Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Sáng nay, sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma an toạ, Cô Wee Nee Ng đã thay mặt cho các sinh viên Phật giáo đến từ sáu quốc gia Châu Á: Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Hồng Kông - đã chào mừng Ngài. Cô giải thích rằng, trước tiên - Chư Tăng Thái Lan tại một Trung tâm Thiền ở Chiang Mai sẽ tụng kinh 'Mangala Sutta' (Kinh Hạnh Phúc) bằng tiếng Pali. Tiếp theo đó, hai Sư Cô tại một Ni viện ở Malaysia sẽ tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Hoa.
Ngài bắt đầu bằng cách nhắc các Thính chúng rằng, Đức Phật đã chuyển Pháp luân cách đây hơn 2500 năm. “Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc về vật chất, nhưng con người lại bị xa rời khỏi nguồn hạnh phúc thực sự. Nhiều người theo truyền thống tôn giáo nhận thấy rằng việc duy trì sự cân bằng cảm xúc là điều vô cùng hữu ích.
“Nền tảng của Giáo lý Đức Phật chính là Tứ Diệu Đế - cho dù quý vị theo truyền thống Pali hay Sanskrit thì giáo lý cơ bản vẫn là như thế. Ngài dạy về đau khổ, nguồn gốc của sự đau khổ, sự chấm dứt khổ đau và con đường đưa đến sự chấm dứt ấy. Khi chúng ta quán sát để xem nguyên nhân của đau khổ là gì, chúng ta được dẫn dắt vào lĩnh vực tâm lý, đối phó với các hoạt động của tâm thức. Các nguyên nhân chủ yếu gây ra sự đau khổ chính là những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như tham luyến và sân giận. Đây không phải là bản chất của tâm thức. Chúng phát sinh bởi vì cách mà chúng ta liên hệ với sự xuất hiện bề ngoài của các pháp hiện tượng.
“Đức Long Thọ đã nói rằng, nguyên nhân của đau khổ là nghiệp quả và phiền não, hoặc những cảm xúc tiêu cực bắt nguồn từ vô minh. Đức Phật dạy rằng chúng ta có thể đạt được sự chấm dứt đau khổ thông qua việc đoạn trừ những cảm xúc phiền não ấy. Ngài đã giải thích điều này một cách thấu đáo nhất trong giáo lý Bát nhã Ba la mật; và được phác hoạ qua năm Đạo lộ được ngụ ý trong câu thần chú của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
“Những cảm xúc phiền não nảy sinh do sự vô minh - đó chính là quan niệm sai lầm của chúng ta về cách mà mọi thứ tồn tại. Ngày nay, các nhà vật lý lượng tử tuyên bố rằng mọi thứ không tồn tại giống như sự xuất hiện của chúng. Trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, chúng ta tìm thấy bốn sự biểu hiện về tính không:
Sắc chính là không - không chính là sắc; sắc chẳng khác không - không chẳng khác sắc.
“Khi đề cập đến lý Duyên khởi; Đức Phật đã cho thấy rằng chúng ta có thể vượt qua nhị biên của sự chấp “hữu” và chấp “vô”.
“Giáo lý của Đức Phật đã lan rộng khắp châu Á đến các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản, cũng như Miến Điện, Thái Lan và Sri Lanka. Ở đó phát sinh ra Truyền thống Pali và Truyền thống tiếng Phạn. Tiếng Phạn được xem là một ngôn ngữ học thuật và truyền thống này dựa vào việc sử dụng logic và lý luận. Tuân theo lời khuyên của chính Đức Phật là - không chấp nhận ngay lời dạy của Ngài; mà phải quán sát xem xét nó như một người thợ kim hoàn kiểm tra chất lượng của vàng - những đệ tử theo truyền thống tiếng Phạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng Giáo lý của Đức Phật và phân loại chúng ra thành loại tối nghĩa hoặc cần được giải thích. Điều này thật sự giống với phương pháp khoa học.
