New Delhi, Ấn Độ - Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ở Delhi để Ra mắt Toàn Cầu về chương trình "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" (SEEL) được phát triển tại Đại học Emory, Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để bắt đầu ngày hôm nay, Ngài đã gặp gỡ Venkat Krishnan, người sáng lập nên Daan Utsav - Lễ hội Ban Tặng - người đã thỉnh cầu Ngài gửi một thông điệp đến cho tất cả những ai sẽ tham gia Tuần lễ Niềm Vui từ ngày 2 đến ngày 8 tháng 10 năm nay. Krishnan nói với Ngài rằng, “Chúng tôi muốn mọi người nhận ra rằng, việc có Tâm Từ Bi đối với người khác sẽ không khiến cho bạn phải buồn bã, điều đó làm cho bạn vui vẻ hạnh phúc. Ngài đáp lại rằng, “Chúng ta là những động vật xã hội, về mặt sinh học, chúng ta cần karuna hay còn gọi là lòng từ bi; và chừng nào chúng ta còn có lòng từ bi thì chúng ta sẽ khỏe mạnh về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Đây là điều mà các nhà khoa học đã phát hiện ra. Việc khuyến khích để nhiều người trải nghiệm hơn về điều này là cách tốt nhất để tạo ra những cá nhân, gia đình, cộng đồng hạnh phúc và thực tế là một nhân loại hạnh phúc hơn.
Lễ hội “Niềm vui của sự Ban tặng” là rất quan trọng vì trong thời gian đó chúng ta được nhắc đến Tâm Từ Bi; nhưng thực ra chúng ta cần phải duy trì giữ gìn nó quanh năm.
Sau đó Ngài đã gặp khoảng 80 sinh viên và giáo viên từ các quốc gia Nam Á, những người đại diện cho 300 sinh viên đang tham gia hội thảo về các giá trị phổ quát và đạo đức thế tục. Rajiv Mehrotra, Thư ký của Hội Trách nhiệm Toàn cầu, đã tổ chức các hội thảo, phát biểu lời giới thiệu.
Ông cho biết mục đích là tăng cường năng lực cho những người trẻ tuổi để phát triển lòng từ ái, trách nhiệm toàn cầu và tôn trọng tính đa dạng. Học sinh từ Nam Á được khuyến khích nắm lấy các vị trí có thể chấp nhận được theo truyền thống đức tin cũng như không có đức tin, liên quan đến các vấn đề vượt lên trên sự phân chia tôn giáo và sắc tộc. Ông chỉ ra rằng vì sự khác biệt trong các chương trình thẩm thấu được sự cảm hứng của các cá nhân cho nên cần thiết để tăng cường sự thay đổi chuyển hoá.
Mehrotra mô tả sự giáo dục về các giá trị nội tâm là một quá trình suốt đời; và cho rằng các trường học và cao đẳng có thể hoạt động như những nơi chữa lành có thể ngăn chặn sự phát triển của hận thù và sợ hãi. Thật ra các trường học này có thể trở thành những nơi để phát triển chân lý sự thật.
Ngài trả lời “Khi tôi nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình, tôi đã dành một nửa số tiền thưởng cho Baba Amte để hỗ trợ công việc tuyệt vời mà ông ấy đang làm để giúp đỡ những người phong cùi trong đạo tràng của mình. Nửa còn lại tôi đã trao cho Tổ chức Trách nhiệm toàn cầu và yêu cầu Rajiv thực hiện hoạt động với chương trình này, trong số những chương trình khác mà ông ta đang thực hiện. Trẻ em không hề quan tâm đến sự khác biệt của tôn giáo hoặc quốc tịch. Nhưng sau khi bước vào hệ thống giáo dục, các cháu đã học cách nhấn mạnh xem trọng những sự khác biệt đó. Trong khi đó, nền giáo dục ngày nay không đề cập nhiều về các giá trị nội tâm.
