Thekchen Chöling, Dharamsala - Trong không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ, khi mặt trời mọc trên những ngọn núi trên bầu trời xanh trong không một gợn mây, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi từ Dinh Thự của Ngài đến Điện Thờ Thời Luân (Kalachakra) vào đầu ngày hôm nay. Những khuôn mặt tươi cười rạng rỡ, nhiều người trong số họ đã đến từ đất nước Nga, họ cung đón Ngài khi Ngài đi ngang qua khu vườn. Ngài đảnh lễ tượng Phật trong ngôi Chánh Điện trước khi vào Điện Thờ Thời Luân và an toạ vào chỗ của mình.
Ngài Viện Trưởng của Tu viện Namgyal đã chào đón tất cả mọi người vào lúc bắt đầu Hội nghị đầu tiên về Thời Luân dành cho các học giả của tất cả các truyền thống Tây Tạng. Chư Tăng của Tu viện ngồi thành hàng theo thứ lớp; tụng những bài Kệ xưng tán Đức Phật; sau đó là Xưng Tán 17 Vị Đạo sư của Nalanda. Trà và cháo ngọt đã được phục vụ. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma muốn biết: “Có bao nhiêu học giả đến từ nơi khác?” - Câu trả lời là hai mươi Học giả.
Ngài nói “Tôi đã rất không khỏe. Tôi trở về từ Delhi vào ngày 8 tháng 4 vì cảm thấy đã khoẻ, nhưng vào ngày 9 tôi đã bị đau, vì vậy tôi quay trở lại Delhi để điều trị. Hóa ra bệnh của tôi cũng không quá tệ, nhưng tôi cảm thấy việc điều trị rất mệt mỏi. Bây giờ thì tôi đã khỏe lại, nhưng tôi cần nghỉ ngơi và thư giãn. Nhân viên của tôi cứ nói với tôi rằng, tôi cần phải cắt giảm bớt lịch trình của mình, vì vậy nói chung, tôi chỉ gặp mọi người vào mỗi ngày khác.
Viện Trưởng Tu viện Namgyal - Thomtog Rinpoche - đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Giáo dục Tu viện Namgyal, đã giới thiệu về sự kiện này. Rinpoche cung nghinh Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Samdhong Rinpoche tham dự Hội nghị đầu tiên về Thời luân này. Ngài giải thích rõ rằng cái tên Shri Kalachakra dùng để chỉ sự hợp nhất của đại lạc và tánh không phát sinh dưới hình thức một vị thần. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lần đầu tiên thuyết giảng về điều này dưới dạng thức Thời Luân. Giáo lý này sau đó đã được đưa đến Shambhala.
Các học giả từ tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng, Nyingma, Sakya, Kagyu, Geluk, Jonang và Butön đã viết nhiều về Thời Luân - Ngài giải thích. Truyền thống này vẫn tồn tại sống còn. Jé Tsongkhapa đã coi Thời Luân là một truyền thống đích thực và đã thực hành Sáu Thời Du Già. Jamyang Chöjé - Vị sáng lập Tu viện Drepung, đã ghi lại rằng Jé Rinpoche đã có linh kiến về Thời Luân. Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 7 - Gyalwa Kalsang Gyatso, đã trước tác một nghi quỹ phổ thông và thiết lập sự thực hành ấy tại Tu viện Namgyal. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã ban quán đảnh Thời Luân cho hàng trăm ngàn người trên khắp thế giới. Do đó, sự thực hành hoàn hảo vẫn còn nguyên vẹn.
Là những đệ tử của Đức Jé Rinpoche, chúng ta có trách nhiệm thực hành những lời dạy của Đức Phật như Ngài và những người đệ tử của Ngài đã thực hành. Chúng tôi coi Hội nghị này là một sự cúng dường của sự thực hành.
“Trong bài cầu nguyện có tựa đề là “Giai điệu du dương của Cam Lồ Bất Tử” được trước tác cho sự trường thọ của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, Jamyang Khyentsé Chökyi Lodrö đã gọi Ngài là sự hiện thân của Thời Luân trong dạng thức con người:
Hỡi Đấng Bạch Liên Hoa!
Bậc giảng giải tài ba và hoàn hảo về Thời Luân!
Với nội luân, ngoại luân và tha luân bất khả phân;
Đã xuất hiện nơi xứ Tuyết trong dạng thức một Pháp hữu tâm linh.
Ngài là tinh tuý của Đức Phật nguyên sơ - Thời Luân.
Con xin nguyện cầu Ngài được trụ thọ miên trường!
“Con cũng xin cầu nguyện cho Ngài được trường thọ; những tâm nguyện cát tường của Ngài được thực hành hoàn thiện; và nhân dân Tây Tạng được đoàn tụ lại với nhau một lần nữa. Nguyện cầu cho tất cả đều đạt được trạng thái của Thời luân.
Vị Hiệu trưởng của Trường Tu viện Namgyal sau đó phác thảo sơ lược về chương trình mà theo đó các đại diện của các truyền thống khác nhau, Nyingma, Sakya và Geluk, Bokar Kagyus, Jonangpas, và một Vị Tiến Sĩ đến từ Tu viện Zhalu, cũng như một vị đại diện cho Khoa Chiêm Tinh Học của MenTseeKhang sẽ trình bày những bài thuyết trình của họ trong ba ngày tới.
