Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tham gia cuộc đàm thoại về “Tâm Thức và Đời sống” từ Dinh thự của Ngài qua hội nghị truyền hình. Cùng tham gia với Ngài gồm có: Richie Davidson, Carolyn Jacobs, Thupten Jinpa và Susan Bauer-Wu, tất cả đều là những thành viên lâu năm của Viện Tâm thức & Đời sống. Khi Ngài quang lâm đến khán phòng - sớm hơn mười phút so với dự kiến - và nhìn thấy người bạn cũ Richie Davidson của mình trên màn hình trước mặt, Ngài đã mỉm cười và gõ vào mũi của mình. Thông thường khi họ gặp nhau, Ngài thường trêu chọc Davidson về chiếc mũi nổi bật của cậu ta và sau đó thì xoa vào chiếc mũi ấy; rồi chào cậu ta một cách trìu mến như Ngài đã học cách chào ấy ở New Zealand.
“Chào buổi sáng!”, Ngài lên tiếng chào với toàn bộ hội thảo. “Tôi cảm thấy rất vui khi được gặp lại quý vị mặc dù chúng ta đang ở cách nhau rất xa. Tuy nhiên, chúng ta có thể cùng gặp gỡ nhau qua kỹ thuật trực tuyến và hồi hướng công đức đến cho những chúng sanh khác”.
Susan Bauer-Wu thưa với Ngài rằng, việc được diện kiến lại Ngài quả thật là điều vô cùng tốt đẹp và Cô kính vấn an sức khoẻ của Ngài có được khỏe không, Ngài trả lời rằng: Cô có thể biết được điều đó qua gương mặt của tôi mà! Tôi đã 85 rồi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Tôi cảm thấy có được sức khoẻ như thế này là nhờ tâm trí của tôi được an lạc - đó chính là kết quả của việc tôi trưởng dưỡng lòng vị tha và thực hành Bồ đề Tâm. Như quý vị đã biết, lời cầu nguyện tâm đắc nhất của tôi là:
“Cho đến khi nào không gian còn tồn tại.
Và đến khi nào chúng sinh vẫn thường còn;
Con nguyện ở lại cho đến thời điểm ấy,
Để tận trừ những đau khổ của thế gian.”
Và khi cố gắng để thực hiện tâm nguyện đó, tôi cảm thấy cuộc sống của mình có chút hữu ích. Ngài Panchen Rinpoche đầu tiên đã thọ đến 108 tuổi và một số bạn bè của tôi đã yêu cầu tôi nên sống tương tự như Ngài. Vì vậy, tôi hy vọng tôi sẽ còn được khoảng hai thập kỷ nữa.
Bau Bauer-Wu trả lời, chúng con thật sự cầu mong điều đó ạ! Chúng con rất vui vì Ngài đã có thể tham gia cùng với chúng con hôm nay. Chúng ta đã gặp nhau lần cuối vào tháng 11 năm ngoái; và thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ đó.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: Từ nhiều năm nay, chúng ta đã tổ chức các cuộc hội nghị về Tâm thức & Đời sống, điều đó đã cho chúng ta cơ hội trao đổi kinh nghiệm với nhau. Điều chủ yếu là chúng ta có thể đóng góp được bao nhiêu cho kiến thức của nhân loại.
Susan Bauer-Wu đã đề cập rằng có thể có khoảng 100.000 người hiện đang theo dõi cuộc đàm thoại này. Trên thực tế, tính đến các hệ thống trực tuyến của 14 ngôn ngữ khác nhau, lượng khán giả thậm chí có thể lên tới hơn 900.000 người. Cô nhận xét rằng tại cuộc hội nghị Tâm thức & Đời sống đầu tiên cách đây 33 năm, Ngài đã khiến cho những người tham gia hội nghị cảm thấy hiếu kỳ và đã kích thích họ phát khởi thiện tâm mong muốn được góp phần giúp đỡ cho thế giới. Cô giới thiệu các thành viên khác trong cuộc hội thảo ngày hôm nay và bàn giao lại cho Carolyn Jacobs - người sẽ điều phối chương trình.
