Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay, đây là lần đầu tiên Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng mà không có một ai ngồi trước mặt mình cả - sự kiện này được quay lại trên video và truyền hình trực tuyến ra cho thế giới. Những người xem, bao gồm chư Tăng Ni Tây Tạng, nam nữ cư sĩ trong các khu định cư ở Ấn Độ và các nơi khác, cũng như nhiều người khác ở các địa điểm xa xôi, đã có thể nhìn thấy và nghe rõ lời của Ngài. Nhiều người đã vui mừng vì Ngài vẫn khoẻ mạnh và sức khoẻ của Ngài rất tốt.
Hôm nay, chúng ta có thể sử dụng công nghệ tuyệt vời này để giao tiếp với nhau - Ngài giải thích. Nhiều người bạn bè đã thể hiện sự quan tâm và yêu cầu một thời Pháp; nhưng do những hạn chế liên quan đến đại dịch coronavirus, cho nên chúng tôi không thể đáp ứng được về mặt thể chất.
Chủ đề chính của Pháp thoại của tôi hôm nay là “Vòng Châu Báu” của Ngài Long Thọ; tác phẩm này cùng với sáu cuốn sách của‘ Bộ sưu tập Lý luận, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu. Phần đầu tiên của bổn kinh mà tôi sẽ đọc hôm nay, đề cập đến mười sáu yếu tố giúp chúng ta có được sự tái sanh vào những cảnh giới cao. Phần sau của bổn kinh là bài kệ:
"Nguyện cho con được thân thiết với chúng sinh như chính cuộc đời mình,
Và nguyện cho họ thậm chí còn đáng quý hơn đối với bản thân con!
Cầu cho những ác nghiệp của họ hãy giáng xuống đời con!
Và tất cả những hạnh lành của con xin hãy trổ quả tốt đẹp trong đời họ!".
Bài kệ này đề cập đến việc phát Bồ Đề tâm mà tôi sẽ nói vào ngày mai.
Tất cả chúng sinh - bao gồm cả côn trùng - đều giống nhau trong việc khát khao hạnh phúc và tìm cách tránh khỏi khổ đau. Về điều này thì ai cũng biết rõ, không cần bàn cãi. Chúng ta có xu hướng dựa vào các nguồn khoái cảm về thể xác và cảm giác, nhưng nếu không có sự an lạc nội tâm thì chúng ta sẽ không có được niềm hạnh phúc bền vững lâu dài. Sự phát triển về vật chất đã cải thiện đáng kể về các cơ sở vật chất của chúng ta, nhưng sự an lạc nội tâm không thể được sản xuất bởi các máy móc trong một số nhà máy, mà chính chúng ta phải tạo ra nó từ bên trong tâm thức của mình.
Tôi là một con người - một trong bảy tỷ người trên trái đất này - và tôi tin rằng nếu mọi người an lạc hơn, thì họ sẽ hạnh phúc hơn. Ngày nay, các nhà khoa học cũng đang xem xét về vấn đề này. Kiến thức Ấn Độ cổ đại hàm chứa sự hiểu biết phong phú về hoạt động của tâm thức và cảm xúc. Phật giáo là một phần của điều này. Ngoài lời khuyên về tình yêu thương và lòng từ bi - truyền thống Ấn Độ cổ đại còn được thực hành trong việc rèn luyện phát triển thiền chỉ và thiền quán. Tuy nhiên, những kỹ năng này không cần phải bị giới hạn trong sự thực hành tôn giáo; mà tất cả chúng ta đều có thể kết hợp nó vào cuộc sống của chính mình.
Ngài đã đề cập về ba cam kết của mình. Ngài giải thích về việc - với tư cách là một con người - Ngài cam kết khuyến khích mọi người nên sống vui vẻ - để giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc kết hợp các giá trị của con người vào cuộc sống của chính mình để chắc chắn có được sự an lạc trong tâm hồn. Thứ hai - là một tu sĩ Phật giáo - Ngài tận tâm khuyến khích sự hòa hợp giữa các truyền thống tôn giáo trên thế giới. Thứ ba - là một người Tây Tạng - mặc dù đã nghỉ hưu và chuyển giao trách nhiệm chính trị của mình cho một nhà lãnh đạo được được nhân dân bầu ra - Ngài vẫn cam kết bảo tồn ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng, đồng thời lên tiếng bảo vệ môi trường tự nhiên của Tây Tạng.
