Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Hôm nay, Telo Rinpoche đã chào đón Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và mở đầu buổi thuyết giảng bằng cách nhắc lại rằng Ngài đã đến viếng thăm Tuva lần cuối vào năm 1992. Ông đề cập rằng năm nay Tăng đoàn Tuva đã mất đi Vị lãnh tụ tinh thần của họ, Khamby Lama - Thượng toạ Jamphel Lodoi vì vi rút Corona. Rinpoche gửi lời chia buồn đến người dân Tuva. Một vị Lạt ma Khamby mới - Thượng toạ Gelek Natsyk Dorjuu, đã được bầu chọn vào ngày 4 tháng 10. Telo Rinpoche đã chúc mừng về sự bổ nhiệm của Thượng toạ và cầu nguyện cho Ông được sức khỏe tốt và thành tựu.
Tiếp theo là phần tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Tuvan từ Tsechenling Khuree ở Tuva.
Ngài bắt đầu bằng việc thông báo rằng, ngày mai - ngày thứ ba của đợt thuyết Pháp này, được xem là một ngày Cát tường, Ngài sẽ tiến hành một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm. Đây là dịp kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca giáng thế từ cõi Trời Ba mươi ba - nơi Ngài đã quang lâm để viếng thăm và thuyết Pháp cho Thánh Mẫu đã quá cố của mình.
Ngài nhận xét: “Tuy nhiên, chúng ta không cần phải chứng minh những phẩm chất độc đáo trong giáo lý của Đức Phật trên cơ sở của những phép lạ thần thông, cũng không phải chỉ về phương diện đức tin. Đức Phật là một triết gia và các bậc Đạo sư Nalanda đã xác minh những lời dạy của Ngài trên cơ sở của lý luận.
“Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề rắc rối bởi vì chúng ta không kiểm soát được tâm thức của mình. Các bậc thầy Nalanda đã khuyến nghị rằng, trước tiên nên kiểm tra xem điều gì đã làm nhiễu loạn tâm thức của ta; và sau đó hãy xem xét phương pháp nào đối trị lại những xáo trộn đó. Bản chất cơ bản của tâm là vốn dĩ trong sáng và tỉnh giác, còn những xáo trộn và phiền não chỉ là những trạng thái bất chợt mà thôi.
“Chúng ta đã đọc ‘Luận giải về Bồ Đề Tâm’ của Ngài Long Thọ - người được mệnh danh là Đức Phật thứ hai. Trong bản văn này, ta thấy được sự bác bỏ những khẳng định của các trường phái phi Phật giáo và tiếp theo đó là các quan điểm của Trường phái Duy Tâm.
“Lần Chuyển Pháp Luân thứ hai và thứ ba của Đức Phật là quan trọng nhất. Những điều Ngài dạy trong lần Chuyển Pháp Luân đầu tiên đã đặt nền tảng cho những Giáo Lý sau này. Ngài giải thích rằng những phiền não tinh thần là nguồn gốc của sự đau khổ, nó không phải thực sự là bản chất của tâm thức, và nó có thể được loại bỏ.
“Những người không phải là Phật tử - đã chấp nhận có một cái “ngã” duy nhất, chủ động, tách biệt khỏi các uẩn thân - tâm. Tôi nhận thấy ý tưởng này thuận tiện cho việc giải thích sự tồn tại của kiếp trước và kiếp sau. Tuy nhiên, Ngài Long Thọ đã bác bỏ khái niệm về một cái “ngã” riêng biệt vì không thể chấp nhận được.
“Đức Phật đã dạy về cách mà các pháp xuất hiện đối với chúng ta. Một số đệ tử có khuynh hướng về quan điểm Duy Tâm. Họ bác bỏ sự tồn tại bên ngoài và coi mọi thứ chỉ là sự phản chiếu của tâm thức. Họ khẳng định rằng âm thanh, hình sắc và vân vân có tồn tại, nhưng không tách rời khỏi tâm thức. Chúng xuất hiện như là kết quả của sự chín muồi của những dấu ấn trong tâm thức. Ý niệm rằng không có vật thể bên ngoài nào có tác dụng nới lỏng cảm giác tham luyến chấp trước của chúng ta, v.v. Tuy nhiên, khi Trường phái Duy tâm nói rằng mọi thứ chỉ là sự phản chiếu của tâm thức, thì quan điểm Trung đạo lại cho rằng mọi thứ chỉ đơn thuần là do tâm thức gán danh. Mục đích của khẳng định này là phá vỡ quan niệm sai lầm rằng mọi thứ có sự tồn tại cố hữu thực sự.
