Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sau khi Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bước vào căn phòng trong Dinh thự của mình để giảng Pháp sáng nay, Ngài chào các sinh viên Tây Tạng - những người mà Ngài có thể nhìn thấy trên màn hình trước mặt - và an toạ. Họ tụng mấy bài cầu nguyện, bao gồm cả việc cúng dường Mạn đà la, và Ngài bắt đầu.
“Hôm nay, buổi giảng này chủ yếu dành cho thanh thiếu niên Tây Tạng. Từ “Pháp” đã tồn tại từ mấy nghìn năm qua. Hiện giờ chúng ta đang ở vào thế kỷ 21 và đã có những tiến bộ đáng kể trong khoa học và công nghệ. Chúng ta có thể hỏi, liệu tôn giáo có còn phù hợp không?
Trong hàng ngàn năm qua, tôn giáo đã là điều mà mọi người đã nương tựa vào mỗi khi họ gặp phải khó khăn. Hiện nay đã có hơn bảy tỷ người trên trái đất này. Một số tin vào tôn giáo và một số thì không tin; một số thì phản đối tôn giáo và những người khác thì thờ ơ không quan tâm đến. Tuy nhiên, tất cả họ đều khao khát hạnh phúc và xa lánh khổ đau. Những người chống đối hoặc thờ ơ với tôn giáo có hạnh phúc hơn so với những người khác hay không? Nói chung, những người dựa vào một sự thực hành tôn giáo có vẻ như cảm thấy mãn nguyện hơn.
“Ngay từ khi được sinh ra, tình yêu thương và lòng từ bi đã là những điều quan trọng đối với chúng ta như là nền tảng cho sự tồn tại của chúng ta. Bản chất cơ bản của con người là từ bi. Các nhà khoa học đã nói rằng, vì con người là sinh vật xã hội, cho nên họ sẽ quan tâm đến người khác một cách tự nhiên. Rõ ràng là chúng ta không thể tồn tại một mình.
“Tôn giáo chỉ có thể được tìm thấy ở loài người, nhưng ngay cả loài động vật cũng trải qua những cảm xúc tiêu cực như sự giận dữ và luyến ái. Chúng ta thường đề cập đến những người giận dữ hoặc những người mê tín với một số cảnh giác, nhưng đối với những người tử tế thì luôn được mọi người cảm kích.
“Tình yêu thương và lòng từ bi là điểm chung đối với mọi tôn giáo, nhưng ‘ahimsa’ - bất bạo động - bắt nguồn từ ‘karuna’ - lòng từ bi - thì thuộc về truyền thống Ấn Độ. Và lời dạy của Đức Phật dựa trên truyền thống của Ấn Độ.
“Các truyền thống hữu thần thì tin vào Đấng Thượng đế sáng tạo - Bậc tràn đầy tình yêu thương; và họ khao khát được giống như Ngài. Trong Phật giáo Tây Tạng, chúng ta có các vị thần phẫn nộ - bởi vì sự thực hành Mật thừa đưa sự sân giận vào con đường Đạo lộ. Theo quan điểm bình thường, ba độc: tham, sân, và si cần phải được loại bỏ khỏi tâm thức; nhưng theo quan điểm Mật tông, chúng có thể được chuyển hóa. Giống như chất độc được chuyển hoá thành thuốc, có nhiều phương pháp để cho những cảm xúc tiêu cực được chuyển hoá thành con đường Đạo lộ.
Ngài đã trích dẫn câu thơ nổi tiếng của Matrceta:
“Chư Phật không rửa sạch những hành động bất thiện bằng nước,
Cũng không loại bỏ đau khổ của chúng sinh bằng chính đôi tay,
Không cấy ghép sự giác ngộ của mình vào người khác.
Ngài giải thoát họ bằng cách dạy sự thật về Giáo Lý Chân Như này”.