Ngài đã đề cập rằng, vào thế kỷ thứ 7, dưới triều đại của Hoàng Đế Songtsen Gampo, phiên bản chữ viết mới của Tây Tạng đã được thiết kế soạn thảo. Sau đó, vị trụ trì vĩ đại Tịch Hộ đã khuyên Quốc vương Trisong Detsen nên cho dịch văn học Phật giáo Ấn Độ chủ yếu từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng. Vì tiếng Phạn là ngôn ngữ học thuật, cho nên khi các tác phẩm tiếng Phạn được dịch sang tiếng Tây Tạng, thì các thuật ngữ mới được hình thành - và nhờ vậy mà ngôn ngữ được trở nên phong phú và sâu sắc Ngài Tịch Hộ - một tấm gương điển hình của Truyền thống Nalanda, đã nhấn mạnh việc nghiên cứu triết học và sử dụng logic và lý luận. Điều này mở rộng phạm vi kiến thức từ việc hiểu những gì hiển nhiên theo kinh nghiệm; cho đến những vấn đề hơi mơ hồ, nhưng có thể được hiểu thông qua sự suy luận. Một loại đối tượng tri thức thứ ba hoàn toàn tối nghĩa; và chỉ có thể được hiểu khi phụ thuộc vào sự kiểm chứng của một tác giả đáng tin cậy, tin tưởng vào điều đã được thiết lập thông qua logic và lý luận.
Ngài tuyên bố rằng chính phương pháp hợp lý và logic này đã giúp Ngài có sự chuẩn bị sẵn sàng để tham gia vào các cuộc thảo luận với các nhà khoa học hiện đại. Do đó, vì kiến thức có trong bộ Kinh tạng và Luận tạng, đặc biệt là sự hiểu biết sâu sắc về cách hoạt động của tâm thức và cảm xúc, cho nên Ngài cảm thấy có trách nhiệm phải bảo tồn ngôn ngữ Tây Tạng.
Ngài nhận xét rằng, dựa trên kiến thức Ấn Độ cổ đại, mà Mahatma Gandhi đã tiết lộ cách làm thế nào để tinh thần phi bạo lực có thể được sử dụng trong bối cảnh đương đại. Ngài lưu ý rằng Bộ sưu tập Kiến thức Cao cấp - Vi Diệu Pháp - đã mô tả về các thời đại thế giới bị thống trị bởi nạn đói và vũ khí. Ngài than thở rằng một trong những hậu quả của sự phát triển vật chất là tập trung vào việc thiết kế và sản xuất loại vũ khí gây chết người hơn bao giờ hết. Một số người tự hào về chúng và đặt nền tảng cơ sở kinh doanh của họ vào việc sản xuất và buôn bán vũ khí.
Đồng thời, cũng có những người khác ấp ủ một ý định phong trào giải giáp (phi vũ khí hoá). Họ hiểu rằng vấn đề của nhân loại không thể được giải quyết bằng cách sử dụng những loại vũ khí mạnh hơn. Các vấn đề phát sinh từ sự tham ái và thù hận không thể loại bỏ được bằng cách sử dụng vũ lực. Không ai có thể đạt được sự chiến thắng hoàn toàn; kẻ thù không bao giờ bị diệt vong hoàn toàn. Bởi vì - rốt cuộc thì chúng ta cũng phải sống cùng nhau, cho nên chúng ta cần phải giải quyết những vấn đề của mình thông qua sự đối thoại và đàm phán. Và để đạt được sự giải giáp (phi quân sự hoá) bên ngoài thì trước tiên đòi hỏi chúng ta phải có ý thức giải trừ vũ khí bên trong.