Tuy nhiên, đất nước này có truyền thống lâu đời về ahimsa và karuna, bất bạo động và lòng từ bi. Và những sự thực hành của shamatha (thiền chỉ) và vipashyana (thiền quán) đã làm phát sinh sự hiểu biết về cách rèn luyện tâm thức. Nền giáo dục hiện đại đã làm một công việc thật tuyệt vời để cung cấp cho sự phát triển về phương diện vật chất, nhưng nó lại bỏ qua khía cạnh khác về kiến thức của con người.
Phần lớn những đau khổ trên thế giới ngày nay là do chính chúng ta tạo ra. Ai cũng muốn hạnh phúc và không ai muốn khổ đau cả. Có một vài người thực thi quyền lực và bóc lột số đông, đó là một sự tồn tại từ thời phong kiến; nhưng hiện giờ chúng ta đang sống trong một thế giới hầu hết là dân chủ, trong đó quyền lực thuộc về nhân dân. Trong một thế giới như vậy, thật là vô đạo đức khi ra lệnh cho những người khác phải ra đi và chiến đấu. Sự khác biệt giữa mọi người cần phải được giải quyết thông qua đối thoại vì chúng ta đang sống trong một cộng đồng toàn cầu. Chúng ta tham gia vào nền kinh tế toàn cầu và tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự thách thức của biến đổi khí hậu.
“Để loại bỏ vũ khí, chúng ta cần phải áp dụng phương pháp phi bạo lực theo truyền thống ahimsa và karuna của Ấn Độ. Chúng ta cần học từ mẫu giáo trở lên về cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực và cách kết hợp kiến thức về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc với sự giáo dục hiện đại. Nếu điều này có thể đạt được ở Ấn Độ, thì những nơi khác có thể làm theo.
Ngài đã trả lời cho một phụ nữ trẻ Afghanistan - người muốn biết làm thế nào tôn giáo có thể giúp chúng ta hoạt động vì hòa bình - rằng chìa khóa của điều này là nằm ở sự giáo dục; đó là điều sẽ có hiệu quả nhất. Một chàng trai trẻ đến từ Kathmandu, Nepal đã nghe nói rằng hành động với lòng từ bi sẽ đối trị được sự cô đơn và làm cho bạn được hạnh phúc. Một sinh viên Bangladesh đã học được rằng, vì những cảm xúc tiêu cực dựa trên sự vô minh thiếu hiểu biết, cho nên phương thuốc khắc phục sẽ là phát triển trí tuệ hiểu biết về sự thật. Ngài đã khuyên một phụ nữ trẻ Sri Lanka rằng đôi khi tuân theo các giá trị thế tục là phương hướng hiệu quả nhất.
Khi một thanh niên Kashmir hỏi ý nghĩa tâm linh của sự tự do, Ngài đã lưu ý rằng, các vấn đề ở Kashmir nảy sinh từ sự phân chia đất nước. Ngài nhắc nhớ lại các liên kết lịch sử giữa Tây Tạng và Kashmir. Ngài khuyên “Hãy giữ vững quyết tâm của con, nhưng đừng để cho bị sa lầy trong cảm xúc. Hãy thực tế! Hãy nhìn vào những vấn đề mà con đang phải đối mặt từ các góc độ khác nhau. Cố gắng phân biệt sự xuất hiện bên ngoài và thực tế sự thật.
Ngài khuyên một phụ nữ trẻ đến từ Manipur, Đông Bắc Ấn Độ, người muốn biết cách nuôi dưỡng hòa bình trong chính mình, hãy đọc cuốn sách “Nhập Bồ Tát Hạnh”. Ngài bảo cô hãy chú ý đến phần hướng dẫn để hoán đổi thái độ ích kỷ ái trọng tự thân cho sự quan tâm đến người khác; bởi vì nếu bạn duy trì sự ích kỷ, thì những người khác sẽ có vẻ như là thù nghịch, trong khi đó, việc xem họ như những người bạn thì sẽ là tốt hơn. Cuộc họp kết thúc với một Vị đại diện từ Sikkim thay mặt cho nhóm dâng phẩm vật lên cúng dường Ngài.
