Thekchen Chöling, Dharamsala - Một nhóm gồm tám mươi lăm người đến từ Singapore, bao gồm người Singapore, Mỹ, Úc, Anh, Ấn Độ, Canada, Trung Quốc, Pháp, Thụy Sĩ và một số người từ các quốc gia khác, đã đến viếng thăm Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma sáng nay. Họ đều là thành viên của Câu lạc bộ 1880, những người được thúc đẩy bởi một mong muốn làm thay đổi thế giới, cuộc trò chuyện đã diễn ra tại thời điểm viếng thăm này.
Ngài đã chào mừng tất cả họ khi Ngài bước vào phòng, nhưng đặc biệt chú ý đến những em bé ở hàng ghế đầu. Ngài gợi ý rằng nếu những người như các cháu, thuộc thế kỷ 21, mà nỗ lực thực hiện làm thay đổi các thứ thông qua sự giáo dục, thì khoảng sau một thế hệ, họ có thể thấy được sự xuất hiện của một thế giới hòa bình hơn, nhân ái hơn.
Marc Nicholson giới thiệu nhóm là những người thuộc các tầng lớp khác nhau và có đức tin khác nhau được đoàn kết hợp nhất lại với hy vọng làm cho thế giới này trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Ngài trả lời, trong số 85 vị ở đây và thậm chí trong số 7 tỷ con người, mọi người đều có một khuôn mặt khác nhau. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều được sinh ra theo cùng một cách.
Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã học cách giải quyết những cảm xúc của mình. Đôi khi cuộc sống thật khó khăn, nhưng tôi đã học được rằng, điều thực sự có ích là có thể duy trì được sự an lạc nội tâm của mình. Theo quan niệm của Phật giáo, thế giới mà chúng ta đang sống thường có đầy rẫy những vấn đề rắc rối, đó là bản chất của vòng sinh tử luân hồi. Nhưng phải đối mặt với những vấn đề như thế thì sẽ luôn luôn tốt hơn nếu quý vị có thể giữ được sự an lạc nội tâm của mình. Có một cách để thực hiện điều này đó là trau dồi Bồ đề tâm, quan tâm đến người khác và tri ân lòng tốt của họ. Tôi quan tâm đến đồng loại của mình là mong muốn cho họ có một cuộc sống vui vẻ như tôi, và phát khởi lòng từ ái đối với họ trên nền tảng hàng ngày. Tất cả chúng ta đều có Phật tính, và nếu bạn nghĩ rằng người khác cũng giống như bạn, thì sẽ dễ dàng cảm thấy gần gũi với bất cứ ai mà bạn gặp.
Cho dù chúng ta có tôn giáo hay không, tất cả chúng ta đều có thể hưởng lợi từ việc nuôi dưỡng lòng từ ái của mình. Tôi đã nhận thấy rằng những người từ bi thì có xu hướng hòa bình hơn. Nếu bạn là người như thế thì ngay cả khi bạn nhận được tin xấu, điều đó cũng không thể khiến cho bạn buồn bã hay khó chịu. Để duy trì được sự an lạc nội tâm, chúng ta cần phải giải quyết những cảm xúc phiền não của mình. Cũng giống như chúng ta học cách chăm sóc sức khỏe thể chất, ta cũng phải học cách chăm sóc tâm thức của mình. Nếu cơ thể bạn khoẻ mạnh, nhưng tâm trí đau khổ, thì bạn sẽ không thể hạnh phúc được. Bên cạnh việc vệ sinh thân thể tôi khuyên chúng ta cũng nên nuôi dưỡng việc vệ sinh cảm xúc.
Chúng ta là những động vật xã hội. Chúng ta phụ thuộc vào cộng đồng nơi chúng ta đang sống. Sự sống còn và hạnh phúc của chúng ta đều phụ thuộc vào gia đình, hàng xóm và vân vân. Ngày nay cả thế giới giống như một cộng đồng. Chúng ta cùng chia sẻ trong một nền kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta cũng phải cùng nhau đối mặt với sự thách thức của biến đổi khí hậu. Chúng ta phải quan tâm đến phúc lợi của tất cả 7 tỷ người.
Không ai muốn gặp rắc rối cả; và mặc dù chúng ta đang cùng với nhau hưởng sự hoà bình ở đây, nhưng ở nơi khác, hiện giờ, có những người đang phải chịu đựng sự đau đớn vật vã bởi tất cả những thứ rắc rối, bao gồm cả sự bạo lực nhân danh tôn giáo. Tốt hơn cả là nên sống hòa bình với hàng xóm của bạn. Đó là lý do tại sao - với tư cách là một con người - tôi đã cam kết thúc đẩy lòng từ bi như một nguồn hạnh phúc thực sự.”
Ngài đề cập đến cam kết của mình trong việc khuyến khích sự hòa hợp tôn giáo; bởi vì tất cả các truyền thống tôn giáo - bất kể quan điểm triết học của họ như thế nào - đều truyền tải một thông điệp về tình yêu thương. Một số người tin rằng họ và thế giới được tạo ra bởi Đức Chúa, những người khác thì tin rằng mọi thứ đều phụ thuộc vào hành động của chính mình. Ngài nói, ở Ấn Độ - nơi có truyền thống lâu đời về ahimsa hoặc bất bạo lực được thúc đẩy bởi lòng từ bi - chúng ta có thể thấy được sự hòa hợp tôn giáo trong hành động của họ.