Ngài nhấn mạnh: “Trẻ em sống sót được là nhờ vào sự chăm sóc của cha mẹ. Ngay cả khi đến lúc trưởng thành, các cá nhân tồn tại được là nhờ vào cộng đồng. Đây là bởi vì chúng ta là những sinh vật xã hội. Trong quá khứ, con người thường sống trong các cộng đồng nhỏ hẹp với rất ít sự tương tác giữa mọi người với nhau. Ngày nay, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau về lĩnh vực kinh tế, và chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức như sự biến đổi về khí hậu - mà chỉ có thể đối phó được nếu chúng ta đoàn kết lại với nhau. Ta cần phải suy nghĩ một cách toàn cầu và hợp tác làm việc cùng nhau. Chừng nào còn có sự quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu, thì kinh nghiệm của chính mình đã cho chúng ta biết rằng điều đó đang xảy ra. Khi lần đầu tiên đến Dharamsala này, chúng tôi đã thấy có tuyết rơi dày hơn nhiều so với những gì mà chúng ta đang thấy ngày nay. Khi bay qua Afghanistan, quý vị có thể nhìn thấy những khu vực cằn cỗi hiện giờ trông như thể chúng đã từng là những hồ nước trước kia.
Nhiều vấn đề của chúng ta bắt nguồn từ trạng thái không thể chế ngự được của tâm thức. Chúng ta gắn bó với bạn bè và người thân của mình và thù địch đối với kẻ thù. Chúng ta làm ngơ đối với thực tế của sự phụ thuộc lẫn nhau. Như Ngài Tịch Thiên đã nói rõ:
"Mọi kẻ bất hạnh thế gian phải khổ đau chỉ vì tham vọng cho hạnh phúc riêng của họ;
Tất cả người hạnh phúc ở cõi đời được vui sướng nhờ ước nguyện cho hạnh phúc của tha nhân”.
"Nếu không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì không những cảnh giới Phật ta sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi ta sẽ chẳng thể nào vui".
Ngài Long Thọ đã chỉ ra rằng những hành động và cảm xúc tiêu cực đều phát sinh từ sự phóng tưởng của tâm thức:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh không".
Vì chúng ta giống nhau trong nỗi niềm khát khao kiếm tìm hạnh phúc và vượt qua đau khổ, cho nên chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc trưởng dưỡng sự an lạc nội tâm và xử lý những cảm xúc phiền não của mình.
Chuyển từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Anh, Ngài nói:
Khi trở thành người tị nạn của đất nước này, nếu xuất phát từ một quan điểm mà nói - thì điều đó thật đáng buồn! Nhưng từ một quan điểm khác - nó đã cho tôi cơ hội. Tôi đã có thể gặp gỡ các nhà lãnh đạo của các tôn giáo, các khoa học gia và những người từ nhiều tầng lớp khác nhau, những người mà tôi sẽ không bao giờ được gặp gỡ nếu tôi ở lại Potala.
Như tôi đã đề cập từ trước - tôi cam kết giúp đỡ mọi người có được sự hạnh phúc; và khuyến khích họ nghĩ về toàn thể nhân loại. Là một hành giả Phật giáo, tôi tin rằng sự hòa hợp giữa các tôn giáo là điều thực sự rất quan trọng, bởi vì thông điệp chung của tất cả các truyền thống của chúng ta luôn chứa đựng lòng từ bi và tính kỷ luật tự giác. Ở tại Ấn Độ này, chúng ta thấy rằng tất cả các truyền thống tôn giáo lớn đều sống chan hòa với nhau. Tôi tin rằng sự hài hòa giữa các truyền thống tôn giáo của chúng ta có thể đóng góp đáng kể để tạo ra một thế giới hòa bình hơn, hạnh phúc hơn.
Tôi cũng là một người Tây Tạng - một người mà phần lớn trong số sáu hoặc bảy triệu người Tây Tạng đều gởi gắm niềm tin của họ vào đó. Tôi đã nghỉ hưu về phương diện chính trị, nhưng tôi cảm thấy có trách nhiệm phải hoạt động để bảo tồn sự truyền giảng hoàn hảo nhất về giáo lý của Đức Phật đã được duy trì sống động ở Tây Tạng trong hơn một ngàn năm qua. Tôi có nhiều bạn bè từ các quốc gia theo truyền thống Pali. Nói chung, khi tôi khuyến khích Phật tử áp dụng phương pháp logic hiếu học đưa đến sự hiểu biết, là tôi được truyền cảm hứng từ lời dạy của Đức Phật:
"Hỡi chư Tăng và các Vị Học Giả!
Cũng như vàng được thử bằng cách đốt nung, cắt chặt và cọ xát,
Lời của ta cũng như thế mà kiểm tra,
Rồi mới chấp nhận chứ đừng chỉ vì lòng sùng mộ!".