Ngay sau khi Ngài bước vào căn phòng nơi các thành viên của báo chí đã tập hợp đông đủ; người bạn cũ của Ngài - Richard Moore cũng vừa đến. Khi đề cập đến anh ta là vị anh hùng của Ngài, Ngài giải thích rằng Moore là một ví dụ sống động cho chúng ta thấy rằng bản chất của con người vốn dĩ là từ bi. Ngài kể lại rằng, khi còn là một cậu bé ở Bắc Ireland, Moore đã bị trúng đạn cao su và bị mù. Cuối cùng, anh ta tìm ra người lính Anh quốc đã bắn anh ta và anh ta đã tha thứ cho người lính ấy. Họ trở thành bạn bè và cả hai người đều làm việc để giúp đỡ những đứa trẻ khác được tìm thấy trong chiến tranh.
Trả lời các câu hỏi bằng tiếng Tây Tạng từ các phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng nói Tây Tạng, Ngài nói với họ rằng, các sự thực hành về lòng từ ái và trí tuệ là một phần của Truyền thống Nalanda là điều đáng tự hào. Những sự thực hành này đã được giữ gìn sống còn nhờ vào việc học tập và thực hành như có thể thấy được ở các Học viện được tái thiết lập ở miền Nam Ấn Độ.
Tiến sĩ Brenda Ozawa de Silva, người điều hành cuộc họp báo, đã giới thiệu thay cho Tiến sĩ Lobsang Tenzin Negi. Ông đã đề cập rằng mối quan hệ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma với Đại học Emory bắt đầu từ năm 1998 và ra mắt Chương trình đào tạo Từ bi dựa trên sự Nhận thức (CBCT). Sau đó, có sự hợp tác đang phát triển về việc Đào tạo Khoa học cho các tu viện Tây Tạng. "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" là chương trình mới nhất nhằm cung cấp một phương pháp toàn diện cho nền giáo dục toàn diện. Ông thỉnh mời Ngài lên để phát biểu nhận xét.
Ngài trả lời “Hệ thống giáo dục hiện tại không hoàn thiện, không có gì đảm bảo rằng nó sẽ mang lại hạnh phúc. Nền giáo dục nên bao gồm các phương pháp để củng cố lòng từ ái. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều truyền tải một thông điệp như vậy, nhưng trong thế giới ngày nay, ít nhất 1 tỷ người không có hứng thú với tôn giáo.
Từ trường mẫu giáo trở lên, chúng ta cần sự giáo dục để củng cố các giá trị nội tâm chứ không chỉ theo đuổi các mục tiêu vật chất. Chúng ta cần giới thiệu các bước hướng tới vệ sinh cảm xúc, cũng giống như chúng ta dạy về vệ sinh thân thể. Bằng cách này, chúng ta có thể giải quyết một số vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, với hy vọng biến thế kỷ này thành một thế kỷ phi bạo lực.
Một cố vấn chủ chốt, Tiến sĩ Daniel Goleman, đã nói chuyện với Hội chúng thông qua một kết nối video. Ông bắt đầu “Tôi cảm thấy buồn khi không được có mặt ở đó với quý vị. Khi tôi viết “Trí tuệ Cảm xúc”, tôi đã thảo luận về việc tự quản lý; trong "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" điều này đã trở thành việc nuôi dưỡng vệ sinh cảm xúc, giảm thiểu cảm xúc tiêu cực và thúc đẩy những cảm xúc tích cực. Điều này liên quan đến việc giáo dục con tim, chú ý đến sự rèn luyện và phát triển lòng từ bi.
