Manali, Himachal Pradesh, Ấn Độ - Sau một đêm ẩm ướt, mưa tiếp tục rơi khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma lên đường đến Manali vào sáng hôm qua. Người Tây Tạng xếp hàng dọc theo con đường xuống Dharamsala và ngang qua thị trấn để cung tiễn Ngài. Cơn mưa lớn kéo dài khi đoàn xe chở Ngài đi ngang qua thung lũng Kangra nằm ở phía dưới. Tại Nadaun, dòng sông Beas nước đã dâng đầy.
Dừng chân nghỉ ngơi trong cuộc hành trình tại Hamirpur, Ngài đã được chào đón bởi các sinh viên rạng rỡ từ Kinnaur, Lahoul & Spiti. Cựu Thống đốc của Bang Himachal Pradesh - Giáo sư Prem Kumar Dhumal, sống ở Hamirpur - đã đến để chào đón Ngài; Ngài đã nói chuyện với ông và những người cùng tháp tùng với ông về lý do tại sao Ngài cam kết khôi phục lại các lĩnh vực của kiến thức Ấn Độ cổ đại cho thế giới hiện đại của chúng ta.
Con đường từ Hamirpur leo lên những ngọn đồi để vượt qua Rewalsar - ngôi làng và hồ nước được người Tây Tạng và người dân vùng Hy Mã Lạp Sơn tôn vinh là Tso-Pema vì sự liên kết của nó với Đạo sư Liên Hoa Sanh. Mọi người cầm khăn lụa và thắp hương theo dọc đường để chào đón Ngài khi Ngài đi ngang qua. Sau Tso-Pema, khi cơn mưa dịu bớt và mặt trời bắt đầu ló dạng, có một con đường quanh co khúc khuỷu dẫn xuống đến Mandi. Ngài đã dùng cơm trưa và nghỉ ngơi tại cung điện Raja thuở xưa của Mandi, hiện nay nó đã trở thành là một khách sạn.
Sáng nay, dưới bầu trời trong sáng hơn, một nhóm các nhà lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng địa phương đã đến để đảnh lễ Ngài trước khi Ngài lên đường để đi đến Manali. Một người bạn cũ, sống ở Mandi, cựu Phó Giám đốc Cảnh sát, người đã từng phục vụ cho Ngài trong thập niên 80, đã cung thỉnh Ngài quang lâm đến thăm nhà ông trên đường, Ngài đã nhận lời mời và đã đến thăm nhà ông. Sau đó, đoàn của Ngài đã đi theo con đường khác từ Mandi đến Thung lũng Kullu, trèo qua những ngọn đồi, qua Kataula, qua lối rẽ ra Hồ Prashar và xuống Bajaura. Ngay sau khi vào Thung lũng Kullu, Ngài đã dừng lại nghỉ ngơi và uống một tách trà.
Con đường dọc theo dòng sông Beas nước chảy ào ạt. Tại một số nơi trên đường, cổng chào đã được dựng lên và những người thiện nguyện Tây Tạng và Ấn Độ, chư Tăng Ni, Cư sĩ và trẻ em tập trung ở ven đường để chào đón Ngài và để được thoáng nhìn thấy Ngài khi Ngài đi ngang qua.
Đến Manali, Ngài đã đi xe trực tiếp đến Tu viện Ngari, nơi vị Viện Chủ - Gomang Khensur Lobsang Samten đang sẵn sàng để cung đón Ngài. Ngài đã ôm chặt lấy vị Viện chủ. Đại diện Tây Tạng cho Thung lũng Kullu - bà Tenzin Nangwa đã dâng một chiếc khăn khata lụa lên cho Ngài. Trẻ em cúng dường lên Ngài sự cung đón theo truyền thống ‘chema changpu’, trong khi các vũ công Tashi Shölpa biểu diễn trên sân trước và một nhóm các cô gái Tây Tạng hát ca để chào mừng phái đoàn.
Bên trong Chánh Điện, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thắp một ngọn đèn và kính lễ bức tượng của Đức Phật, Đức Quán Thế Âm, v.v. Khi Ngài an toạ vào vị trí của mình, vị Viện trưởng đã thực hiện sự cúng dường Mạn Đà La - tượng trưng cho thân, khẩu và ý giác ngộ của Chư Phật.
Ngài đã giải thích, tại Tây Tạng đã từng có ba Tu viện, 'Nga, Dak và Gyal' được thành lập bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ Hai - Gyalwa Gendun Gyatso. Đó là các ngôi Chùa Ngari Tratsang, Dakpo Shedrup Ling và Chö-khor Gyal trên bờ sông Lhamo Latso.
Lúc đó, Rinpoche ở đây, (Viện trưởng), bày tỏ nguyện vọng muốn tái lập Ngari Tratsang lưu vong, vì vậy tôi đề nghị ông thực hiện điều đó tại đây. Tôi biết ơn Rinpoche vì đã làm như vậy và đã mời tôi đến viếng thăm. Tôi cũng muốn cảm ơn các Lạt ma của các truyền thống khác đã tham gia cùng với chúng tôi ngày hôm nay.
Mặc dù ngày nay chúng ta có ít Tăng sĩ hơn, nhưng nó vẫn rất quan trọng để thành lập các trung tâm học tập, không chỉ là chư Tăng Ni có thể học mà cả Cư sĩ Phật tử cũng có thể tham gia. Phật giáo không phải được thành lập dựa trên đức tin mà là dựa trên lý trí. Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật đã cảm thấy rằng, mặc dù Ngài đã chứng ngộ được một Giáo Pháp giống như nước cam lồ, nhưng nếu Ngài cố gắng dạy nó thì không ai khác có thể hiểu được những gì Ngài nói. Chính nhờ việc sử dụng lý luận mà sự hiểu biết của các đệ tử của Ngài bắt đầu được tăng lên.
Ngài hỏi những bộ Kinh Luận nào mà chư Tăng ở đây đã học thuộc lòng; và Ngài rất vui khi biết rằng họ đang học thuộc lòng “Hiện Bảo Trang nghiêm Luận”, ‘Abhisamayalankara’. Ngài đã đề cập tầm quan trọng của việc kết hợp Luận giải này với các giải thích về Trí tuệ Ba La Mật bằng những quan điểm của Trung đạo (Madhyamaka).
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thông báo rằng Ngài sẽ giảng dạy về ‘Tám Bài Kệ Luyện Tâm, ‘37 Pháp hành của Bồ tát’ và ‘Luận Giải về Phát Bồ Đề Tâm’ của Ngài Long Thọ vào ngày 13 và 14 tháng 8. Ngày 15, Ngài sẽ truyền quán đảnh Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.