Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, Ấn Độ - Ngay khi quang lâm vào phòng từ nơi giảng dạy trực tuyến vào sáng nay, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhìn lướt qua những khuôn mặt trên màn hình trước mặt, mỉm cười và vẫy tay chào trước khi an toạ. Sau khi Thượng toạ JinOk cúi đầu chào và tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ bằng tiếng Hàn Quốc, Ngài lại tiếp tục việc giảng dạy của mình.
“Hôm nay là ngày thứ ba của đợt thuyết Pháp này. Quý vị đã có thể suy ngẫm về những gì mà chúng ta đã thảo luận chưa? Khi quý vị nhận được lời giải thích từ vị Thầy của mình, đừng để nó ở đó, mà hãy suy tư lặp đi lặp lại về nó trong tâm thức của mình. Suy ngẫm về nó để quý vị trở nên xác tín về những gì mà mình đã được nghe. Điểm chính yếu là tạo ra một sự chuyển hoá trong tâm thức của quý vị. Suy ngẫm về những gì mình nghe được; hoặc đã đọc được từ sách vở.
“Tôi đã nhận được những lời dạy về “Các giai trình của Đạo Giải Thoát” từ khi còn là một đứa bé, nhưng nếu tôi không suy nghĩ kỹ thì chúng cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì nhiều đến tôi. Bằng cách suy tư về những gì tôi đã được nghe; và so sánh sự giảng dạy này với cách giảng dạy khác, sự hiểu biết của tôi đã được tăng trưởng.
“Những ngày này, ngay khi vừa thức dậy, tôi đã tự niệm một câu với khát khao đạt được sự giác ngộ. Tôi suy ngẫm về những câu thơ của Ngài Long Thọ liên quan đến tánh Không và suy nghĩ về bốn lỗi nguỵ biện trong lập luận mà Ngài Nguyệt Xứng đã đề cập là sẽ xảy ra nếu các pháp tồn tại một cách khách quan. Tôi cũng nghiền ngẫm một câu trong ‘Trí tuệ căn bản Trung Quán Luận’ của Ngài Long Thọ:
"Không phải là các uẩn
Cũng không khác các uẩn
Các uẩn không trong Ngài,
Ngài không trong các uẩn,
Đức Như Lai vốn dĩ
Không sở hữu các uẩn
Vậy Như Lai là ai?"
“Chính bằng cách suy ngẫm về những sự hướng dẫn như thế này, chúng ta mới có thể phát triển niềm tin và kinh nghiệm về những lời dạy ấy.
“Hiện Quán Trang Nghiêm Luận” đã cho chúng ta biết rằng Giáo Pháp của Đức Phật gồm có ba loại: lời nói xuất phát từ kim khẩu của Ngài; lời nói được Đức Phật ban phước gia trì; và lời nói được Ngài thừa nhận. Mặc dù phần lớn kinh điển có thể được xếp vào loại những lời được Đức Phật thừa nhận, nhưng khi Ngài trả lời về cuộc đối thoại giữa Đức Quán Thế Âm và Ngài Xá Lợi Phất rằng, “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! đúng thật như thế; đúng thật như thế. Các ông nên hành sâu Bát Nhã Ba La Mật Đa như lời ông thuyết khiến chư Như Lai cũng đều hoan hỷ”, những lời cảm kích này đã được Ngài tuyên thuyết.
“Trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên, Đức Phật đã giải thích về “Tứ Diệu Đế” qua ba khía cạnh, về bản chất, về chức năng, và về kết quả của chúng. Khi giải thích về bản chất của chúng, Ngài tuyên bố rằng đau khổ cần phải được nhận ra, nguồn gốc của đau khổ cần phải được loại bỏ, và sự chấm dứt cần phải được thực hiện bằng cách tu tập theo con đường Đạo lộ. Ngài không đi sâu vào “vô ngã” một cách chi tiết.
“Trong lần chuyển Pháp Luân thứ hai, khi giải thích về Bát Nhã Ba La Mật, Ngài đã chỉ ra rõ ràng rằng các pháp vốn dĩ không tồn tại một cách cố hữu. Quý vị có thể thấy điều này, chẳng hạn như trong Kinh Bát Nhã - Bát Thiên Tụng (8000 dòng).