“Những người theo Trường phái Trung quán Y Tự Khởi thì chấp nhận sự tồn tại khách quan của sự vật, trong khi quan điểm của Trung quán Ứng Thành Phái, do Ngài Long Thọ đề xướng và được Ngài Nguyệt Xứng đúc kết lại, đã bác bỏ mọi sự tồn tại khách quan của các pháp. Mọi thứ tồn tại, nhưng chúng không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện.
“Các pháp không có bản chất cốt lõi cố hữu thiết yếu bên trong và của chính nó. Ngài Nguyệt Xứng giải thích rằng, nếu các pháp tồn tại khách quan thì sẽ kéo theo bốn ngụy biện: Nguỵ biện cho rằng sự thiền định miên mật của một bậc Thánh về tính Không sẽ là kẻ hủy diệt của các pháp hiện tượng; rằng sẽ là sai lầm nếu dạy rằng các pháp không có sự tồn tại tối hậu; rằng sự tồn tại thông thường của các pháp sẽ có thể đối chất được sự phân tích tối hậu về bản chất của các pháp; và không thể khẳng định được rằng các pháp là rỗng không ở trong và của chính nó.
“Trong ‘Ba nguyên tắc của Đạo Lộ’, Ngài Tsongkhapa đã viết rằng, việc nhận ra rằng các pháp được phát sinh một cách phụ thuộc sẽ bác bỏ được biên kiến của sự chấp thường. Nhận ra rằng các pháp vốn dĩ rỗng không sẽ bác bỏ được biên kiến của sự chấp đoạn. Nếu chúng ta không áp dụng sự phân tích tối hậu, chúng ta có thể chấp nhận rằng mọi thứ tồn tại, nhưng chúng không tồn tại theo cách mà chúng xuất hiện. Không có sự tồn tại khách quan, chúng chỉ tồn tại bằng cách định danh.”
Ngài đã đề cập rằng Ngài đã học thuộc lòng ‘Nhập Trung Quán Luận’ và ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ từ khi còn bé, nhưng Ngài cũng thừa nhận rằng vào thời điểm đó Ngài chỉ đọc đi đọc lại những từ ngữ mà thôi. Gần đây, Ngài đã có cơ hội đọc kỹ hơn cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ và ‘Tự luận’ của cuốn sách ấy. Càng ngày Ngài càng cảm kích về cách mà những tác phẩm này mô tả về tiến trình của Đạo lộ. Ngài Nguyệt Xứng đã tóm tắt điều này trong những câu cuối cùng của chương sáu:
Như thế, được chiếu soi bằng ánh dương của tuệ giác;
Bồ tát thấy rõ như quả amla trong lòng bàn tay mở toạc;
Rằng ba cõi vốn dĩ vô sanh kể từ khoảnh khắc đầu tiên;
Và thông qua năng lực Tục Đế - Vị ấy tiến về nơi đoạn diệt. 6.224
Dù tâm Ngài có thể an trú triền miên trong cảnh giới tịch diệt;
Ngài vẫn khởi Bi Tâm đối với chúng sanh không được chở che;
Tiến xa hơn nữa - nhờ vào tuệ giác - Ngài đã vượt trội hơn
Tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác và bậc trung trong chư Phật. 6.225
Như Chúa Tể loài Thiên Nga luôn bay trước đầu đàn,
Với đôi cánh của Chân Đế và Tục Đế rộng dang.
Được thúc đẩy bởi sức mạnh của cơn gió đại hùng Giới Đức,
Vượt đến bờ bên kia, đạt được phẩm chất đại dương của Chiến thắng Huy hoàng. 6.226
Tiếp tục đọc ‘Luận giải về Bồ Đề Tâm', Ngài đã đề cập đến ba bản chất, tùy thuộc, giả lập và viên mãn được đề cập trong bài Kệ 28. Ngài đọc đều đặn qua các câu tiếp theo, dừng lại để chỉ ra rằng lời dạy của Đức Phật có thể được hiểu trên phương diện thánh thư và qua sự chứng ngộ. Mục đích là để nghiên cứu Giáo Pháp, tích lũy kinh nghiệm và chia sẻ Giáo Pháp với những người khác. Ngài nhận xét thêm rằng, khi sự hiểu biết về tánh Không xuất hiện, thì quý vị có thể thấy rằng sự chấm dứt là điều có thể.