Ở Tây Tạng, chúng tôi đã giữ gìn cho truyền thống Nalanda được tồn tại sống động; và với sự huấn thị của Ngài Tịch Hộ - chúng tôi đã dịch văn học Phật giáo Ấn Độ sang tiếng Tây Tạng, đây là một khuôn mẫu kiến thức đáng được bảo tồn.
Tây Tạng còn được gọi là ‘Nóc nhà của Thế giới’, đó là nơi khởi nguồn của những con sông lớn của châu Á cung cấp nước cho hàng tỷ người. Vì vậy, tôi cũng cam kết bảo tồn môi trường tự nhiên của Tây Tạng.
Nói lại bằng tiếng Tây Tạng một lần nữa, Ngài bắt đầu đọc từ bản Kinh văn “Vòng Châu Báu”. Ngài trích dẫn một bài kệ của Ngài Thánh Thiên - trưởng tử của Ngài Long Thọ - đã tóm tắt giáo lý như sau:
"Trước tiên ngăn chặn những điều quấy sai lầm lỗi,
Kế tiếp ngăn chặn về một cái Tôi;
Sau đó ngăn ngừa quan điểm về tất cả các loại.
Ai liễu ngộ điều này - đó chính là bậc trí".
Những bài kệ đầu tiên của ‘Vòng Châu Báu’ đề cập đến những cảnh giới cao, một cuộc sống thuận lợi, cho phép bạn thực hành Pháp. Một cuộc sống như vậy được bảo đảm bằng cách tích luỹ các nguyên nhân của nó - ngăn chặn những điều làm tổn thất công đức. Điều này đòi hỏi cần phải tránh mười ba bất thiện hạnh: mười hành động bất thiện là: sát sanh, trộm cắp, tà dâm; nói dối, nói lời chia rẽ, nói lời ác ngữ, nói lời vô nghĩa; tham, sân, si. Ba bất thiện hạnh khác cần phải tránh, đó là: say xỉn, sinh kế sai lầm và làm điều hãm hại. Có ba thiện hạnh cần được áp dụng, đó là: bố thí một cách tôn trọng, tôn vinh danh dự và tình yêu thương.
Ngài nhấn mạnh rằng, khi chúng ta bố thí cho người nghèo, chúng ta nên tạo mọi nỗ lực để thể hiện cho họ cảm nhận được sự tôn trọng mà mình dành cho họ.
Liên quan đến dòng thứ hai trong bài kệ của Ngài Thánh Thiên: ‘Kế tiếp ngăn chặn về một cái Tôi’ - Ngài đã trích dẫn một bài kệ khác từ ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Tịch Hộ:
"Nhận thức rằng tất cả mọi lỗi lầm, phiền não
Xuất phát từ ý tưởng tích luỹ vô thường.
Và biết rằng đó chính là ái trọng tự thân;
Bản ngã ấy là điều mà hành giả Du già nên từ bỏ".
Ngài cũng đã đề cập đến bốn biểu hiện của Tánh Không trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’
Sắc chính là Không - Không chính là Sắc; Sắc chẳng khác Không - Không chẳng khác Sắc.
Ngài nói thêm rằng, trong thực hành Mật tông, mọi thứ đều được tịnh hóa bằng sự tan biến thành tánh không và chẳng có gì tồn tại cố hữu. Một cái “tôi” phụ thuộc vào cơ thể và tâm thức mà không thể được tìm thấy trong sự nghiên cứu kiếm tìm.
Trước khi kết thúc buổi thuyết giảng, Ngài đã nhắc lại rằng, cuộc khủng hoảng về khí hậu và hậu quả của sự nóng lên toàn cầu đang ngày càng gia tăng từ thập niên này qua thập niên khác; chúng ta phải giải quyết nó.
Ngài kết thúc: “Đây là lần đầu tiên tôi giảng dạy theo cách này. Hy vọng rằng trong tương lai, chúng ta có thể yêu cầu đưa ra các câu hỏi và có nhiều tương tác hơn. Hiện tại, về mặt thể xác - chúng ta cần phải duy trì khoảng cách xa nhau, nhưng điều này có nghĩa là chúng ta có thể tổ chức các cuộc thảo luận cùng nhau. Tạm biệt - Mai gặp lại."