Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Thời tiết ấm áp và ẩm ướt khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi bộ từ Dinh thự của Ngài đến Tsuglagkhang - ngôi Chùa chính của Tây Tạng, vào sáng nay. Ước tính khoảng 8000 thành viên của cộng đồng, 400 học sinh của làng Tây Tạng (TCV) từ các lớp 9,10,11 & 12; và 800 sinh viên đại học Tây Tạng đã ngồi kín cả trong Chùa, các không gian xung quanh và khoảng sân bên dưới.
Đề cập đến một thường lệ mà Ngài đã bắt đầu vào năm 2007, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với khán giả rằng mục đích chính của Ngài hôm nay là thuyết giảng cho thanh thiếu niên Tây Tạng; và bản Kinh mà Ngài sẽ giảng dạy là “Ba mươi bảy Pháp hành của Bồ Tát” của Ngài Thokmey Sangpo.
Các học sinh trong số các con có thể được sinh ra ở Ấn Độ, nhưng các con là người Tây Tạng bởi nguồn gốc tổ tiên của mình. Những người trong chúng ta là người Tây Tạng sẽ vẫn duy trì như vậy cho đến khi chúng ta chết. Có những câu chuyện thần thoại về nguồn gốc của người Tây Tạng, nhưng mà tôi không chú ý đến lắm. Tuy nhiên, có bằng chứng khảo cổ học cho thấy con người đã từng sống ở Tây Tạng từ 30 - 40.000 năm nay. Tuy nhiên, điều đặc biệt về chúng ta chính là tôn giáo và văn hóa của chúng ta. Vào thế kỷ thứ 7, Hoàng Đế Songtsen Gampo đã đưa ra những hướng dẫn cho việc tạo ra chữ viết để viết tiếng Tây Tạng. Nó được dựa trên bảng chữ cái Ấn Độ với những nguyên âm và phụ âm. Vì vậy, mặc dù ngôn ngữ nói tiếng Tây Tạng khác với cả ngôn ngữ tiếng Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng kiểu chữ viết của chúng ta là kiểu chữ Ấn Độ.
Vào thế kỷ thứ 8, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ đã được Hoàng Đế Trisong Detsen cung thỉnh đến Tây Tạng. Ngài đã khuyên rằng vì chúng ta có ngôn ngữ và chữ viết riêng, cho nên chúng ta nên học Phật Pháp bằng tiếng Tây Tạng hơn là dựa vào tiếng Phạn. Người ta nói lại rằng, Ngài Thiện Hải Tịch Hộ - mặc dù tuổi đã cao - nhưng bản thân Ngài cũng đã học được một số tiếng Tây Tạng. Ngài đề nghị chúng ta nên dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng càng nhiều càng tốt. Kết quả là được cả Kinh Tạng (Kangyur) của chúng ta, bao gồm các bản dịch từ lời dạy của Đức Phật, gồm có khoảng 100 tập; trong khi Luận Tạng (Tengyur) bao gồm các bộ luận giải của Ấn Độ sau đó - gồm có 220 tập. Mỗi bản Kinh đều được bắt đầu với một sự trình bày xác thực, “Tựa đề của tác phẩm này bằng tiếng Ấn Độ là như vậy và như vậy; tựa đề trong tiếng Tây Tạng là …”
Phật giáo đã bừng lên như mặt trời trên khắp châu Á, mang lại ánh sáng cho nhiều người. Ở phương tây, Kitô giáo chiếm ưu thế, ở Trung Đông thì Hồi giáo; trong khi ở Ấn Độ thì nhiều trường phái Ấn giáo khác nhau, Kỳ Na giáo và Phật giáo đã phát triển rất mạnh mẽ. Điều khác biệt hơn nữa ở Ấn Độ là các tín đồ của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đã sống bên cạnh nhau tại đây. Một ví dụ điển hình về bầu không khí này chính là cộng đồng Parsee, Zoroastrians đến từ Ba Tư, mặc dù họ rất ít về số lượng, nhưng họ đã sống giữa hàng triệu người Ấn giáo và Hồi giáo ở Mumbai mà không hề cảm thấy sợ hãi. Các truyền thống tôn giáo Ấn Độ luôn thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau.
Ngài đã đề cập đến Taxila - một trung tâm học tập cổ xưa của Ấn Độ trước thời Đại học Nalanda. Nalanda đã sản sinh ra nhiều bậc Thầy vĩ đại mà tài năng của họ chúng ta có thể đánh giá được qua những tác phẩm mà họ viết. Các tác phẩm của họ, ban đầu được trước tác bằng tiếng Phạn, ngày nay đã có sẵn cho chúng ta trong bản dịch tiếng Tây Tạng. Ngài nhận xét rằng, trong các quốc gia Đông Nam Á, Văn học Phật giáo được bảo tồn bằng tiếng Pali. Ngài giải thích rằng, Ngài thích gọi bằng “truyền thống tiếng Phạn” và “truyền thống tiếng Pali” hơn là sử dụng từ “Tiểu thừa” và “Đại thừa” (Hinayana và Mahayana).