“Theo sự giải thích của Đức Phật về lý Duyên khởi, mọi thứ không có sự tồn tại cố hữu. Chúng chỉ tồn tại đơn thuần bằng cách định danh, thông qua các khái niệm và tên gọi. “Sắc” không có sự tồn tại cố hữu. Như ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ đã đề cập: ‘Sắc chẳng khác không - không chẳng khác sắc’. Điều này đối trị với hai thái cực của chấp thường và chấp đoạn.
Đối với Đức Long Thọ - Ngài nói rằng chúng ta không cần phải dựa vào tiểu sử để biết Đức Long Thọ là người như thế nào. Chúng ta có thể đọc sáu tác phẩm chính của Ngài. Theo lẽ tự nhiên, những học giả nổi tiếng như Ngài Nguyệt Xứng và Ngài Phật Hộ, đã viết các luận giải về ‘Trí tuệ căn bản Trung quán Luận’ của Ngài. Họ áp dụng phương pháp biện chứng, bác bỏ lập trường của người khác, khẳng định quan điểm của mình và bác bỏ những chỉ trích sau đó.
Ngài đề cập rằng trong các tu viện được tái thiết lập ở Ấn Độ ngày nay, ngày càng có nhiều Tăng Ni học thuộc lòng tác phẩm ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ. Một số Vị khác đã học thuộc lòng ‘Hiện Quán Trang Nghiêm Luận’ và ‘Nhập Trung Quán Luận’ - Ngài cũng đã kể bao gồm cả chính mình trong số đó. Và sau khi đã thuộc lòng những bộ luận giải này, những sinh viên này đã nghiên cứu các luận giải của Ngài Phật Hộ, Thanh Biện, Nguyệt Xứng, v.v., nghiên cứu những điều mà họ đã viết - dưới ánh sáng của lý luận. Đây là phương pháp mà Ngài Tịch Hộ đã khuyến khích khi Ngài thiết lập và truyền bá Phật giáo đến Tây Tạng.
Ngài đã đề cập đến bài Kệ trong cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng và ngụ ý câu này trong lời tự luận của Ngài rằng Ngài Thế Thân, Trần Na và Ngài Hộ Pháp đã hiểu sai ý của Ngài Long Thọ. Họ không nắm bắt được ý nghĩa thực tế, bởi vì họ đã bị hoảng loạn bởi những lời nói của Ngài và bác bỏ lời dạy thoát tục của Ngài:
Kinh hoàng trước sắc màu chói chang của đại dương trí tuệ bao la vô tận của Đức Long Thọ,
Một số người đã lánh xa và giữ khoảng cách với truyền thống tuyệt vời này.
Tuy nhiên, được thấm đẫm như sương, những vần thơ này chớm nở như những nụ hoa súng.
Thế nên, niềm hy vọng của Ngài Nguyệt Xứng giờ đây đã trở thành hiện thực. (11,54)
Ngài lưu ý rằng ‘Trí tuệ Căn bản’ đã được dịch sang tiếng Hoa và do đó cũng đã được dịch sang tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Hàn. Tuy nhiên, vấn đề cốt yếu là bây giờ chúng ta cần phải đọc và nghiên cứu những điều đã được viết trong đó. Tất cả những người theo truyền thống tiếng Phạn đều tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, nhưng rất ít người chịu nghiên cứu về nó. Có lần, một vị Trụ trì Nhật Bản đã từng nói với Ngài rằng, mặc dù Chư Tăng và tín đồ của ông thường xuyên tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’, nhưng họ tụng mà không hiểu ý nghĩa của nó. Do vậy, ông thực sự rất cảm kích về việc Ngài đã giải thích cho họ về ý nghĩa của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’.
Ngài nói rằng Ngài đã học thuộc lòng ‘Nhập Trung Quán Luận’ khi Ngài còn nhỏ, lúc ấy có một từ hoặc cụm từ cụ thể mà Ngài cảm thấy khó. Điều đó khiến Ngài bực bội và Ngài đã dùng móng tay cạo bỏ những từ ấy khỏi cuốn sách mà Ngài đang sử dụng. Sau đó, khi đã nghiên cứu luận thuyết và có được một số hiểu biết, Ngài đã biết và vô cùng cảm kích rằng lý Duyên Khởi đã cho thấy được tính tương đối của sự vật.