Gần đây, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một nhóm trẻ con, mỗi cháu có một con thú đồ chơi, tại một thời điểm nhất định trong giờ học, các cháu nằm xuống với con vật trên bụng của mình. Các cháu quan sát và đếm mỗi khi con vật nhô lên và hạ xuống theo từng nhịp hơi thở của mình, và cứ như thế các cháu đã phát triển sự kiểm soát và điềm tĩnh của mình. Loại kỹ thuật này có ảnh hưởng sâu rộng đến khả năng học hỏi và cân bằng tiềm năng của trẻ.
Một sự kết hợp của từ bi và trí tuệ là điều mà thế giới đang rất cần ngay bây giờ. Để cho loài người được tồn tại sống sót sẽ cần có một sự kết hợp giữa lòng từ bi và tinh thần đồng đội. Tôi xin chúc mừng Ngài đã đạt được sự thành tựu của Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" sau 20 năm cống hiến làm việc.
Tiếp theo, cô Linda Lantieri đến từ Đại học Columbia phát biểu tại cuộc họp qua một kết nối video. “Tôi đã có một sự tham gia lâu dài với Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" hướng tới một nền giáo dục trái tim. Chúng ta cần một phương pháp bất bạo động như vậy trong thế giới ngày nay. Chúng ta sẽ thấy một sự chuyển hoá ở trẻ em có thể phát triển trái tim cũng như tâm thức của các cháu. Họ sẽ có khả năng phục hồi nội tâm, cho phép họ chuẩn bị cho những thách thức và cơ hội.
Để minh họa điều này, cô đã kể một câu chuyện về một nhóm thanh thiếu niên mà cô đã làm việc cùng với họ ở một vùng nghèo của New York. Tất cả họ đều đã bị mất một người bạn hoặc người thân do bạo lực gây nên. Giáo viên của họ yêu cầu họ chia sẻ một mục tiêu khi họ đến 21 tuổi; và cô nhớ đến một người - Eugene - người đã nói rằng, “Hãy còn sống ở tuổi 21". Không lâu sau đó, giáo viên đã gọi cho cô để báo tin buồn về Eugene. Cậu ta đã bị bắn từ một chiếc xe đi ngang qua và kể từ đó cậu không bao giờ bước đi bộ được nữa.
Khi cô đến thăm cậu ấy trong một cơ sở chăm sóc, cô thấy cậu ta đang ở tại một góc nói chuyện với một nhóm người sử dụng xe lăn khác. Cậu ta đã thông báo cho cô ấy rằng “Tôi đang nói với một số người về những gì mà Cô đã dạy cho tôi”. Cô ta hỏi cậu thế nào và cậu ta trả lời là “Tôi rất tốt. Khi tôi thức dậy ngày hôm nay, tôi quyết định tha thứ cho người đã bắn tôi; và tôi cảm thấy tốt hơn về điều đó. Sự tự điều chỉnh bắt đầu với một niềm thôi thúc tạo ra sự khác biệt. Hội chúng tập hợp ở đây cho sự ra mắt Toàn Cầu của Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" này sẽ giúp ích cho thế giới, điều này sẽ phong phú hơn rất nhiều đối với nó.”
Giáo sư Tiến sĩ Kimberly Schonert-Reichl quay sang Ngài, nói rằng, “Giấc mơ của Ngài về một nền giáo dục của trái tim đang dần trở thành hiện thực. Những chương trình này có thể tạo nên một sự khác biệt. Tôi bắt đầu làm giáo viên trước khi trở thành nhà nghiên cứu và thấy mình chẳng có gì để dựa vào. Tôi đã không biết phải làm gì. Sau đó, tôi phát hiện ra rằng với Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội"; các sinh viên sẽ có nhiều khả năng tốt nghiệp và tiếp tục đạt được những thành tựu khác. Richie Davidson đã chỉ ra rằng những kỹ năng này có thể được dạy và có thể được coi là có hiệu quả trong tính năng uyển chuyển của thần kinh. Bây giờ, Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội" với sự giáo dục về trái tim, lòng từ bi, đào tạo hệ thống và đào tạo sự chú tâm để lấp đầy một khoảng trống, nó sẽ rất có giá trị.