Ngài đã được thỉnh cầu để ban Đạo Từ.
“Tôi thường nói rằng việc chúng ta là người Phật tử của thế kỷ 21 là quan trọng như thế nào. Trong quá khứ, ở Tây Tạng, người dân của cả ba tỉnh đều theo đạo Phật. Ngay cả người của Đạo Bôn cũng đã nghiên cứu các bản kinh văn Phật giáo. Phật pháp được lan truyền khắp ngay trên mảnh đất và mọi người đặt niềm tin vĩ đại vào các nghi lễ và sự cầu nguyện. Nhưng, những đặc điểm thực sự của giáo lý Đức Phật là gì? Ở Ấn Độ đã có những sự thực hành về thiền chỉ và thiền quán (shamatha và vipashyana), ngoài ra Đức Phật còn dạy về Giáo lý Nhân Quả và Duyên Khởi. Ngài đã dạy về phương pháp làm thế nào để chuyển hoá tâm thức dựa trên cơ sở rằng, một tâm thức có kỷ luật hoặc tâm thức định tĩnh thì luôn vui vẻ hạnh phúc; trong khi một tâm trí ngang bướng thì không có được những trạng thái tâm ấy.
“Giải thích về Tứ diệu đế với 16 đặc điểm của nó; và 37 phẩm trợ đạo là phổ biến đối với các truyền thống Nguyên thuỷ và Đại thừa. Các giáo lý này đã được đề cập trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên và được giải thích tỉ mỉ hơn trong kỳ Chuyển Pháp luân thứ hai.
“Hôm qua, tôi đã gặp một số học giả Ấn Độ, trong quá trình trò chuyện, họ đã hỏi tại sao mặc dù tác hại của việc hút thuốc là có cơ sở, nhưng một số người vẫn cố chấp cứ hút thuốc mãi. Tôi gợi ý rằng, đó là bởi vì chúng ta có những cấp độ nhận thức khác nhau. Để bắt đầu, bạn có thể nghe hoặc đọc về một điều gì đó, nhưng bạn sẽ chỉ thực sự bắt đầu hiểu nó nếu bạn suy tư nghiền ngẫm về nó. Sự phản chiếu suy tư sẽ tạo ra một sự hiểu biết sâu sắc hơn, nhưng chỉ bằng cách tập trung chú tâm vào những gì bạn đã hiểu, thì bạn mới có được một niềm tin kiên cố. Tại thời điểm đó, bạn mới có thể giải thích cho người khác về những gì mà bạn đã hiểu dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân mình. Đây là lý do tại sao về mặt thực hành Phật pháp, chúng tôi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nghiên cứu, suy tư phân tích và thực hành thiền định.
Chúng ta quy y Phật, Pháp và Tăng mà không thực sự biết Phật là gì. Chúng ta cần suy nghĩ về cách đạt được sự giác ngộ dựa trên cơ sở Nhị Đế, về việc khắc phục những quan niệm sai lầm đối với sự tồn tại thực sự. Tất cả các truyền thống tôn giáo đều dạy về tình yêu thương và lòng Từ bi từ những quan điểm khác nhau, nhưng Đức Phật còn dạy chúng ta về việc sử dụng lý luận và suy nghĩ về lý Duyên Khởi. Đây là phương pháp để nhổ tận gốc các nguyên nhân của khổ đau. Ngài dạy rằng, nếu bạn càng thực thi lý luận, thì bạn càng hiểu nhiều hơn và niềm tin của bạn sẽ càng sâu sắc hơn. Đây là điều mà Ngài Long Thọ đã thực hiện; và do đó, những gì Ngài viết đã thu hút sự ngưỡng mộ của các nhà khoa học ngày nay.
Ngài lưu ý rằng, có một pháp hành về việc duy trì một cái nhìn thuần túy thanh tịnh đối với bậc Thầy của mình; nhưng Jé Rinpoche đã dạy rằng, nếu vị Thầy dạy điều gì đó mà trái với các Kinh điển, thì bạn nên thách thức nó. Theo truyền thống Nalanda, ngay cả những lời của Đức Phật cũng phải được phân tích. Ví dụ, khi chúng ta bắt gặp lời khuyên của Đức Phật rằng; ngũ uẩn này như một gánh nặng do cái ngã gây ra; chúng ta phải hỏi tại sao Ngài lại dạy về điều đó. Chính Đức Phật đã khuyên rằng:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!
Khi tôi tặng cho ai đó một bức tượng Phật, tôi mô tả Ngài như là một nhà tư tưởng và nhà khoa học của Ấn Độ cổ đại, một bậc mà lời dạy của Vị ấy có thể được hiểu thông qua lý luận, nghiên cứu và thử nghiệm, và bằng cách đặt nó đối với những kinh nghiệm của riêng chúng ta.