“Trong tác phẩm ‘400 Bài Kệ’, Ngài Thánh Thiên đã nói với chúng ta rằng:
Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện diện, khiến não phiền
Khéo chế ngự sự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh bình yên.
“Điều này có nghĩa là mặc dù có những phương pháp cụ thể để đối trị với tham ái và sân giận; tuy nhiên, bằng cách hiểu được tính không và lý Duyên khởi - ta có thể loại bỏ tận gốc mọi cảm xúc tiêu cực.
“Đức Long Thọ giải thích rằng, chúng ta quay cuồng trong vòng sinh tử luân hồi là vì ác nghiệp, vì hành động tiêu cực; và sự giải thoát chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ nghiệp chướng và những cảm xúc phiền não. Phiền não tinh thần phát sinh từ những ý niệm vọng tưởng do sự phóng đại của tâm thức. Những quan điểm sai lầm như thế chỉ có thể được loại bỏ bằng cách hiểu rõ về thực tại.
“Chúng ta bám chấp vào ý tưởng cho rằng mọi thứ có sự tồn tại một cách độc lập và cố hữu. Những cảm xúc tiêu cực như sự tham ái và sân giận nảy sinh đều do cái nhìn phóng đại này”.
Ngài bày tỏ sự cảm kích rằng Ngài có thể kết nối với mọi người qua internet, đặc biệt là vào thời điểm đại dịch này mọi người không thể gặp trực tiếp nhau. Ngài nhận xét rằng các truyền thống tôn giáo hữu thần như Thiên Chúa Giáo - đã giúp ích cho rất nhiều người vì họ dạy về tầm quan trọng của tình yêu thương và lòng từ bi. Những người theo Phật giáo - đặc biệt là những người theo Truyền thống Phạn ngữ - nên kết hợp việc trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi với sự hiểu biết về tính không.
Ngài nói rằng: “Mọi người đều muốn tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, không có ai là không muốn hạnh phúc cả! Khía cạnh tôn giáo của Phật giáo là dành cho Phật tử, nhưng những ý tưởng về khoa học và triết học thì có thể mang lại lợi ích cho bất kỳ ai”.
Chuyển sang cuốn ‘37 Pháp hành của Bồ tát’, Ngài đã đề cập rằng, tác giả Gyalsey Thogmé Sangpo là người cùng thời với Butön Rinchen Drup. Ông ấy sống ở Ngulchu, đó là lý do tại sao đôi khi tên của địa danh này được thêm vào tên của ông ấy, trong phần đầu - ‘Gyalsey’ ngụ ý về việc ông ấy đã được nhiều người xem là một vị Bồ tát. Ngài nói rõ rằng trong số tám đệ tử thân cận của Đức Phật, Lokeshvara được giao phó cho việc gìn giữ lòng từ bi, do đó, lời kính lễ ở đầu tác phẩm này là tỏ lòng tôn kính đối với Ngài.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đọc một cách đều đặn những vần thơ nói về việc học tập Giáo lý của Đức Phật, từ bỏ quê hương, tìm kiếm nơi cô tịch để thực hành giáo pháp và buông bỏ cuộc sống này là một trong những sự thực hành của Bồ tát. Ngài trích dẫn nhận xét của Gungthang Rinpoché rằng, những người bạn hiểm ác không hề có sừng và răng nanh, nhưng họ là những người giả vờ chăm sóc bạn, nhưng lại dẫn dắt bạn đi vào những con đường lầm lạc.