Chư Phật cứu giúp chúng sinh bằng cách truyền dạy cho họ về giáo lý như thị. Các Ngài chia sẻ những kinh nghiệm của mình về con đường Đạo lộ, về phương pháp mà họ đã thực hành và trở nên giác ngộ. Ngài gợi ý rằng, tất cả các truyền thống tôn giáo đều có thể chia sẻ chức năng của giáo pháp, đó là bảo vệ chúng ta khỏi các trạng thái sợ hãi. Từ “Pháp” ở đây chuyển tải ý nghĩa về sự chuyển hóa tâm thức.
Nếu quý vị tử tế và tình cảm, thì quý vị sẽ hạnh phúc và những người xung quanh quý vị cũng sẽ hạnh phúc. Sự chuyển hoá không phải là kết quả của việc uống thuốc trị liệu, mà là về sự hoạt động của tâm thức. Vì vậy, mục đích của chúng ta là thúc đẩy và trưởng dưỡng tình yêu thương và lòng từ bi trong tâm thức. Đồng thời, chúng ta cũng cần điều phục tâm sân giận, ganh tị và tham ái.
Chúng ta có nhiều loại cảm xúc; và vài trong số đó làm xáo trộn sự yên bình nội tâm của chúng ta. Chúng phát sinh từ những quan niệm sai lầm, từ quan điểm không đúng đắn về thực tại.
“Cả hai truyền thống Pali và Sanskrit của Phật giáo đều truyền dạy về ba sự trau giồi của Tam Vô Lậu Học: Giới - về cơ bản là không làm những điều ác; Định - liên quan đến việc hướng sự tập trung vào bên trong tâm thức của chúng ta, và Tuệ. Ngay lập tức, tâm thức của chúng ta rất dễ bị phân tán bởi các nhận thức giác quan khác nhau. Những phiền não về tinh thần không phát sinh từ những nhận thức cảm tính mà là từ ý thức tinh thần.
“Sự thiền định nhất tâm được trau dồi trên nền tảng của Giới. Quý vị nên cố gắng phát triển hành thiền vào lúc sáng sớm. Tập trung tâm trí vào bên trong. Trong trường hợp không bị phân tâm, quý vị có thể cảm nhận được trạng thái vô niệm. Hãy lấy đó làm đối tượng của thiền định. Phân tích bản chất của tâm. Tập trung vào sự rõ ràng và tỉnh giác của tâm thức. Quý vị cũng có thể phân tích về hạnh phúc và khổ đau là gì”.
Ngài nhận xét rằng hạnh phúc và đau khổ có những khía cạnh về thể chất và tinh thần. Ngài đã trích dẫn một bài Kệ trong ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ nói rằng:
"Nhờ diệt trừ nghiệp chướng não phiền - ta đạt được giải thoát an nhiên.
Phiền não Nghiệp duyên khởi sinh từ tư duy khái niệm.
Những tư duy này xuất phát từ sự tạo tác của vọng tâm;
Sự tạo tác này sẽ được đoạn trừ thông qua (trí tuệ) tánh Không."
Do vì ác nghiệp, vì hành động tiêu cực mà chúng ta bị trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Sự giải thoát chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ nghiệp chướng và những cảm xúc phiền não. Những phiền não về tinh thần đều bắt nguồn từ sự vô minh thiếu hiểu biết, tin rằng mọi thứ đều tồn tại như sự xuất hiện bề ngoài của chúng. Ngài Long Thọ đã viết rằng, phiền não tinh thần phát sinh từ những ý niệm khái niệm, điều này khởi nguồn từ những sự phóng tâm của chúng ta. Những quan điểm sai lầm như vậy chỉ có thể được loại bỏ bằng cách hiểu biết rõ ràng về thực tại.
Ngài nhận xét rằng, vật lý lượng tử đã tuyên bố rằng, mặc dù mọi thứ dường như có sự tồn tại khách quan, nhưng khi chúng ta phân tích chúng, thì chẳng có bất kỳ sự tồn tại khách quan nào cả! Raja Ramanna đã nói với Ngài rằng, trong khi vật lý lượng tử còn quá mới mẻ đối với phương tây, thì những cách suy nghĩ tương tự như vật lý lượng tử có thể được tìm thấy ở Ấn Độ cổ đại. Truyền thống Trung quán nói rằng, chúng ta chỉ có thể nói về sự tồn tại của các pháp hiện tượng trong bối cảnh của tâm trí nhận thức. Truyền thống Duy tâm khẳng định rằng các đối tượng chỉ là sự phản chiếu phóng tâm của người nhận thức về chúng.
