Thekchen Chöling, Dharamsala, Ấn Độ - Khi 30 thành viên của Phái đoàn Tổ chức Chủ tịch Thanh niên (YPO) diện kiến Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma vào sáng nay, Ngài nói với họ rằng Tây Tạng và Nepal có mối liên hệ lịch sử lâu dài và thật là một niềm vinh dự khi được tiếp đón Phái đoàn.
Ngài nói: “Quốc Vương Tây Tạng vào thế kỷ thứ 7 - Songtsen Gampo - đã kết hôn với một công chúa Nepal, và một công chúa Trung Quốc. Sau đó, khi Ngài thiết lập Chùa Jokhang ở Lhasa, nhiều thợ thủ công người Nepal đã tham gia vào việc xây dựng ngôi Chùa này.
Ở đây vào thế kỷ 21 này, chúng ta vẫn giữ gìn truyền thống Nalanda đã được truyền đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ 8. Truyền thống Pali của Phật giáo, bao gồm những giáo lý cơ bản như Tứ diệu đế, 16 đặc điểm của chúng và 37 Phẩm Trợ Đạo, dựa vào thẩm quyền của lời Phật dạy. Tuy nhiên, Truyền thống Nalanda biện minh cho triết lý Phật giáo tinh vi trên cơ sở lý luận và logic. Các bậc Luận Sư của Nalanda đã hỏi, “Tại sao Đức Phật lại dạy điều này hoặc điều ấy?” Họ đã thực hiện các sự thử nghiệm và điều tra nghiên cứu.
Ngày nay, các học giả và giáo sư tại các trường đại học Trung Quốc đã truy cập vào những cuốn sách mà chúng tôi đã biên soạn và xuất bản ở đây các chương liên tục nối tiếp nhau về “Khoa học và triết học trong Kinh điển Phật giáo Ấn Độ”. Họ thừa nhận rằng Phật giáo Tây Tạng đã bảo tồn được Truyền thống Nalanda và phương pháp khoa học của Nalanda.
Phương pháp này sử dụng tiềm năng của tâm thức con người một cách triệt để. Mặc dù tâm lý, khoa học và triết học mà phương pháp này dạy đã được tìm thấy trên danh nghĩa của các bản văn tôn giáo, nhưng không có lý do gì mà những chủ đề này không thể được nghiên cứu theo cách khách quan, thế gian và học thuật hơn.
Các tài liệu này được bao gồm trong bộ sưu tập gồm 300 tập của Kinh tạng và Luận tạng, nguồn gốc chủ yếu là các bản văn Ấn Độ. Tôi tự hỏi liệu có nghiên cứu nào được thực hiện để khám phá xem có bao nhiêu bản văn - nếu có - có nguồn từ tiếng Nepal và Trung Quốc hay không. Và tôi cũng tự hỏi liệu có tác phẩm nào còn tồn tại ở Nepal mà không được dịch sang tiếng Tây Tạng hay không?
Ngài đã mời các câu hỏi từ 30 khán giả đông đảo. Ajit Shah - trưởng nhóm - giải thích rằng trong số họ có những người theo đạo Phật, Ấn giáo và Hồi giáo. Họ đều thuộc về YPO (Phái Đoàn Tổ chức Chủ tịch Thanh niên) - một cộng đồng lãnh đạo toàn cầu.
Khi được hỏi điều gì làm nên hạnh phúc, Ngài đã nói về tầm quan trọng và hiệu quả của các giá trị lâu đời của Ấn Độ về ‘ahimsa’ (bất bạo động) và ‘karuna’ - lòng từ bi. Ngài quan sát thấy rằng ở Ấn Độ, Kitô hữu và Hồi giáo cũng được ảnh hưởng bởi ‘ahimsa’. Sự phổ biến của ‘bất bạo động’ và ‘lòng từ bi’, với ý thức tự nhiên về lòng tôn trọng mà nó đòi hỏi, là lý do mà tại sao các truyền thống tôn giáo ở đất nước này có thể sống với nhau một cách hòa hợp.
