Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Cơn mưa sáng sớm đã làm cho không khí và bầu trời hôm nay trở nên trong xanh khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi từ Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang - Chùa Chính của Tây Tạng. Ước tính có khoảng 6500 người đang cung đợi Ngài. Trong số đó, 2000 người là du khách đến từ 69 quốc gia. 855 người trong số đó thuộc 38 nhóm của châu Á.
Bước vào Chánh Điện, Ngài chào mừng vị Viện trưởng Tu viện Namgyal - Thamtog Rinpoche và cựu Pháp Chủ của Ganden Tripa- Rizong Rinpoche, cũng như những Vị khác ngồi quanh Pháp toà. Trước khi an toạ, Ngài quay sang kính lễ các bức tượng của Đức Phật và Đức Quán Thế Âm.
Chư Tăng Thái Lan đã tụng kinh kính lễ Đức Phật bằng tiếng Pali, sau đó “Bát Nhã Tâm Kinh” được đọc bằng tiếng Hoa.
Ngài nói với khán giả, “Chúng ta lại được tụ hội tại Dharamsala này một lần nữa, và tôi muốn chào đón tất cả quý vị đã đến từ các nơi khác nhau trên thế giới. Những vị từ các quốc gia truyền thống Phật giáo đã đến đây trong nhiều năm, điều đó cho thấy sự quan tâm và nhiệt tình rất lớn của quý vị đối với Giáo Pháp. Nhân dịp này cũng vậy, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi diễn thuyết và tôi muốn cảm ơn những người tổ chức đã thực hiện điều này.
Sự kiện này đang được truyền hình trực tiếp và Ngài thuyết pháp giảng giải bằng tiếng Tây Tạng, đang được dịch đồng thời sang tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức, tiếng Thái và tiếng Indonesia.
Ngài đã giải thích rằng tất cả các truyền thống tôn giáo khác nhau của chúng ta đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương, lòng từ bi, tâm khoan dung và sự biết đủ (tri túc). Là con người, cuộc sống của chúng ta được bắt đầu trong sự che chở bảo bọc của người mẹ đã chăm sóc chúng ta bằng tình cảm âu yếm của người - mà nếu không có tình cảm ấy thì chúng ta sẽ không thể tồn tại được. Ngài nói thêm rằng bản chất cơ bản của con người là để yêu thương và được yêu thương. Các truyền thống tôn giáo khác nhau duy trì những quan điểm triết học khác nhau của họ, nhưng tất cả đều chú trọng vào tình yêu thương và lòng từ bi trong sự thực hành của mình. Chúng ta không thể nói điều này hay tôn giáo này là tốt nhất, chúng ta chỉ có thể nói thuốc này hay thuốc kia là tốt hay không - điều đó phụ thuộc vào tình trạng và nhu cầu của bệnh nhân. Xu hướng tâm linh hiện tại của chúng ta có thể phụ thuộc vào tất cả các yếu tố, bao gồm cả chủng tử dấu ấn từ kiếp trước.
Có những truyền thống thần học tin vào một Đấng Chúa sáng tạo và những truyền thống phi thần học thì không tin vào điều này. Trong số truyền thống đầu tiên là Kitô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo. Tất cả những truyền thống này đã làm lợi ích cho các tín đồ của họ.
Ngài nói rõ: “Tôi có nhiều người bạn Cơ đốc giáo chuyên tâm phục vụ người nghèo khổ và túng thiếu. Họ rất nghiêm túc trong việc thực hành tình yêu thương và lòng từ bi. Vào năm 1964, tôi đang ở Thái Lan, nơi tôi đã gặp Sangharaja và đề cập với ông ấy về cách mà các anh chị em Kitô giáo của chúng ta đã phục vụ cho cộng đồng, nhưng các Tăng sĩ Phật giáo không tham gia theo cách này. Ông trả lời rằng các nhà sư Phật giáo được cho là thích hợp với lối sống cô lập, cách xa thị trấn và làng mạc.