Bài Kệ thứ sáu đề cập đến việc dựa vào một bậc thầy tâm linh, đó là một bậc không phải chỉ cần phải là người có học, mà còn phải là người có kinh nghiệm cá nhân. Jé Tsongkhapa nhấn mạnh rằng, trong cuộc sống của chính mình, Ngài đã nghiên cứu một cách sâu rộng, xem tất cả các giáo lý như những chỉ dẫn cá nhân, áp dụng chúng và tự mình phải trải qua những kinh nghiệm về những sự hướng dẫn của các giáo lý ấy.
Những bài Kệ tiếp theo nói rằng nếu bạn làm cho người khác không vui thì bạn sẽ phải nhận lãnh những hậu quả xấu; thế nên đừng bao giờ hành động sai quấy! Hãy phát khởi lòng khát khao đạt được sự đoạn tận khổ đau (diệt đế). Bài Kệ thứ chín tóm tắt đạo lộ chung cho những chúng sinh có căn cơ bậc trung. Ý chính của bài Kệ tiếp theo là - nhờ vào sự thực hành tình yêu thương và lòng từ bi mà xung quanh bạn có một bầu không khí trìu mến - và bạn sẽ được hạnh phúc. Ngài nhắc lại lời khuyên của Ngài Tịch Thiên:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Vậy làm sao ngay cả trong luân hồi họ có thể được vui?”
Điều này được lặp lại trong Bài Kệ thứ mười một. Bạn càng tử tế đối với người khác, thì bạn cũng sẽ được nhiều lợi ích hơn. Tất cả chúng ta đều có sự quan tâm cho lợi ích cá nhân mình - đó là điều rất tự nhiên; tuy nhiên, để thực hiện tốt cho lợi ích cá nhân - đó chính là sự phục vụ cho người khác. Những vần Kệ sau đây khuyên bạn nên nói về những đức tính tốt của người khác; và về những người bạn đã từng giúp đỡ, nhưng họ đã đáp lại lòng tốt của bạn bằng sự nhẫn tâm và độc ác - hãy đối xử với họ thật tử tế như mẹ của bạn vây! Những vần thơ ấy khuyên chúng ta đừng nản lòng, cũng đừng trở nên tự phụ. Hãy góp nhặt sự bảo vệ của lòng từ ái! Hãy điều phục tâm mình! Hãy xem các thú vui nhục dục cũng giống như nước muối vậy (càng uống càng cảm thấy khát!)
Lúc thiền định, hãy duy trì trong trạng thái miên mật sâu thẳm như không gian, nhưng trong giai đoạn sau khi thiền định, hãy xem mọi thứ giống như ảo ảnh, sự xuất hiện của chúng liên quan đến tâm thức của chính bạn. Hãy nhớ rằng sự xuất hiện của sự vật phụ thuộc vào người quan sát. Hãy xem mọi sự hấp dẫn cũng chỉ là huyễn hoặc, hãy từ bỏ sự tham đắm vào chúng. Đây là những sự thực hành của Bồ tát.
Ngài dừng lại sau bài Kệ hai mươi ba, và hứa là sẽ tiếp tục vào ngày mai. Ngài yêu cầu các câu hỏi từ phía khán giả. Câu hỏi đầu tiên liên quan đến vấn đề làm thế nào để đảm bảo cho một sự tái sinh tốt trong tương lai. Trong câu trả lời của mình, Ngài đã trích dẫn lời của Đức Di Lặc nói rằng, tôi xin đảnh lễ trước Bồ Đề Tâm - đã dẫn dắt (chúng sanh) từ cõi thấp đến cảnh giới cao hơn và cuối cùng là trạng thái bất tử. Bạn càng ít ích kỷ thì bạn càng có được nhiều hạnh phúc. Nếu bạn giúp đỡ người khác, bạn sẽ tích luỹ được các nguyên nhân để tái sinh vào cảnh giới tốt đẹp hơn. Ít nhất là hãy có trái tim ấm áp nhân hậu và không làm tổn hại người khác.