“Các Kinh có thể khá lặp đi lặp lại, nhưng Ngài Long Thọ đã tóm tắt những điều được đề cập đến trong sáu tuyển tập lý luận của Ngài, đặc biệt là ‘Trí tuệ Căn bản Trung Quán Luận’, và Ngài Nguyệt Xứng cũng đã giải thích thêm về điều đó. Chúng tôi cũng dựa vào các tác phẩm của Ngài Trần Na và Pháp Xứng liên quan đến lý luận và logic; và tôi cũng giới thiệu những tác phẩm này đến với quý vị là người Hàn Quốc. Các tác phẩm này cung cấp những công cụ phương tiện cho phép chúng ta chứng minh sự thật về lời dạy của Đức Phật.
“Ngài Thánh Thiên cũng làm sáng tỏ về cách suy nghĩ phóng đại của chúng ta thúc đẩy ta tạo ra đủ loại vấn đề rắc rối:
"Khi xúc giác khắp lan tràn cơ thể
Thì xáo trộn hiện hành, khiến não phiền;
Khéo chế ngự vô minh này, bạn sẽ
Khắc phục não phiền, định tĩnh an nhiên."
"Và mặc dù có những phương pháp cụ thể để đối trị lại sự tức giận và tham ái, tuy nhiên chúng ta có thể khắc phục sự vô minh bằng cách hiểu được tánh Không và lý Duyên khởi; và nhờ đó loại bỏ được tận gốc mọi cảm xúc phiền não. Không có gì tồn tại như nó xuất hiện đối với chúng ta; các pháp chỉ tồn tại qua cách gán danh. Khi chúng ta có thể kết hợp sự hiểu biết về tánh Không với Bồ Đề Tâm, chúng ta sẽ đạt được sự tiến bộ trên con đường Đạo lộ. Đến đây Ngài kết thúc việc đọc ‘Bát Nhã Tâm Kinh.’
Vì có một số người quan tâm và thỉnh cầu, cho nên tiếp theo đó Ngài đã ban truyền về Guru Yoga của Đức Quán Thế Âm có tựa đề “Nấc Thang đến Potala” mà Ngài đã sáng tác ở Tây Tạng.
Ngài một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phải kết hợp sự thực hành Bồ Đề Tâm với sự hiểu biết về tánh Không. Ngài thừa nhận rằng Ngài cũng thực hành Yidam, nhưng sự chuyển hóa chính của tâm thức Ngài đến từ việc trau giồi Bồ Đề Tâm. Ngài lưu ý rằng trong Mật Tông, bạn quán tưởng các vị thần phát sinh từ tánh Không. Ngài cũng nhận xét rằng, điểm đặc biệt của thiền định về Kim Cang Đại Phẫn Nộ là sự kết hợp giữa thực hành an hòa và phẫn nộ.
Để chuẩn bị cho buổi lễ phát Bồ Đề Tâm, Ngài đã khuyến khích thính chúng quán tưởng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong không gian trước mặt họ, được vân tập bởi tám vị đệ tử thân cận là Đức Di Lặc, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Văn Thù, v.v. Họ lần lượt được bao quanh bởi mười bảy bậc Hiền triết của Nalanda.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trưởng dưỡng một trái tim nhân hậu, lòng khát khao muốn giúp đỡ và phụng sự cho tất cả chúng sinh. Đã đạt được thân người quý giá này, chúng ta nên quyết tâm làm cho nó trở nên có ý nghĩa. Ngài đọc sơ qua ba bài Kệ sẽ được lặp lại trong buổi lễ.
Con xin quy y ngôi Tam Bảo
Sám hối tất cả từng tội chướng
Tuỳ hỷ công đức chư chúng sinh
Nguyện con được Phật Đạo viên thành!
Con xin quy y cho đến ngày giải thoát
Quay về nương tựa Phật, Pháp và Tăng Đoàn
Hoàn thành mục đích cho mình và người khác
Nguyện trưởng dưỡng Bồ Đề Tâm tỉnh giác!
Khi phát triển tâm nguyện cho giác ngộ tối cao
Con mời thỉnh tất cả chúng sanh như khách quý
Thực hành hạnh giác ngộ vô song trong hoan hỷ
Vì lợi lạc chúng sanh - nguyện đắc thành Phật Vị!
Sau khi lặp lại lần thứ ba, Ngài đã đọc một bài Kệ về tán thán và tuỳ hỷ trong ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của Ngài Tịch Thiên.
