Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sau khi an toạ trên chiếc ghế thoải mái tại dinh thự của mình, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mở đầu chương trình trực tuyến hôm nay bằng cách trích dẫn bài Kệ kính lễ ở cuối tác phẩm “Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận” của Đức Long Thọ:
“Con xin kính lễ Đức Cồ Đàm
Bậc đã thông qua lòng Bi mẫn
Giảng dạy Giáo Pháp quý tuyệt trần
Quan điểm sai lầm đều dứt tận”.
Ngài nói: những điều này đã dạy cho chúng ta rằng, bằng cách phát triển tuệ giác - chúng ta cần phải vượt qua sự vô minh và khắc phục những quan niệm sai lầm của mình về thực tại.
Ngài Nguyệt Xứng cũng đã tuyên bố trong “Nhập Trung Quán Luận”:
“Chư Vị Thanh Văn và Duyên Giác
Phát sinh từ Chư Phật Đại Hùng
Chư Phật sinh ra từ Bồ Tát
Và chư Bồ Tát khởi phát nơi
Tâm thức từ bi luôn dào dạt
Liễu ngộ lý Bất Nhị - Nhất Nguyên
Và Bồ Đề Tâm - Tâm Tỉnh Thức”.
Trưởng dưỡng Tâm Từ Bi là cách tốt nhất để noi theo Đức Phật và tri ân đáp đền lòng Bi mẫn của Ngài đã dành cho chúng ta. Và điều quan trọng là, song song với Tâm Từ Bi, chúng ta cần phải phát triển sự hiểu biết của mình về trí tuệ Tánh Không. Hôm nay, nhiều người trong số quý vị sẽ làm Lễ tưởng niệm đến Đức Phật và sự giác ngộ của Ngài ở nhiều địa điểm khác nhau. Chúng ta hãy cùng nhau Phát Bồ Đề Tâm! Tôi sẽ không tụng để cho quý vị đọc theo tôi đâu! Bởi vì tôi là một Tỳ Kheo - nếu không - chúng ta sẽ giống nhau. Thế nên, trên tinh thần đó, chúng ta sẽ cùng nhau phát Bồ Đề Tâm.
Hãy quán tưởng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngự trước mặt quý vị. Xung quanh Ngài là những vị bảo trì Giáo Pháp vĩ đại như Ngài Long Thọ và Mười Bảy Bậc Luận Sư của Nalanda. Chúng ta vẫn còn có những tác phẩm của các Ngài, chúng ta có thể đọc và có được những kinh nghiệm về những gì mà các Ngài đã trước tác. Phẩm vật cúng dường chủ yếu mà chúng ta dâng lên cúng dường các Ngài - đó chính là đọc các tác phẩm của họ, phân tích ý nghĩa của những tác phẩm ấy và kết hợp sự hiểu biết đó trong chính chúng ta. Và cũng quán tưởng hiện diện trước mặt quý vị là Đức Quan Thế Âm, Đức Văn Thù và Thánh Tara, là những hiện thân của lòng từ bi, trí tuệ và hành trạng giác ngộ, cùng với Đức Di Lặc và Ngài Địa Tạng.
Hãy nhớ đến những lời trong “Xưng Tán Duyên Khởi” của Ngài Jé Rinpoche:
"Trở thành bậc xuất gia trên con đường của Đức Phật,
Không giãi đãi trong việc nghiên cứu giáo lý của Ngài,
Và bằng cách thực hành Du già với quyết tâm vĩ đại,
Tu sĩ này đã phụng sự truyền tải chân lý cao vời ấy!"
Ngài đề nghị hội chúng trực tuyến cùng tụng lời cầu nguyện bảy chi phần cúng dường và Xưng Tán Như Lai cùng với Ngài. Ngài nhắc nhở thính chúng rằng, bị thôi thúc bởi lòng từ bi, Đức Phật đã phát khởi Bồ Đề Tâm, liễu ngộ Tánh Không và Lý Duyên Khởi; và đã tích luỹ công đức qua ba vô số A Tăng Kỳ kiếp. Ngài nhắc ta nhớ lại rằng Đức Phật đã thực hiện khổ hạnh trong sáu năm, và đã được điêu khắc lại một cách sinh động qua bức tượng “Đức Phật khổ hạnh” an trí ở phía sau của Ngài.
Tôi nghĩ rằng, chúng ta cùng nhau phát Bồ Đề Tâm trong ngày Cát Tường này để tưởng nhớ đến sự kiện Giác Ngộ của Đức Phật là một điều rất tốt! Và mặc dù tôi mong rằng sẽ có mặt ở đây để tiếp tục tham gia lễ này trong hai mươi năm nữa hoặc có thể lâu hơn - nhưng tôi cũng muốn yêu cầu quý vị trong các tu viện ở Nam Ấn hãy thực hiện nghi lễ này thành một sự kiện thường niên.
Ngài nêu lên rằng, để thực hiện được các mục tiêu của chính mình và của những người khác, chúng ta cần phải trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm. Đương nhiên là chúng ta có sự quan tâm đến lợi ích của cá nhân mình; nhưng chúng ta cần phải ích kỷ một cách thông minh. Ngài nói, nếu chúng ta tử tế với người khác, thì chúng ta sẽ được rất hạnh phúc và sẽ có được nhiều bạn bè xung quanh. Thay vì, nếu chúng ta luôn tỏ ra nghi ngờ, thì những người khác sẽ không còn tin tưởng vào chúng ta nữa. Người ta có thể bị lôi cuốn bởi tiền tài và quyền lực, nhưng nếu chúng ta có một thái độ vị tha thì sẽ hiệu quả hơn. Liên quan đến những bài Kệ đề cập đến việc thỉnh mời chúng sinh làm những vị khách quý của mình - nếu chúng ta thực hiện điều đó, thì chúng ta cần phải có thứ gì đó để dâng tặng cho họ. Ngài Tịch Thiên đã viết:
"Mọi kẻ bất hạnh thế gian phải khổ đau chỉ vì tham vọng cho hạnh phúc riêng của họ; Tất cả người hạnh phúc ở cõi đời được vui sướng nhờ ước nguyện cho hạnh phúc của tha nhân".