Một ngày nọ, tôi ở Mangalore, tham dự một cuộc họp của các nhà giáo dục Công giáo, một lần nữa nhắc nhở tôi về những đóng góp to lớn mà các Kitô hữu đã làm cho nền giáo dục. Tuy nhiên, tôi cũng đã bắt gặp những tình huống phục vụ cho người dân là một vỏ bọc cho sự thịnh vượng. Tôi nghĩ rằng, mang lại sự thực hành tôn giáo cho những người không có tôn giáo, điều đó hoàn toàn khác với việc cố gắng chuyển đổi mọi người từ đức tin này sang đức tin khác. Nhìn thấy những lợi ích tích cực của sự thực hành tâm linh, bất kể mọi người theo truyền thống nào, tôi đều phụng sự để khuyến khích sự hòa hợp giữa các tôn giáo.
Khi tôi sống ở Tây Tạng, tôi đã nhận thức được nhu cầu hiểu biết và quan hệ tốt đẹp giữa các truyền thống tâm linh. Vì tôi đã thấy được những hạn chế của việc chú trọng vào sự phát triển vật chất, cho đến việc bỏ bê về vấn đề tâm thức, và những tình huống mà con người hoạt động như các bộ phận của một cỗ máy, cho nên tôi nghĩ rằng đời sống tâm linh rất quan trọng.
Vào cuối thế kỷ 20, các nhà khoa học bắt đầu đánh giá cao rằng, ý thức có thể là một thứ gì đó không chỉ là một chức năng của não bởi vì, khi phát hiện ra chất đàn hồi ở não cho thấy rằng ý thức có thể ảnh hưởng đến những sự thay đổi trong não.
“Ở Ấn Độ cổ đại, sự hoạt động bằng tâm thức đã tạo ra các truyền thống bất bạo động và từ bi - ‘ahimsa’, và ‘karuna’, cũng như sự định tĩnh và trí tuệ - ‘shamatha’ và ‘vipashyana’. Trong số ba nền văn minh cổ đại ở Ai Cập, Trung Quốc và Thung lũng Indus, thì tại Ấn Độ là nơi đã sản sinh ra kiến thức sâu sắc nhất về sự hoạt động của tâm thức. Một niềm tin cũng nảy sinh về một cái ‘tự ngã’ độc lập, thường hằng, giữ chức năng là người điều hành sự kết hợp giữa cơ thể và tâm thức, và điều đó diễn ra từ kiếp này sang kiếp khác.
Trong khi đạo Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo thì chiếm ưu thế ở phương Tây và Tây Á, thì Phật giáo lại phổ biến rộng rãi ở phương Đông. Bắt nguồn từ Ấn Độ, nó lan đến Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện và các khu vực khác ở Đông Nam Á, đến tận Indonesia. Đi về phía Bắc, nó đến Trung Quốc và từ đó được truyền đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Bằng một con đường riêng, nó đã được truyền đến Tây Tạng và tới Mông Cổ.
Ngài Huyền Trang học tại Nalanda, và được cho là đã gặp Ngài Long Trí trước khi trở về Trung Quốc. Jowo - bức tượng của Đức Phật được lưu giữ tại Jokhang đã được mang từ Trung Quốc đến Tây Tạng khi Hoàng Đế Songtsen Gampo kết hôn với một công chúa Trung Quốc. Tuy nhiên, khi vua Trisong Detsen muốn tìm người để dạy Phật giáo ở Tây Tạng, thì Vua lại thỉnh Ngài Thiện Hải Tịch Hộ từ Nalanda.
Ngài giải thích rằng sau khi Đức Phật giác ngộ, giáo lý đầu tiên của Ngài ở Varanasi, được ghi lại trong cả hai truyền thống Pali và tiếng Phạn, liên quan đến Tam Vô Lậu Học - Giới, Định, Tuệ. Nó bao gồm cả sự mô tả về vô ngã. Giáo lý Bát Nhã Ba La Mật thuộc về Truyền thống tiếng Phạn đã được truyền giảng trên đỉnh Linh Thứu Sơn gần Rajgir, bao gồm ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, kể lại cuộc đối thoại giữa Đức Quán Thế Âm và Ngài Xá Lợi Phất khám phá ra cách để hiểu về sự thật.