Trong số các câu hỏi từ diễn đàn, đầu tiên là về lý do tại sao Ấn Độ được chọn cho buổi ra mắt Toàn cầu của Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội". Brendan Ozawa de Silva trả lời rằng chương trình này là kết quả của sự hợp tác 20 năm với Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và đây là nơi mà Ngài đang sống. Ngài đã bổ sung thêm:
"Trong số các nền văn minh cổ đại như Ai Cập và Trung Quốc, nền Văn minh Lưu vực Sông Ấn đã phát sinh ra một kiến thức phong phú về hoạt động của tâm thức và quan điểm của sự thực chân lý. Đức Phật là kết quả của truyền thống Ấn Độ. Ngày nay, Ấn Độ có tiềm năng giúp đỡ nhân loại bằng cách kết hợp kiến thức cổ xưa với giáo dục hiện đại."
Liên quan đến các thiết bị như điện thoại di động, Ngài tuyên bố rằng, bản thân của nền công nghệ là rất tuyệt vời, nhưng nó phụ thuộc vào cách mà mọi người sử dụng nó. Ngài quan sát rằng các nhà lãnh đạo có khuynh hướng phản ánh các cộng đồng mà họ đã đến từ nơi đó. Vì nền giáo dục ngày nay có xu hướng tập trung vào sự phát triển vật chất, nên không có gì đáng ngạc nhiên nếu điều đó thúc đẩy các nhà lãnh đạo đương thời. Ngài gợi ý rằng có thể phải mất cả một thế hệ để thay đổi cách suy nghĩ của cộng đồng.
“Chúng ta là những động vật xã hội, sự sân giận đẩy chúng ta tách xa nhau, còn lòng từ bi sẽ mang chúng ta đến với nhau. Thật xấu hổ khi trí thông minh tuyệt vời của con người chúng ta bị lãng phí trong việc phát triển và buôn bán vũ khí - những thứ mà chỉ có thể được sử dụng để hủy diệt.”
Ngài đề cập đến sự ngưỡng mộ của mình đối với Jacinda Ardern và cách xử lý tình huống khéo léo của Cô ấy sau vụ tấn công gần đây ở New Zealand. Ngài đánh giá cao lập trường bất bạo động và sự tôn trọng lẫn nhau của cô ta, điều mà mọi người đều có thể học hỏi từ đó.
Một người đã hỏi, liệu sự hòa hợp giữa các tôn giáo có được thành lập tốt như Ngài đã nghĩ hay không; vì Ngài dường như đã nói rằng Ngài thích nhìn mọi thứ từ một góc nhìn rộng hơn. Ngài thừa nhận rằng luôn có những người có ác ý ở khắp mọi nơi và những sự cố bất như ý có xảy ra, nhưng chúng không thường xuyên. Ngài đã nêu ra ví dụ của cộng đồng Parsee, Zoroastrians từ Ba Tư, hiện có số lượng ít hơn 100.000 người, nhưng họ đang sống giữa hàng triệu người Ấn giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và đạo Sikh ở Bombay mà hoàn toàn không hề sợ hãi - điều đó đã chứng minh được tính đa nguyên khoan dung của Ấn Độ.
Liên quan đến sự tái sinh của chính Ngài, Ngài cho rằng nếu Ngài sống thêm 10 - 15 năm nữa, thì tình hình chính trị ở Trung Quốc sẽ thay đổi. Mặt khác, nếu Ngài viên tịch vào năm tới, thì chính phủ Trung Quốc có thể sẽ công nhận ứng cử viên của riêng họ để kế vị Ngài. Ngài bày tỏ sự cảm kích đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Nhất - mong muốn được sinh ra ở bất cứ nơi nào mà Ngài có thể giúp để làm giảm bớt sự đau khổ của tha nhân.
Ngày mai sẽ chứng kiến sự ra mắt chính thức của Chương trình Giảng dạy về "Học tập Cảm xúc và Đạo đức Xã hội".