Ngài tiếp tục, “Thứ ba, tôi là một người Tây Tạng với cái tên Đạt Lai Lạt Ma; và sáu triệu người dân Tây Tạng đã đặt niềm tin vào tôi. Mặc dù tôi đã nghỉ hưu về trách nhiệm chính trị từ năm 2001, nhưng tôi vẫn còn quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng.
Các nhà sử học thời nhà Đường đã ghi lại rằng, vào thế kỷ thứ 7 có ba vương quốc láng giềng là Trung Quốc, Mông Cổ và Tây Tạng. Nhà vua Tây Tạng đã kết hôn với một công chúa Trung Quốc - người đã góp phần giới thiệu Phật giáo cho Tây Tạng. Tuy nhiên, Đức Vua đã chọn chữ viết Devanagari của Ấn Độ làm mẫu cho chữ viết Tây Tạng. Vào thế kỷ thứ 8, mặc dù mẹ là người Trung Quốc, nhưng nhà vua Tây Tạng đã tìm đến Ấn Độ để tìm hiểu thêm về Phật giáo. Ông đã thỉnh mời Vị học giả vĩ đại Thiện Hải Tịch Hộ đến Tây Tạng, nơi Ngài đã giới thiệu về truyền thống của Đại học Nalanda mà chúng ta đã giữ gìn được hơn một ngàn năm qua.
Ngày nay, truyền thống Nalanda chỉ thực sự được duy trì giữa những người Tây Tạng. Kể từ khi Ngài Thiện Hải Tịch Hộ khuyến khích dịch văn học Phật giáo từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, ngôn ngữ này đã trở nên phong phú đến mức bây giờ nó là phương tiện phù hợp nhất để diễn đạt chính xác triết lý Phật giáo.
Trước đây, Tây Tạng còn độc lập, nhưng thế giới đã thay đổi và ngày nay tôi ngưỡng mộ tinh thần của Liên minh châu Âu, nơi đã đặt lợi ích chung lên trên những mối quan tâm quốc gia nhỏ hẹp hơn. Trước đó chúng tôi đã nêu ra vấn đề Tây Tạng tại Liên Hợp Quốc, nhưng từ năm 1974 chúng tôi đã quyết định không còn thúc đẩy cho vấn đề độc lập nữa. Những gì chúng tôi tìm kiếm là những quyền cho các khu tự trị Tây Tạng được đề cập trong hiến pháp Trung Quốc, bao gồm quyền bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của chúng tôi.
Ngài đã mời mọi người đặt các câu hỏi và một cậu bé ở phía trước muốn biết việc Ngài được tái sinh như thế nào. Ngài đã cười và trả lời, không có gì đặc biệt. Tôi chỉ là một người bình thường thôi.
Khi được hỏi sự liên quan đến tánh không như thế nào, Ngài đã xác nhận rằng đây là một khái niệm chính của Phật giáo. Khi Ngài Long Thọ giải thích, Ngài đã nhấn mạnh rằng sự trống rỗng không có nghĩa là hư vô, nó có nghĩa là mọi thứ không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện. Mọi thứ không tồn tại độc lập, chúng chỉ được định danh. Mọi thứ đều phụ thuộc vào các yếu tố khác, bao gồm cả tâm thức không phải là thứ gì đó thuộc về thể chất, nhưng nó tồn tại như một sự liên tục của những khoảnh khắc của ý thức.
Liên quan đến lòng từ bi, Ngài đã giải thích rằng các nhà khoa học khẳng định rằng bản chất cơ bản của con người là từ bi. Ngài chỉ ra rằng, trẻ em rất ít quan tâm đến sự khác biệt giữa bọn trẻ với nhau, chúng chỉ đơn giản là vui vẻ khi chơi đùa cùng nhau. Chỉ khi các cháu lớn lên và bắt đầu sự học hành của mình thì các cháu mới học cách quan sát sự khác biệt. Ngài cho rằng nền giáo dục hiện đại cần phải thực hiện tốt để chú ý hơn đến các giá trị nội tâm, khuyến khích trẻ em trau dồi và nâng cao ý thức tự nhiên của các cháu về lòng từ ái bi mẫn.
Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta là những động vật xã hội. Tương lai và hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào những người xung quanh chúng ta. Quá nhấn mạnh vào sự khác biệt thứ cấp chỉ dẫn đến những rắc rối. Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta luôn nhớ rằng - là con người - chúng ta đều giống nhau và nên làm việc cùng nhau để đạt được lợi ích chung.
Các vị khách mời đã phát biểu lời cám ơn; sau đó, Ngài đã nói rằng, mỗi ngày tôi đã hồi hướng thân, khẩu và ý của mình cho phúc lợi của tha nhân, vì vậy tôi rất vui nếu được chia sẻ suy nghĩ của mình với quý vị.”