Ngài tiếp tục, “Đức Long Thọ đã tuyên bố rằng, giáo lý của Đức Phật dựa trên Hai sự thật (Tục Đế và Chân Đế), sự khác biệt giữa sự xuất hiện bên ngoài và sự thật. Ngày nay, vật lý lượng tử, liên quan đến các vật thể bên ngoài - không phải ý thức; phủ nhận rằng các hiện tượng vật chất có hiện thực khách quan, mặc dù có vẻ trái ngược. Điều này tương ứng với quan điểm của trường phái Duy Thức rằng chỉ có tâm thức là thật có. Họ tuyên bố rằng không hề có sự tồn tại bên ngoài. Mọi thứ chỉ là sự phản ánh của tâm thức. Những Hành giả của Du Già Hành Tông, Y Tự Khởi Tông, Kinh Lượng Bộ Tông, Trung Quán Tông, cũng tuyên bố rằng không có gì tồn tại bên ngoài và họ cũng khẳng định rằng tâm thức cũng không tồn tại thực sự.
Vì giáo lý Bát nhã Ba La Mật không được tiết lộ rộng rãi ra cho công chúng, cho nên nó không được ghi lại trong Tam tạng của Truyền thống Pali. Do đó, một số người đã khẳng định rằng những giáo lý của Truyền thống tiếng Phạn không phải do Đức Phật ban truyền, một quan điểm mà Ngài Long Thọ đã phản đối một cách vô cùng mạnh mẽ.
Lần chuyển Pháp Luân thứ Hai, Đức Phật đã dạy về Tánh Không, đối tượng của ánh quang minh. Lần chuyển Pháp Luân thứ Ba, trong ‘Giải Thâm Mật Kinh’ và ‘Kinh về Phật Tánh’ đã hiển lộ bản chất quang minh của tâm thức hoặc ánh quang minh chủ quan. Gungtang Rinpoché đã quan sát và cho rằng sự tiến bộ đạt được trong ba lần chuyển Pháp Luân này, đạt đến đỉnh cao trong các Mật điển, và đặc biệt là sự giải thích về sự tỉnh giác nguyên sơ hoặc tâm thức sáng suốt bẩm sinh. Tất cả các cấp độ thô hơn của tâm thức đều phát sinh từ sự tỉnh giác sáng suốt này và cuối cùng hòa tan trở lại vào nó.
Lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã trình bày Tứ diệu đế - sự thật về đau khổ (Khổ Đế), nguồn gốc của sự đau khổ (Tập Đế), sự chấm dứt đau khổ (Diệt Đế) và con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ (Đạo Đế) - dựa trên hai sự thật (Nhị Đế), sự thật thông thường (Tục Đế) và sự thật tối hậu (Chơn Đế). Khi Đức Phật dạy về sự thật đau khổ, Ngài cũng đã dạy trong bối cảnh của bốn Hành tướng của Vô thường, khổ, không, và vô ngã. Vô thường đề cập đến sự thay đổi tinh tế trong các hiện tượng. Cái chết là một khía cạnh thô thiển của vô thường. Chúng ta quan sát rằng mọi thứ thay đổi trong suốt một năm, nhưng ở cấp độ nguyên tử, mọi thứ thay đổi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Tôi đã nhìn thấy điều này qua kính hiển vi.
Thay đổi dẫn đến khổ đau. Chúng ta có xu hướng bám vào những gì đau khổ như thể nó dễ chịu. Sự kết hợp giữa cơ thể và tâm thức là kết quả của nghiệp và cảm xúc phiền não, do đó phải chịu đau khổ. Để đối trị lại điều này, Đức Phật đã dạy về lòng vị tha, quan sát rằng trong quá trình tìm hiểu điều tra, chúng ta không thể tìm thấy có một bản ngã duy nhất, độc lập, thường hằng.