Ngụ ý trong ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ về việc Đức Phật hành thâm trong sự ‘chiếu kiến Vi diệu’ có thể được hiểu là liên quan đến hai sự thật (Nhị Đế), sự thật thông thường (Tục Đế) và sự thật tối hậu (Chơn Đế). Vạn pháp tồn tại và ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng khi chúng ta tìm kiếm nó và sự thực của nó, thì chúng ta không thể tìm thấy được.
Ngài đã trích dẫn một bài Kệ khác từ ‘Trí tuệ Căn bản’ của Ngài Long Thọ liên quan đến Như Lai:
"Không phải là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong Ngài,
Ngài không trong các uẩn,
Đức Như Lai vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Vậy Như Lai là gì khác nữa?"
Ngài nói rằng Ngài thường hay lặp lại điều này để áp dụng cho bản thân mình và suy ngẫm về nó cho phù hợp với trường hợp của mình:
Tôi không là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong tôi,
Tôi không trong các uẩn,
Tôi thật sự vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Vậy tôi là gì khác nữa?
Ngài giải thích: “Chúng ta có một cảm giác mạnh mẽ về cái ‘tôi’, nhưng khi chúng ta tìm kiếm nó, một số người nói rằng nó là một trong những uẩn tâm lý-vật lý, chẳng hạn như tâm thức. Tuy nhiên, chúng ta nói về ‘tôi’, ‘ý thức của tôi’ và ‘lời nói của tôi’ như thể là có một chủ sở hữu khác.
Trong lần chuyển Pháp luân đầu tiên, Đức Phật đã tiết lộ về Tứ Thánh Đế - bốn chân lý cao cả. ‘Dòng Tương tục Siêu phàm’ đã được Ngài đề cập đến trong lần chuyển Pháp luân thứ ba - đã giải thích rằng, những phiền não tinh thần, là dựa trên nền tảng của sự vô minh - một quan niệm sai lầm về thực tại, chúng chỉ mang tính chất tạm thời. Càng suy ngẫm về nó, chúng ta càng thấy rõ rằng mọi thứ không hề tồn tại như chúng xuất hiện.
Trong kỳ chuyển Pháp luân thứ hai, Đức Phật đã trình bày về Bát Nhã Ba la Mật trên phương diện lý trí và logic. Đây là phương pháp đã được các bậc thầy của Đại học Nalanda áp dụng, phương pháp này đã được truyền sang Tây Tạng.
“Tất cả những ai đã từng nghiên cứu các bản văn về Trung Quán Luận (Madhyamaka) đều coi Ngài Long Thọ như là một vị Phật thứ hai. Ngài đã tóm tắt Bát Nhã Ba La Mật trong tác phẩm ‘Trí tuệ Căn bản Trung quán Luận’. Ngài Thánh Thiên và Ngài Phật Hộ đã theo Ngài Long Thọ; nhưng bậc xuất chúng nhất trong số các bậc thầy của truyền thống Trung Quán là Ngài Nguyệt Xứng. Tôi vẫn tiếp tục đọc và nghiên cứu những bộ tự luận của Ngài về “Nhập Trung Quán Luận” và Sáu tuyển tập về lý luận của Ngài Long Thọ.
“Ngài Tịch Hộ đã thiết lập một phương pháp để nghiên cứu và rèn luyện liên quan đến việc phát triển sự hiểu biết bằng cách đọc và lắng nghe (văn), đào sâu kiến thức đó thông qua sự suy ngẫm (tư), sử dụng lý trí và logic, và thu thập những kinh nghiệm về kiến thức ấy thông qua thiền định (tu).
