Thekchen Chöling, Dharamsala, HP, India - Thượng toạ JinOk đã khai mạc ngày thuyết giảng thứ hai của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma bằng thời trì tụng ‘Bát Nhã Tâm Kinh’ một cách nhịp nhàng bằng tiếng Hàn Quốc. Ngài đã trả lời rằng: “Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục với sự giải thích về bản văn này mà được hầu hết những người theo truyền thống tiếng Phạn ở châu Á đọc thuộc lòng.
“Trong lần chuyển Pháp Luân đầu tiên của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã nói rõ rằng, sự đau khổ cần phải được nhận biết; vô minh cần phải được diệt trừ; sự đoạn diệt thực sự cần phải được thực hiện bằng cách trau dồi Đạo lộ. Bản thể thực sự của tâm thức là sáng suốt và tỉnh giác. Phiền não chỉ là tạm thời và mang tính bất chợt; do vậy, nó có thể bị loại bỏ ra khỏi tâm trí của chúng ta. Các đạo sư Nalanda đã dạy rằng tiềm năng đạt được giác ngộ là điều tự nhiên trong mỗi chúng ta. Bản chất cơ bản của tâm thức có thể được nhận ra. Khi chúng ta loại bỏ phiền não, những phẩm chất của một vị Phật, chẳng hạn như mười năng lực, v.v., sẽ xuất hiện một cách tự nhiên.
“Trong các trung tâm tu học của chúng tôi, chúng tôi nghiên cứu các tác phẩm của Ngài Long Thọ và Nguyệt Xứng được trước tác trên cơ sở lý luận và logic. Ngài Nguyệt Xứng nói rằng, quan điểm sâu sắc về tính không có thể được nhận ra bởi những người có thiên hướng từ quá khứ.
“Truyền thống Duy Thức và Trung Quán là hai trường phái triết học chính của Phật giáo. Duy Thức cho rằng không có tính hai mặt giữa chủ thể và khách thể. Trường phái Trung Quán khẳng định rằng các pháp không hề có sự tồn tại độc lập. Những người theo thuyết Hệ quả Trung Quán do Ngài Nguyệt Xứng đại diện thì tuyên bố rằng, nếu người ta khẳng định rằng nếu các pháp có một số bản chất khách quan hoặc tự - đặc trưng thì bốn lỗi nguỵ biện trong lập luận sẽ xảy ra.
“Nếu các pháp có một sự tồn tại nào đó từ phía của chúng, thì cách mà vô minh nhận thức sai về nó - nó sẽ có thể tìm ra được. Các hình sắc, âm thanh và mùi hương khác nhau xung quanh chúng ta dường như tồn tại từ phía riêng của chúng, nhưng không thể được tìm thấy sự tồn tại thực sự của nó theo cách đó. Ngay cả sắc thân và pháp thân của một vị Phật cũng không thể được tìm thấy khi chúng ta đi tìm kiếm danh tính cố hữu của nó.
“Sắc tức là không”, vì vậy nó không thể được tìm thấy trong quá trình phân tích. Phải chăng điều này có nghĩa là nó không tồn tại? Nó không tồn tại bởi vì hình sắc tồn tại trong sự phụ thuộc vào các yếu tố khác. Như hôm qua tôi đã trích dẫn từ tác phẩm của Ngài Long Thọ nói rằng: Những gì phát sinh từ những nhân duyên, Thì được giải thích vốn dĩ rỗng không. Nếu đó là một pháp duyên sinh, Thì chính nó cũng là Trung đạo Vì “sắc” và vân vân… tồn tại và ảnh hưởng đến chúng ta, cho nên ta nói rằng chúng tồn tại, nhưng không phải tồn tại bằng tự bản thể của chúng."
Ngài đã đọc qua bản văn và nêu bật sự liên quan đến mười hai liên kết của duyên khởi, "Không có vô minh, không có sự chấm dứt vô minh, vân vân cho đến không có già và chết, cũng không có sự đoạn tận của già và chết".