Hôm nay con được thân người chính đáng;
Được sinh ra trong dòng giống Phật Đà;
Được trở thành con của Đức Thích Ca,
Nguyện sống tốt không ố hoen dòng Phật. (3/25)
Khi được gợi ý rằng công nghệ như điện thoại di động có thể xâm phạm vào phương pháp tu hành của Phật tử, Ngài thừa nhận rằng nếu việc thực hành chỉ là ngồi yên lặng thôi - thì điều đó có thể đúng. Tuy nhiên, sự thực hành chính là phát triển khát vọng giác ngộ và giúp đỡ những chúng sinh khác, cho nên trong mối liên hệ này, điện thoại di động - như một phương tiện liên lạc - có thể trở nên hữu ích.
Khi được hỏi làm thế nào để phát triển lòng kiên nhẫn, Ngài khẳng định rằng lòng kiên nhẫn không thể tự phát sinh. Ta cần phải nỗ lực và làm quen với nó. Hơn nữa, không phải là những người bạn, mà là chính những người thù địch mới là những người đã dạy cho chúng ta về lòng kiên nhẫn. Ngài Tịch Thiên đã nói rõ điều này trong chương sáu của cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ và trong chương tám có đề cập đến lòng vị tha. Ngài đề cập rằng cuốn ‘Nhập Trung Quán Luận’ của Ngài Nguyệt Xứng cũng thảo luận về các đức tính của hạnh kiên nhẫn.
Về việc đương đầu với những khó khăn về tình cảm mà đại dịch covid đã gây ra, Ngài cho biết rằng Ngài nhận thức được sự e ngại và lo lắng của nhiều người ở các nơi khác nhau trên thế giới. Ngài gợi ý rằng từ một góc nhìn rộng hơn, cơ thể chúng ta vốn dĩ có bản chất là đau khổ. Chúng ta đương nhiên là đối tượng của bệnh tật và chết chóc. Những gì mọi người đang trải qua bây giờ có thể được xem là kết quả của nghiệp quá khứ. Một mặt, nếu chúng ta chưa tạo nghiệp, chúng ta sẽ không hứng chịu kết quả của nó, nhưng mặt khác, nếu nhân và duyên đã tạo, thì chúng ta khó tránh khỏi quả báo của chúng.
Ngài cho rằng sợ hãi và lo lắng không cải thiện được sức khỏe của chúng ta. Ngài nhớ lại lời khuyên của Ngài Tịch Thiên rằng, nếu có giải pháp để khắc phục một vấn đề, thì không cần phải lo lắng về nó. Còn nếu như không có biện pháp khắc phục, thì sự lo lắng cũng sẽ chẳng mang lại ích lợi gì cả.
Một bà mẹ Hàn Quốc làm việc tại London muốn biết cách đối xử bình đẳng với tất cả trẻ em mà không chỉ tập trung vào đứa con của chính mình. Ngài nói với cô ấy rằng những người theo truyền thống hữu thần như Cơ đốc giáo đã cho rằng tất cả chúng ta đều là con của một Đức Chúa, điều này khiến cho tất cả chúng ta đều trở nên bình đẳng như nhau. Từ quan điểm của Phật giáo, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta coi tất cả chúng sinh gần gũi và thân thương như những thành viên trong gia đình của mình. Sẽ rất hữu ích nếu quý vị có một phương pháp hợp lý và suy ngẫm về những lợi thế của việc trân trọng người khác.
Thượng toạ JinOk đã thành kính cảm ơn lời khuyên của Ngài trong những thời điểm khó khăn này. Ông thưa với Ngài rằng nhiều người ở Hàn Quốc đã bị xúc động bởi những điều mà Ngài đã nói. Thượng toạ bày tỏ sự cảm kích khi có thể được nhìn và nghe Ngài trực tuyến; và bày tỏ hy vọng rằng sẽ có cơ hội như thế trong tương lai. Ông cầu nguyện Ngài luôn được Pháp thể khinh an.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trả lời rằng: “Chúng ta đã biết nhau từ lâu. Hiện tại, vì đại dịch, chúng ta không thể gặp mặt trực tiếp, nhưng sự gặp gỡ trực tuyến có thể giúp chúng ta hoàn thành mục đích của cuộc đời mình, đó là đạt được sự chuyển hóa nội tâm. Tôi chắc chắn rằng sẽ có cơ hội để thực hiện điều này một lần nữa trong tương lai. Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy vui lên! Xin cảm ơn quý vị!”