Cô ấy nói rằng: Hôm nay chúng ta đến với nhau để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện tại. Chúng con muốn hỏi làm thế nào chúng ta có thể mang nhân loại lại với nhau, bằng khả năng phục hồi và lòng từ bi. Câu hỏi đầu tiên trong năm câu hỏi mà con sẽ đặt ra cho Ngài là, xin Ngài hãy cho biết về mức độ cao của tình trạng đáng lo ngại liên quan đến đại dịch toàn cầu này, và chúng ta có thể áp dụng những kỹ năng nào để đối phó với nỗi lo lắng và sự bấp bênh này ạ?
“Loại bệnh này vô cùng nghiêm trọng” - Ngài trả lời. “Nhiều chuyên gia đang chú ý đến nó, vì vậy tôi không có gì để nói thêm cả. Tôi đánh giá cao những nỗ lực của họ và sự giúp đỡ mà họ đang mang lại cho rất nhiều người - cả những người đang nghiên cứu và những người đang làm công tác điều trị và chăm sóc. Vì vậy, nhiều bác sĩ và y tá đang tự đặt mình vào nguy cơ rủi ro rất cao.
Tôi tin rằng khi chúng ta sợ hãi thì sẽ làm ảnh hưởng và khiến cho bệnh trở nên nặng hơn. Thế nên chúng ta cần phải có một tâm trí định tĩnh. Một bậc Thầy Nalanda vào thế kỷ thứ tám - Ngài Tịch Thiên - đã khuyên rằng, chúng ta nên kiểm tra tình huống mà mình đang gặp phải. Nếu một vấn đề có giải pháp, thì chúng ta cần phải nỗ lực để tìm ra và thực hiện giải pháp ấy; còn nếu không có giải pháp, thì chúng ta không cần phải lãng phí thời gian để suy nghĩ về nó. Đây là một phương pháp vô cùng thực tế. Nó rất hữu ích để làm giảm bớt nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Trong bối cảnh mở rộng ra đến các thế giới và các dãy thiên hà, một cuộc sống của con người vô cùng nhỏ bé, nhưng khi nó kết thúc thì không phải là vĩnh viễn. Tiến trình vẫn được tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác.
Trong số những vấn đề nghiêm trọng khác mà chúng ta đang gặp phải thì hầu hết là những vấn đề do chúng ta đã gây ra. Ở Mỹ những ngày này, các cuộc biểu tình đang diễn ra để chống lại sự bất công chủng tộc. Phần lớn điều này đều phụ thuộc vào thái độ tinh thần của chúng ta. Ta cần phải thúc đẩy ý thức về sự đồng nhất của nhân loại - điều mà tôi cam kết thực hiện. Trong số bảy tỷ người đang sống hiện nay, chúng ta đã được sinh ra cùng một cách và tất cả chúng ta cũng đều sẽ chết đi theo cùng một kiểu. Ở giữa những sự kiện sống chết đó, lúc còn sống trên cõi đời này, có thể có những sự khác biệt nhỏ giữa chúng ta - nhưng về cơ bản - tất cả chúng ta đều là những con người như nhau cả!
Hơn nữa, tương lai của tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhân loại. Suy nghĩ về “nhóm của tôi” và “nhóm của họ” trên cơ sở màu da hoặc đức tin là một cách suy nghĩ đã lạc hậu. Ngày nay không hề có ranh giới trong nền kinh tế toàn cầu. Do vì nhấn mạnh sự khác biệt nhỏ nhoi giữa ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’ mà ta đã tạo ra các vấn đề rắc rối và gây ra xung đột. Thay vào đó - chúng ta nên nghĩ đến toàn thể nhân loại. Chúng ta có thể nghĩ theo một cách như lúc chúng ta còn trẻ và một cách khác khi chúng ta già đi, nhưng cho dù có những sự khác biệt này, thì chúng ta vẫn nghĩ về mình như là cùng một con người.