Ngài nhận xét rằng các giáo lý trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên của Đức Phật, bao gồm Tứ Diệu Đế - một sự giải thích sơ lược về vô ngã, thiền định nhất tâm và v.v., lần đầu tiên được lưu trữ bằng tiếng Pali. Lần chuyển Pháp Luân thứ hai liên quan đến giáo lý Bát Nhã Ba La Mật đã được truyền giảng trên đỉnh Linh Thứu Sơn cho một nhóm đệ tử đã được lựa chọn với sự thông minh xuất chúng. Ngài lưu ý rằng, phiên bản mở rộng của “Bát Nhã Ba La Mật” đã lên đến 12 tập, phiên bản trung bao gồm ba tập và phiên bản ngắn là một tập, ngoài ra còn có một số bản văn ngắn hơn.
“Bát Nhã Tâm Kinh” giải thích về tánh không của sự tồn tại cố hữu khi nói rằng ‘sắc tức là không, không tức là sắc’. Điều này không có nghĩa là chẳng có gì cả, mà đúng hơn là có “sắc”, hoặc “một đối tượng vật chất”, có thể được nhìn thấy, nhưng khi tìm kiếm danh tính nhận dạng của nó thì không thể tìm ra được. Mọi thứ không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện. Tương tự như thế, vật lý lượng tử cũng nói rằng không có gì tồn tại một cách khách quan cả. Bởi vì hình thức (sắc) phát sinh trong sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nó không có sự tồn tại cố hữu.
Ngài cũng đề cập đến lần chuyển Pháp Luân thứ ba của Đức Phật ở Vaishali và những nơi khác khi Ngài giảng dạy về "Hiện quán Trang nghiêm Luận”. Ngài đã dạy về ánh quang minh khách quan trong loạt Bát Nhã Ba La Mật; trong lần chuyển Pháp Luân thứ ba, Ngài đã giải thích về ánh quang minh chủ quan của tâm thức vi tế.
Khi quý vị thiền định, chúng ta sử dụng tâm thức thứ sáu - ý thức; không phải nhận thức giác quan. Ở phương tây, ý thức không được bàn đến nhiều. Chức năng của não có xu hướng được giải thích liên quan đến các nhận thức giác quan. Tâm thức có thể được giải thích chỉ dựa trên não bộ. Tuy nhiên, Ấn Độ cổ đại đã có một kiến thức hiểu biết tốt về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Có kiến thức về tâm vi tế và bản thể trong sáng của nó, cũng như sự nhận ra rằng những cảm xúc tiêu cực chỉ nảy sinh trong một trạng thái tâm thức thô thiển.
Các bậc Thầy của Nalanda tập trung vào Trí tuệ Ba La Mật, khám phá nghiên cứu về nó một cách chi tiết. Chẳng hạn như Ngài Long Thọ đã đưa ra những lời giải thích không chỉ liên quan đến kinh sách, mà còn về mặt logic và lý luận. Chính Đức Phật đã khuyên các đệ tử của mình đừng chấp nhận lời dạy của Ngài trên giá trị bề mặt; mà hãy kiểm chứng nó, giống như một người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng vậy; và chỉ chấp nhận nó sau khi đã nghiên cứu tìm hiểu nghiêm ngặt; và đã cho thấy rằng nó hợp lý và lợi lạc.
Trong truyền thống Tây Tạng, chúng ta học bằng cách nhớ thuộc lòng ‘bản văn gốc’; đi sâu tìm hiểu những lời giải thích từng chữ từng chữ một; và tranh luận với nhau về những gì mà chúng ta đã hiểu. Các tác phẩm mở rộng của Ngài Trần Na và Ngài Pháp Xứng về logic và nhận thức luận đã được dịch sang tiếng Tây Tạng. Sau đó, các học giả Tây Tạng như Chapa Chökyi Sengé (1109-69) - trụ trì Tu viện Sangphu; và Sakya Pandita đã nghiên cứu phân tích trau chuốt tỉ mỉ lại các chủ đề này. Logic và lý luận thực sự vô cùng hữu ích - đó là đặc điểm độc đáo mà tôi muốn làm cho Thanh thiếu niên Tây Tạng nhận thức được về điều đó. Đó là điều mà chúng ta có thể tự hào.