Khi trả lời câu hỏi về cách làm thế nào mà một người sơ cơ mới bắt đầu có thể tu tập liên quan đến ba cốt tuỷ của Đạo Lộ; trước tiên, Ngài đã khái quát lại cho mọi người nắm bắt được ba cốt tuỷ ấy là gì: tâm yểm ly (kiên tâm thoát khỏi thế gian), Bồ Đề Tâm và Chánh kiến về Tánh Không. Ngài nói rõ rằng để hiểu được sự chấm dứt đích thực (Diệt đế), là một trong bốn chân lý cao quý, thì cần phải hiểu về hai chân lý (Nhị Đế) - chân lý thông thường và chân lý tối hậu. Ngài nhấn mạnh rằng Ngài đã suy ngẫm về hai sự thật này trong một thời gian dài. Ngài khuyên hãy nghiên cứu về cái cách mà mọi thứ tồn tại. Sở dĩ chúng thay đổi bởi vì chúng không hề có sự tồn tại cố hữu. Khi bạn hiểu được về hai sự thật (nhị đế), thì bạn sẽ hiểu rằng việc chấm dứt khổ đau (diệt đế) - là điều có thể khả thi.
Khi được hỏi làm thế nào để giúp đỡ những người quá tự mãn, Ngài trả lời rằng khi các cá nhân quá ích kỷ và kiêu ngạo, thì những người khác sẽ rất cảnh giác khi tiếp cận với họ. Ngài nói rằng tất cả chúng ta đều ích kỷ ở một mức độ nào đó, nhưng sự ích kỷ một cách khôn ngoan đó chính là quan tâm đến người khác.
Ngài nhận xét rằng một vấn đề cơ bản trên thế giới ngày nay là khoảng cách chênh lệch giữa người giàu và người nghèo. Ngài khuyến khích những người giàu có nên giúp đỡ về mặt vật chất cho những người nghèo khổ, nhưng đồng thời cũng nên cung cấp cho việc học hành của họ. Ngài nói rằng kể từ khi biết về chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc, Ngài đã coi mình là một người theo chủ nghĩa xã hội. Đối với đại dịch, Ngài bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các công trình nghiên cứu đang được tiến hành để tìm ra các biện pháp khắc phục nó. Trong khi đó, các thành viên của công chúng phải nên tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Trả lời cho vấn đề chắc chắn rằng trẻ em trưởng thành một cách hạnh phúc là đều liên quan đến giáo dục. Nền giáo dục hiện đại - có nguồn gốc từ phương Tây - tập trung phần lớn vào sự phát triển vật chất. Tuy nhiên, ở Ấn Độ và các xã hội châu Á khác, có truyền thống học cách làm lắng dịu những cảm xúc tiêu cực. Để làm được việc này, điều quan trọng là phải tìm hiểu về cơ chế hoạt động của tâm thức và cảm xúc, cũng như học cách giải quyết chúng theo phương pháp mà Ngài đã đề cập đến là trưởng dưỡng tình cảm. Trẻ em có xu hướng tự nhiên trong sáng và cởi mở. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn và nâng cao những phẩm chất này.
Cuối cùng, Ngài đã được yêu cầu ban cho lời khuyên về những phát triển ở Hồng Kông. Ngài bắt đầu bằng cách lưu ý rằng - ngoài tất cả những vấn đề khác mà chúng ta phải đối mặt - còn có những rắc rối do các chính trị gia gây nên. Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hồng Kông đang ngày càng trở nên lớn hơn, nhưng Ngài kêu gọi người Hồng Kông không nên để cho bị xáo trộn về mặt cảm xúc. “Hãy tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà bạn đang gặp phải. Nếu đã có biện pháp để khắc phục, thì bạn không cần phải lo lắng. Nếu không có biện pháp khắc phục, thì cho dù lo lắng cũng chỉ là vô ích. Khi đối mặt với một vấn đề, cần phải tìm cách khắc phục nó. Trong trường hợp thách thức như sự biến đổi về khí hậu, nó có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, khi bạn đã có bộ não nhạy bén và trái tim can đảm; thì đừng bao giờ đánh mất quyết tâm của mình để vượt qua những trở ngại mà bạn đang phải đối mặt”.