Tạo ra sự khác biệt dựa trên màu da, đức tin hoặc quốc tịch đã khiến cho chúng ta không chú ý vào thực tế là tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Đây là điều mà chúng ta phải chia sẻ với người khác, bởi vì tất cả chúng ta phải sống cùng với nhau trên hành tinh này. Thay vì tập trung vào những sự khác biệt bên ngoài một cách ngốc nghếch; thì chúng ta cần phải ý thức rằng - về mặt tinh thần, thể chất và cảm xúc - tất cả chúng ta đều như nhau cả.
Hãy nhìn vào sự đa dạng của Ấn Độ. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều phát triển mạnh ở đây. Người dân ở phía nam, phía bắc, phía đông và phía tây của đất nước mặc dù giao tiếp bằng các ngôn ngữ khác nhau, có các hệ thống chữ viết khác nhau, nhưng tất cả họ đều sống cùng với nhau như một phần của Liên minh Ấn Độ.
Nếu chúng ta quá nhấn mạnh vào sự khác biệt của màu da thì nó lại trở nên quan trọng. Thay vì vậy, tốt hơn hết chúng ta nên chú trọng vào việc ý thức rằng tất cả chúng ta đều giống nhau như những con người. Hãy nhìn vào Liên minh châu Âu! Trong số các thành viên của nó có những người có quốc tịch khác nhau, nói các ngôn ngữ khác nhau, tận hưởng các nền văn hóa khác nhau. Ngày xưa họ đã từng chiến đấu và giết hại lẫn nhau. Một trong những giáo viên vật lý của tôi - Carl Friedrich von Weizsäcker - đã nói với tôi rằng; khi ông còn trẻ - trong mắt của mọi người dân Đức, thì người Pháp là kẻ thù của họ; và trong mắt của mọi người dân Pháp, thì người Đức cũng là kẻ thù tương tự như vậy, nhưng hiện nay thì điều đó không còn đúng nữa. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, người châu Âu đã áp dụng một phương pháp chín chắn hơn và đã thành lập được Liên minh châu Âu. Kể từ đó, các nước thành viên của nó không còn chiến tranh và giết hại lẫn nhau nữa. Tinh thần của Liên minh châu Âu là điều mà tất cả chúng ta có thể học hỏi.
Nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải, là do chúng ta đã gây ra cho chính mình; là hậu quả của những cảm xúc và tâm địa hẹp hòi. Cảm xúc là một phần tự nhiên trong cuộc sống của chúng ta, nhưng cảm xúc tiêu cực không hề có một nền tảng vững chắc. Trái lại, những cảm xúc tích cực như lòng từ bi… thì lại dựa trên một nền tảng kiên định của lý luận.
Ngài đề cập đến kiến thức sâu sắc về vật lý lượng tử rằng, mặc dù vật chất dường như tồn tại một cách khách quan, nhưng nếu quý vị quan sát sâu hơn, thì sẽ nhận ra rằng không có gì tồn tại như nó xuất hiện cả! Danh tính không hề vững chắc. Khi bạn nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng những thứ vật chất được cấu tạo bởi các hạt phân tử và danh tính của nó chính là sự phóng chiếu của tâm thức.
Ngài nói rằng, nhà vật lý hạt nhân Ấn Độ - Raja Ramana - đã chỉ ra với Ngài rằng, vật lý lượng tử có vẻ mới mẻ đối với một số người, nhưng những cách tư duy tương ứng như quan điểm của vật lý lượng tử đã có thể được tìm thấy từ lâu ở Ấn Độ cổ đại. Ngài trích dẫn một câu thơ của Ngài Long Thọ:
“Bởi lẽ chẳng hề có gì tồn tại,
Mà không khởi lên từ những nhân duyên,
Nên cũng sẽ chẳng có gì tồn tại
Mà không phải là vốn dĩ Tánh Không”.