Bốn hành tướng của sự thật về sự chấm dứt (Diệt Đế) là sự chấm dứt (Diệt), định tĩnh (Tịnh), là sự tuyệt vời (Diệu) và giải thoát (Ly). Những cảm xúc ảnh hưởng có liên quan đến việc chúng ta bám vào ý tưởng về một bản ngã độc lập, nhưng một khi đã bị loại bỏ thì không xuất hiện trở lại. Những gì chúng ta cần khắc phục là sự thờ ơ, quan điểm méo mó của chúng ta rằng có một bản ngã duy nhất, độc lập, thường hằng, đó là gốc rễ của những cảm xúc phiền não. Mọi thứ tồn tại, nhưng không phải như cách mà chúng xuất hiện. Trong “Nhập Trung Quán Luận”, Ngài Nguyệt Xứng nhấn mạnh rằng, nếu mọi thứ tồn tại theo cách mà chúng ta bám lấy chúng, thì chúng ta sẽ có thể tìm thấy chúng, nhưng chúng ta không thể tìm ra chúng. Vì sự vô minh thiếu hiểu biết, chúng ta có một viễn cảnh phóng tâm cường điệu. Sự hiểu biết về tánh Không sẽ giúp làm suy yếu quan niệm sai lầm này. Như Ngài Long Thọ đã viết trong cuốn “Trí tuệ Cơ bản của Trung Đạo”:
Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên;
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không.
Tu tập trong truyền thống Nalanda, với việc sử dụng rộng rãi lý luận và logic, là phù hợp với truyền thống khoa học. Trong gần 40 năm qua, tôi đã tham gia đối thoại với các nhà khoa học hiện đại để cùng mang đến lợi ích cho nhau. Đức Phật khuyến khích đệ tử của Ngài là phải hoài nghi:
Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ.
Các bậc thầy Nalanda đã đến với Đức Phật bằng những lời dạy của Ngài và đã xem xét các giáo lý của Ngài, chia chúng ra thành loại có ý nghĩa tối hậu và loại cần có sự giải thích.
Ngài đã lưu ý rằng, những cảm xúc phiền não như giận dữ và tham ái đang gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta, trong khi lòng từ bi và tình yêu thương thì cải thiện sức khoẻ. Sự tức giận và tham ái phát sinh vì thái độ ái trọng tự thân của chúng ta. Điều này có thể được đối trị lại bằng cách nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm. Ngài nói rằng trưởng dưỡng Bồ đề Tâm và sự hiểu biết về tánh Không thì rất hữu ích cho việc thuần hóa tâm ngang bướng.
Ngài tuyên bố rằng Ngài cam kết khuyến khích người khác trau giồi tinh thần bất bạo động và lòng từ bi. Ngài cũng cam kết thúc đẩy sự hài hòa giữa các cộng đồng tôn giáo. Là một người Tây Tạng - người mà sáu triệu dân Tây Tạng đã tìm đến như một nguồn hy vọng, Ngài đã tận tâm giữ gìn duy trì ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, truyền thống Nalanda được thuần túy và tồn tại sống còn. Ngài bày tỏ niềm tin rằng Phật giáo Tây Tạng là một truyền thống toàn diện, mà các khía cạnh của nó có thể mang lại lợi ích cho toàn thế giới.
Ngài khuyến khích Phật tử nên trở thành những người Phật tử của thế kỷ 21 với sự hiểu biết về những gì Đức Phật đã dạy. Ngài nhấn mạnh rằng chỉ đơn giản với đức tin thôi là không đủ. Ngài trích dẫn lời đánh giá của Ngài Sư Tử Hiền, rằng có những tín đồ khờ khạo và tín đồ thông minh của Đức Phật. Phật tử thông minh thì đặt câu hỏi và nghiên cứu về những gì họ đã học. Ngài nói, nếu Phật tử ngày nay thực hiện điều này thì Phật Pháp có thể tồn tại trong một thời gian tới, nhưng nếu họ chỉ đơn giản dựa vào đức tin thì sự tồn tại ấy là không thể.
Ngài nói rằng hôm nay Ngài đã đưa ra một sự giới thiệu chung, ngày mai Ngài sẽ đọc qua “Bồ Đề Tâm Luận” của Ngài Long Thọ.