“Nếu học sinh ở các trường học Tây Tạng có thể học chương thứ hai của cuốn ‘Thích Lượng Luận’ của Ngài Pháp Xứng, làm sáng tỏ bài kệ Kính Lễ từ ‘Tập lượng Luận’ của Ngài Trần Na. Nó giải thích về cách mà Đức Phật là bậc đáng tin cậy và từ bi như thế nào; và Ngài đã trở thành một bậc thầy và là đấng bảo hộ như thế nào. Nếu quý vị nghiên cứu về điều này, quý vị sẽ được trang bị để kiểm tra xem ai đó có đủ tiêu chuẩn để trở thành bậc Thầy hay không.
“Ở Tây Tạng, chúng tôi duy trì truyền thống mạnh mẽ của sự nghiên cứu và thiền định. Jé Tsongkhapa đã quan tâm đến Quan điểm Trung quán từ thời thơ ấu của mình. Lama Umapa đã có những linh kiến về Đức Văn Thù từ khi Ngài còn là một cậu bé chăn cừu. Ngài đã giúp Jé Rinpoché đặt những câu hỏi trình lên Đức Văn Thù. Có một lần, Jé Rinpoché đã mô tả sự hiểu biết của mình về quan điểm đúng đắn và hỏi nó có phù hợp với truyền thống Duy Thức hay Trung Quán. Đức Văn Thù nói với Ngài rằng điều đó không phù hợp với cả hai trường phái; và đã ban cho Ngài một hướng dẫn ngắn gọn. Khi Tsongkhapa báo cáo rằng Ngài không thể hiểu được điều đó, Đức Văn Thù đã khuyên Ngài nên nhập thất để tịnh hóa phiền não và tích lũy trí tuệ và công đức.
“Tsongkhapa đã làm theo lời khuyên này và trong suốt quá trình nhập thất, khi đọc bài luận giải của Ngài Phật Hộ về ‘Trí tuệ căn bản’ của Đức Long Thọ, Ngài đã đạt được Trí tuệ về tính Không. Ngài cảm thấy biết ơn và kính trọng đối với Đức Phật đến nỗi Ngài đã soạn ra bản văn ‘Xưng tán Duyên Khởi’ này. Tôi đã nhận được bản này từ bậc Thầy Bổn Sư Tiền bối của tôi - Ngài Ling Rinpoche.
Ngài đọc tám câu đầu tiên tán dương Đức Phật đã tiết lộ về Duyên Khởi ‘Sự thấy biết sẽ xóa bỏ được vô minh’. Âm vang câu thơ của Đức Long Thọ:
Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên;
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không.
Ngài Tsongkhapa viết, “Bất kỳ thứ gì phụ thuộc vào điều kiện, cái đó đều không có sự tồn tại nội tại cố hữu.”
Ngài đã nhận một số câu hỏi từ phía khán giả trực tuyến của mình. Vào dịp này, những câu hỏi đều do các sinh viên đến từ Viện Giáo dục Cao Cấp Đạt Lai Lạt Ma ở Karnataka và Trường TCV Thượng ở Dharamsala - đặt ra.
Khi được hỏi làm thế nào để áp dụng lòng từ bi và lý Duyên khởi vào trong cuộc sống hàng ngày, Ngài nhìn nhận rằng, tất cả chúng ta đều có thái độ trân trọng bản thân. Tuy nhiên, nếu xem xét về vấn đề tất cả chúng ta phụ thuộc vào nhau như thế nào, thì ta sẽ hiểu được tầm quan trọng của việc trân trọng người khác. Ngài lưu ý rằng trong “Nhập Trung Quán Luận” Ngài Nguyệt Xứng đã hết lời ca ngợi lòng từ bi. Đối với các vị Bồ tát, đối tượng chính của lòng từ bi là chúng sinh, trong khi trọng tâm của trí tuệ là sự giác ngộ.
