Mathura, UP, Ấn Độ - Rời Delhi vào sáng sớm hôm nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xe đến thành phố Mathura bên bờ sông Yamuna, nơi Ngài là khách của Swami Karshni Gurusharanandaji Maharaj. Khi đến Đền Shri Udasin Karshni, Ngài được nhân viên của ngôi Đền tiếp đón và hộ tống về phòng, nơi Maharaj-ji ở cùng với Ngài.
Sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn, Ngài đã tiến đến Đền thờ Krishna chính để tỏ lòng thành kính. Maharaj-ji đi cùng Ngài đến một chỗ ngồi trên khán đài và hướng dẫn các linh mục đền thờ thực hiện nghi thức rửa tội, như một dấu hiệu của sự tôn trọng, liên quan đến việc rửa chân của Ngài với sữa, sữa chua, nghệ tây, ghee và gỗ trầm hương. Tiếp theo đó là một thời tụng niệm về Lễ Đạo sư và dâng cúng các lễ vật khác cho Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma, bao gồm cả các bài tụng từ Tứ Vệ Đà.
Phát biểu với hội chúng, Ngài nói với họ rằng Ngài cảm thấy xúc động như thế nào khi lắng nghe giọng tụng kinh vang dội bằng tiếng Phạn.
Khi còn trẻ, tôi đã học tiếng Phạn từ sách hướng dẫn Kalapa, nhưng thấy nó quá khó. Truyền thống triết học cổ xưa nhất Ấn Độ, Trường Samkhya, đã sử dụng tiếng Phạn, cũng như truyền thống Kỳ Na Giáo và Phật giáo sau này. Văn học Phật giáo đã được ghi lại bằng cả tiếng Pali và tiếng Phạn, nhưng các bậc Luận Sư tại Đại học Nalanda, như các Ngài Long Thọ, Vô Trước và Phật Hộ, tất cả đều viết bằng tiếng Phạn. Thật vậy, các học giả ngày nay đã nói với tôi rằng chất lượng của những bản văn được tìm thấy trong “Trí Tuệ Căn Bản Trung Quán Luận” của Ngài Long Thọ và “Lượng Thích Luận” của Ngài Pháp Xứng đều là tiêu chuẩn cao nhất. Việc nghiên cứu về tiếng Phạn và ngữ pháp được bao gồm trong Năm Ngành học chính mà chúng tôi theo đuổi ở Tây Tạng. Do đó, chúng tôi coi tiếng Phạn là rất quý trọng. Tôi muốn cảm ơn quý vị về buổi tụng niệm tuyệt vời này!
Trọng tâm của truyền thống Ấn Độ cổ đại là thực hành ‘ahimsa’ - hành trạng bất bạo động, được thúc đẩy bởi ‘karuna’ - lòng từ bi, những tư tưởng này vẫn còn liên quan và thích hợp đến ngày nay, không chỉ ở Ấn Độ, mà trên toàn thế giới. Tôi tin rằng chính nhờ những yếu tố này mà Ấn Độ từ lâu cũng đã là một tấm gương điển hình về sự khoan dung tôn giáo - là một điều khác nữa mà thế giới có thể học hỏi. Tôi cũng tin rằng, trong khi nghiên cứu các môn học hiện đại như khoa học và công nghệ, thì người Ấn Độ cũng nên cố gắng bảo tồn kiến thức về sự hoạt động của tâm thức và cảm xúc đã được phát triển ở xứ này từ thời cổ đại, bởi vì nó có thể mang lại lợi ích cho cả 7 tỷ con người đang sống hôm nay, dù họ có theo tôn giáo hay không theo tôn giáo.
Ngài nhận xét rằng, các nhà khoa học đã báo cáo rằng, bản chất cơ bản của con người vốn dĩ là từ bi. Tuy nhiên, sự giáo dục nên chú ý hơn đến việc phát triển và mở rộng bản chất ấy. Ngài đã đề cập đến việc nó sẽ có giá trị như thế nào nếu học sinh được đào tạo về vấn đề vệ sinh cảm xúc - khả năng giải quyết những cảm xúc phiền não và đạt được sự an lạc nội tâm, từ mức độ mẫu giáo đến đại học. Ngài bày tỏ sự tin tưởng rằng Maharaj-ji và các thành viên trong đạo tràng của mình đang nỗ lực để bảo tồn các truyền thống như vậy.
Ngài đã cùng Maharaj-ji và các tu sĩ của Đền Thờ đang ngồi trên sàn để dùng cơm trưa. Học sinh của Đền Thờ đã tụng những vần thơ thật hay trong bữa cơm được phục vụ theo kiểu truyền thống trên lá và trong bát bằng đất nung.
Quay trở lại phòng sau bữa trưa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thảo luận ngắn gọn về chương trình ngày mai với Maharaj-ji, Ngài bày tỏ hy vọng rằng họ có thể dành thời gian vào buổi sáng để cùng nhau thiền định.