Ngài bắt đầu đọc về “37 Pháp hành của Bồ tát”, và lưu ý rằng nó được bắt đầu bằng những lời kính lễ đối với Vị Dịch Giả - hiện thân của lòng từ bi - và trong dòng thứ ba và thứ tư cho thấy rằng mọi thứ không tồn tại như chúng xuất hiện. Ngài giải thích tiếng Tây Tạng về từ “Đức Phật”, cho thấy rằng nó ngụ ý là “bậc đã đoạn trừ được tất cả những tội lỗi sai lầm và đã nhìn thấy các pháp như nó vốn dĩ là”. Jé Tsongkhapa đề cập đến rằng “không bị cám dỗ bởi quan điểm cực đoan thái quá”.
Phiền não thì không có cơ sở vững chắc, chúng chỉ phát sinh dựa trên sự phóng tâm. Trái ngược với sự tức giận - lòng từ bi và hạnh kiên nhẫn luôn luôn được hậu thuẫn bởi lý trí.
Những vần Kệ khuyên rằng, hãy từ bỏ quê hương, tu luyện ẩn dật, xa lìa những người bạn xấu thì những phẩm chất tốt đẹp của ta sẽ phát triển. Hãy quy y Tam Bảo! nơi nương tựa chính yếu chính là Giáo Pháp - sự trải nghiệm về “Diệt đế” và “Đạo đế”. Đức Phật là Bậc Thầy của chúng ta; và Tăng thân đồng hành của chúng ta là những người đã áp dụng lời dạy của Ngài vào sự thực hành.
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Lời kệ thứ 8 khuyên rằng ‘đừng bao giờ làm sai’, giống như Ngài Thánh Thiên đã nói trong “400 Thi Kệ” của mình:
"Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí."
Giải thoát là sự tự do thoát khỏi những cảm xúc phiền não.
Tiếp theo, hãy suy nghĩ đến tất cả chúng sinh và phát triển tâm nguyện vị tha để đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của họ. Vì vậy, hãy hoán đổi niềm hạnh phúc của chính mình với nỗi đau khổ của người khác. Sự thực hành này được Ngài Long Thọ khởi thảo trước tác trong cuốn ‘Tràng Hoa Báu’ và Ngài Tịch Thiên trong tác phẩm “Nhập Bồ Tát Hạnh” của mình. Điều đó đã được nhắc lại trong vài câu thơ sau, ‘không nản lòng nhận khi lấy những lỗi lầm và nỗi đau của tất cả chúng sinh’.
Các pháp không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện - bản văn nói rằng: ‘khi bắt gặp những đối tượng hấp dẫn tuyệt vời, dù chúng trông đẹp như cầu vồng mùa hạ, cũng đừng coi chúng như là điều có thật’. Vật lý lượng tử cho chúng ta biết rằng, khi nào còn có “người quan sát” thì sẽ có một “đối tượng được quan sát”. Trường phái Duy Tâm nói rằng, các pháp không hề có một sự thực bên ngoài; trong khi Trường phái Trung quán thì tuyên bố rằng “chẳng có điều gì có sự tồn tại khách quan nào cả!”.
Bản Kinh kết luận: “Hãy đoạn trừ những cảm xúc phiền não như tham luyến - ngay khi chúng vừa mới phát sinh”, “Tóm lại, bất cứ là bạn đang làm gì, hãy tự hỏi mình rằng “Trạng thái tâm của tôi là gì”; “Hãy hồi hướng công đức từ sự nỗ lực tinh cần như thế cho sự giác ngộ - đây chính là sự thực hành của Bồ tát”.
Trong lời kết thúc bài phát biểu của mình, Ngài đã khuyên rằng, Phật giáo nên được giới thiệu trên cơ sở “Nhị đế” - chân đế và tục đế (sự thật thông thường và sự thật tối hậu). Tứ Diệu Đế có thể giải thích một cách rõ ràng hơn về nền tảng đó.
Ngài bổ sung thêm “Như tôi đã đề cập trước đó, truyền thống Nalanda đang chiếu sáng như mặt trời. Những người trong số chúng ta được sống tự do, có cơ hội được tiếp tục giữ gìn một cách sống động truyền thống Phật giáo vĩ đại này, hãy nỗ lực hết sức mình!
Khi Ngài chậm rãi bước đi dọc theo hành lang của ngôi Chùa và bước xuống sân, Ngài thường dừng lại để chào hỏi nhiều cá nhân thanh thiếu niên và các Cụ già đang cung đợi, chắp đôi bàn tay thành kính, nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, để mong bắt gặp được ánh mắt của Ngài. Sau đó, Ngài đi xe trong một quãng đường ngắn để trở về Dinh thự của mình.