Ngài khẳng định rằng, nếu chúng ta có thể áp dụng quan điểm vật lý lượng tử, thì những cảm xúc tiêu cực có thể được dẹp sang một bên. Ngài nhắc lại rằng, những cảm xúc tiêu cực không hề có nền tảng, trong khi đó, lòng từ bi và những cảm xúc tích cực khác, dựa trên thực tế, có thể được phát triển và cải thiện thông qua sự thực hành thiền định và phương pháp lý luận.
Carol Carol Jacobs thốt lên: “Tuyệt vời! Này Richie! Bạn có muốn nói thêm về phần nào trong vấn đề này hay không?”
Sau khi chào hỏi Đức Ngài, Richie Davidson đã đưa ra vấn đề về đại dịch vi rút corona. Ông trích dẫn một bài báo khoa học của Trung Quốc báo cáo rằng 54% dân số Trung Quốc đã trải qua các triệu chứng đau khổ từ trung bình đến nghiêm trọng. Ở những nơi khác cũng vậy, các nhà khoa học khác trích dẫn các vấn đề sức khỏe tinh thần liên quan đến đại dịch. Mọi người đang gặp khó khăn trong việc đối phó với sự bấp bênh: không biết liệu họ có bị nhiễm bệnh hay không, không biết nguy cơ này sẽ kéo dài bao lâu và không biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc.
Nhắc lại về lời Ngài trước đó khi trích dẫn lời khuyên của Ngài Tịch Thiên, dường như có một số điều chúng ta có thể kiểm soát được nhưng một số điều chúng ta không thể. Thế nên Davidson đã đề xuất rằng, những gì chúng ta có thể học hỏi để thực hiện đó chính là kiểm soát tâm thức của mình. Điều này đặc biệt quan trọng khi các thông điệp về sự sợ hãi và sự bấp bênh đang có những tác động hủy diệt đến như thế.
Tiếp theo mối quan tâm của Đức Ngài về những căng thẳng của sự phân biệt chủng tộc hiện đang ảnh hưởng đến Hoa Kỳ, Davidson đã trích dẫn bằng chứng rằng những người da đen trong độ tuổi từ 35 đến 45 có nguy cơ tử vong vì vi rút corona cao gấp mười lần so với người bình thường. Đây là một vấn đề thể chất hết sức nghiêm trọng.
Trong khi đó, sự chú ý của người dân đang bị tấn công bởi nỗi sợ hãi; vì vậy câu hỏi mà ông ta muốn thảo luận là, “Làm thế nào để chúng ta có thể kiểm soát được tâm trí của mình và không nhượng bộ trước nỗi sợ hãi?” Làm thế nào chúng ta có thể định tĩnh được tâm thức và đạt đến trạng thái bình thản?
Ngài trả lời: “Sự nghiên cứu về căn bệnh này vẫn đang được tiếp tục và phải tiếp tục thực hiện. Nó do một loại vi rút gây ra, vì vậy cơ thể có khả năng tạo ra các kháng thể và hệ miễn dịch. Tuy nhiên, khi có liên quan đến trạng thái tinh thần của chúng ta, thì chính nỗi sợ hãi sẽ khiến cho chúng ta dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, sự tự tin sẽ giúp chúng ta củng cố được sức khỏe của mình.
Từ quan điểm duy vật, thì ý thức chiếm ưu thế hơn. Cho đến cuối thế kỷ 20, người ta không chú ý nhiều đến tâm thức, đến ý thức tinh thần của chúng ta. Nhưng đến cuối thế kỷ 20, người ta bắt đầu thừa nhận rằng có một thứ khác ảnh hưởng đến não bộ của chúng ta. Sự thiền định và các bài tập để kiểm soát hơi thở của chúng ta đã ảnh hưởng đến ý thức tinh thần của chúng ta. Những điều này có thể giúp ta tập trung vào chính tâm thức, lúc khởi đầu có thể duy trì được vài giây, và sau đó tăng lên trong vài phút. Tôi có một số người bạn có thể tập trung tâm thức của mình trong vài giờ đồng hồ. Bổ sung thêm sự phân tích này cho phép chúng ta đạt được một trí tuệ sâu sắc.