Ngài hỏi, nếu quý vị hiểu được tính không, quý vị sẽ có thể loại bỏ được những sở tri chướng hay không? Câu trả lời là ‘Không’; vì để loại bỏ được điều này thì cần phải có sự tích lũy công đức và trí tuệ. Sau đó Ngài giải thích rõ điều đó bằng cách hồi hướng trao đi những công đức mà bạn tích lũy được. Nhưng bạn cần phải trao đi với động cơ được thúc đẩy bởi khát khao đạt được sự giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh, cho đến khi nào không gian còn tồn tại, với tầm nhìn xa rộng như thế, sẽ tạo nên công đức vô cùng to lớn. Và công đức to lớn đó sẽ giúp quý vị đoạn trừ được những sở tri chướng.
Bồ Đề Tâm - tâm khao khát mãnh liệt đạt được Phật quả vì lợi ích của tất cả chúng sinh - là điều đáng chú ý. Nó đối trị lại thái độ ái trọng tự thân, cũng như làm giảm bớt quan niệm sai lầm về bản thân của con người (nhân) và hiện tượng (pháp). Nếu bạn có một trái tim nhân ái nồng hậu, thì động lực của bạn sẽ trong sáng. Hoàn cảnh bất lợi sẽ chuyển hóa thành điều kiện thuận lợi.
Bồ Đề Tâm mang lại hạnh phúc tạm thời trong ngắn hạn và hạnh phúc tối hậu về lâu dài dẫn đến giác ngộ. Phương pháp sâu sắc nhất để rèn luyện Bồ Đề Tâm là thực hành hạnh bình đẳng và hoán đổi giữa bản thân mình và người khác. Điểm chính yếu của pháp hành này là tưởng tượng bạn đang gánh lấy những đau khổ của người khác và hiến dâng những hạnh phúc của mình cho họ.
Trong cuốn ‘Nhập Bồ Tát Hạnh’ của mình, Ngài Tịch Thiên đã tán thán sự thực hành mạnh mẽ này như sau:
“Đối với người không thực sự hoán đổi hạnh phúc của mình
Cho những khổ đau của bao nhiêu người khác;
Thì chắc chắn cảnh giới Phật họ sẽ không bao giờ đạt;
Mà ngay cả trong luân hồi cũng sẽ chẳng thể nào vui." (8/131)
Ngài đã chỉ ra các tiến trình của Đạo lộ được thể hiện như thế nào qua thần chú của ‘Bát Nhã Tâm Kinh’:
- “Gaté gaté” - tiến qua, vượt qua - chỉ ra con đường tích lũy (tư lương đạo), mà chúng ta đạt được bằng kinh nghiệm ban đầu về Bồ Đề Tâm, và con đường chuẩn bị (gia hành đạo) gắn liền với sự hiểu biết ban đầu về tánh Không.
- “Paragaté” - tiến vượt qua bờ bên kia - diễn tả về con đường của cái thấy (kiến đạo), tuệ giác sâu sắc đầu tiên về tánh Không và sự thành tựu của Bồ Tát Sơ Địa.
- “Parasamgaté” - tiến triệt để sang bờ bên kia - biểu thị con đường thiền định (thiền đạo) và sự thành tựu các Bồ Tát Địa tiếp theo.
- “Bodhi svaha” - (vô học đạo) - được thành lập trong sự giác ngộ - biểu thị cho việc đặt nền tảng của sự giác ngộ hoàn toàn.
Ngài nhắc lại rằng để đạt được Phật quả, mỗi ngày chúng ta cần phải làm quen với Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về tính Không. Ngài thông báo rằng Ngài sẽ thực hiện một buổi lễ phát Bồ Đề Tâm vào ngày mai.
