của Ngài mà 333 đứa trẻ đang thay đổi cuộc sống của chúng.
Chúng con đã từng đi ăn xin và nhặt rác, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Ngài và tổ chức Tong-len, nên chúng con đã đạt được những kỳ tích đáng ngạc nhiên như được tốt nghiệp bằng cấp ba. Chúng con thành kính tri ân Ngài về tâm từ ái, lòng bi mẫn, sự truyền cảm hứng và tầm nhìn của Ngài. Chúng con rất biết ơn Tong-len vì đã nhìn thấy nhu cầu cần thiết của chúng con và cho chúng con sự hy vọng và một tương lai tươi sáng. Chúng con là những ví dụ điển hình về sự thay đổi.
“Kính bạch trên Đức Ngài! tầm nhìn của Ngài về đạo đức thế tục đã thay đổi cách suy nghĩ của chúng con, và truyền cảm hứng cho chúng con trở thành những con người tốt. Sự học tập thông qua đạo đức thế tục đã giúp chúng con tìm hiểu về nhân loại chung của chúng ta, và biết được niềm tôn trọng là quan trọng như thế nào đối với tất cả mọi người. Gia đình Tong-len là một nhóm đa dạng, và tất cả mọi người trong cộng đồng của chúng con đều được tôn trọng như nhau bất kể tôn giáo, đẳng cấp và giới tính. Khái niệm này đã trao quyền cho chúng con. Chúng con đã có được sự chấp nhận bản thân mình, sự chín chắn trưởng thành về cảm xúc, sự bao dung và sự can đảm để có thể ngẩng cao đầu. Con cháu của Tong-len có một tương lai tích cực và muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành.
Tầm nhìn của Ngài về một cộng đồng toàn cầu là một món quà cho thế hệ của chúng con; và chúng con cảm thấy phải có trách nhiệm truyền bá các khái niệm và triết lý này cho toàn cộng đồng. Dưới sự hỗ trợ của Hội Đạt Lai Lạt Ma, chúng con đã làm việc trong cộng đồng để phát triển một xã hội đạo đức thông qua giáo dục và nhận thức. Thông qua các dự án “lòng tử tế” của chúng con, chúng con hy vọng sẽ biến Dharamsala thành một “thành phố tử tế”. Chúng tôi cũng đang làm việc trong các khu ổ chuột để giúp đỡ về mặt vệ sinh, giáo dục và nơi ở. Con cháu của Tong-len cam kết sống thông qua tầm nhìn của Ngài để đảm nhận các trách nhiệm phổ quát và xoá giảm các vấn đề xã hội.
Nhân dịp sinh nhật của Ngài, thay mặt cho các cộng đồng khu ổ chuột ở Thung lũng Kangra, trẻ em và nhân viên của Tong-len, chúng con muốn kính dâng lên Ngài món quà này để bày tỏ lòng thành kính tri ân về nguồn cảm hứng của Ngài, và những cam kết bất diệt của Ngài về việc làm cho thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn và hài hòa hơn. Với sự hỗ trợ này, Đức Ngài đã giúp chúng con thoát khỏi vòng nghèo khó và cho chúng con niềm hy vọng và một tương lai tươi sáng. Chúng con nguyện cầu Ngài luôn được trường thọ để giúp xoá giảm sự nghèo khổ trên thế giới, và tạo ra sức khỏe và hạnh phúc cho toàn nhân loại; và nguyện cầu cho tầm nhìn của Ngài về sự hòa hợp và lòng từ bi của thế giới được trở thành hiện thực.