Các truyền thống phổ biến của Ấn Độ về việc trau dồi một tâm trí bình tĩnh (shamatha) và sáng suốt (vipashyana) là rất hữu ích. Nó cho phép chúng ta phát triển sức mạnh của tâm thức và trau dồi sự sắc bén của nó. Và điều này có thể được thực hiện dưới góc độ học thuật, thế tục, và khách quan.
Cậu, (Richie Davidson), đã đóng góp rất nhiều cho kiến thức của sự hiểu biết rằng một thứ gì đó thuộc về ý thức đã có thể ảnh hưởng đến não bộ. Do đó, ngày càng có nhiều khoa học gia đã chú ý đến lĩnh vực cảm xúc và thế giới nội tâm của chúng ta. Sự tức giận và sợ hãi là một phần của trạng thái tâm thức của chúng ta, nhưng thông qua sự thiền định, chúng ta có thể phát triển một niềm tin rằng những cảm xúc tiêu cực như vậy chẳng có ích lợi gì cả. Vì vậy chúng ta cần phải học cách để đạt được sự an lạc nội tâm. Những cảm xúc tiêu cực đáng bị khiển trách đối với nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Chúng ta cần phải học cách làm giảm thiểu chúng thông qua sự phân tích. Chúng ta có nhiều việc cần phải xử lý trong lĩnh vực cảm xúc.
Richie Davidson đã thưa với Đức Ngài: “Khi lần đầu tiên chúng con bắt đầu các cuộc đối thoại của mình như là một phần của Tâm thức & Đời sống, thì từ “lòng từ bi” đã không được sử dụng đến trong bối cảnh khoa học. Nếu Ngài nhìn vào các mục lục của sách tại thời điểm đó, thì “lòng từ bi” đã bị bỏ mất. Ngài (Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma) đã là chất xúc tác cho sự thay đổi của cả một thế hệ các nhà khoa học. Họ đã học được lòng từ bi ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta như thế nào, điều mà hai mươi năm trước ít có người biết đến. Hai mươi năm trước, tại Dharamsala, chúng con đã cam kết sẽ đưa lòng từ bi lên bản đồ khoa học. Hiện nay đã có các lĩnh vực về khoa học thiền định và khoa học thần kinh thiền định.
Chúng con thấy rằng ngay cả một số lượng nhỏ những nơi đào tạo từ bi cũng tiềm ẩn sự thiên vị, những định kiến trong chúng con mà chúng con không hề biết. Nhờ lòng từ bi mà chúng con có thể giảm bớt chúng. Tuy nhiên, chúng con vẫn phải đối mặt với câu hỏi làm thế nào để có thể phổ biến kiến thức này rộng rãi hơn. Chúng con hoan nghênh bất kỳ lời khuyên nào mà Ngài có thể ban bố về cách mà tất cả bảy tỷ con người có thể học cách thực hiện điều này. Một sự tương tự mà con đã sử dụng là cách đây không lâu, không có nhiều người đánh răng - nhưng bây giờ thì mọi người đều thực hiện việc đánh răng cả.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: “Hệ thống giáo dục hiện nay không hề có bất kỳ khái niệm nào về tâm thức. Nó cần nên được kết hợp một sự hiểu biết về tâm thức và cảm xúc. Cũng giống như chúng ta dạy cho trẻ em về việc vệ sinh thân thể, chúng ta cũng cần dạy cho trẻ phát triển ý thức về vệ sinh cảm xúc. Truyền thống Ấn Độ cổ đại có rất nhiều điều để nói với chúng ta về điều này. Chẳng hạn như nó phân biệt giữa tâm thức chính yếu của chúng ta (Tâm Vương) và 51 yếu tố tinh thần (51 Tâm Sở). Chúng được xác định bởi chức năng của chúng. Tôi tin rằng chúng ta có thể nghiên cứu tài liệu này trong bối cảnh của nền học thuật đương đại.