Người nêu câu hỏi đầu tiên hôm nay đã hỏi rằng liệu chúng ta có thể trở nên bám chấp hơn đối với bản thân trong quá trình tu hành hay không. Ngài trả lời rằng, tình cảm dành cho chính chúng ta xảy ra một cách tự nhiên và theo bản năng. Ngài nhận xét rằng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nhìn thấy mình có tiềm năng đạt đến sự hoàn hảo, nên Ngài đã tích lũy công đức và trí tuệ trong ba A tăng kỳ kiếp. Thánh Asanga, vì niềm đam mê giúp đỡ người khác, cho nên đã thực hành thiền định rất lâu về Đức Di Lặc - người mà Ngài có linh kiến và đã được thọ giáo lý với Vị ấy. Ngài cũng là một trường hợp mà sự bám chấp với mục tiêu có thể được coi là đồng nghĩa với lòng từ bi.
Đề cập đến mối quan hệ với một người bạn tâm linh, Ngài đã trích dẫn lời tuyên bố của Jé Tsongkhapa trong ‘Đại Luận về các giai trình của Đạo lộ’, rằng những người muốn thuần hóa người khác thì trước tiên phải thuần hóa được chính mình. Một bậc Thầy cần phải có kỷ luật và phải đạt được sự thành tựu trong bối cảnh của ba sự rèn luyện về Tam Vô Lậu Học: Giới, Định, Tuệ.
Ngài lưu ý rằng để đền đáp lòng tốt của các bậc Thầy, đặc biệt nếu bạn không còn ở bên họ nữa, thì bạn cần phải thực hành những gì họ đã dạy. Nhớ lại những lời dạy của họ, suy ngẫm và thiền định về chúng, đồng thời tích hợp những gì mà bạn đã được dạy vào ngay trong chính mình.
Trả lời cho một nghệ sĩ đã hỏi rằng - liệu có tác phẩm nghệ thuật nào khiến cho Ngài đặc biệt cảm động hay không; Ngài nói rằng tác phẩm nghệ thuật mà Ngài cảm thấy tuyệt vời nhất là vũ khí hạt nhân - nó có sức hủy diệt khủng khiếp. Ngài cũng đề cập đến máy bay. Ngài nói rõ rằng, chúng ta không thể nói rằng nghệ thuật hay công nghệ là không cần thiết, nhưng giá trị của chúng phụ thuộc vào cách mà chúng được sử dụng như thế nào. Nếu nghệ thuật và công nghệ được sử dụng để hủy diệt những người khác thì thật là đáng tiếc. Nếu sự sáng tạo được thúc đẩy bởi một trạng thái tiêu cực của tâm thức thì kết quả sẽ là vô ích.
Ngài tiếp tục nói rằng điều mà tất cả chúng ta muốn và cần là tình cảm. Vì vậy, nếu nghệ thuật truyền cảm hứng cho mọi người thể hiện lòng tốt và tình cảm với nhau thì thật là tuyệt vời. Vì tất cả chúng ta đều tồn tại nhờ vào lòng tốt của người khác, cho nên sẽ rất tuyệt vời nếu như các tác phẩm nghệ thuật truyền cảm hứng cho chúng ta để đáp lại lòng tốt và tình cảm của nhau.
Nhận xét về các phương pháp thiền định khác nhau, Ngài gợi ý rằng nếu chỉ đơn giản rút lui những suy nghĩ của tâm thức mà không trau dồi bất kỳ sự suy tư nào, thì sẽ không giúp ích gì cho việc giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Vì thái độ ái trọng tự thân đã mang lại cho chúng ta sự hủy hoại và nhận thức sai lầm về sự tồn tại cố hữu của chúng sinh và sự vật, cho nên chúng ta cần phải phát triển sự hiểu biết rõ ràng về thực tại và học cách trưởng dưỡng sự quan tâm đến người khác. Ngài gợi ý rằng sự tập trung và thiền định về vô niệm sẽ không hoàn thành những mục tiêu này. Ngài nhắc lại tầm quan trọng của việc trau dồi Bồ Đề Tâm và sự hiểu biết về thực tế.
Buổi giảng kết thúc với câu nói của Ngài, "Hẹn gặp lại vào ngày mai.