Ngài chỉ ra rằng, khi các cá nhân quá ái trọng tự thân thì họ có xu hướng rất dễ nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng và tức giận. ‘Ahimsa’ và ‘karuna’, lòng từ bi và sự kiềm chế không cho làm tổn hại người khác - sẽ hoạt động như một phương pháp đối trị cho việc này. Ngài nói thêm rằng các nhà khoa học nói rằng, bởi vì chúng ta là động vật xã hội cho nên bản chất cơ bản của con người là từ bi. Sự sống còn của chúng ta đều phụ thuộc vào cộng đồng của mình.
Ngài cũng đề cập đến một khía cạnh quan trọng, độc đáo của triết học Phật giáo - Pratityasamutpada - hay Lý Duyên Khởi. Giáo lý này và lý thuyết về sự không có sự tồn tại cố hữu; có nghĩa là các pháp không tồn tại như chúng xuất hiện. Hiểu được khoảng cách này giữa sự xuất hiện và thực tế cũng sẽ giúp làm suy yếu sự ái trọng tự thân. Tương tự như thế, bởi vì những cảm xúc tiêu cực được thiết lập dựa trên một quan niệm sai lầm về sự xuất hiện, cho nên chúng không có cơ sở thích hợp. Tuy nhiên, những cảm xúc tích cực như lòng từ bi - là thực tế và có nền tảng căn cứ trong lý luận.
Khi được hỏi về việc nhìn thấy tương lai như thế nào, Ngài nhớ lại rằng, đầu thế kỷ 20 đã bị hư hỏng bởi quá nhiều bạo lực. Tuy nhiên, Ngài cảm thấy rằng trong những năm cuối thế kỷ, việc thành lập các tổ chức như Liên minh châu Âu và những nỗ lực giảm vũ khí hạt nhân là dấu hiệu về sự trưởng thành của con người. Ngài hy vọng rằng từ số lượng ngày càng tăng của những người hiểu được rằng nền hòa bình thế giới phụ thuộc vào những con người trên thế giới tìm thấy được sự hòa bình bên trong nội tâm của chính mình.
Ngài giải thích: một trong những cách mà nền giáo dục hiện đại vẫn còn khiếm khuyết, đó là vì nó có quá ít sự hiểu biết về cách đạt được sự an lạc nội tâm. Kiến thức Ấn Độ cổ đại rất phong phú về sự hiểu biết sâu sắc của nó đối với hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Tôi tin rằng điều này có thể được kết hợp với nền giáo dục hiện đại để mang lại lợi ích rộng rãi hơn.
Khi được hỏi về thói quen hàng ngày của mình, Ngài đã cười khúc khích và kể một câu chuyện rằng, vào một buổi sáng, có một chính trị gia người Ấn Độ hỏi Ngài ngủ có ngon giấc không. Ngài đã trả lời rằng Ngài luôn có được 9 giờ đồng hồ ngủ ngon và sau đó là 4 giờ đồng hồ thiền định. Ngài nói đùa với ông ấy rằng, điều đó giúp Ngài có được tâm trí sắc bén để Ngài có thể phỉnh mọi người hiệu quả hơn. Chính trị gia trả lời ngay lập tức: “Ồ! tôi không bao giờ ngủ quá 6 tiếng, vì vậy tôi không thể lừa dối mọi người”.
Ngài nhận xét rằng, mặc dù phải đối mặt với tất cả các loại khó khăn trong cuộc sống của mình, nhưng Ngài cảm thấy việc trưởng dưỡng lòng từ bi là một nguồn sức mạnh nội tâm vô cùng hữu ích.
Khi người đặt câu hỏi cuối cùng muốn biết ý nghĩa của việc tụng kinh, Ngài cho rằng việc tụng kinh chỉ là âm thanh mà thôi. Điều quan trọng là phải chú ý đến ý nghĩa của những từ ngữ - đó chính là những gì có thể chuyển hoá tâm thức của bạn.