Vì hầu hết chúng ta thiếu sự hiểu biết về thế giới nội tâm của mình, cho nên chúng ta cần thực hiện tốt việc tìm cách kết hợp kiến thức ấy vào chương trình giáo dục từ mẫu giáo đến đại học. Những khởi đầu nhỏ có thể đưa đến một sự hiểu biết thấu đáo và tinh vi về tâm thức, giống như một hạt giống nhỏ có thể phát triển thành một cái cây lớn. Chúng ta phải xem xét cảm xúc nào hữu ích và cảm xúc nào gây hại. Một số cảm xúc như lòng từ bi thì chúng ta nên học cách trưởng dưỡng, trong khi những cảm xúc khác - như giận dữ và sợ hãi - thì chúng ta cần phải học cách loại trừ bớt. Cảm xúc có những nguyên nhân của nó, và chúng ta cần phải tìm hiểu những nguyên nhân ấy là gì.
Trong tư tưởng của Ấn Độ cổ đại, ‘ahimsa’ - bất bạo động - được coi là hành vi; ‘karuna’ - lòng từ bi - tạo nên động lực. Đây là nền tảng mà Phật giáo được khởi sinh từ đó.
Hệ thống giáo dục hiện tại không đủ để đảm bảo cho mọi người được hạnh phúc. Các nhà khoa học có thẩm quyền đã đặt vấn đề về điều này. Là một Tu sĩ, nếu tôi đưa ra vấn đề như thế thì sẽ thu hút ít sự chú ý hơn. Nhưng con người ngày nay thường chú ý nhiều hơn đến những điều mà các nhà khoa học nói.
Truyền thống Nalanda đã nuôi dưỡng sự nghi vấn mà Đức Phật đã khuyến khích và đặt câu hỏi cho tất cả mọi thứ. Đại học Nalanda đã từng là một trung tâm học tập lớn như một tu viện. Các học giả ở đó đã sử dụng lý trí, logic và tư tưởng triết học. Đây là truyền thống đã được Ngài Tịch Hộ truyền đến Tây Tạng vào thế kỷ thứ tám; và kể từ đó chúng tôi đã theo đuổi truyền thống ấy một cách nghiêm ngặt. Sự quen thuộc của chúng tôi đối với lý luận và điều tra nghiên cứu là nền tảng mà chúng tôi đã tổ chức các cuộc đàm thoại với các nhà khoa học và với Viện Tâm thức & Đời sống đã có thể mang đến một sự đóng góp tích cực.
Carolyn Jacobs đã thỉnh cầu Ngài ban những lời khuyên dành cho những người trẻ tuổi ngày nay đang rất quả quyết và tìm cách thay đổi thế giới.
Ngài trả lời: “Thế giới luôn thay đổi. Khoa học rất tiến bộ. Thế giới ngày nay rất khác so với 100 năm trước. Thế kỷ 20 là thời kỳ của đại bạo lực. Mọi người sẵn sàng sử dụng vũ lực để giải quyết xung đột. Những ngày này, khi những bất đồng xảy ra, tốt hơn hết là nên cùng nhau đàm thoại để giải quyết vấn đề. Hãy làm cho kỷ nguyên này trở thành kỷ nguyên của đối thoại.
Trước đây, khi con người tham gia giết hại lẫn nhau, không hề có sự chiến thắng cuối cùng. Một số đối thủ vẫn còn sống sót. Theo đuổi sự đối thoại là một chính sách mang tính xây dựng hơn nhiều. Mục đích chính của tôi là thúc đẩy tinh thần đối thoại thông qua giáo dục trên cơ sở sự đồng nhất của nhân loại. Chiến tranh và việc sử dụng vũ khí thì chẳng có ích lợi gì cả! Chúng ta nên đặt mục tiêu vào một thế giới phi quân sự. Việc sản xuất vũ khí là một sự lãng phí về tiền bạc và tài nguyên.