Khi hoàn tất phần đọc, Ngài nói với thính giả rằng Ngài đã nhận được sự trao truyền bản văn này từ vị Gia sư của Ngài - Kyabje Trijang Rinpoche. Nó trình bày cả hai khía cạnh sâu sắc và bao quát của Đạo Lộ.
“Hãy đọc và suy ngẫm về Luận giải này! Những gì nó truyền đạt chính là Bồ đề Tâm và quan điểm về tánh Không. Bồ Đề Tâm đối trị cho thái độ ái trọng tự thân Tánh Không đối trị sự bám víu mạnh mẽ của chúng ta vào sự tồn tại khách quan của các pháp. Bồ Đề Tâm là phương cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu của chính quý vị”.
Tổng thống Cộng hòa Tuva - ông Sholban Kara-ool mở đầu phần vấn - đáp. Ông thưa với Đức Ngài rằng, một ngôi chùa Phật giáo chính vừa mới được xây dựng và sắp hoàn thành ở Tuva. Ông thỉnh cầu Ngài đặt tên cho ngôi Chùa và giải thích về những gì mà Ngài cho là sứ mệnh của những tổ chức như thế.
Ngài trả lời: “Tên của ngôi Chùa sẽ là Thupten Shedrup Ling. “Thupten” biểu thị cho lời dạy của Đức Phật; và “Shedrup Ling” biểu thị nơi giảng dạy và thực hành lời dạy ấy. Có năm chủ đề chính để nghiên cứu: Quan điểm Trung Quán, Bát Nhã Ba La Mật, Kiến thức Siêu việt, Kỷ luật Thiền Môn, cũng như logic và nhận thức luận.
“Bát Nhã Ba La Mật" đưa ra những tiến trình của Đạo Lộ, ba kiến thức, v.v. Phẩm chất độc đáo của những điều mà Đức Phật đã dạy được bộc lộ trong phần giải thích về Trung Quán. Thật vậy, Bát Nhã Ba La Mật và Trung quán là những lĩnh vực nghiên cứu chính. Nếu quý vị duy trì những điều này, thì mục đích của cái tên “Thupten Shedrup Ling” sẽ được thực hiện.
“Quý Vị đã mời tôi đến thăm Tuva để thực hiện lễ Lạc Thành, nhưng hiện nay không phải là lúc thích hợp - bởi do mối đe dọa của đại dịch covid. Tuy nhiên, tôi hy vọng có thể đến viếng thăm Ngũ Đài Sơn; và nếu điều đó trở thành hiện thực, thì tôi cũng hy vọng có thể đến Tuva. Tôi sẽ lưu tâm lời thỉnh cầu của quý vị.”
Vị Khamby Lama mới được tấn phong đã hỏi về vấn đề giảng dạy Phật pháp trong các trường mẫu giáo và trường học. Ngài gợi ý rằng, nếu một nhóm hội chúng được tập hợp từ những người Tuvan đã từng học ở Ấn Độ, thì họ có thể phục vụ với tư cách là giáo viên đã được đào tạo thích hợp.
Một nhà báo Nga muốn biết chúng ta có thể chuyển hoá bản thân và thế giới như thế nào trong những thời điểm bấp bênh này. Ngài đồng ý rằng sự bùng phát của đại dịch nói chung có thể được quy cho là do sự chín muồi của ác nghiệp. Tuy nhiên, các bác sĩ và y tá đang nỗ lực chăm sóc người bệnh; và các nhà nghiên cứu cũng đang nỗ lực tìm ra các biện pháp để khắc phục. Vì vậy chúng ta không nên nản lòng.