Cần gì phải nói nhiều?
Hãy xem sự khác biệt
Giữa hai người ngu - trí
Kẻ luôn sống ích kỷ
Vì lợi lạc riêng mình
Bậc trí luôn phụng sự
Vì phúc lợi tha nhân.
Ngài tụng những bài Kệ về Phát Bồ Đề Tâm:
"Với ước nguyện giải thoát chư chúng sanh,
Con sẽ luôn quy y về nương tựa,
Nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Đoàn,
Cho đến khi con hoàn toàn giác ngộ.
Được thôi thúc bởi Trí tuệ và Từ bi
Nay trước sự chứng tri của Đức Phật
Con nguyện phát khởi Tâm Bồ Đề
Vì lợi ích của tất cả chúng sinh".
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại,
Và đến khi nào chúng sinh vẫn hiện còn,
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian”.
Ngài đọc tiếp những dòng thọ giới nguyện Bồ Tát:
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Tiếp Theo, Ngài tụng những bài Kệ xưng tán Bồ Đề Tâm từ Chương Ba của “Nhập Bồ Tát Hạnh”:
Là linh dược thật tuyệt vời cao tột,
Chữa được lành mọi căn bệnh thế gian,
Là bóng cây che mát thật bình an,
Cho lữ hành trong luân hồi mỏi mệt.
Là bờ đê vượt tái sinh cõi ác,
Mở lộ trình cho lữ khách thoát lên,
Là vầng trăng soi sáng khắp cõi tâm,
Xoa dịu hết những não phiền thế tục.
Là mặt trời rạng ngời soi chiếu khắp,
Xua vô minh đen tối cõi ta bà,
Tâm Bồ Đề này được trích chiết ra,
Từ nơi chất sữa đề hồ - Diệu Pháp.
Với lữ khách trong luân hồi phiêu bạt,
Mãi kiếm tìm sự an lạc thú vui,
Thì đây là bữa tiệc xin hiến dâng,
Niềm hạnh phúc mãn tâm người tiếp cận.
Xin chư Phật đang hiện tiền chứng giám!
Con nay mời tất cả khách thập phương,
Vui niềm vui thế gian và Phật Đạo,
Nguyện tất cả cùng chư Thiên tận hưởng!
Ngài tiếp tục: Chúng ta cần phải suy tư về việc mang lại lợi ích cho tha nhân. Vì tất cả chúng ta đều có Phật tánh, cho nên tất cả chúng ta đều có tiềm năng khai mở tâm trí toàn tri của mình. Bản chất sáng ngời trong tâm thức của chúng ta không khác gì với bản chất sáng ngời trong tâm thức của một vị Phật. Những phiền não quấy nhiễu tâm ta không phải là bản chất vốn dĩ của tâm thức. Nếu chúng ta trưởng dưỡng một quan điểm đúng đắn, thì chúng ta có thể loại bỏ được những phiền não ấy.
Sau khi tuyên bố rằng Giáo lý của Đức Phật dựa trên hai Chân lý (Nhị đế), Ngài Long Thọ đã noi theo sự giáo huấn của “Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” - trong đó đã vạch ra Đạo Lộ mà trên cơ sở - nếu hiểu được hai Chân lý (Nhị Đế) thì chúng ta có thể hiểu được Bốn Chân lý (Tứ Diệu Đế); và dựa trên cơ sở của sự hiểu biết đó - chúng ta mới quy y Tam Bảo - Phật, Pháp và Tăng.
“Sự cầu nguyện luôn có một vai trò trong tất cả các truyền thống tôn giáo, nhưng bản thân của sự cầu nguyện không thôi thì vẫn chưa đủ. Trong Phật giáo, chúng ta cũng cần sử dụng tâm thức của mình. Tất cả các truyền thống Phật giáo Tây Tạng đều đề cao một sự giới thiệu trình bày đầy đủ về các giáo lý - mà trong đó - Mật tông liên quan đến sự tham gia vi tế của tâm thức”.
Ngài đã trích dẫn lời của một vị Thầy Kadampa đã nói rằng: Nhờ những thành tựu của thiện nghiệp cho nên con đã có được cơ hội quý giá này. Nguyện cầu cho con có thể tận dụng nó thật tốt để không bị rơi vào vực thẳm của sự tái sinh vào cõi thấp hơn.
Chúng ta đã tổ chức buổi lễ này để phát Bồ Đề Tâm trong dịp lễ Saka Dawa này - ngày mà chúng ta tưởng niệm đến sự giác ngộ và sự nhập Đại Niết Bàn của Đức Phật, - để sách tấn chúng ta trong sự thực hành của mình.
Buổi lễ được kết thúc bằng những bài cầu nguyện Cát tường như: “Cầu nguyện cho Giáo Pháp hưng thịnh”, “Cầu nguyện cho các giai trình của Đạo Lộ”, “Lời Chân Thật”, bài cầu nguyện Trường thọ cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma; và bài Hồi hướng kết thúc.
Với hai bàn tay chắp lại và nhìn thẳng vào mắt mọi người, Ngài đã kết thúc bằng một câu đơn giản: “Xin cám ơn!”