Trong một thế giới phi quân sự, chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại; đối với điều đó - chúng ta cần sự tự tin, sự thật và trung thực. Chúng ta cần phải tiếp nhận một viễn cảnh rộng lớn hơn - không phải chỉ có liên quan đến phía của chúng ta. Nếu ta chỉ nghĩ đến ‘tổ quốc tôi’, ‘dân tộc tôi’ thì quá hạn hẹp trong khi ta suy tư rằng tất cả chúng ta phải sống cùng với nhau. Các nhà khoa học đã quan sát cho thấy rằng con người thuộc thể loại động vật xã hội - phụ thuộc vào những người khác trong cộng đồng của họ. Do đó, chúng ta cần phải nuôi dưỡng một tấm lòng từ bi.
Giáo dục là một yếu tố vô cùng quan trọng. Trong bối cảnh nóng lên của toàn cầu, tôi không biết là chúng ta còn được bao nhiêu thời gian để sống. Thế mà chúng ta lại sử dụng chút thời gian còn lại này để giết hại lẫn nhau, quả thật là hết sức vô nghĩa. Nó giống như hai người già nua - đang bên bờ vực của cái chết - lại cãi vả nhau - thật là vô nghĩa! Sẽ tốt đẹp hơn biết bao nhiêu nếu chúng ta sống một cách hạnh phúc, an lạc trong một xã hội từ bi.
“Thế nên, hỡi các bằng hữu của tôi! Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm giáo dục anh chị em nhân loại của mình. Cho dù chúng ta đề cập đến vấn đề của cá nhân hay toàn thể nhân loại đi nữa - thì giá trị nội tâm mới chính là nguồn hạnh phúc tối hậu chứ không phải là tiền bạc và vũ khí gì cả!
Carolyn Jacobs đã cảm ơn Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma và Richie Davidson về những đóng góp tương ứng của họ cho một cuộc đàm thoại vô cùng hấp dẫn này. Susan Bauer-Wu đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Đức Ngài vì đã chia sẻ kiên thức trí tuệ và tấm lòng bi mẫn của Ngài; bộc bạch với Ngài rằng họ mong ước được sớm gặp lại Ngài. Cô tuyên bố rằng một bộ phim có tựa đề “Tiềm năng Vô tận” về nhà vật lý lý thuyết David Bohm - một trong những giáo viên của Ngài - sẽ có buổi trình chiếu đầu tiên vào tối nay, và sẽ được chiếu lại vào ngày sinh nhật của Ngài.
Ngài đã nhận xét rằng, trong sơ đồ rộng lớn hơn, sự tác động của cuộc sống cá nhân thì rất hạn chế; nhưng nếu chúng ta sử dụng bộ não của mình cho phúc lợi của nhân loại, thì ý tưởng của chúng ta sẽ có ích cho các thế hệ tương lai. Ngài cũng tuyên bố rằng, có bằng chứng cho thấy rằng một số cấp độ của ý thức vi tế sẽ được tiếp tục duy trì từ kiếp này sang kiếp khác, và Ngài đã dẫn chứng về những trường hợp của các cháu bé có những ký ức rất rõ ràng về kiếp trước của mình. Ngài nhận xét rằng, mặc dù các nhà khoa học có thể khó chấp nhận, nhưng dường như có điều gì đó cần phải được điều tra.
Ngài đã kết luận bằng cách chia sẻ rằng - theo kinh nghiệm của Ngài - sự suy tư quán triệt sâu sắc từng ngày về lòng vị tha, về Bồ Đề Tâm và về sự thật của lý Duyên Khởi là điều thực sự vô cùng hữu ích đối với việc giải quyết những cảm xúc tiêu cực của mình.
“Tôi hy vọng cuộc trò chuyện của chúng ta sẽ mang lại chút lợi ích, đặc biệt là đối với những người đang học hiện nay. Xin cảm ơn và tạm biệt!” Ngài vẫy tay chào với nhiều người mà Ngài có thể nhìn thấy trên màn hình trước mặt.