Ngài gợi ý rằng, vì các dân tộc Kalmykia, Buryatia và Tuva theo truyền thống Phật giáo, cho nên sẽ rất tốt nếu họ trì tụng thần chú của Đức Tara. Ngài tiết lộ rằng đây là công việc mà Ngài thực hành mỗi buổi sáng - cầu nguyện cho đại dịch được lắng dịu xuống.
Liên quan đến việc tìm ra thời khoá chuẩn mực để mọi người phát triển việc thực hành thiền định, Ngài khuyến nghị chỉ cần dành ra nửa giờ hoặc một giờ vào buổi sáng và lặp lại vào buổi tối. Ngài lưu ý rằng buổi sáng sớm là rất tốt vì tâm trí còn tươi tỉnh. Sẽ rất hữu ích nếu bắt đầu một ngày bằng cách nuôi dưỡng động cơ tích cực. Và nếu quý vị có thể trau dồi ý thức về Bồ Đề Tâm trước khi đi ngủ, thì giấc ngủ suốt đêm của quý vị sẽ trở nên tích cực. Khi dùng bữa, quý vị nên tưởng nhớ đến tất cả những người đã góp phần tạo ra thức ăn này cho quý vị.
Một người khác hỏi về cách làm thế nào để kiểm tra xem liệu cô ấy có nhận ra đối tượng bị phủ định khi thiền định về Tánh Không hay không. Ngài khuyên rằng: “Khi con hiểu đúng về Tánh Không thì con sẽ thấy nó hỗ trợ cho lòng vị tha và giúp đỡ cho người khác như thế nào. Con cũng sẽ thấy những cảm xúc tiêu cực mang lại sự đau khổ như thế nào. Khi có cảm giác về cái ‘tôi’ sẽ đưa đến sự bám chấp tham luyến. Chính bởi bám chấp vào mọi thứ mà chúng ta đã tự đẩy mình vào vòng sinh tử luân hồi bất tận.
“Để nâng cao sự thực hành của mình, quý vị không nên chỉ tuân theo một thói quen mà mình có thể đã theo một chương trình giảng dạy ở trường. Hãy đặt sự thực hành của quý vị ở một góc nhìn rộng hơn và đừng chỉ coi mọi thứ như là điều hiển nhiên.
“Chúng ta nói về việc thiết lập hòa bình trên thế giới, nhưng mọi người lại cãi vã với nhau và cuối cùng thậm chí đã đánh nhau và giết người nhân danh tôn giáo. Nhìn chung, hệ thống giáo dục vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chúng ta giảng dạy về vệ sinh thân thể để giữ gìn sức khỏe thể chất, nhưng chúng ta lại biết quá ít về vệ sinh cảm xúc, cần phải xem xét nhìn vào những thứ mà đã làm phiền tâm trí của chúng ta. Nếu có thể trau dồi một thái độ vị tha, quý vị sẽ thấy thanh thản trong tâm hồn. Với điều đó, quý vị sẽ tạo ra sự hòa bình trong gia đình mình và trong cộng đồng rộng lớn hơn."
Ngài được hỏi về việc tìm kiếm một vị Đạo Sư; và Ngài đã trả lời rằng không cần thiết phải nhận sự chỉ dạy từ một vị Thầy sống để thực hành Phật pháp. Ngài nói: “Điều quan trọng, là đọc những cuốn sách phù hợp. Nếu cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên đã có sẵn bằng tiếng Nga, thì hãy đọc cuốn sách ấy. Nó cho ta thấy được những khuyết điểm của thái độ ái trọng tự thân; và những ưu điểm của việc trân trọng người khác. Hãy coi cuốn sách này như một bậc Thầy của quý vị. Khi quý vị tức giận, hãy đọc chương sáu. Khi ganh tị, hãy đọc chương tám. Hãy đọc nó hàng ngày hoặc bất cứ khi nào có thể.
“Khi tôi sống ở Lhasa, các bản văn ‘Các giai trình của Đạo lộ’ rất phổ biến; nhưng kể từ khi sống cuộc đời lưu vong, tôi đã nhận được sự giải thích về ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ từ Khunu Lama Rinpoche và nó đã trở thành tác phẩm mà tôi thích giảng dạy hơn”.
Natasha Inozemtseva đã kết thúc buổi giảng hôm nay bằng lời thành kính tri ân về sự giảng dạy của Ngài và mong được diện kiến lại Ngài vào ngày mai.