Trong cuộc sống lưu vong ở đây, tôi đã khuyến khích các Ni Cô nên nghiên cứu và tìm tòi phẩm chất cao nhất, điều này đã gây ra một số bất ngờ trong số chư Tôn túc Tăng sĩ cao tuổi trong các tu viện ở miền Nam. Tuy nhiên, tôi đã nhắc nhở họ rằng, Đức Phật đã cho cơ hội xuất gia trọn vẹn như nhau đối với các tăng ni, vậy thì tại sao họ lại không thể học cùng một cấp độ? Do đó, hiện tại chúng tôi có các Geshé-ma (Nữ Tiến Sĩ) và ngay cả trong số Cư Sĩ cũng tỏ ra rất thích thú với việc nghiên cứu học hỏi.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma cười: “Liên quan đến vấn đề Thời Luân, một câu hỏi cần được đặt ra, đó là: Shambhala ở đâu? Có vẻ như nó không ở trong thế giới này, nhưng chúng ta cần phải đọc các bản Kinh văn một cách cẩn thận. Tôi phải thừa nhận rằng đôi khi tôi thấy những gì được viết trong Truyện Jataka (Chuyện Tiền Thân của Đức Phật) hơi khó tin. Có thể một số trong số những câu chuyện ấy là phóng đại. Tuy nhiên, tôi không có nghi ngờ gì về những điều mà chúng ta tìm thấy trong “Bát nhã Tâm Kinh” = “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc; Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc”.
Các nhà Vật lý Lượng tử đã nói về hiệu ứng quan sát viên, rằng việc quan sát đơn thuần về một hiện tượng - chắc chắn sẽ làm thay đổi hiện tượng đó. Trường phái Duy Thức đã chỉ ra rằng các pháp hiện tượng là sự tạo tác của ý thức. Trường phái Trung Đạo đã tuyên bố rằng, chỉ vì một cái gì đó không được tìm thấy trong quá trình phân tích - điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại; nó vẫn có thể tồn tại trong các điều kiện bình thường.
“Những cảm xúc tiêu cực phát sinh từ cái nhìn phóng đại của chúng ta, từ quan điểm méo mó của chúng ta về hiện thực; từ việc nhận thức về sự tồn tại thực sự.
Nếu chúng ta có thể giải thích những lời dạy của Đức Phật trong điều kiện của nền tảng thực tế và con đường đạt đến đỉnh cao trong giai đoạn kết quả, thì giáo lý ấy sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ. Liên quan đến truyền thống Thời Luân, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng, chư Tăng của Tu Viện Jonang và chư đệ tử của Buton Rinpoche là những người ủng hộ chính của truyền thống này. Ở Tây Tạng, Panchen Palden Yeshé được cho là đã đến thăm viếng Shambhala và mang một hạt ngũ cốc khổng lồ về lại Tashi Lhunpo. Có những đạo sư Ấn Độ đã không chấp nhận truyền thống Thời Luân; và dường như Rendawa cũng không. Ngài nhấn mạnh rằng, rất cần thiết để nghiên cứu và đưa những gì mà bạn hiểu biết vào sự thực hành và xem thử bạn có trải nghiệm thực sự hay không.
Liên quan đến việc Thực hành Sáu nhánh của Thời Luân, những người theo truyền thống Jonangpas vẫn duy trì các sự thực hành này cả ngày lẫn đêm và đạt được các dấu hiệu liên quan đến những sự thực hành ấy. Ngài đã đề cập đến một sự thực hành đặc biệt để điều chỉnh con mắt trên giữa trán mà Kalu Rinpoche đã hướng dẫn cho Ngài. Ngài ám chỉ đến việc thực hành về đại lạc và tánh không - liên quan đến Thời luân, cũng như bốn trạng thái tánh không - trong đó trạng thái thứ tư là trạng thái tánh không của ánh quang minh. Ngài nhắc lại rằng, trong lần Chuyển Pháp Luân thứ hai; Đức Phật đã giải thích chi tiết về “Diệt Đế”; và trong kỳ Chuyển Pháp Luân lần thứ ba, Ngài đã nói về tâm thức của ánh quang minh.
Cuối cùng, Ngài nhận xét rằng, trong khi một số người cho rằng việc xây dựng chùa chiền và tu viện có giá trị trong sự xây dựng Phật pháp, thì Ngài Thế Thân đã thẳng thắn tuyên bố rằng sự sống còn của giáo pháp Đức Phật phụ thuộc vào việc học hỏi nghiên cứu và thực hành.
Học hỏi nghiên cứu giáo lý kinh điển là một việc, nhưng nó cần phải được tăng cường bằng sự nhận thức liễu ngộ của chính quý vị. Đó là cách duy nhất để đảm bảo rằng giáo lý sẽ được tồn tại, hãy tiếp tục phát huy những gì mà quý vị đang làm và hãy giải thích điều này cho những người khác hiểu.
Ngài được vị Viện trưởng và các Giới Tử của Tu viện Namgyal hộ tống từ Chánh Điện. Từ những bậc thang cuối cùng dưới Chánh Điện, Ngài đã bước lên xe để trở về Dinh thự của mình.