So sánh khoa học hiện đại với khoa học Phật giáo, Ngài nhận xét rằng, trước đây khoa học chủ yếu chỉ chú ý đến việc nghiên cứu các hiện tượng vật lý. Tuy nhiên, ngày nay, các nhà khoa học đang bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực ý thức tinh thần. Richie Davidson và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu xem sự thiền định có ảnh hưởng đến não bộ như thế nào. Những người khác đang xem xét hiện tượng ‘tuk-dam’ xảy ra khi các Hành giả có kinh nghiệm vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thiền định miên mật sau khi chết lâm sàng. Ngài đã đề cập đến một trường hợp ngay thời điểm hiện tại của một Geshé (Tiến Sĩ) vừa mới viên tịch tại Đài Loan.
Ngài giải thích: “Khi chúng ta chìm vào giấc ngủ, các tri giác giác quan của chúng ta tạm thời dừng lại, và trạng thái tâm thức của chúng ta vi tế hơn trạng thái lúc thức. Khi chúng ta nằm mơ, nó có phần hơi thô hơn; nhưng trong giấc ngủ sâu, một trạng thái vi tế của tâm hiện hành. Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu những trạng thái khác nhau của tâm thức. Khi các hoạt động của tâm thức và cảm xúc được quan tâm, thì kiến thức của Ấn Độ cổ đại sẽ được nâng cao. Khoa học hiện đại vẫn đang phải đuổi theo để bắt kịp.”
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã thảo luận về cách thức tồn tại của các kiếp sống trong quá khứ và tương lai dựa trên ý thức chứ không phải dựa trên bất cứ thứ vật chất nào. Ngài trích dẫn ký ức của con người về những kiếp trước của họ như là bằng chứng cho điều đó. Ngài giải thích rõ về những gì tiếp nối từ kiếp này sang kiếp khác - đó chính là ý thức vi tế. Ngài nhớ lại điều mà mẹ Ngài đã nói với Ngài rằng, khi còn bé - Ngài đã có những ký ức về kiếp trước của mình. Ngài đã đề cập đến sự tái sinh của một Ganden Shartsé Geshé - người được sinh ra ở Lhasa, và nhớ rõ nơi Ngài đã từng sinh sống trong tu viện của mình ở miền Nam Ấn Độ.
Ngài gợi ý rằng văn học Phật giáo nên được phân loại theo ba đề mục: khoa học, triết học và tôn giáo. Một học sinh từ trường Thượng TCV đã hỏi về bản Kinh văn mà Ngài đang giải thích thuộc về thể loại nào. Ngài trả lời rằng trong Phật giáo, quan điểm triết học luôn luôn quan trọng. Ngài gợi ý rằng nhiều bản văn từ Truyền thống logic luận lý Nalanda bao gồm các yếu tố của cả ba thể loại - khoa học, triết học và tôn giáo. Sau đó, Ngài tự xem mình là một nhà khoa học, một triết gia và cũng là một Tu sĩ Phật giáo.
Được thỉnh cầu để so sánh vai trò của một vị Thần sáng tạo và quan điểm của Phật giáo về quan hệ nhân quả, Ngài xác nhận rằng, đối với các Phật tử, hạnh phúc và nỗi đau là kết quả của nghiệp hay còn gọi là hành động. Nghiệp tích cực sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc; đau khổ là kết quả của hành động tiêu cực. Ngài nói rõ rằng mọi thứ phát sinh từ cả nguyên nhân cơ bản và điều kiện kết hợp với nguyên nhân ấy. Trong bối cảnh đó, thế giới bên ngoài có thể được xem như một điều kiện phối hợp đối với hạnh phúc của chúng ta.
Cuối cùng, Ngài đã khuyên những người muốn biết điều đó tạo nên sự khác biệt gì - nếu quý vị tin vào Phật, Pháp và Tăng hay không - thì hãy kiểm tra những người bạn đồng hành và cuộc sống của chính mình. Ai trong số quý vị sẽ có được sự bình tĩnh hơn? Ngài hỏi.
Ngài lưu ý rằng Ngài đã đọc đến bài Kệ thứ tám và nói rằng hôm nay Ngài sẽ dừng lại ở đó.